Những vụ án chấn động Bangladesh

14:35 04/05/2016
Một loạt những vụ tấn công chết người ở Bangladesh trong những năm qua đã gióng lên hồi chuông báo động về bạo lực ở đất nước này và cả ở nước ngoài.

Kể từ năm 2013 có ít nhất 20 người – bao gồm người viết văn ngoại đạo, blogger, giáo sư, thành viên các cộng đồng tôn giáo thiểu số và 2 người nước ngoài - bị tước đi mạng sống một cách dã man trong số vụ tấn công được quy cho chiến binh Hồi giáo cực đoan. Tháng 4-2016, thêm 3 người khác bị sát hại chỉ trong vòng 2 ngày càng làm gia tăng mối lo sợ về hiện trạng bạo lực đang leo thang ở Bangladesh.

Nữ Thủ tướng Sheikh Hasina.

Bản danh sách mục tiêu hàng đầu được tiết lộ hồi năm 2013 nêu tên 84 “blogger vô thần”. Ban đầu, nạn nhân thuộc giới blogger hay nhà văn ngoại đạo và vô thần song hiện nay dường như chiến binh Hồi giáo cực đoan đang mở rộng danh sách mục tiêu của chúng. Hôm 23-4-2016, Rezaul Karim Siddique – giáo sư dạy tiếng Anh của Đại học Rajshahi ở miền Bắc Bangladesh - bị bọn người chạy môtô tấn công bên ngoài nhà riêng khi ông vừa rời khỏi để đến nơi làm việc.

Giáo sư Siddique là người thành lập Tạp chí văn học Kamolgandhar đồng thời muốn mở một trường dạy nhạc tại ngôi làng của ông nhằm tạo điều kiện cho sinh viên có nơi để tiến hành những hoạt động ngoại khóa. Hai ngày sau, nhân viên Đại sứ quán Mỹ Xulhaz Mannan bị giết chết bằng rìu tại nhà riêng ở Dhaka. Mannan là một trong những nhà hoạt động quyền người đồng tính và chuyển giới (LGBT) hàng đầu ở Bangladesh và chủ biên tạp chí duy nhất về cộng đồng này ở đất nước – Roopbaan.

Nhà hoạt động Tanay Mojumdar, bạn của Xulhaz, cũng bị sát hại tại Dhaka. Xulhaz và Tanay đứng đằng sau sự kiện tuần “Rainbow Rally” diễn ra vào ngày 14-4 hàng năm. Tổ chức tự xưng là “Nhà nước Hồi giáo Bangladesh” (IS ở Bangladesh) tuyên bố nhận trách nhiệm trong vụ ám sát Giáo sư Siddique.

Trong khi đó, chính quyền bác bỏ tuyên bố của IS. Bộ phận tuyên truyền của IS, gọi là Amaq, nói rõ lý do tử hình ông Siddique do giáo sư kêu gọi chủ nghĩa vô thần tại thành phố Rajshahi ở Bangladesh. Mặc dù vậy, Rizwana Hasin – con gái của ông Siddique - khẳng định cha cô thực ra không phải là người vô thần. Nhưng đối với IS, bất cứ ai có tư tưởng tự do hay hoạt động trong lĩnh vực văn hóa đều bị coi là “vô thần” hay “bội giáo”.

An ninh được siết chặt ở thủ đô Dhakar sau vụ sát hại 2 người nước ngoài năm 2015.

Bạo lực lan rộng ở Bangladesh phản ánh hiện thực cực đoan hóa đang gia tăng tại quốc gia Nam Á này, với người Hồi giáo chiếm gần 90% dân số. Vụ ám sát Xulhaz và Tanay được coi là bằng chứng về việc mở rộng danh sách “tìm và diệt” của rất nhiều nhóm chiến binh cực đoan tại Bangladesh. Thay vì chỉ đích danh hung thủ là IS hay các nhóm liên quan đến Al-Qaeda trong nước, nữ thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina buộc tội các đảng phái chính trị đối lập “liên quan đến những vụ giết người trong bí mật vì họ muốn tìm cách gây mất ổn định chính quyền và đất nước”.

Về phần mình, các đảng phái đối lập luôn bác bỏ cáo buộc từ nhà cầm quyền. Vụ tấn công 2 người nước ngoài – nhân viên cứu trợ nhân đạo người Italia Cesare Tavelle và người Nhật Bản Kunio Hoshi - hồi tháng 10-2015 cũng với cách hành hình bằng rìu hay chém đầu và sau đó IS nhận trách nhiệm.

Trong khi đó, chính quyền vẫn khẳng định không có sự hiện diện của IS ở Bangladesh mà là các nhóm cực đoan địa phương có cùng tư tưởng với IS. Cựu tướng quân đội Shakhawat Hossain, hiện là chuyên gia phân tích an ninh, lập luận: “Mỗi một nhóm hoạt động ngầm đều có chung một hệ tư tưởng và bọn chúng thường liên kết với nhau. Nhưng, tôi không chắc IS có thật sự dính líu đến những vụ giết người hàng loạt hay không”.

Hồi tháng 10-2015, một mục sư bị sát hại bằng rìu ở khu vực miền Bắc Bangladesh và sau đó cảnh sát bắt giữ 5 người - tất cả đều là thành viên nhóm bị cấm hoạt động Jamaat-ul Mujahideen - được cho là có liên quan đến án mạng. Bất chấp hàng loạt vụ giết người dã man xảy ra liên tiếp, cảnh sát Bangladesh rất ít khi thu được kết quả trong những cuộc điều tra.

Trong một trường hợp duy nhất - vụ ám sát blogger Ahmed Rajib Haider năm 2013 - cảnh sát truy tố được một người. Nhưng trong những vụ giết người khác, chẳng có ai bị pháp luật trừng phạt. Trong nhiều vụ án, cảnh sát không thể xác định được hung thủ. Nhiều nhà phân tích tin rằng cảnh sát không muốn tiến hành điều tra một cách nghiêm túc do nữ thủ tướng Sheikh Hasina có những bình luận chỉ trích cộng đồng blogger “vô thần”.

Mới đây, nữ Thủ tướng còn phát đi bình luận lạnh lùng nhấn mạnh “không thể chấp nhận được nếu bất cứ ai viết ra những câu từ chống lại nhà tiên tri của chúng ta hay các tôn giáo khác”. Từ đó, mọi người cho rằng chỉ trích của nữ Thủ tướng đối với cộng đồng blogger đã ít nhiều ảnh hưởng đến những cuộc điều tra của cảnh sát.

Di An (tổng hợp)

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Qua công tác năm địa bàn, đối tượng, Đội Cảnh sát hình sự Công an thị xã Tịnh Biên (An Giang) phát hiện có một nhóm đối tượng từ phía Bắc đến khu vực tổ 16, khóm Xuân Hoà, phường Tịnh Biên cho người dân vay tiền trả góp với lãi suất cao 10-30%/tháng. Nếu người vay không góp đúng hạn thì bị đối tượng đe dọa… 

Trưa 29/4, lực lượng tham gia chữa cháy đã cơ bản khống chế được đám cháy tại rừng tràm sản xuất Rọc Xây (ấp T4, xã Vĩnh Phú, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang) thuộc Sư đoàn 330 – Quân khu 9 quản lý, đồng thời tiếp tục tạo đường băng không cho lửa cháy lan ra các khu vực xung quanh.

Sau gần 1 năm, từ nguồn tiền hỗ trợ của Bộ Công an, hàng chục nghìn ngôi nhà tình nghĩa đã được xây dựng trên khắp cả nước. Là địa phương được hỗ trợ 1.000 căn nhà, chỉ trong thời gian khoảng 10 tháng, tỉnh Hà Tĩnh đã sớm “về đích” khi những ngôi nhà cuối cùng với thiết kế sáng tạo, linh hoạt đã cơ bản được hoàn thiện để trao tay cho người nghèo an cư, lạc nghiệp.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文