Sổ đỏ cầm tay trong mua bán nhà đất: Cẩn thận kẻo như "đười ươi giữ ống"!

11:40 27/04/2012

Sau khi Chuyên đề ANTG đăng bài viết "Gia tăng lừa đảo nhà đất bằng giấy tờ giả", chúng tôi đã nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc, tố cáo thêm những mánh lừa siêu tinh vi của bọn tội phạm. Theo đó, không chỉ bị lừa khi mua nhà dự án mà ngay cả khi mua nhà đất đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (thường gọi là sổ đỏ), bằng chứng tin cậy cao nhất trong giao dịch mua bán nhà đất, nếu không kiểm tra, xác minh kỹ càng, người mua vẫn có thể mắc lừa bởi những cuốn sổ đỏ… thật.

Một ngôi nhà có hai sổ đỏ "xịn"

Cách đây 8 năm, ông T. một người buôn bán ở chợ Đồng Xuân đã mua một ngôi nhà tại một huyện ngoại thành cách Hà Nội chừng 20km. Thời điểm đó, nơi này còn vắng vẻ, giá một ngôi nhà như thế, rộng khoảng 100m2, chỉ chừng khoảng 200 triệu đồng. Hai bên không lập hợp đồng mua bán, không qua công chứng, không qua UBND xã và cũng không làm thủ tục sang tên sổ đỏ. Sau khi trao tiền, ông T. được người bán giao cho giữ sổ đỏ của ngôi nhà và một tờ giấy đánh máy vi tính với nội dung hai bên đã mua bán ngôi nhà, có chữ ký của người bán. Việc mua bán vậy là xong.

Sau đó, do vi phạm pháp luật, ông T. bị bắt giam và bị tuyên án 7 năm tù giam. Mãn hạn tù, đầu năm 2012, ông T. trở về. Lúc này, Hà Nội đã mở rộng, đất đai tại khu vực ngoại thành đã lên giá một cách chóng mặt. Sau nhiều cơn sốt đất, ngôi nhà ông mua ngày xưa giờ giá trị đã tăng lên cả chục lần, phải cỡ vài ba tỉ đồng. Nhưng khi ông T quay lại ngôi nhà, người bán nhà năm xưa, giờ vẫn sinh sống tại đó, phủ nhận hoàn toàn chuyện mua bán 8 năm về trước. Ông ta không công nhận chữ ký trong tờ giấy mua bán in sẵn bằng vi tính 8 năm về trước là của mình. Ông ta cũng phủ nhận chuyện đã trao cuốn sổ đỏ của ngôi nhà cho ông T.. Bởi vì, trong tay ông ta hiện đang có một cuốn sổ đỏ, cũng của ngôi nhà này.

Rắc rối nảy sinh, không thể giải quyết được, ông T làm đơn tố cáo tới Công an huyện. Cơ quan điều tra đã vào cuộc. Tiến hành trưng cầu giám định thì cả 2 cuốn sổ đỏ (một cuốn ông T đang giữ và 1 cuốn chủ nhà đang giữ) đều là sổ thật. Tiếp tục xác minh, Cơ quan Công an được biết, sổ đỏ mà chủ cũ của ngôi nhà đang giữ là sổ mới được cấp lại. Số là cách đây 2 năm, người chủ cũ của ngôi nhà này đã làm đơn trình báo bị mất sổ đỏ và sau đó đã được cấp lại sổ đỏ mới.

Những sổ đỏ giả mà Nguyễn Thị Bằng An sử dụng để lừa đảo đã bị Công an Hà Nội thu giữ.

Để làm rõ xem có hay không việc mua bán ngôi nhà cách đây 8 năm giữa hai người, Cơ quan Công an đã trưng cầu giám định chữ ký được coi là của người chủ cũ trên giấy tờ mua bán ngôi nhà mà ông T. giao nộp cho Cơ quan Công an nhưng không có kết quả. Lẽ vì, toàn bộ tờ giấy mua bán nhà đều được in bằng vi tính chứ không phải viết tay và chữ ký bị tố cáo là của người bán chỉ có mấy nét loằng ngoằng, cho nên không đủ yếu tố để giám định.

Vụ việc vậy là rơi vào bế tắc. Ông T. tại thời điểm này vẫn đang đeo đuổi vụ kiện. Tuy nhiên, hiện ngôi nhà đã bị người chủ thế chấp tại ngân hàng để vay một khoản tiền không nhỏ. Nhiều khả năng, khoản nợ này sẽ không được thanh toán bởi ngôi nhà sẽ bị ngân hàng phát mại, và người ta đồ rằng đây là kết cục của một màn kịch đã được sắp đặt, tính toán một cách công phu để người chủ vừa có tiền lại vừa không phải đứng ra bán nhà.

Cấy thêm thông tin giả vào sổ đỏ thật

Tòa án nhân dân Tp Hà Nội cách đây ít lâu đã xét xử một vụ án lừa đảo 9,7 tỉ đồng mà thủ đoạn lừa đảo cũng là những bìa sổ đỏ… thật. Chủ mưu trong vụ lừa đảo tinh vi này là Nghiêm Thị Viết, 44 tuổi, nguyên giám đốc một doanh nghiệp tư nhân ở Đông Anh, Hà Nội. Sau một thời gian lập công ty để kinh doanh bất động sản, xây dựng, buôn bán lâm sản nhưng làm ăn thua lỗ, Viết lâm vào cảnh nợ nần. Để có tiền trả nợ, Viết đã nghĩ ra một thủ đoạn lừa đảo cực kỳ tinh vi mà trước đó chưa từng có.

Để vay được 3 tỉ đồng của chị Nguyễn Thị Nga ở phố Bùi Thị Xuân, Hà Nội, Nghiêm Thị Viết đã giao cho chị Nga một sổ đỏ để làm tin. Sổ đỏ này mang tên ông Trần Công Sơn và bà Trần Thị Ngọc ở phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội  chủ sở hữu mảnh đất có diện tích 384m2. Tuy nhiên, tại bìa 4, trong phần ghi chú về thay đổi chủ sở hữu có nội dung: đã sang tên cho bà Nghiêm Thị Viết ngày  12/3/2008 có ký tên, đóng dấu của Văn phòng đăng ký đất và nhà quận Tây Hồ. Kèm theo sổ đỏ, Viết còn chuyển cho chị Nga bản hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng mảnh đất nói trên từ ông bà Sơn - Ngọc cho Viết có chữ ký, đóng dấu của  Phòng Công chứng số 5. Với ngần ấy giấy tờ, Viết đã có đủ căn cứ để chứng minh rằng, mảnh đất 384m2 của ông Sơn - bà Ngọc đã thuộc quyền sở hữu hợp pháp của Viết.

Nghiêm Thị Viết đã bị tuyên án tù chung thân.

Sau khi vay được 3 tỉ đồng của chị Nga, dù hẹn 10 ngày sau sẽ trả cả gốc cả lãi đầy đủ để chuộc sổ đỏ, nhưng cầm được tiền Viết lặn một hơi luôn. Bị chị Nga đòi ráo riết, Viết vẫn không trả mà viết giấy bán đứt mảnh đất trên cho chị Nga để gán nợ. Hai bên làm hợp đồng mua bán đàng hoàng.

Nhưng khi chị Nga tìm đến địa chỉ mảnh đất trên tại Phú Thượng thì bàng hoàng khi thấy gia đình ông bà Sơn - Ngọc vẫn ở đây và ông bà cho biết, họ chưa từng bán mảnh đất này cho ai và cũng không bao giờ có ý định bán đất, bán nhà. Sổ đỏ mà Viết gán nợ cho chị Nga đúng là sổ đỏ của ông bà Sơn - Ngọc thật nhưng cuốn sổ này gia đình đã bị thất lạc cách đó ít lâu.

Biết đã bị mắc bẫy của "cao thủ lừa", chị Nga tức tốc trình báo tới Cơ quan Công an. Khi Cơ quan điều tra Công an Tp Hà Nội trưng cầu giám định thì kết quả cho thấy: sổ đỏ mang tên ông bà Sơn - Ngọc là sổ đỏ thật nhưng phần ghi chú về thay đổi chủ sở hữu tại bìa 4 là giả. Toàn bộ nội dung cũng như chữ ký của người có thẩm quyền và con dấu của Văn phòng Đăng ký nhà đất quận Tây Hồ là giả mạo. Bản hợp đồng chuyển nhượng kèm theo với con dấu của Phòng Công chứng số 5 cũng là giả mạo hoàn toàn.

Cũng với thủ đoạn điền thông tin chuyển nhượng giả vào các cuốn sổ đỏ thật, Nghiêm Thị Viết để thế chấp vay tiền còn tiến hành nhiều vụ lừa đảo khác với tổng số tiền lừa đảo lên tới gần 10 tỉ đồng. Thủ đoạn lừa đảo của Viết là thủ đoạn lần đầu tiên bị phát hiện tại Hà Nội. Người bị hại sẽ rất khó phát hiện sự gian dối của Nghiêm Thị Viết. Lẽ vì, do đây là các bìa đỏ thật, đất nhà cũng là thật, cho nên dù người mua có tìm đến cơ quan chức năng nơi cấp sổ đỏ để kiểm tra thông tin thì vẫn không thể phát hiện ra.

Chế tạo sổ đỏ giả trên phôi thật

Một thủ đoạn lừa đảo khác, tuy không tinh vi bằng thủ đoạn của Nghiêm Thị Viết nhưng thời gian gần đây có xu hướng rộ lên tại Hà Nội với hàng loạt vụ án bị phát hiện. Đó là bọn tội phạm lừa bán đất bán nhà bằng các bìa đỏ có phôi thật nhưng thông tin in trên đó là giả mạo. Đã có ít nhất 3 vụ án lừa đảo với số tiền rất lớn bị phát hiện tại Hà Nội mà mới nhất là đường dây do Nguyễn Thị Bằng An (trú tại quận Cầu Giấy) cầm đầu. Với mảnh đất hơn 450m2 (vốn là đất của bố mẹ An đã được cấp sổ đỏ) ở phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, An đã bỏ ra 50 triệu đồng để thuê một số đối tượng làm giả hàng chục sổ đỏ. Với  số "sổ đỏ" giả trên, An đã lừa bán cho 3 người 4 mảnh đất "ảo", chiếm đoạt hơn 17 tỉ đồng. Khi triệt phá đường dây này, Cơ quan điều tra đã phát hiện trong số sổ đỏ bị làm giả nói trên có nhiều sổ đỏ giả được làm trên phôi thật.

Cũng với thủ đoạn trên, Nguyễn Thị Hoa My đã dùng sổ đỏ giả bán nhiều lô đất ảo cho nhiều người chiếm đoạt gần 10 tỉ đồng. Các sổ đỏ giả này đều được Hoa My chế tạo trên các phôi sổ đỏ thật. Nguồn gốc các phôi sổ đỏ thật này sau đó Cơ quan điều tra đã làm rõ là do Nguyễn Quốc Hưng (chồng của Hoa My) khi đó đang là cán bộ của Phòng Tài nguyên môi trường TX. Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phú lấy trộm của Cơ quan đem về cho vợ. Nhưng vụ lừa đảo lớn nhất bằng thủ đoạn này đã bị phát hiện tại Hà Nội là vụ do Lê Bá Quỳ ở Gia Lâm cầm đầu. Từ năm 2009 đến 2010, Lê Bá Quỳ đã thông đồng với Phùng Văn Thúy nhân viên hợp đồng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Gia Lâm lấy trộm hơn 30 phôi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất,  để dùng làm sổ đỏ giả mang tên hai vợ chồng Lê Bá Quỳ và Nguyễn Thị Lệ Thủy để thế chấp vay tiền ngân hàng. Với 17 "sổ đỏ" giả, Lê Bá Quỳ đã vay trên 70 tỉ đồng của 6 ngân hàng  địa bàn Hà Nội rồi chiếm đoạt. Ngoài ra, vợ chồng Quỳ còn dùng 3 sổ đỏ giả để thế chấp vay tiền của nhiều cá nhân khác.

• Trong buổi đối thoại trực tuyến với nhân dân ngày 6/4/2012 tại Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường khi được người dân hỏi về tình trạng phôi chứng nhận quyền sử dụng đất là thật nhưng số liệu là giả gây hoang mang trong việc mua bán bất động sản của người dân, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Nguyễn Minh Quang cho biết: "Chúng tôi xin nhận khuyết điểm trong vấn đề phôi này. Có 2 trường hợp có thể xảy ra: hoặc phôi có serie mà lọt ra ngoài là liên quan tới việc quản lý của các sở, hoặc các phôi đó là giả.

Hà Nội vừa qua có nơi làm mất phôi sổ đỏ, mất 483 chiếc có serie. Dư luận lo ngại người ta sẽ sử dụng cái này để làm thế chấp hoặc lừa đảo, có trường hợp nhà 5 tầng có 5 giấy khác nhau. Phải nói rằng hiện quy định về vấn đề này khá chặt chẽ, nhưng thực tế vẫn diễn ra các trường hợp như đã nói. Chúng tôi đã có công văn nhắc nhở, đồng thời thông báo về số phôi bị mất để người dân cảnh giác. Đề nghị bà con nếu mua nhà đất, có thể kiểm tra tại cơ quan đăng ký giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ngoài ra, theo tôi, các văn phòng công chứng có thể xác nhận thật giả của các sổ đỏ nếu liên lạc với các cơ quan đăng ký sổ đỏ"

• Trung tá Trần Hải Quân - Trưởng Công an huyện Đông Anh - khuyến cáo, để tránh mắc phải bẫy lừa của bọn tội phạm, người dân khi mua nhà đất cần tuân thủ chặt chẽ các qui định của pháp luật. Tốt nhất là đối với các tài sản nhà đất đã có sổ đỏ cần sang tên ngay sau khi đã hoàn tất việc mua bán. Trong trường hợp mua bán không qua xác nhận phường, xã hoặc không có công chứng viên làm chứng thì giấy tờ mua bán giữa hai bên nên viết tay, không nên sử dụng bản in bằng máy vi tính. Mục đích nhằm đề phòng trường hợp khi có sự cố tranh chấp xảy ra nếu chỉ có duy nhất một chữ ký với mấy nét loằng ngoằng thì sẽ không đủ yếu tố để cơ quan chức năng thực hiện việc giám định khoa học, góp phần phân định đúng sai.

• Phòng Kỹ thuật Hình sự Công an Tp Hà Nội cho biết, hình dấu và chữ ký giả trên các sổ đỏ thường được bọn tội phạm chế tạo bằng phương pháp kỹ thuật số. Một số chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản khuyến cáo, trong giao dịch mua bán nhà đất, người mua cần chú ý kiểm tra kỹ đối với những sổ đỏ có ép plastic. Sở dĩ bọn tội phạm thường ép plastic "sổ đỏ" vì chúng thường làm giả bằng cách sử dụng máy scan, "quét" lại sổ thật rồi in màu. Tuy nhiên, việc in hai mặt của sổ để trùng khớp nhau rất khó nên bọn chúng thường in từng mặt, rồi dán lại. Dán sẽ để lại dấu vết, do đó, phải ép plastic để tránh bị phát hiện.

Người dân có thể tự kiểm tra để phát hiện sổ đỏ giả bằng cách chao nghiêng trước ánh sáng, nếu sổ thật thì phần dấu nổi sẽ nổi đều. Với sổ thật thì do chịu sức dập của máy, nhìn là thấy rõ nổi và chìm rất rõ, còn sổ giả thì nhìn chỉ là bản chụp. Tuy nhiên, cách kiểm tra này rất khó, phải người thật tinh mới phát hiện được. Tốt nhất là người dân khi mua nhà đất đã có sổ đỏ cần đến Phòng Kỹ thuật Hình sự Công an Tp Hà Nội để yêu cầu giám định.

T.N.H.T.

Diễn đàn “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói” được tổ chức ngày 24/11 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm tuyên truyền, phổ biến, giải đáp, cung cấp thông tin để đẩy mạnh thi hành Luật Đất đai 2024, nhất là đối với những vấn đề liên quan đến đất đai trong nông nghiệp, nông thôn.

Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Lào Cai ngày 21/11 cho biết vừa hoàn thành bản kết luận điều tra vụ án lừa đảo môi giới hôn nhân với người nước ngoài… Đây chỉ là một trong những vụ án được Công an tỉnh Lào Cai điều tra, phát hiện trong thời gian qua. Theo Công an tỉnh Lào Cai, từ khi Chính phủ áp dụng chính sách cấp visa điện tử (Evisa) cho người nước ngoài, số người Trung Quốc dùng thị thực Evisa nhập cảnh Việt Nam tăng lên. Một số đã khai mục đích du lịch hoặc làm việc để sang Việt Nam tìm vợ… Từ các vụ án được phát hiện đã gióng lên hồi chuông cảnh báo.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文