Nghi vấn hãng Pfizer yêu sách trong cung cấp vaccine COVID-19 cho Mỹ Latin

11:48 12/03/2021
Mới đây, Cục điều tra báo chí Anh (BI) đã tiết lộ việc hãng Pfizer bị cáo buộc đã “bắt nạt” các chính phủ khu vực Mỹ Latin trong những đàm phán về vaccine COVID-19, cũng như hãng này đã yêu cầu một số quốc gia sử dụng các tài sản có chủ quyền, chẳng hạn như những tòa nhà đại sứ quán và các căn cứ quân sự, như một bảo đảm chống lại phí tổn của bất kỳ trường hợp kiện tụng nào có thể xảy ra trong tương lai.

“Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc bằng vaccine”

Do đã ký thỏa thuận bảo mật với hãng Pfizer nên giới chức tại Argentina và các nước Mỹ Latin khác sẽ không được nêu tên, và họ phàn nàn rằng những nhà đàm phán của hãng dược này yêu cầu một khoản phí bổ sung chống lại bất kỳ các khiếu nại dân sự nào nếu người dân nộp đơn khi bị gặp phải những tác động bất lợi sau khi được tiêm chủng. Ở Argentina và Brazil, Pfizer yêu cầu những tài sản có chủ quyền phải được đưa vào tài sản thế chấp cho bất kỳ án phí kiện tụng nào trong tương lai. Các nhà vận động chiến dịch cảnh báo về một “sự phân biệt chủng tộc bằng vaccine” trong đó những quốc gia phương Tây giàu có sẽ được chủng ngừa một số năm rồi mới tới lượt các nước nghèo hơn.

Giờ đây các chuyên gia pháp lý lo lắng rằng những đề nghị của hãng Pfizer có thể là một hành vi mới của lạm quyền. Giáo sư Lawrence Gostin, Giám đốc Trung tâm hợp tác quốc gia và luật Y tế thế giới thuộc Tổ chức Y tế Thế giới, phát biểu: “Các tập đoàn dược phẩm không nên lạm quyền nhằm giới hạn việc cứu người ở các nước thu thập thấp và trung bình, mà đây chính xác là việc mà họ đang làm. Không nên sử dụng biện pháp bảo vệ để chống lại trách nhiệm pháp lý kiểu như “thanh gươm Damocles treo trên đầu các quốc gia tuyệt vọng với người dân kiệt quệ”. Pfizer đã đàm phán với hơn 100 quốc gia và các tổ chức đa quốc gia về các hợp đồng cung cấp vaccine với 9 quốc gia ở Mỹ Latin và vùng Vịnh Caribe gồm: Chile, Colombia, Costa Rica, Cộng hòa Dominica, Ecuador, Mexico, Panama, Peru và Uruguay. Điều khoản trong các giao dịch này được giữ bí mật.

Ông Ginés González Garcia, cựu Bộ trưởng Y tế Argentina bức xúc: “Pfizer đã cư xử không đúng mực với Argentina”. Ảnh nguồn: Clarin.

BI dẫn lời tuyên bố của hãng Pfizer: “Trên bình diện toàn cầu, chúng tôi cũng đã phân bổ các liều vaccine cho những quốc gia có mức thu thập thấp và trung bình với mức giá phi lợi nhuận, bao gồm một thỏa thuận mua trước vaccine với hãng Covax nhằm cung cấp khoảng 40 triệu liều trong năm 2021. Chúng tôi cam kết cho các nỗ lực hỗ trợ nhằm cung cấp cho các nước đang phát triển với cùng cách tiếp cận đối với phần còn lại của thế giới”. Pfizer từ chối bình luận về các đàm phán riêng tư đang diễn ra. Phần lớn các quốc gia đang đề nghị bồi thường (miễn trách nhiệm pháp lý) cho các nhà sản xuất vaccine mà họ đang mua. Điều này có thể hiểu rằng nếu bất kỳ công dân nào bị tác dụng phụ sau khi chủng ngừa thì họ có thể đâm đơn kiện nhà sản xuất và nếu vụ kiện thành công thì chính phủ sẽ bồi thường. Ở một số nước, người dân cũng có thể đòi bồi thường thông qua một số cấu trúc cụ thể mà không cần đến tòa án.

Trong nhiều trường hợp, các tác dụng rất hiếm gặp và không thể hiện ra trong các giai đoạn thử nghiệm lâm sàng, nhưng nó trở nên rõ ràng hơn khi hàng trăm ngàn người được tiêm vaccine (ví dụ như vaccine cúm H1N1 năm 2009 thì cuối cùng có liên quan đến chứng ngủ rũ). Vì các nhà sản xuất đã phát triển vaccine khá nhanh chóng, mà cũng bởi vì nó bảo vệ người dân trong xã hội, thế nên các chính phủ thường nhất trí bồi thường chi phí. Tuy vậy, giới chức chính phủ ở Argentina và một quốc gia khác đã phàn nàn với BI rằng đề nghị của Pfizer đã vượt xa các hãng dược khác, thậm chí vượt xa cả Covax (một tổ chức được thành lập nhằm đảm bảo cho các quốc gia có mức thu nhập thấp có thể tiếp cận vaccine, cũng như yêu cầu các thành viên bồi thường cho nhà sản xuất). Điều này vô hình trung tạo nên gánh nặng cho một số quốc gia khi họ phải bỏ tiền thuê luật sư chuyên môn và đôi khi phải thông qua các luật mới phức tạp, do đó mà trách nhiệm của nhà sản xuất có thể được miễn trừ.

Pfizer yêu cầu bồi thường thêm về các trường hợp dân sự, có nghĩa là tập đoàn này sẽ không phải chịu trách nhiệm về những tác động bất lợi hiếm gặp của bệnh nhân sau khi chủng ngừa, hoặc đối với các hành vi sơ suất, gian lận hoặc ác ý của chính hãng này. Điều này phải xét đến tính thực tiễn của Pfizer, chẳng hạn như hãng này gửi nhầm vaccine hoặc tạo ra nhầm lẫn trong thời gian sản xuất vaccine.

Tiến sĩ Mark Eccleston Turnes, một giảng viên về luật y tế toàn cầu tại Đại học Keele (Newcastle, Anh) cho hay rằng Pfizer và các hãng dược phẩm khác đã nhận ngân sách chính phủ để nghiên cứu và phát triển vaccine, và giờ đây họ đang đẩy những chi phí về tác dụng phụ gây bất lợi trở lại cho chính phủ, bao gồm các quốc gia thu nhập thấp và trung bình. (Đối tác của Pfizer là BioNTech đã được Chính phủ Đức cấp ngân sách 445 triệu USD để phát triển ra vaccine và Chính phủ Mỹ đã nhất trí một thỏa thuận hồi tháng 7-2020 với đơn hàng 100 triệu liều vaccine trị giá gần 2 tỷ USD, trước khi vaccine bước vào giai đoạn thử nghiệm thứ 3. Pfizer dự kiến sẽ bán một lượng vaccine trị giá 15 tỷ USD trong năm 2021).

Các thùng lạnh dùng để bảo quản vaccine COVID-19 của hãng Pfizer trong nhà máy ở Kalamazoo (Michigan, Mỹ) Ảnh nguồn: NPR.

Yêu sách phi lí của Pfizer ở Mỹ Latin

Theo TS Eccleston-Turner thì có vẻ như hãng Pfizer “đang cố gắng thu về lợi nhuận cao nhất và giảm tối đa rủi ro trong mọi thời điểm của quá trình phát triển vaccine cho đến khi triển khai nó. Hiện tại việc phát triển vaccine đã nhận được rất nhiều khoản trợ cấp, vô hình trung sẽ có rất ít rủi ro khi các hãng dược tham gia vào”. Khi BI xem xét một báo cáo của Bộ Y tế Brazil thì nhận thấy rằng những cuộc họp ban đầu với Pfizer đều đầy hứa hẹn rồi nhanh chóng trở nên chua chát. Bộ Y tế Argentine đã bắt đầu đàm phán với Pfizer từ tháng 6-2020 và Tổng thống Alberto Fernández đã có cuộc họp với CEO chi nhánh Argentina của Pfizer vào tháng sau đó. Trong những cuộc họp sau đó, Pfizer liên tục yêu cầu được bồi thường chi phí cho các trường hợp kiện cáo dân sự phát sinh trong tương lai.

Dù đòi hỏi của Pfizer chưa từng có tiền lệ so với trước đây nhưng Quốc hội Argentina đã thông qua luật mới vào tháng 10-2020 cho phép khoản bồi thường đó. Theo một quan chức từ phủ Tổng thống Argentina thì có vẻ Pfizer chưa hài lòng lắm với cách diễn giải của luật mới. Chính phủ Argentina tin rằng Pfizer nên có trách nhiệm pháp lý cho bất kỳ hành động sơ suất hoặc ác ý nào. Nhưng Pfizer không đồng tình. Liền đó Chính phủ Argentina đã bổ sung vào luật hiện có để làm rõ khái niệm “sơ suất” nghĩa là những trục trặc trong việc phân phối và chuyển giao vaccine, nhưng Pfizer vẫn chưa thỏa mãn. Hãng dược này yêu cầu Chính phủ Argentina phải bổ sung luật thông qua một nghị định mới và lần này Tổng thống Fernández đã từ chối.

Một quan chức trong Chính phủ Argentina tuyên bố: “Argentina có thể bồi thường cho các tác dụng phụ của vaccine, nhưng không có cửa nếu Pfizer mắc sai lầm. Lấy ví dụ, chuyện gì sẽ xảy ra nếu Pfizer bị gián đoạn dây chuyền lạnh của vaccine (nhiệt độ vận chuyển và bảo quản đều phải -70 độ C)… và có người dân muốn kiện hãng? Sẽ không công bằng cho nước tôi phải gánh thay lỗi cho Pfizer. Những cuộc đàm phán sau đó trở nên căng thẳng hơn, thay vì nhượng bộ một số điểm thì Pfizer càng đỏi hỏi quá quắt hơn”. Ngoài những thay đổi trong luật mới, Pfizer còn yêu cầu Argentina phải mua bảo hiểm quốc tế để trang trải cho các vụ khiếu kiện dân sự trong tương lai chống lại hãng (các nước khác cũng đối mặt với tình trạng này trong thời gian bùng phát dịch H1N1).

Kịch tính hơn khi vào cuối tháng 12-2020, Pfizer bất ngờ đưa ra một yêu cầu gây bất ngờ: Chính phủ Argentina phải đưa các tài sản có chủ quyền bao gồm dự trữ ngân hàng liên bang, các tòa nhà đại sứ quán hoặc những căn cứ quân sự làm… tài sản thế chấp. Một quan chức giấu tên cho biết: “Chúng tôi được yêu cầu trả tiền trước để nhận hàng triệu liều vaccine, chúng tôi chấp nhận bảo hiểm quốc tế, nhưng yêu cầu cuối cùng thì quá bất thường, Pfizer yêu cầu các tài sản có chủ quyền của Argentina cũng là một phần của sự hỗ trợ pháp lý. Nó là một đòi hỏi quá đáng khi tôi nghe các khoản nợ nước ngoài đang được thương lượng, và chúng tôi đã bác bỏ ngay lập tức”. Thất bại trong đàm phán có nghĩa là người dân Argentina sẽ không tiếp cận được với vaccine của Pfizer, và họ quay sang sử dụng vaccine Sputnik V của Nga, vaccine của AstraZeneca và những loại vaccine khác được chuyển giao qua Covax.

Những lọ vaccine BNT162b2 tại nhà máy sản xuất của Pfizer ở Kalamazoo (Michigan, Mỹ) Ảnh nguồn: The New York Times.

Chính phủ Argentian cũng đang đàm phán mua các loại vaccine từ Moderna, Sinopharm và CanSino. Ông Ginés González Garcia, cựu Bộ trưởng Y tế Argentina, bức xúc: “Pfizer đã cư xử không đúng mực với Argentina, đó là sự thiếu khoan dung rất lớn đối với chúng tôi”. (Ông González Garcia đã từ chức sau khi có những cáo buộc rằng những nhân vật VIP đã bật đèn xanh để mua vaccine trước). Tại Brazil, ngoài những yêu sách tương tự như ở Argentina thì Pfizer còn đưa ra yêu cầu ngân sách bảo đảm với các khoản tiền gửi tại các tài khoản ngân hàng nước ngoài. Tháng 1-2021, Bộ Y tế Brazil đã từ chối.

Vì hãng Pfizer chỉ có 2 tỷ liều vaccine COVID-19 được bán trên khắp thế giới nên rõ ràng công ty này đang áp dụng chính sách “ai đến trước, phục vụ trước” và vì thế hãng cũng áp đặt nhiều yêu cầu để khiến các quốc gia thu nhập trung bình phải bỏ cuộc. Một trong các lý do khiến các chính phủ muốn có vaccine Pfizer là bởi vì công ty này khẳng định rằng các lô hàng sẽ được chuyển giao nhanh chóng. Tuy vậy trong hợp đồng, Pfizer lại muốn bảo lưu quyền sửa đổi lịch trình giao hàng. Một quan chức giấu tên nói với BI: “5 năm tới khi những thỏa thuận bảo mật này kết thúc, lúc đó quý vị sẽ biết chuyện gì đã thực sự xảy ra trong các thương lượng đó”.

Trong khi đó, Pfizer trả lời với BI: “Pfizer và BioNTech nhấn mạnh cam kết làm việc với các chính phủ và những bên liên quan khác nhằm đảm bảo khả năng tiếp cận công bằng và hợp lý đối với vaccine COVID-19 của chúng tôi cho người dân trên thế giới”.

Nguyễn Thanh Hải (Tổng hợp)

Đêm 21/11 rạng sáng 22/11, các tổ công tác của Đội CSGT số 6 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) triển khai lực lượng tuần tra, xử lý xe quá tải lưu thông trên địa bàn đơn vị quản lý. Nhiều trường hợp vi phạm đã bị phát hiện xử lý, cánh tài xế “méo mặt” bởi mức phạt nặng.

Để chứng minh năng lực kinh nghiệm của mình, Liên danh Công ty cổ phần Xây lắp Thủy sản II và Công ty cổ phần Xây dựng vận tải đầu tư kinh doanh nhà Hải Đăng đã “phù phép” biến dự án xây dựng mà liên doanh đã thực hiện có tổng trị giá khoảng 59 tỷ đồng thành dự án 147 tỷ đồng để đủ điều kiện dự thầu và sau đó trúng thầu dự án có tổng trị giá hơn 190 tỷ đồng ở huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump ngày 21/11 đã đề cử cựu Tổng chưởng lý bang Florida Pam Bondi, 59 tuổi, làm Tổng chưởng lý Mỹ, nhanh chóng thay thế cựu ứng cử viên Matt Gaetz sau khi ông này rút lui.

Ngày 21/11, phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (cựu Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil - Xuyên Việt Oil), cùng 14 đồng phạm về những sai phạm nghiêm trọng liên quan đến lĩnh vực kinh doanh xăng dầu tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi của đại diện VKS và các luật sư. 

Liên quan đến vụ việc nhóm học sinh vi phạm giao thông trên đường Nguyễn Trãi được Báo CAND đăng tải, chiều 21/11, Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội CSGT-TT Công an quận Thanh Xuân đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cùng phụ huynh và các em học sinh.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文