Nạn khai thác cát lậu và sự lộng hành của các băng mafia

16:22 24/07/2018
Cát tạo nên những bãi biển lấp lánh tuyệt đẹp. Thiên nhiên phải mất đến hàng trăm ngàn năm mới tạo nên được vô số hạt cát nhỏ bé quý giá cho những con sông và đáy biển. Thế nhưng, cát đang có nguy cơ biến mất dần khỏi hành tinh trước hành vi khai thác có tính tận diệt của con người. Ước tính ngành công nghiệp khai thác và kinh doanh cát trên toàn cầu trị giá hàng trăm tỷ USD mỗi năm.


Cái giá của sự bùng nổ kinh tế

Sự bùng nổ kinh tế của Singapore khiến cho quốc gia này ngày càng cạn kiệt đất trống. Do đó mà trong thời gian sau này, nhiều hoạt động khai thác cát bất hợp pháp được truy nguyên đến các công ty Singapore.

Người ta khó mà xác định được số cát buôn lậu này đi vào Singapore có do sự câu kết hay sự giả vờ không biết của chính quyền hay không, nhưng nhiều vấn đề đang đặt ra là có bao nhiêu quan chức chính quyền nắm được thông tin về số lượng cát nhập khẩu và chúng xuất phát từ đâu.

Trước đây, cát nhập khẩu chủ yếu từ nước láng giềng Malaysia trong khi nước này đã cấm xuất khẩu cát sông và cát biển cách đây hơn 10 năm. Do đó người ta phát hiện số cát phục vụ cho dự án phục hồi đất của Singapore là nhập lậu từ Malaysia. Nhưng người ta vẫn chưa có con số rõ ràng về hoạt động kinh doanh cát bất bợp pháp giữa Malaysia và Singapore.

Chờ lấy cát ở Bintan (Indonesia) để xuất khẩu sang Singapore.

Ví dụ, năm 2008, Singapore tuyên bố chỉ nhập khẩu 3 triệu tấn cát từ Malaysia – trong khi phía Malaysia đưa ra con số choáng ngợp là 133 triệu tấn cát được xuất sang Singapore bất chấp lệnh cấm xuất khẩu cát của Malaysia. Chưa biết con số này có thật sự chính xác hay không, song điều đó cho thấy rõ là một lượng cát khổng lồ của Malaysia đã nhập lậu sang Singapore.

Báo cáo trong năm 2010 của Malaysia tiết lộ 41% quan chức nước này dính líu đến một số dạng tham nhũng. Thậm chí Mohamad Khir Toyo, nguyên thống đốc bang Selangor giàu có nhất Malaysia, còn nói bóng gió rằng chính quyền đang cho thả nổi hoạt động kinh doanh cát bất hợp pháp.

Trong tháng 6-2010, một cuộc điều tra do tờ Star của Malaysia tiến hành đã phơi bày hoạt động kinh doanh cát bất hợp pháp với quy mô khủng khiếp này. Đội ngũ phóng viên của tờ báo bí mật theo dõi một công ty nạo vét lòng sông của Malaysia hoạt động trên con sông Johor, cách eo biển Singapore khoảng 80km. Công ty đã tranh thủ được giấy phép vận tải với lý do vận chuyển cát khai thác trong nước đến các cảng Tanjung Pelepas hay Danga Bay của Malaysia. Tuy nhiên, con đường ngắn đến đích buộc phải đi qua vùng nước của Singapore.

Sau khi cát được khai thác xong, những chiếc sà lan chở cát sẽ xuôi dòng đến biên giới Malaysia – Singapore đi qua trạm hải quan. Nhưng chúng thực tế không bao giờ đến đích như đã tuyên bố mà dừng lại tại cầu tàu Pulau Punggol Timur của Singapore, trình ra giấy tờ giả rồi sau đó ung dung dỡ hàng xuống.

Theo tờ Star của Malaysia, khoảng 3 triệu mét khối cát sông đi theo con đường này kể từ năm 2007 cho đến nay và đem về cho bọn buôn lậu món lời 77,8 triệu USD. Về phần mình, chính quyền Singapore thẳng thừng bác bỏ cáo buộc nước này phớt lờ hoạt động nhập khẩu cát bất hợp pháp. Mặc dù thị trường đen của Malaysia rất phát triển, nhưng nhu cầu về cát của Singapore bao giờ cũng lớn hơn bất cứ quốc gia nào khác.

Và thế là Indonesia – một quần đảo rộng lớn và trải dài hơn 17.000 hòn đảo lớn nhỏ - đảo gần Singapore nhất chỉ cách khoảng 9km về phía đông nam – cũng vội vàng nhảy vào cuộc. Chính sự tham lam vô độ này đã gây những thiệt hại không nhỏ.

Một điểm khai thác cát lậu ở Malaysia.

Như năm 1999, một số đảo đã bị khai thác căng thẳng đến mức một số kế hoạch đã được thảo ra cho việc xây dựng những con đập ngăn nước biển nhằm bảo vệ cư dân đảo trước tình trạng xói mòn quá nhanh và nước biển dâng cao.

Năm 2003, đảo Nipah (nằm trên biên giới Singapore và Indonesia) đã biến mất hoàn toàn dưới biển, và “chỉ có vài cây cọ là còn nhìn thấy được để biết nơi đó ngày xưa từng là một hòn đảo”, theo tổ chức bảo vệ môi trường Wahana Lingkungan Hidup Indonesia (WALHI).

Theo số liệu xuất khẩu của Indonesia, trong vòng 5 năm trước năm 2002, ít nhất 150 triệu tấn cát biển bị buôn lậu đến Singapore. Năm 2003, bọn buôn lậu cát đã khai thác và vận chuyển khoảng 300 triệu mét khối cát trị giá 2,5 tỷ USD. Và, năm 2007, theo gương Malaysia, Nghị viện Indonesia đã đưa ra lệnh cấm xuất khẩu cát sông và cát biển.

Trong vòng gần 10 năm qua, thêm 24 đảo nhỏ của Indonesia được tin là đã biến mất dưới lòng đại dương. Mặc dù chính quyền Indonesia cương quyết dập tắt mọi hoạt động khai thác và buôn lậu cát, song xem ra quá dễ ăn cắp cát từ vùng bờ biển dài hàng ngàn km mà không hề có sự bảo vệ nào từ chính quyền Indonesia.

Bọn ăn cắp lựa chọn những địa điểm hẻo lánh để cho những thiết bị khai thác cát cồng kềnh và nặng nề không dễ bị phát hiện, và chúng nhanh chóng làm việc dưới sự che chở của bóng đêm. Chúng có thể quay trở về Singapore một cách an toàn trong vài giờ.

Hiện tại, thị trường kinh doanh cát bất hợp pháp đang làm giàu nhanh chóng cho một số người. Với nền kinh tế bùng nổ, Singapore hứa hẹn sẽ là quốc gia đứng đầu thế giới về phát triển bền vững khu vực đô thị. Nhưng để có sự hứa hẹn này, đầu tiên Singapore phải chấp nhận một sự thật khó có thể chấp nhận được – đó là nạn tham nhũng và sự phá huỷ môi trường mà các quốc gia láng giềng phải hứng chịu.

Khai thác cát trái phép đang lan rộng khắp thế giới

Mọi vật liệu xây dựng then chốt như bê tông, gạch và kính – tất cả đều phải sử dụng cát. Sau nước, cát phục vụ cho nhu cầu sống và phát triển của con người. Hàng tỷ tấn cát đang được sử dụng trong xây dựng trên toàn cầu. Cát đang trở thành mặt hàng quý giá được khai thác ở châu Phi để bán sang các quốc gia Arập giàu có.

Một tàu hút cát hoạt động ngoài khơi Tiwi, Kenya.

Theo một báo cáo đánh giá của Liên Hiệp Quốc (LHQ), số lượng cát trên toàn cầu được sử dụng chỉ riêng trong năm 2012 đủ để xây một bức tường bê tông cao 27 mét và rộng 27 mét bao bọc quanh xích đạo. Thực tế hiển nhiên là cát dùng trong xây dựng chủ yếu có nguồn gốc từ những lòng sông và đại dương.

Trong khi đó, cát trong sa mạc lại quá mịn không thích hợp để pha trộn thành những khối bê tông vững chãi. Những dự án xây dựng khổng lồ nhanh chóng làm cạn kiệt lượng cát biển ở Dubai. Bất chấp là thành phố biển được xây dựng… trên cát, Dubai hiện đang phải nhập khẩu cát từ Australia. Nhu cầu sử dụng cát đến mức vô độ của con người đã cướp đi kế sinh nhai của nhiều người, làm mất cân bằng sinh thái và thậm chí giết chết những con sông.

Ở Ấn Độ, thị trường đen mặt hàng cát xây dựng đang bùng nổ dẫn đến sự hình thành những băng nhóm “mafia cát” cực kỳ bạo lực gây ra cái chết cho hàng chục người và làm bị thương hàng trăm người khác trong những năm gần đây. Và ở Israel có cả một băng nhóm mafia quản lý vùng bờ biển để khai thác cát. Còn tại Trung Quốc, hồ nước ngọt lớn nhất đất nước – Hồ Bà Dương (Poyang Lake) tọa lạc tại tỉnh Giang Tây – đang dần khô cạn do nạn cát tặc lộng hành liên tục nạo vét lòng hồ.

Hàng trăm người dân địa phương sống dựa vào nghề đánh bắt cá ở Hồ Bà Dương cũng như hàng triệu con chim di trú đáp xuống khu vực hồ vào mỗi năm. Những lòng sông đầy ắp cát bị khai thác triệt để khắp châu Phi phục vụ cho nhu cầu xây dựng đang tăng vọt với mức độ khủng khiếp – điều đó có nghĩa là những con sông đang bị giết chết dần mòn. Ở Kenya, bọn cát tặc hút cát vô tội vạ từ những lòng sông thuộc các vùng nghèo khó như Makueni khiến cho một số cộng đồng dân cư thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.

Với tương lai dân số sẽ tăng gấp đôi trong vòng 40 năm tới, những dự án hạ tầng cơ sở quy mô như tuyến đường sắt chở khách và vận chuyển hàng hóa nối liền thủ đô Nairobi và thành phố cảng Mombasa dài 472,3km gọi là Standard Gauge Railway (SGR) là rất cần thiết.

Dĩ nhiên, chính quyền Kenya cần đến hàng triệu tấn cát để phục vụ cho dự án SGR. Những vùng bờ biển và con sông nằm sâu trong nội địa của Kenya bị cát tặc khai thác triệt để trong những năm gần đây và Makueni là nơi gánh chịu hậu quả năng nề nhất. Ví dụ, nhiệt độ trong suốt năm ở Makueni tăng vọt hơn 35 độ C.

Theo từng mùa, những con sông đầy cát chảy uốn khúc qua vùng đất khô cằn. Vào mùa mưa, nước thấm vào lớp cát và được trữ lại. Đến mùa khô hạn, dân số gần 1 triệu người ở Makueni đào những cái hố to trên cát để lấy nước dùng trong sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, cát tặc đã biến những lòng sông cát thành tầng đá nền và sang mùa mưa thì nước không còn giữ lại được.

Không có nước, con sông không còn tồn tại nữa. Đó là trường hợp của con sông Kilome Ikome ở Makueni. Một người dân địa phương tên là Anthony nói: “Chúng tôi gọi đó là con sông chết. Không ai lấy được nước từ con sông này nữa”. Trong khi ngày xưa, con sông này vẫn đầy nước và cát.

Đối với một số người, cát là sự sống. Đối với số người khác, cát đơn giản là… tiền! Tại vùng nghèo khó như Makueni, người dân phải tự cứu lấy mình. Sĩ quan cảnh sát địa phương Geoffrey Kasyoki nổi tiếng trong cộng đồng của ông là người dũng cảm chiến đấu chống lại bọn cát tặc.

Tháng 2-2011, Kasyoki bị một nhóm thanh niên tấn công và giết chết ngay giữa ban ngày ban mặt. Mọi người đều biết hung thủ chính là bọn cát tặc. Người vợ góa Irene cho biết: “Anh bị giết chết vì dám ngăn chặn bọn cát tặc”.

Thống đốc bang Makueni, Kivuthu Kibwana, thừa nhận một số sĩ quan cảnh sát còn tham gia kinh doanh cát với bọn cát tặc. Cuộc chiến tranh giành cát còn diễn ra cực kỳ đẫm máu giữa các băng nhóm cát tặc ở Makueni. Cát tặc đã biến vùng bãi biển cát xinh đẹp Tiwi của Kenya – nơi tiếp đón du khách và cũng là nơi làm tổ của rùa biển - biến mất.

Trang Thuần (tổng hợp)

Từ 15h ngày 2/5, giá xăng dầu được điều chỉnh tăng giảm không đáng kể, theo đó, giá xăng E5RON92 giảm 8 đồng/lít; xăng RON95-III tăng 40 đồng/lít; giá dầu giảm 110 đồng- 142 đồng/lít.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Công an tỉnh Thái Nguyên đã triển khai kế hoạch cao điểm cấp Căn cước công dân (CCCD) gắn chip, đến ngày 27/5/2023 đã hoàn thành cấp 100% CCCD gắn chip cho những người đủ điều kiện (sớm hơn 65 ngày so với chỉ đạo của Bộ). Qua "mục sở thị" những mô hình điểm về chuyển đổi số tại Thái Nguyên, tôi nhận thấy CCCD gắn chip đã trở thành một phần tất yếu, thiết thực phục vụ người dân, doanh nghiệp, mà hai mô hình điểm thể hiện rõ nhất là: "Khám chữa bệnh sử dụng thẻ CCCD và VNeID" và "Triển khai tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT".

Đồng chí Đại tá Đậu Bá Thư, sinh ngày 26/3/1935, nguyên Trưởng phòng 2, Cục A14, Tổng cục An ninh (nay là Cục An ninh đối ngoại - Bộ Công an); huy hiệu 60 năm tuổi đảng; được tặng thưởng Huy chương chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba...

17 xe chữa cháy và hơn 100 cán bộ chiến sĩ tham gia dập tắt đám cháy tại Công ty TNHH Xuất nhập khẩu King Fish (phường Phước Long B, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh). Trong lúc dập lửa, 2 cán bộ chiến sĩ chữa cháy bị ngạt khói, được đưa vào viện cấp cứu, hiện tình trạng đã ổn định…

Ngày 2/5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tống đạt các quyết định khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú, khám xét nơi ở và nơi làm việc đối với ông Phạm Minh An (SN 1964, Giám đốc Sở Y tế tỉnh) về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu qua nghiêm trọng". 

Do lâm bệnh nặng, mặc dù đã được các bác sỹ tận tình cứu chữa, gia đình quan tâm chăm sóc nhưng đồng chí Đặng Thị Cẩm Thúy đã từ trần hồi 15h 20 ngày 01/5/2024 (nhằm ngày 23 tháng 3 năm Giáp Thìn) tại Bệnh viện 198 - Bộ Công an.

Vào khoảng 2h30 ngày 2/5, một vụ hỏa hoạn đã thiêu rụi hoàn toàn một kho chứa phế liệu rộng khoảng 500 m2 tại ấp An Hoà, xã An Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang.

Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (TMĐT&KTS, Bộ Công Thương) đề nghị người dùng phát hiện website bán sản phẩm Detox Táo hỗ trợ giảm cân thì thông báo cho Cục TMĐT&KTS để Cục có biện pháp xử lý.

Công an các đơn vị, địa phương đã tập trung triển khai phương án bảo đảm ANTT các hoạt động kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Ngày Quốc tế lao động và các hoạt động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5), chấp hành nghiêm túc chế độ trực ban, trực chiến bảo đảm quân số ứng trực, nắm chắc tình hình, triển khai thực hiện có hiệu quả các phương án bảo đảm ANTT, TTATGT, phòng, chống cháy, nổ...

Dưới cái nắng oi bức của mùa hè cộng thêm gió Lào khô rát khiến người ta ở trong nhà hay dưới bóng râm vẫn cảm thấy khó chịu, thế nhưng hơn 1 tháng nay, CBCS Công an Điện Biên vẫn luôn thường trực 24/24 tại các nút giao thông, các điểm di tích lịch sử và nơi diễn ra các hoạt động, sự kiện hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Những việc làm của các anh góp phần quan trọng đảm bảo an ninh, an toàn cho các đồng chí lãnh đảo Đảng, Nhà nước, các sự kiện và du khách thập phương đến với Điện Biên.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文