Những chiêu trò lừa đảo bán hàng online

14:55 28/03/2017
Thời gian qua, thương mại điện tử phát triển mạnh nên việc mua bán hàng tiêu dùng trên mạng ngày càng phổ biến và thành thói quen của nhiều người không có thời gian đi mua sắm. Bên cạnh các tiện ích do thương mại điện tử mang lại thì việc mua bán online cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro bởi môi trường mạng là mảnh đất màu mỡ cho một số đối tượng hoạt động lừa đảo, lợi dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản của khách hàng...

Vạch mặt kẻ lừa đảo trên mạng

Ngày 24-3, Đội 3 Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về công nghệ cao (PC50) Công an TP Hà Nội cho biết, đơn vị vừa phối hợp Công an quận Đống Đa khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Trịnh Xuân Bách (35 tuổi, ở phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội) về tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” theo Điều 226b Bộ luật hình sự.

Theo tài liệu của Cơ quan công an, khoảng đầu năm 2016, Trịnh Xuân Bách đi mua hàng trên phố Hàng Giấy (Hà Nội), biết chủ một cửa hàng có người nhà là anh Chu Anh Tuấn, hiện sinh sống tại Cộng hòa liên bang Đức, có thể mua hàng gia dụng tại Đức chuyển về Việt Nam. Bách đã chủ động liên hệ với anh Tuấn thỏa thuận hợp tác kinh doanh theo cách anh Tuấn chuyển hàng từ Đức về Việt Nam cho Bách, còn Bách có nhiệm vụ tìm nguồn tiêu thụ, bán hàng. Việc thanh toán tiền hàng sẽ được Bách chuyển vào tài khoản ngân hàng của người nhà anh Tuấn  tại Việt Nam.

Sau đó, Bách lập tài khoản có tên “Bim Bim” để tham gia diễn đàn “Thanh niên xa mẹ” trên trang web www.tathy.com/thanglong, quảng cáo bán các sản phẩm đồ bếp, đồ gia dụng xuất xứ từ Đức để bán cho các thành viên tham gia diễn đàn trên. Đến tháng 5-2016, do Bách không thanh toán tiền 1 lô hàng nên phát sinh mâu thuẫn, anh Tuấn chấm dứt việc hợp tác, không chuyển hàng về Việt Nam cho Bách nữa.

Không có nguồn cung cấp hàng nhưng Bách vẫn sử dụng tài khoản “Bim Bim” trên diễn đàn “Thanh niên xa mẹ” để đăng thông tin bán hàng gia dụng Đức nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tiền của người mua.

Bước đầu cơ quan điều tra làm rõ, Trịnh Xuân Bách đã lừa đảo một số khách hàng như sau: Tháng 6-2016, sau khi xem quảng cáo bán hàng của Bách trên diễn đàn “Thanh niên xa mẹ”, anh Đinh Thế Hùng ở quận Ba Đình, Hà Nội liên hệ với Bách đặt mua 1 tủ lạnh, 1 máy giặt nhãn hiệu Bosch do Đức sản xuất. Bách báo giá 85 triệu đồng, yêu cầu anh Hùng đặt cọc trước 50 triệu đồng, chuyển tiền vào tài khoản của Bách.

Cảnh sát công nghệ cao bắt giữ một đối tượng lừa đảo bán hàng qua mạng.

Sau khi nhận tiền, Bách hẹn đến tháng 8-2016, hàng sẽ vận chuyển về đến Việt Nam. Đến hẹn, Bách bịa ra lý do hàng đang bị giữ tại kho hải quan, yêu cầu anh Hùng đưa thêm 10 triệu đồng để Bách đi làm thủ tục lấy hàng ra trả cho anh Hùng. Tin tưởng việc Bách bán hàng là thật nên anh Hùng đã trả thêm 10 triệu đồng. Tuy nhiên nhận tiền xong, Bách tìm cách lẩn trốn.

Một nạn nhân khác của Bách là anh Văn Viết Hoàng ở quận Long Biên cho biết, tháng 8-2016, đọc thông tin bán hàng gia dụng của Bách trên diễn đàn, anh Hoàng đã liên hệ đặt mua 4 bộ bếp từ do Đức sản xuất. Bách trả lời đến tháng 9-2016, hàng mới vận chuyển về Việt Nam và yêu cầu anh Hoàng phải đặt cọc trước. Anh Hoàng đã chuyển tổng cộng 55 triệu đồng vào tài khoản của Bách nhưng đến hẹn cũng không được Bách giao hàng và tìm cách trốn tránh.

Sau khi nhận đơn trình báo của hai bị hại nêu trên, Đội 3 Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC50) Công an TP Hà Nội đã làm rõ chủ tài khoản “Bim Bim” lừa đảo bán hàng trên là Trịnh Xuân Bách. Tại Cơ quan công an, Bách khai sau khi nhận tiền đặt cọc mua hàng của anh Hoàng và anh Hùng, đã sử dụng chi tiêu cá nhân hết.

Trước đó, Đội 4 Phòng PC50 Công an Hà Nội cũng đã phối hợp Công an quận Hà Đông khởi tố bị can đối với Đỗ Thị Mai (SN 1994) ở phường La Khê, quận Hà Đông về hành vi lừa đảo bán hàng qua mạng xã hội Facebook. Cơ quan điều tra làm rõ Mai lập và quản trị một số fanpage để kinh doanh nhiều mặt hàng tiêu dùng như sữa bột, đồ chơi, mỹ phẩm..., trong đó có fanpage “Thế giới đồ tập gym xuất khẩu”, kèm theo số điện thoại liên hệ.

Tháng 7-2016, qua mạng xã hội Facebook, chị Nguyễn Thị Mỹ Loan liên hệ với Mai đặt mua 61 bộ đồ thể thao với tổng tiền hàng trên 8 triệu đồng. Mai yêu cầu chị Loan phải thanh toán tiền trước mới chuyển hàng. Tuy nhiên sau khi nhận tiền của chị Loan gửi qua tài khoản, Mai không chuyển hàng và xóa fanpage, hủy số điện thoại để xóa dấu vết. Cơ quan điều tra đã khởi tố Đỗ Thị Mai theo Điều 226b Bộ luật hình sự.

Người mua cần cảnh giác

Theo đồng chí Lê Khắc Trường, Đội phó Đội 4 PC50 Công an Hà Nội, hành vi lừa đảo bán hàng online xảy ra chủ yếu ở các mặt hàng như quần áo, mỹ phẩm, túi xách, điện thoại, đồ gia dụng... với nhiều thủ đoạn khác nhau.

Lập các trang bán hàng không rõ nguồn gốc, đăng bán các mặt hàng có giá ưu đãi so với các trang bán hàng uy tín, nhận tiền đặt hàng của người mua qua tài khoản nhưng sau đó lại chuyển hàng kém chất lượng hoặc không đúng như đơn đặt hàng cho người mua. Thông thường các đối tượng thường đặt sản xuất gia công trong nước theo mẫu mã trên mạng, hoặc mua sản phẩm chất lượng kém, giá rẻ từ nước ngoài đưa về Việt Nam đóng gói lại, giả làm hàng xách tay để bán giá cao.

Kiểu bán hàng “treo đầu dê bán thịt chó” này khiến không ít chị em dở khóc dở cười khi đặt mua hàng thời trang. Do giá trị hàng không cao nên khi xảy ra chuyện bị lừa, phần lớn người mua đành ấm ức “ngậm bồ hòn” vì chỉ biết đối tượng trên mạng, không biết tìm ở đâu, và cũng ngại kiện cáo sẽ mất thời gian.

Kiểu lừa phổ biến khác là lập nhiều tài khoản bán hàng online trên mạng xã hội, copy hình ảnh các sản phẩm trên các trang bán hàng có uy tín rồi đăng thông tin giảm giá “sốc” để thu hút người mua, yêu cầu người mua phải chuyển tiền trước để giữ hàng, nếu không sẽ hết. Chiêu trò giảm giá là cái bẫy phổ biến khiến nhiều người vội vàng chuyển tiền và bị đối tượng chiếm đoạt.

Điển hình như cuối năm 2016, Công an TP Thanh Hóa bắt giữ đối tượng Trần Xuân Đông (21 tuổi, ở phường Đông Thọ, Thanh Hóa) đã lập và sử dụng nhiều tài khoản Facebook đăng tải, quảng cáo bán nhiều mẫu quần áo thời trang giá rẻ theo phương thức chuyển tiền trước, trả hàng sau. Các mẫu quần áo này được Đông copy trên các trang web chuyên bán hàng quần áo về. Sau khi người mua chuyển tiền, Đông chiếm đoạt, khóa tài khoản và cắt điện thoại đã sử dụng để liên hệ với khách. Với thủ đoạn này, Đông đã lừa đảo chiếm đoạt số tiền trên 400 triệu đồng của nhiều nạn nhân trên cả nước.

“Biến thể” khác của thủ đoạn này là lập một trang Facebook y chang trang bán hàng có uy tín, sao chép toàn bộ hình ảnh, thông tin của trang thật rồi dán lên trang giả mạo, kết bạn với người mua trong danh sách khách hàng trên trang thật... để lừa đảo.

Mới đây, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã tuyên phạt các mức án 5 năm và 3 năm tù đối với 2 đối tượng Nguyễn Đức Anh và Nguyễn Thế Dũng về hành vi sao chép thông tin một trang Facebook bán túi xách hàng hiệu để lừa đảo, chiếm đoạt trên 120 triệu đồng của hàng chục phụ nữ. Để lừa người mua, các đối tượng hằng ngày vào trang Facebook thật, theo dõi comment đặt hàng của người mua, nghiên cứu kỹ mối quan hệ của khách hàng đó với chủ shop, sau đó dùng tài khoản giả mạo giả làm chủ shop nhắn tin trao đổi việc mua hàng với khách, yêu cầu chuyển tiền đặt cọc vào tài khoản của chúng để chiếm đoạt.

Một kiểu lừa đảo mới xuất hiện khiến người mua tức phát điên. Đó là đối tượng đăng tin bán sản phẩm rẻ hơn khoảng 30-50% so với giá thật trên thị trường, cam kết chất lượng đảm bảo, kèm theo số điện thoại liên hệ. Khi gọi điện thoại,  đối tượng yêu cầu người mua chuyển trước khoảng 50% giá trị tiền hàng. Đến tối, bất ngờ người mua nhận được điện thoại tự giới thiệu là vợ hoặc chồng của người bán hàng, thông báo do đi vắng nên bị vợ/chồng đăng nhầm giá, thực tế giá bán cao bằng với giá trên thị trường. Vì đã trót chuyển tiền nên người mua đành phải “đâm lao theo lao”, chuyển nốt tiền để nhận sản phẩm mà mua đâu cũng được.

Giả mạo Facebook bán hàng online, các đối tượng Nguyễn Đức Anh, Nguyễn Thế Dũng đã bị xử lý nghiêm trước pháp luật.

Tinh vi nhất là thủ đoạn làm giả biên lai chuyển phát nhanh, giả làm nhân viên giao hàng để lừa đảo chiếm đoạt tiền hàng của người mua hàng online. Các đối tượng lừa đảo kiểu này khá chuyên nghiệp, hoạt động theo ổ nhóm, phân công mỗi đối tượng chịu trách nhiệm một  công đoạn trong “kịch bản” lừa.

Cục C50 Bộ Công an và PC50 Công an TP Hà Nội từng điều tra, bắt giữ 2 ổ nhóm tội phạm công nghệ cao, lừa đảo rất nhiều nạn nhân trên toàn quốc bằng thủ đoạn này. Để thu hút nạn nhân, các đối tượng đăng tin bán điện thoại iPhone đời mới giá thấp hơn nhiều so với giá đang bán trên thị trường. Sau khi người mua liên lạc, thỏa thuận việc mua bán, các đối tượng yêu cầu chuyển trước 50-70% giá trị hàng. Nhận được tiền, đối tượng làm giả hóa đơn dịch vụ chuyển phát nhanh ghi nội dung nhận chuyển điện thoại đến địa chỉ mà người mua cung cấp rồi chuyển bản ảnh chụp hóa đơn giả mạo này cho người mua.

Tiếp đó, một đối tượng đóng giả nhân viên chuyển phát nhanh, liên lạc với người mua đề nghị xác nhận địa chỉ nhận bưu phẩm và yêu cầu thanh toán nốt tiền cho bên bán mới giao hàng. Đương nhiên sau khi người mua chuyển hết tiền thì “kịch bản” lừa cũng kết thúc, các đối tượng cắt điện thoại để người mua không biết tìm chúng ở đâu.

Nhận định của cảnh sát công nghệ cao, thương mại điện tử ngày càng phát triển thì các vụ lừa đảo bán hàng qua mạng lại càng gia tăng, đặc biệt khi việc mua bán hàng đang “nở rộ” trên các trang mạng xã hội được nhiều người sử dụng như Facebook, Zalo... và các diễn đàn có số lượng đông người tham gia. Bản thân người mua không biết mặt người bán hàng nên xét về mặt tâm lý, kẻ lừa đảo thoải mái  tung hoành trên mạng mà không lo sợ bị phát giác ngoài đời.

Để có thời gian lừa nhiều người vào tròng, các đối tượng thường đăng tin quảng cáo nhận đặt hàng mua từ nước ngoài với giá rẻ, có khuyến mại nếu mua chung cả lô (chủ yếu là hàng công nghệ có giá trị cao như điện thoại, máy tính...), yêu cầu khách hàng chuyển trước tiền đặt cọc, hẹn thời gian giao hàng. Chúng sẽ tạo nhiều comment đóng giả người mua hàng, đánh giá chất lượng hàng tốt để người đọc mắc lừa. Sau khi đã “gom” đủ một số lượng người mua hàng nhất định, đối tượng xóa tài khoản và thông tin cá nhân.

Cảnh sát công nghệ cao khuyến cao, để tránh bị lừa khi mua hàng online, người mua cần kiểm tra kỹ trang web bán hàng trực tuyến bởi các trang giả mạo rất tinh vi, chỉ thay đổi 1 chữ cái so với web thật; kiểm tra các thông tin về website bán hàng đó hoặc tài khoản bán hàng đó đã bị khiếu nại hay chưa? Hạn chế mua hàng ở những trang web không có nguồn gốc rõ ràng, không có uy tín.

Để tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, người mua hàng online nên chọn những gian hàng được nhiều người biết đến như web chính hãng hoặc đại lý phân phối sản phẩm. Đối với hàng hóa có giá trị cao, cần trực tiếp kiểm tra hàng trước khi đồng ý mua, hạn chế việc nhận và chuyển hàng qua các dịch vụ vận chuyển. Khi bị lừa đảo, người mua không nên im lặng mà cần lên tiếng ngay trên các diễn đàn thương mại điện tử để  cảnh báo cho người khác cùng biết và gửi khiếu nại tới các cơ quan chức năng.

H.Vũ

Nói đến đặc công nước là nhắc đến một lực lượng đặc biệt tinh nhuệ đã đi vào huyền thoại với lối đánh thủy chiến truyền thống và độc đáo. Để trở thành những chiến sĩ đặc công nước “đặc biệt tinh nhuệ, anh dũng tuyệt vời, mưu trí táo bạo, đánh hiểm thắng lớn”, CBCS Lữ đoàn Đặc công nước 5 luôn phải đối mặt với hiểm nguy.

Trong xã hội hiện đại, “deadline” không chỉ là một cụm từ quen thuộc mà còn trở thành nỗi ám ảnh đối với nhiều người trẻ. Không ít người đã bị cuốn vào guồng quay của công việc, chạy đua với thời gian để hoàn thành nhiệm vụ, đến mức kiệt sức cả về thể chất lẫn tinh thần, thậm chí có người phải nhập viện. Khoa học gọi đây là hội chứng “burn out” (cháy sạch). Đây là một thực trạng đáng báo động, phản ánh mặt trái của lối sống và làm việc quá tải mà người trẻ đang đối mặt.

Những hạn chế, vướng mắc trong phát triển nhà ở xã hội là vấn đề đã khiến nghị trường Quốc hội “nóng” lên tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV vừa qua. Tại kỳ họp này, Quốc hội đã chính thức biểu quyết thông qua Nghị quyết về "Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội".

Đảng ủy, Ban Biên tập cùng toàn thể cán bộ, chiến sĩ, phóng viên, nhân viên Báo CAND xin gửi lời chia buồn sâu sắc tới đồng chí Đặng Thị Huyền cùng gia đình. 

Ngày 15/12, Cơ quan CSĐT Công an huyện Tuy An (Phú Yên) cho biết, đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam về tội danh “Cố ý gây thương tích” đối với Võ Duy Khang (SN 2005, trú ở xã An Cư, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên).

Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành Quyết định thu hồi không có thời hạn Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự của Công ty TNHH Security 24 (địa chỉ trụ sở tại số 238 Nguyễn Duy Hiệu, phường Đông Hương, TP Thanh Hóa) do ông Trịnh Đình Khoa, SN 1973 ở thị trấn Quý Lộc, huyện Yên Định đứng tên làm Giám đốc.

Nguồn tin từ Cơ quan CSĐT Công an huyện Sông Hinh (Phú Yên) ngày 15/12 cho biết, vừa tống đạt quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam về tội danh “Đe dọa giết người” đối với  Nguyễn Duy Tân (SN 1994, trú khu phố Bắc Lý, thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên).

Ngày 15/12, lễ hội Nhô Lir Bong (mừng lúa mới) của người Cơ Ho S’re tại huyện Di Linh (Lâm Đồng) đã được phục dựng, tái hiện trong sự hân hoan của hàng trăm người đến từ các dân tộc anh em chung sống thuận hòa trên cao nguyên Di Linh, nhân dịp Festival hoa Đà Lạt lần thứ 10 năm 2024.

Sáng 15/12, Thượng tá Trần Quang Vinh, Trưởng Công an huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk cho biết, trên địa bàn xã Tam Giang, huyện Krông Năng vừa xảy ra một vụ 3 học sinh chế tạo pháo khiến pháo phát nổ dẫn đến bị thương nặng phải nhập viện cấp cứu. Ba em học sinh bị thương gồm: L.B.H., P.C.H. và L.H.A.N. (cùng học lớp 6, Trường THCS Trần Hưng Đạo, xã Tam Giang, huyện Krông Năng).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文