Nhận diện tội phạm lừa đảo trong lĩnh vực việc làm:

Mất bạc tỷ vì “chạy biên chế”

16:10 31/08/2017
Công việc ổn định, thu nhập tốt, không bị áp lực, có lương hưu... Đó là những suy nghĩ vốn ấn định trong đầu người dân về biên chế công chức Nhà nước. Chính vì vậy, một trong những mục tiêu của nhiều gia đình có con em tốt nghiệp đại học là tìm mọi cách để “chạy” vào biên chế Nhà nước.

Sức hút của “biên chế công chức” chính là một trong những nguyên nhân khiến tội phạm lừa đảo trong lĩnh vực việc làm gia tăng với số tiền chiếm đoạt là rất lớn khi tâm lý của không ít gia đình sẵn sàng bỏ ra một khoản chi phí không nhỏ cho việc lo lót, chạy chọt này...

Từ tờ “quyết định tuyển dụng” đầy lỗi chính tả...

Một trong những nạn nhân từng mất tiền vì “chạy biên chế” công chức là chị Nguyễn Thị Phương T. (35 tuổi, ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, chị tốt nghiệp chuyên ngành kế toán - tài chính nhưng chưa xin được việc làm ổn định. Mơ ước được làm công việc chuyên môn tại một đơn vị nhà nước là mong muốn không chỉ của riêng chị mà của nhiều người.

Chính vì vậy, khoảng đầu năm 2016,  thông qua các mối quan hệ, chị T. quen bà Trần Thị Kim Phương (52 tuổi, trú tại tổ 17 phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, Hà Nội). Bà Phương khoe có nhiều mối quan hệ, có khả năng xin việc vào các cơ quan nhà nước, những vị trí tốt vừa có mức lương cao, công việc lại nhàn nhã, không gò bó.

Biết chị T. đang có nguyện vọng tìm kiếm công việc tài chính ngân hàng thuộc biên chế nhà nước, bà Phương chủ động liên lạc, nói có người quen làm lãnh đạo trường Đại học Ngoại thương Hà Nội. Bà Phương đảm bảo sẽ xin cho chị T. vào làm việc tại Phòng Tài chính - Kế toán của trường với “giá” là 630 triệu đồng.

Tìm hiểu thấy một vài người nói bà Phương trước đó đã làm công việc tuyển sinh và xin việc được cho một số người, lại thấy người phụ nữ này có địa chỉ nhà rõ ràng, chị T. tin tưởng nên quyết định bàn với chồng gom góp toàn bộ số tiền tích lũy được và vay mượn thêm người thân, bạn bè cho đủ số tiền như bà Phương yêu cầu. Ngày 4-3-2016, chị T. đã giao số tiền 630 triệu đồng cho bà Phương và được bà này viết một giấy biên nhận với nội dung “vay tiền”.

Bà Phương nói sẽ tiến hành ngay thủ tục lo lót, chị T. chuẩn bị tinh thần để đi làm. Khoảng một tháng sau, chị T. mừng run người khi bà Phương đưa cho 1 bản photo “Quyết định về việc tuyển dụng cán bộ” số 571/QĐ-ĐHNT ngày 12-3-2016, có nội dung tuyển dụng chị T. vào làm việc tại Phòng Tài chính - Kế toán trường Đại học Ngoại thương, có hiệu lực từ ngày 5-4-2016.

Bà Phương thông báo do là người nhà lãnh đạo trường nên được lấy trước bản quyết định tuyển dụng photo để chị T. yên tâm thu xếp công việc, gia đình. Khi nào phía tuyển dụng gọi điện, chị T. sẽ đi làm chính thức.

Hai đối tượng lừa đảo “chạy biên chế” Vương Thúy Nga và Lê Thị Bích Hạnh trước vành móng ngựa.

Tuy nhiên từ khi nhận bản photo quyết định, đợi cho đến ngày quyết định có hiệu lực rồi qua một thời gian, chị T. vẫn không thấy phía nhà trường liên lạc hay có thông báo gì. Cảm thấy có điều bất thường, chị T. tìm gặp bà Trần Thị Kim Phương, yêu cầu bà ta dẫn đi gặp gỡ những người có trách nhiệm “thi hành quyết định” để hỏi rõ ngọn ngành sự chậm trễ này.

Bà Phương quanh co nói rằng nhà trường chưa sắp xếp xong công tác tổ chức cán bộ, nhưng vì chỗ bà Phương nhờ vả là lãnh đạo nhà trường nên họ làm trước quyết định tuyển dụng này, coi như “quyết định xí chỗ” để người khác không chen được vào. Bà Phương động viên chị T. chịu khó chờ đợi thêm một thời gian nữa sẽ được gọi đi làm việc. Sau khi tham khảo ý kiến của những người đã và đang làm việc tại các cơ quan nhà nước, thấy những điều giải thích của bà Phương không đúng với quy trình tuyển dụng cán bộ, chị T. quyết định đến trường Đại học Ngoại thương, mang theo tờ “quyết định tuyển dụng” để hỏi cho rõ ràng.

Tại đây, chị T. mới ngã ngửa vì thực tế nhà trường không ban hành văn bản, quyết định nào về việc tuyển dụng chị Nguyễn Thị Phương T. Gần 1 năm trời đi lại đòi tiền, chị T. mới chỉ được bà Phương trả lại 70 triệu đồng, hiện còn 560 triệu đồng không có khả năng thanh toán.

Sau này khi tố giác sự việc tới cơ quan Công an, chị Nguyễn Thị Phương T. mới biết, cùng thời điểm nhận “chạy việc” cho chị T., bà Trần Thị Kim Phương cũng nhận “chạy” cho con gái bà Nguyễn Thị Hương (ở Hà Nội) vào làm việc tại trường Đại học Ngoại thương bằng tờ quyết định tuyển dụng có số công văn giống y chang như quyết định đã đưa cho chị Phương T.

Theo đó, thông qua các mối quan hệ xã hội, biết bà Hương có cô con gái là Nguyễn Thị Thảo (27 tuổi) mới tốt nghiệp đại học chuyên ngành ngoại ngữ nhưng đang làm việc không đúng với chuyên môn đào tạo, có nguyện vọng muốn xin vào làm tại một cơ quan nhà nước phù hợp với trình độ, bà Trần Thị Kim Phương lập tức đứng ra nhận “bảo lãnh” giúp con gái bà Hương.

Bà Phương khoe có con trai đang công tác trong lực lượng vũ trang, có quan hệ ngoại giao tốt, có thể xin cho con gái bà Hương vào khoa Quan hệ quốc tế Đại học Ngoại thương. Bà Phương cũng gợi ý rằng do tình hình biên chế vào nhà trường rất khó khăn nên “lệ phí” để chạy biên chế là 800 triệu đồng. Tin tưởng bà Phương và con trai nên dù đó là số tiền rất lớn nhưng nghĩ con gái sẽ được vào làm việc tại một môi trường làm việc tốt, có khả năng phát triển nên bà Hương đồng ý.

Ngay trong ngày 14-3-2016, theo yêu cầu của bà Trần Thị Kim Phương, bà Hương đã chuyển vào tài khoản của con dâu bà Phương số tiền 150 triệu đồng, theo bà Phương là để “gặp gỡ, đặt vấn đề” với chỗ xin việc. Vài ngày sau, bà Phương thông báo phía tuyển dụng đã đồng ý nên yêu cầu bà Hương phải đưa ngay số tiền còn lại để “lấy quyết định tuyển dụng”.

Ngày 18-3, bà Hương đến nhà riêng bà Phương tại tổ 17 phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, chuyển nốt số tiền 650 triệu đồng.

Chỉ 3 ngày sau, ngày 21-3-2016, Trần Thị Kim Phương thông báo “đã xong xuôi mọi việc” và đưa cho bà Hương bản photo “Quyết định về việc tuyển dụng cán bộ” số 571/QĐ-ĐHNT của trường Đại học Ngoại thương ngày 16-3-2016 có nội dung tuyển dụng chị Nguyễn Thị Thảo (con gái bà Hương) vào làm việc tại Khoa Quan hệ quốc tế, kể từ ngày 18-4-2016.

Cũng giống như trường hợp chị T., bà Phương nói phía nhà trường sẽ liên lạc thông báo ngày đi làm khi thu xếp xong công tác tổ chức. Ban đầu, gia đình bà Hương hết sức vui mừng vì không ngờ việc “chạy biên chế” cho con gái lại nhanh chóng và suôn sẻ như vậy. Thế nhưng khi bình tĩnh lại, đọc kỹ nội dung “quyết định tuyển dụng”, bà Hương thấy “có cái gì đó sai sai” khi bản quyết định mắc khá nhiều lỗi chính tả, những chữ viết hoa vô tội vạ không đúng với ngữ pháp.

Kiểm tra biết quyết định tuyển dụng này là giả mạo, bà Hương yêu cầu bà Phương phải trả lại 800 triệu đồng. Gặp phải kẻ lừa đảo nên cái sự đòi tiền của bà Hương cũng không dễ dàng chút nào. Sau nhiều lần đi lại khổ sở để đòi lại tiền của chính mình, bà Hương mới được Trần Thị  Kim Phương trả theo kiểu nhỏ giọt tổng cộng 275 triệu đồng, hiện còn nợ 525 triệu đồng không biết đến bao giờ mới lấy lại được.

“Cơn khát” biên chế công chức và bài học “tiền mất tật mang”

Sau khi nhận đơn tố cáo của những bị hại, Cơ quan CSĐT Công an quận Hoàng Mai đã tiến hành xác minh, điều tra và khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với bà Trần Thị Kim Phương về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Ngoài những trường hợp nêu trên, quá trình điều tra vụ án, Cơ quan CSĐT tiếp tục nhận được nhiều đơn tố cáo của người bị hại về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bà Trần Thị Kim Phương.

Theo đó, từ năm 2014 đến 2016, bà Phương đã tự quảng cáo khả năng “chạy biên chế” vào bất cứ cơ quan nào theo nguyện vọng của người khác và giá xin việc cũng tăng giảm tùy theo “độ hot” của nơi xin việc. “Cơn khát” biên chế công chức đã khiến không ít người tin tưởng mù quáng vào khả năng “chạy” việc của Trần Thị Kim Phương nên đã dễ dàng trao cả mớ tài sản vào tay người đàn bà không nghề nghiệp này.

Như ông Hoàng Văn Sơn (ở Hoài Đức) đã chuyển cho Phương 840 triệu đồng để xin cho con gái vào Bệnh viện 108; chị Hoàng Thị Tình (ở quận Đống Đa) nộp cho bà Phương 450 triệu đồng với hi vọng xin cho chồng vào làm việc tại Hải quan Hà Nội; bà Nguyễn Thị Hường (ở quận Thanh Xuân) chuyển 450 triệu đồng cho bà Phương để xin cho con trai vào Bộ Quốc phòng; bà Nguyễn Thị Nhung (ở quận Thanh Xuân) nộp 590 triệu đồng để xin cho con trai vào Thanh tra Chính phủ...

Đến nay, có tổng số 10 bị hại đã làm đơn tố cáo hành vi lừa đảo của Trần Thị Kim Phương tới cơ quan điều tra với tổng số tiền bị chiếm đoạt bước đầu là trên 6,5 tỷ đồng.

Tại cơ quan Công an, Trần Thị Kim Phương khai nhận thực chất không có khả năng và cũng không có mối quan hệ nào để có thể xin việc vào các cơ quan, tổ chức. Tuy nhiên bà Phương vẫn “nổ” có quen biết, quan hệ rộng, có thể “chạy biên chế công chức” để lừa đảo, chiếm đoạt tiền của những người có nhu cầu xin việc.

Theo khai nhận của bà Phương thì trước đây, do có thời gian làm cộng tác viên tuyển sinh cho một trường trung cấp trên địa bàn Hà Nội, bà ta có quen biết một số phụ nữ chuyên “chạy biên chế”. Số tiền chiếm đoạt được, Phương sử dụng để chuyển một phần cho số phụ nữ trong đường dây “chạy biên chế” này, trả một phần cho người bị hại khi bị đòi tiền, trả nợ cá nhân và chi tiêu hết, đến nay không có khả năng thanh toán.

Cơ quan điều tra cũng đã xác minh tại trường Đại học Ngoại thương cho thấy tại đơn vị này không có Khoa Quan hệ quốc tế và Phòng Tài chính - Kế toán, nhà trường cũng không ban hành văn bản Quyết định tuyển dụng cán bộ số 571/QĐ-ĐHNT như 2 văn bản photo mà Trần Thị Kim Phương đã sử dụng để lừa đảo. Hiện, cơ quan điều tra đang tiếp tục làm rõ nguồn gốc những quyết định tuyển dụng giả mạo này.

Tờ “quyết định tuyển dụng” giả mạo do bà Phương sử dụng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Vì sao mọi người lại có thể tin một phụ nữ thất nghiệp có khả năng “chạy biên chế” như vậy? Chúng tôi đã đặt câu hỏi với một số bị hại của bà Trần Thị Kim Phương.

Theo bị hại cho biết, sở dĩ họ tin tưởng và trao cho bà Phương hàng trăm triệu đồng để “chạy việc” cho con cháu như vậy bởi bà Phương có con trai công tác tại lực lượng vũ trang, có nhà cửa địa chỉ rõ ràng. Mỗi khi nhận tiền, bà Phương đều viết giấy biên nhận. Trong quá trình nói chuyện, bà Phương khoe có rất nhiều quan hệ “VIP”.

Để chứng minh mối quan hệ này là có thật, thỉnh thoảng bà Phương lại bấm điện thoại, gọi cho lãnh đạo một số cơ quan (do bà Phương tự giới thiệu như vậy) để hỏi thăm xem những trường hợp mà bà Phương đã xin việc cho trước đó hiện nay ra sao. Chỉ một cú điện thoại mà người nhận không biết là ai như vậy nhưng đã tạo dựng được niềm tin đối với bị hại rằng bà Phương đã xin việc thành công cho rất nhiều người.

Được biết thủ đoạn “dùng điện thoại gọi cho lãnh đạo các cơ quan” để chứng minh quan hệ như kiểu của Trần Thị Kim Phương đã được nhiều đối tượng lừa đảo xin việc áp dụng thành công. Trước đó,  Phòng PC46 Công an TP Hà Nội từng khám phá đường dây chuyên lừa đảo “chạy” biên chế vào các bệnh viện lớn trên địa bàn Hà Nội do 2 “nữ quái” không có việc làm là Lê Thị Bích Hạnh (34 tuổi, ở phường Trương Định) và Vương Thúy Nga (42 tuổi, ở phường Vĩnh Tuy) thực hiện, chiếm đoạt trên 7 tỷ đồng của 40 người.

Thủ đoạn của Hạnh và Nga là đóng giả cán bộ, nhân viên đang làm việc tại các bệnh viện, có mối quan hệ với lãnh đạo bệnh viện và lãnh đạo Bộ Y tế nên có khả năng xin việc vào bất cứ bệnh viện nào. Hạnh và Nga chi 5 triệu đồng thuê một người “xe ôm” đóng giả Thứ trưởng Bộ Y tế và Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương để mỗi khi cần, các đối tượng gọi điện thoại, nhắn tin cho đối tượng giả danh này khiến bị hại tin tưởng và giao tiền.

Tháng 11-2016, TAND TP Hà Nội đã xét xử vụ án, tuyên phạt Lê Thị Bích Hạnh 15 năm tù giam, Vương Thúy Nga 12 năm tù giam.

Theo cơ quan điều tra, thực tế, hiện tượng tiêu cực, thiếu công khai, minh bạch trong thi tuyển công chức đã xảy ra ở một số nơi là có thật. Điều này đã khiến những người “khát” biên chế công chức nhà nước tìm đến những đối tượng trung gian để nhờ vả, chạy chọt dẫn đến bị lừa đảo.

Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội thông báo đã tiếp nhận hồ sơ vụ án Trần Thị Kim Phương (SN 1965, ở tổ 17 phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, Hà Nội) can tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Những ai là bị hại của Trần Thị Kim Phương, đề nghị liên hệ điều tra viên Dương Tuấn Huỳnh, Đội 10 Phòng Cảnh sát kinh tế (PC46) Công an TP Hà Nội để giải quyết. Địa chỉ: 40B Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Điện thoại: 0904712347.

Công Duy

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

Một nhánh cây cổ thụ dài hàng chục mét gãy đổ chắn ngang lòng đường Quốc lộ 12B thuộc thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, đã được lực lượng CSGT cùng cơ quan chức năng dọn dẹp, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

Để chứng minh năng lực kinh nghiệm của mình, Liên danh Công ty cổ phần Xây lắp Thủy sản II và Công ty cổ phần Xây dựng vận tải đầu tư kinh doanh nhà Hải Đăng đã “phù phép” biến dự án xây dựng mà liên doanh đã thực hiện có tổng trị giá khoảng 59 tỷ đồng thành dự án 147 tỷ đồng để đủ điều kiện dự thầu và sau đó trúng thầu dự án có tổng trị giá hơn 190 tỷ đồng ở huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump ngày 21/11 đã đề cử cựu Tổng chưởng lý bang Florida Pam Bondi, 59 tuổi, làm Tổng chưởng lý Mỹ, nhanh chóng thay thế cựu ứng cử viên Matt Gaetz sau khi ông này rút lui.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文