Lĩnh án vì phá rối ANTT nhằm chống lại chính quyền nhân dân
Cuối giờ chiều cùng ngày, tòa đã tuyên phạt Nguyễn Hoàng Quốc Hùng 9 năm tù giam, Đỗ Thị Minh Hạnh và Đoàn Huy Chương, mỗi người 7 năm tù giam.
Đoàn Huy Chương, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng và Đỗ Thị Minh Hạnh
Sinh năm 1985, cư trú tại tỉnh Đồng Nai, Chương là con trai của Đoàn Văn Diên. Được Nguyễn Công Bằng, kẻ đã đẻ ra cái tổ chức phản động gọi là "đảng vì dân" ở Mỹ, móc nối, Đoàn Văn Diên lôi kéo nhân tình là Trần Thị Lệ Hồng (bí danh Nguyễn Thị Lệ Hồng) cùng Đoàn Huy Chương (bí danh Nguyễn Tấn Hoành), gia nhập "đảng". Để chứng minh thực lực nhằm xin tiền của Nguyễn Công Bằng, giữa tháng 6/2006, Diên dẫn Lệ Hồng và Chương đến một khu đất vắng thuộc huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai, dùng điện thoại di động trả lời phỏng vấn của Đài Phát thanh Á châu tự do (RFA). Cuộc phỏng vấn này do Trịnh Ngọc Anh, là tay chân đắc lực của Nguyễn Công Bằng, thiết kế.
Lúc trả lời những câu hỏi của RFA, Đoàn Huy Chương xưng tên là Nguyễn Tấn Hoành, rồi "nổ" rằng, để đối phó với Cơ quan An ninh Việt Nam, nên đây là buổi phỏng vấn cực kỳ bí mật, được tiến hành trong một khu rừng hoang vắng, có nhiều thành viên quốc nội của "đảng vì dân" canh gác cẩn mật. Nội dung các câu hỏi và câu trả lời đều nhằm mục đích vu khống, xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam.
Đầu tháng 7/2006, Đoàn Văn Diên nhận được 6 nghìn USD do Nguyễn Công Bằng, Trịnh Thị Ngọc Anh gửi về, để mua điện thoại di động, máy vi tính, máy in, in truyền đơn tán phát, tuyên truyền cho "đảng vì dân". Tuy nhiên, Đoàn Văn Diên đã dùng phần lớn số tiền này để cùng Lệ Hồng ăn chơi, du hí. Nhằm đánh lừa Nguyễn Công Bằng, Diên báo cáo láo, là mình đã in xong truyền đơn, dự định sẽ rải ở Quốc lộ 20, khu vực Tân Vạn, tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Dương. Tiếp theo, Diên xin Nguyễn Công Bằng cho thêm tiền để thực hiện kế hoạch.
Nhưng đợi mãi chẳng thấy Nguyễn Công Bằng gửi tiền, tháng 10/2006, Đoàn Văn Diên lấy bí danh là Hoàng Thanh Thủy, bắt liên lạc với Đỗ Thành Công, kẻ cầm đầu tổ chức "đảng dân chủ nhân dân" ở Mỹ, rồi cung cấp cho Công một bản danh sách "ma" mà theo Diên, là "những người Diên đã móc nối được". Lập tức, Đỗ Thành Công phong cho Đoàn Văn Diên làm "khu bộ trưởng" của "đảng dân chủ nhân dân", Đoàn Huy Chương - tức Nguyễn Tấn Hoành là "bí thư dân chủ nhân dân" tỉnh Đồng Nai, đồng thời gửi cho Diên tổng cộng 3 nghìn USD để Diên lập "hiệp hội đoàn kết công nông". Trong "hiệp hội" này, Đoàn Huy Chương giữ chức... đại diện người lao động!
Giữa tháng 11/2006, Đoàn Văn Diên, Trần Thị Lệ Hồng, Đoàn Huy Chương tổ chức in truyền đơn tại nhà trọ số 319/26 đường Lạc Long Quân, quận 11, TP HCM theo mẫu do Đỗ Thành Công gửi sang bằng e-mail, nội dung kêu gọi công nhân đình công, phá nhà máy, hủy hoại tài sản của chủ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vốn nước ngoài để tạo dư luận xấu, gây tâm lý hoài nghi cho các nhà đầu tư.
1h sáng ngày 14/11/2006, khi đang rải truyền đơn tại khu vực xã Hưng Thịnh, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai, cả bọn bị bắt với toàn bộ tang vật. Ra tòa, Đoàn Văn Diên bị xử phạt 4 năm tù giam, Trần Thị Lệ Hồng 3 năm tù, Đoàn Huy Chương 18 tháng tù.
Tháng 5/2008, Đoàn Huy Chương được tha. Những tưởng anh ta sẽ từ bỏ con đường sai trái. Nhưng không, ngựa quen đường cũ, Chương lại tiếp tục tìm cách liên lạc với những tổ chức người Việt lưu vong, chống Cộng cực đoan ở nước ngoài, để chống phá đất nước.
Đoàn Huy Chương và Trần Ngọc Thành. |
Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, sinh năm 1981 tại Tiền Giang, cư trú tại số nhà 14/12 đường Bến Chương Dương, phường Cầu Kho, quận 1, TP HCM, làm nghề sửa chữa máy vi tính. Hùng đã từng bị Công an TP HCM lập biên bản cảnh cáo về hành vi cấu kết với một số đối tượng chống đối chính trị, khiếu kiện cực đoan, gây rối trật tự công cộng.
Đỗ Thị Minh Hạnh, sinh năm 1985 tại Lâm Đồng, cư trú tại tổ 2, khu 5, thị trấn Di Linh, tỉnh Lâm Đồng. Cũng như Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đỗ Thị Minh Hạnh đã từng bị Cơ quan An ninh gọi hỏi, răn đe về hành vi câu kết với một số đối tượng chống đối ở trong nước nhưng chứng nào tật nấy, Hạnh vẫn tiếp tục hoạt động, tiếp tục giữ mối liên lạc với các ổ nhóm phản động người Việt ở nước ngoài.
Xung quanh vụ rải truyền đơn ở Trà Vinh
Ngày 28/1/2010, tại khuôn viên Nhà máy giày da Mỹ Phong thuộc huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh, xuất hiện một cuộc đình công, nêu yêu sách về tiền lương, chế độ lao động với hàng trăm công nhân tham dự mà trong đó, nhiều phần tử quá khích đã có những hành vi gây mất trật tự an ninh, làm giao thông ách tắc. Cuộc biểu tình kéo dài mãi đến ngày 3/2/2010, thì lãnh đạo nhà máy, tổ chức Công đoàn và chính quyền địa phương mới giải quyết được.
Suốt thời gian diễn ra cuộc biểu tình, lẫn lộn trong số công nhân, có 3 người gồm 2 nam - một tự xưng là Chín, một là Hoàng và một nữ, tự xưng là Ngọc Anh. Cả 3 người ngoài việc quay phim, chụp hình cảnh biểu tình, họ còn có những lời lẽ kích động công nhân, xúi giục công nhân gây rối, đập phá tài sản nhà máy.
Trong khi cuộc đình công đang diễn ra, thì rạng sáng ngày 31/1 và ngày 1/2/2010, trên Quốc lộ 60, trước cửa Nhà máy giày da Mỹ Phong, xuất hiện khoảng 2 nghìn tờ truyền đơn của một tổ chức mang tên "Phong trào lao động Việt", nội dung kêu gọi công nhân đình công, biểu tình. Chưa hết, cũng vào lúc rạng sáng ngày 9/2/2010, tại 24 điểm thuộc 8 phường, xã của 5 quận, huyện là quận Tân Bình, quận Bình Tân, quận 10, quận Tân Phú và huyện Bình Chánh, TP HCM, lực lượng dân phòng, quần chúng đã phát hiện và thu giữ rồi nộp cho cơ quan chức năng trên 3 nghìn tờ truyền đơn, in trên khổ giấy A5 với tiêu đề "Lời kêu gọi ngàn năm Thăng Long", nội dung kích động người dân chống lại Đảng, Nhà nước, kêu gọi "đấu tranh để đòi dân chủ", do tổ chức mang danh "Ủy ban phối hợp hành động vì dân chủ", thực hiện. Đặc biệt hơn nữa, phía dưới tờ truyền đơn, có ghi tên 4 tổ chức khủng bố, phản động, gồm "Việt tân", "tập hợp vì công lý", "đảng dân chủ nhân dân" và "Ủy ban bảo vệ người lao động Việt Nam".
Vẫn cùng ngày nói trên, tại Đồng Nai, Công an tỉnh cùng giáo dân Kim Thượng, Phát Hải - xã Gia Kiệm, và giáo xứ Bạch Lâm - xã Gia Tân 2, huyện Thống Nhất đã phát hiện, thu giữ trên 1.500 tờ truyền đơn phản động, với hình thức, nội dung giống y như những tờ truyền đơn đã được rải tại TP HCM.
Cái giá phải trả
Sau khi xảy ra những vụ rải truyền đơn, căn cứ vào tang vật thu được cùng quá trình xác minh, Cơ quan An ninh Việt Nam nhận định "Phong trào lao động Việt" là tổ chức đứng ra thực hiện những vụ này. Qua lời tường thuật, mô tả mặt mũi, tướng người, cách ăn nói..., của nhiều công nhân, của chủ nhà trọ đã cho "Chín", "Hoàng", "Ngọc Anh" thuê phòng, đối chiếu với đặc điểm nhân dạng, Cơ quan An ninh Việt Nam xác định người tên là "Chín", xuất hiện trước, trong và sau cuộc đình công của công nhân Nhà máy da giày Mỹ Phong, chính là Đoàn Huy Chương.
Ngày 12/2/2010, Đoàn Huy Chương bị bắt. Tiến hành khai thác, Chương khai ra đối tượng có bí danh là Hoàng, là Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, còn đối tượng nữ bí danh "Ngọc Anh", tên thật là Đỗ Thị Minh Hạnh.
Nghe tin Đoàn Huy Chương bị bắt, Hạnh cùng Hùng biến mất. Tuy nhiên, bằng sự cảnh giác cao độ của quần chúng nhân dân, kết hợp với các biện pháp nghiệp vụ, Cơ quan An ninh đã bắt được cả Hạnh lẫn Hùng khi Hạnh đang ẩn náu lại Lâm Đồng, còn Hùng trốn ở Đồng Nai.
Bên cạnh đó, vẫn theo kết quả điều tra, xác minh và lời thú nhận của Đoàn Huy Chương, Cơ quan An ninh bắt tiếp Đoàn Huy Tâm, sinh năm 1979 tại Đồng Nai, cư trú tại thôn 9, xã Tân Lâm, thị trấn Di Linh, tỉnh Lâm Đồng, là anh ruột của Đoàn Huy Chương và đồng thời cũng là người đã trực tiếp rải truyền đơn tại Gia Kiệm, Gia Tân 2, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai ngày 9/2/2010. Tang vật thu giữ gồm 1 máy tính xách tay, 2 máy in, 2 xe máy, 4 điện thoại di động, 1 máy quay phim dưới dạng cây bút cùng nhiều tài liệu phản động.
Có thể thấy trong vụ việc này, thông qua Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đỗ Thị Minh Hạnh và Đoàn Huy Chương, bọn cầm đầu các tổ chức chống Cộng cực đoan ở nước ngoài như Trần Ngọc Thành, Nguyễn Công Bằng, Đỗ Thành Công, Trịnh Thị Ngọc Anh..., đã lợi dụng các vấn đề còn thiếu sót trong chế độ lao động, tiền lương của công nhân ở một số khu công nghiệp để tổ chức mạng lưới tuyên truyền, kích động công nhân biểu tình, phá hoại máy móc, nhà xưởng, tài sản.
Nguyễn Hoàng Quốc Hùng tại tòa. |
Quá trình điều tra của Cơ quan An ninh Việt Nam đã cho thấy, các tổ chức phản động này còn được sự giúp sức của "Quỹ quốc gia yểm trợ dân chủ" (gọi tắt là NED), "Trung tâm quốc tế về đấu tranh bất bạo động" (ICNC), ở Mỹ, và "Trung tâm ứng dụng chiến lược, hành động bất bạo động" (CANVAS) ở Serbia, mà mục đích là cung cấp tài chính, kỹ thuật chuyên môn cho các nhóm người Việt lưu vong hải ngoại, để những nhóm ấy triển khai "lộ trình dân chủ hóa cho Việt Nam" theo 3 bước, trong đó có bước "kích động quần chúng trong nước nổi dậy đòi tự do, dân chủ, nhằm thay đổi thể chế chính trị ở Việt Nam".
Thực hiện "lộ trình" này, từ ngày 28 đến 29/12/2009, 4 tổ chức phản động lưu vong người Việt, gồm "Việt Tân", "đảng dân chủ nhân dân", "tập hợp công lý" và "Ủy ban bảo vệ người lao động Việt Nam", đã tụ họp nhau tại Malaysia để thành lập liên minh với danh xưng "Ủy ban phối hợp hành động vì dân chủ", nhằm tiến hành các hoạt động trong nước, trước mắt là tán phát tài liệu phản động, kích động quần chúng - nhất là giới công nhân tại các khu công nghiệp đình công, biểu tình, phá rối an ninh trật tự, chống lại chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước rồi dần dà công khai hóa lực lượng để phá hoại Đại hội Đảng các cấp, tiến đến phá hoại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và cuộc bầu cử Quốc hội lần thứ XII.
Để xây dựng cơ sở hạt nhân trong nước, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng và Đỗ Thị Minh Hạnh đã được Trần Ngọc Thành, kẻ cầm đầu "Ủy ban bảo vệ người lao động Việt Nam" đưa sang Malaysia đào tạo, huấn luyện, rồi từ ngày 28/1 đến ngày 9/2/2010, Trần Ngọc Thành đã chỉ đạo Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đỗ Thị Minh Hạnh, Đoàn Huy Chương và Đoàn Huy Tâm thực hiện các vụ kích động biểu tình, rải truyền đơn ở Trà Vinh, Đồng Nai, TP HCM.
Thủ đoạn hoạt động của Chương, Hùng, Hạnh là dùng bí danh khi tiếp xúc, dùng mạng Internet và điện thoại di động để liên lạc với bọn cầm đầu ở nước ngoài, dùng máy tính xách tay, máy in cá nhân để soạn thảo, in ấn truyền đơn. Chúng thường xuyên thay đổi chỗ ở, lợi dụng đêm khuya - từ 2h đến 5h sáng để rải truyền đơn tại các khu dân cư, khu công nghiệp, sau đó chụp hình đưa lên mạng Internet và trả lời phỏng vấn của báo, đài nước ngoài nhằm khuếch trương thanh thế.
Đối tượng mà chúng nhắm tới là giới thanh niên, sinh viên, học sinh, công nhân. Dùng tiền bạc để mua chuộc, hứa hẹn sẽ đưa ra nước ngoài học tập, lao động, chúng lợi dụng những mâu thuẫn giữa công nhân và lãnh đạo các công ty, xí nghiệp - nhất là các công ty, xí nghiệp vốn nước ngoài để lôi kéo, xúi giục công nhân đình công, biểu tình, bạo loạn.
Do những hành vi này, Tòa án nhân dân tỉnh Trà Vinh đã tuyên phạt Nguyễn Hoàng Quốc Hùng 9 năm tù giam, Đỗ Thị Minh Hạnh và Đoàn Huy Chương mỗi người 7 năm tù giam