Nóng bỏng chống buôn lậu ở phao số 0

16:25 05/07/2018
Hoạt động mua bán xăng dầu thường diễn ra ngoài phao số 0, trong vùng kinh tế đặc quyền, vùng biển chồng lấn và ngay trên luồng hàng hải quốc tế. Do đó, các lực lượng chức năng của Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát Biển, Hải quân đã gặp rất nhiều khó khăn trong đấu tranh chống các hoạt động tội phạm buôn lậu giữa vùng biển bao la…

Bà Rịa - Vũng Tàu là cửa ngõ đường thủy quan trọng như yết hầu của cả khu vực Đông Nam bộ, nên mỗi ngày thường có hàng trăm ngàn lượt tàu thuyền vận chuyển hàng hóa, tàu dịch vụ dầu khí và tàu thuyền của ngư dân đánh bắt hải sản hoạt động qua lại trên các tuyến sông biển suốt ngày đêm.

Hiện nay, tình hình buôn bán, vận chuyển xăng dầu thẩm lậu trên biển đang tiếp tục gây sóng ngầm trên biển Vũng Tàu. Hoạt động buôn bán, vận chuyển xăng dầu trái phép diễn ra trên biển vô cùng phức tạp, các lực lượng chức năng như Cảnh sát Biển, BĐBP, Hải quân… rất quyết liệt đấu tranh, ngăn chặn nhưng cũng không thể tiêu trừ tận gốc được.

Cán bộ Biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trong hoạt động chống buôn lậu xăng dầu trên biển.

Đại tá Phùng Văn Hoài - Trưởng phòng PCMT&TP (Bộ đôi Biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) phân tích: Đấu tranh với tội phạm buôn lậu xăng dầu trên biển không chỉ khó khăn về địa hình, phương tiện hoạt động trên biển chưa đủ mạnh ở khu vực ngoài phao số 0, vùng đặc quyền kinh tế mà còn là chủ quan từ phía ngư dân mình mang tâm lý ham giá rẻ, tiện lợi.

Tàu chở dầu lậu thường xuyên có mặt tại mọi tọa độ theo yêu cầu giao dịch của đầu nậu móc nối với ngư dân. Hành vi bơm hút, sang dầu trái pháp luật chỉ xảy ra giữa biển khơi, rất nhanh chóng. Cơ quan chức năng không thể can thiệp được khi neo tàu giữa luồng hàng hải quốc tế hay ngoài khu vực phao số 0.

Các cơ quan chức năng cũng không thể ngăn chặn ngư dân mua dầu trên biển với giá rẻ để phục vụ đánh bắt xa bờ, phục vụ cho chuyến hải trình nhiều ngày trên biển. Lâu nay các cơ quan chức năng thường chỉ kiểm tra, bắt giữ các tàu thuyền chở dầu trong vùng biển quản lý mà không có nguồn gốc, chứng từ hàng hóa…

Theo thống kê, toàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hiện có 6.327 tàu cá, trong đó khoảng 50% số tàu thuyền có công suất từ 90CV trở lên. Trên địa bàn còn có 46 doanh nghiệp với 81 phương tiện kinh doanh, vận chuyển xăng dầu (gồm 05 doanh nghiệp đầu mối, 50 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, 07 tàu dịch vụ chuyên cung ứng xăng dầu).

Các đối tượng buôn lậu thường sử dụng tàu có công suất lớn, có gắn thiết bị ra đa, định vị, tầm soát phát hiện tàu thuyền của cơ quan chức năng từ xa để chạy tránh. Lợi dụng đêm tối, thời tiết mưa gió bất thường, họ liền cập mạn, bơm hút xăng dầu, vận chuyển vào bờ. Nhiều ngư dân trực tiếp tham gia buôn lậu sử dụng tàu thuyền mua lại từ nơi khác, giữ nguyên số hiệu và cải hoán hầm tàu, thân tàu thành những ngăn chứa dầu lậu. Khi bị cơ quan chức năng phát hiện thì chủ tàu luôn chối phăng về hành vi buôn lậu mà chỉ là chứa dầu để đánh bắt dài ngày hoặc cung cấp dịch vụ hậu cần phục vụ nghề cá…

Trung tá Hoàng Trọng Hiệp - Phó trưởng Trạm BP Bến Đá cho biết: "Không thể nào kiểm tra ngư dân ra khơi mang theo nhiều hay ít dầu”. Thuyền trưởng Nguyễn Quang Hà, chủ tàu cá BV 96149TS đang làm thủ tục ra khơi, khi hỏi chuyện mua dầu trên biển, đã không nhận, nhưng gần như chắc chắn, ra đến phao số 0, tàu này sẽ mua dầu trôi nổi.

Thượng tá Nguyễn Văn Phương - Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP tỉnh rất ưu tư về việc ngư dân trước giờ ra khơi chỉ bơm khoảng 8 -10 khối dầu, thay vì bơm từ 20-25 khối cho mỗi chuyến, sau đó họ sẽ mua dầu trôi nổi. Dầu lậu trên biển giá rẻ chỉ phân nửa, đỡ chi phí tốn kém và thời gian quay vào bờ, vào đảo để lấy thêm dầu, mua thêm thực phẩm, đá, muối…

Thượng tá Phương cho biết: từ nhiều năm qua, các đồn trạm BP cán bộ, chiến sỹ luôn tăng cường công tác tuyên truyền trong ngư dân, lao động trên biển về pháp luật biển, pháp luật VN, cũng như các hành vi tiếp tay cho hoạt động buôn lậu, phạm pháp trên biển khi sang mạn, bơm hút xăng dầu…

Việc thường xuyên kiểm tra, tuyên truyền đã thay đổi trong nhận thức của ngư dân,  tuy nhiên cũng phải tính đến các giải pháp căn cơ làm thay đổi cuộc sống, phát triển kinh tế cho ngư dân mới làm yên lòng dân lâu bền. Có hơn 30  năm trong nghề biển, ngư dân Nguyễn Văn Bạch chia sẻ: gia đình ông luôn gương mẫu chấp hành, thực hiện tốt các quy định cán bộ, chiến sỹ Trạm BP Bến Đình phổ biến.

Ngoài việc nhận thức đầy đủ đối với bản thân và các lao động trên tàu, ông Bạch còn là người hăng hái vận động, tuyên truyền trong anh em, bạn bè cùng mọi người tham gia thực hiện, chấp hành tốt pháp luật, các quy định…

Rời Vũng Tàu, chúng tôi tìm đến làng chài tỷ phú Phước Tỉnh, Phước Hải, huyện Long Điền, là nơi từng dập dìu dưới bến ghe tàu, trên bờ san sát xe ô tô đậu. Ông Hồ Văn Diên ngụ ấp Phước Thuần, Phước Tỉnh, huyện Long Điền (BRVT) là người bà con họ tộc từ Nam Định vào, sống bằng nghề biển nơi đây đã mấy đời.

Ông thẳng thắn: "Ngư dân thì ai cũng biết ít nhiều về pháp luật, quy định… nhưng ai cũng vì lợi nhuận, lợi ích. Mấy năm qua, lao động trên ghe tàu ở biển trở nên khan hiếm và đắt đỏ nên nhiều chủ tàu vẫn muốn tiếp tục duy trì đánh bắt hải sản dài ngày, rất không muốn vào bờ để lao động không có cơ hội bỏ trốn. Theo ngư dân Trần Bằng, ngụ ấp Phước Lộc thì mấy năm qua có một số ngư dân làm ăn thất bát đã bán ghe tàu cho chủ khác. Ghe tàu mang số hiệu BRVT nhưng được cải hoán thành ghe tàu chuyên chở dầu lậu. Theo ông, chủ ghe tàu đánh bắt xa bờ nhưng không có lao động để ra khơi, rất có thể họ sẽ tham gia buôn lậu dầu trên biển, vì không thuê được lao động…

Theo dự báo của cơ quan chức năng chống buôn lậu, từ nay đến cuối năm 2018, hoạt động buôn lậu sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường. Chính sách kinh tế của các nước có sự khác nhau, giá cả biến động, lưu thông buôn bán giữa các nước có nhiều điểm mới, kinh tế biên mậu liên tục thay đổi, khu vực biên giới, vùng biển vẫn là địa bàn nhạy cảm mà các loại tội phạm lợi dụng tiến hành các hoạt động tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa.

Hoàng Châu

Ngày 15/7, TAND tỉnh Đồng Nai mở phiên tòa xét xử 87 bị cáo liên quan đến sai phạm tại Công ty CP đầu tư kinh doanh Lộc Phúc có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh. Các bị cáo đã lập dự án bất động sản (BĐS) “ma” lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của nhiều khách hàng. Phiên tòa dự kiến sẽ kéo dài trong 20 ngày…

Chiều 15/7, Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can 7 đối tượng là quản lý và nhân viên Phòng khám Đa khoa Quốc tế Đà Nẵng về hành vi “Lừa dối khách hàng”, quy định tại khoản 2 Điều 198 BLHS. Trong số đó, Cơ quan điều tra đã bắt tạm giam đối với 4 bị can; ra lệnh cấm đi khởi nơi cư trú 3 bị can để tiếp tục điều tra, làm rõ sai phạm của phòng khám.

Liên quan đến vụ tai nạn giao thông xảy ra vào hồi 16h46', ngày 13/7 tại Km 32+100, Quốc lộ 46A, thuộc khối Ba Hà, xã Vạn An, tỉnh Nghệ An, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An đã ra Lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, tạm giữ hình sự để phục vụ công tác điều tra đối với Trần Hữu Ba (SN 1988), trú tại xã Vạn An, tỉnh Nghệ An.

Phạm Đình Tuấn, nguyên Phó Chủ tịch UBND thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội (nay là xã Chương Mỹ) đã chỉ đạo anh trai và nhân viên mua cồn công nghiệp 99% (có hàm lượng Methanol cao) để pha chế, sản xuất thành phẩm cồn y tế, sau đó dán nhãn mác giả và phân phối ra thị trường, tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.

Sáng 15/7, tại Hà Nội, Cục Đào tạo đã tổ chức Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2025 và triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2025. Thượng tướng, PGS.TS Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.