Nhức nhối tình hình trị an trên đoạn đường giáp ranh

20:45 20/07/2015
Không chỉ đến khi hai vụ truy sát xảy ra trong cùng một ngày trên đường An Dương Vương (nối liền ba quận 6, 8 và Bình Tân) khiến 2 người chết, một người đang nguy kịch người ta mới “rợn người” bởi con đường tệ nạn bủa vây này. Những khu nhà trọ tập trung đủ thành phần “trai tứ chiếng, gái giang hồ”; những quán cà phê kích dục mọc lên nhan nhản hai bên đường, những quán nhậu luôn tấp nập khách xăm trổ đầy mình, sẵn sàng lao ra đường “xử” người khác khi chuyện xảy ra chẳng đáng gì? Đôi khi chỉ là vài câu nói trong lúc “rượu vào lời ra” hay chỉ một cái nhìn được “đặc cách” lên thành… nhìn đểu.

1. Trở lại hiện trường vụ truy sát rạng sáng 12/7. Con đường An Dương Vương dài khoảng 3km nhưng được quản lý bởi ba quận: phường 10 (quận 6), phường An Lạc (quận Bình Tân) và phường 16 (quận 8) dù được nâng cấp nhưng lầy lội bởi ngập nước, nhớp nhúa bởi rác thải. Chỉ một quãng đường ngắn nhưng nơi đây quá hỗn tạp bởi chợ tự phát bán từ rạng sáng cho đến tối mịt, những quán cà phê đèn mờ, kích dục nằm san sát nhau, quán nhậu bình dân luôn chật cứng đủ thành phần và dân giang hồ tứ chiếng.

Hiện trường vụ án xuyên 3 quận.

Nhắc đến vụ hỗn chiến khiến Phạm Công Nghĩa (sinh năm 1984,  quê quán Hải Phòng) tử vong tại chỗ và  Vũ Sơn Tùng (sinh năm 1985, quê quán Hải Phòng) đang đau đớn điều trị những vết chém sâu hoắm trên người khiến người dân nơi đây ai cũng rùng mình. Trong đêm hỗn chiến, sự hùng hổ của hai nhóm đối tượng tay lăm lăm mã tấu, gậy gộc, dao bầu, đá xanh khiến người dân chỉ dám khép cửa nhìn qua khe hở mà không dám ra đường. Số đối tượng liên quan giữa hai băng nhóm quá nhiều khiến Công an quận 6 phải tốn nhiều công sức để truy xét.

Quán lẩu bò không tên, không số nằm trên mặt tiền đường An Dương Vương, gần cầu Mỹ Thuận (phường 10, quận 6) được người dân nhắc đến như nơi tập trung của một số anh chị tứ xứ tụ hợp cùng với nhóm giang hồ ẩn náu trong khu nhà trọ lụp xụp phía sau quán. Khi nhắc đến nhóm người này, người dân nơi đây thường gọi họ bằng hỗn danh “giang hồ cầu Mỹ Thuận”. Một người dân cho biết, chỉ cần va quẹt xe thôi nhưng chỉ chưa đầy 5 phút, hàng chục “anh chị” đã xuất hiện dằn mặt nạn nhân. Hay những trò chơi bẩn như nhậu quỵt, sửa xe không trả tiền thường xuyên xuất hiện mà nhiều người dân nơi đây từng là nạn nhân cũng đành phải “ngậm bồ hòn” cho yên chuyện.

Nơi nạn nhân tử vong trước số nhà 76, An Dương Vương, phường 16, quận 8.

Trở lại vụ việc, khoảng 0 giờ ngày 12/7, nhóm cầu Mỹ Thuận ngồi nhậu trong quán lẩu bò thì mâu thuẫn với một số thanh niên ngồi bàn bên cạnh từ địa bàn chợ Bình Điền qua. Thấy yếu thế, nhóm chợ Bình Điền bỏ đi nhưng không quên dằn mặt “Chờ đó tụi tao đến xử”. Gần 1 giờ sáng, 4 xe gắn máy chở 8 thanh niên tay cầm hung khí quay lại tấp vào quán lẩu bò.

Tuy nhiên, chẳng phải tay vừa, do đã nhận được “thông điệp” sẽ bị dằn mặt nên nhóm cầu Mỹ Thuận đã chuẩn bị sẵn để ứng chiến. Hai bên đụng độ gây náo loạn cả tuyến đường. 2 thanh niên tên Nghĩa và Tùng bị nhóm trong quán nhậu truy sát trên suốt đoạn đường dài hơn 500m qua phường 10 (quận 6), phường An Lạc (Bình Tân) và phường 16 (quận 8). Nghĩa chạy đến trước cửa hàng đá hoa cương số 76, An Dương Vương, phường 16, quận 8 thì bị nhóm cầu Mỹ Thuận đuổi kịp chém liên tục khiến tử vong tại chỗ. Tùng chạy vào con hẻm số 76B được khoảng 50 mét thì cũng bị nhóm thanh niên đuổi kịp đánh chém tới tấp và bị thương nặng.

Cơ quan Cảnh sát điều tra đang khám nghiệm hiện trường.

Sau khi gây án, cả hai nhóm rời khỏi hiện trường. Một đoạn đường dài hơn 500m nhiều vết máu loang lổ, nhiều cây gậy bị gãy dính đầy máu nằm la liệt trên đường cho thấy mức độ ác liệt của cuộc hỗn chiến. Trên cầu Mỹ Thuận (nối quận 6 và quận 8) một chiếc xe gắn máy bị đạp ngã, bên cạnh là gạch đá và một chậu cảnh bị vỡ nát.

2. Nếu những đối tượng hỗn chiến trên đường An Dương Vương, đoạn thuộc quận 6 là nhóm đối tượng có máu mặt thì vụ án thương tâm xảy ra cùng ngày trên đoạn đường này tại bến phà Phú Định (phướng 16, quận 8) được cho là nhóm giang hồ choai choai muốn thể hiện số má. Sự hung hăng của những thanh niên trẻ tuổi, muốn thể hiện cái uy của mình mà gây ra cái chết đau đớn cho anh Trương Văn Nhánh (24 tuổi, quê quán Bình Định).

Một nguyên nhân tưởng chừng như đơn giản khi một thanh niên bắt gặp ánh mắt của anh Nhánh và anh Lưu Văn Nhi (24 tuổi, quê quán Bình Định) nhìn mình trên phà mà nghĩ rằng hai anh nhìn đểu rồi gọi điện truy sát hai anh. Cực chẳng đã, cả hai người đều chọn cách nhảy xuống nước để tẩu thoát. Chỉ có điều, anh Nhi biết bơi, còn anh Nhánh thì không… Một người hành nghề xe ôm tại khu vực bến phà Phú Định cho hay, nhóm thanh niên trên còn rất trẻ, trên dưới 20 tuổi nhưng tóc tai lõa xõa, người xăm vằn vện, thốt ra toàn những lời dung tục. 4 đối tượng đi trên 2 xe gắn máy chạy đến lượm đá xanh cầm trên tay và liên tục nghe điện thoại “chỉ đạo” của người bên dưới phà…. 

Sau khi nhảy sông thoát khỏi sự truy sát bơi thoát được qua bờ phía phường 7, quận 8, anh Nhi đã len lén trở lại hiện trường để nhờ lực lượng dân phòng báo với cơ quan chức năng mò lặn cứu bạn của mình đang còn chìm dưới dòng kênh. Nhi khai với Cơ quan điều tra, khoảng 18 giờ sau khi kết thúc công việc, Nhi đến phòng trọ của anh Nhánh (phường 7, quận 8) rủ anh Nhánh qua phà sang bờ phía phường 16, quận 8 lai rai. Trong lúc Nhi và Nhánh ngồi chờ phà thì thấy một thanh niên mặc áo sơ mi trắng đi xe tay ga màu trắng, nói giọng miền Nam, mặt mày bặm trợn nên để ý và nhìn người thanh niên này. Thấy Nhi và Nhánh cứ nhìn mình liên tục, người thanh niên nghĩ Nhi và Nhánh “nhìn đểu” mình nên lườm nguýt và móc điện thoại ra bấm máy. Người trên phà nghe loáng thoáng nội dung cuộc điện thoại: “Tụi bây đang ở đâu ra bến phà có chuyện!”.

Hiện trường vụ truy sát tại bến đò Phú Định khiến anh Nhánh bị rơi xuống kênh tử vong.

Anh Nhi và Nhánh chạy xe xuống phà và dừng ở mũi phà qua kênh. Phà cập bến Phú Định, anh Nhi thấy một số thanh niên đứng trên bờ hò hét  nên không dám lên mà rủ anh Nhánh đi xuống phía đuôi phà ngồi. Khi người khách cuối cùng rời phà thì cũng là lúc 4 thanh niên từ trên bờ chạy xuống cầm đá xanh ném về phía Nhi và Nhánh.

Hoảng hốt Nhi và Nhánh nhảy xuống kênh với ý định bơi sang bờ đối diện để tránh truy đuổi. Một người dân sống gần phà cho hay, thấy Nhi bơi được qua đến bờ bên kia. Riêng Nhánh không biết bơi nên bám sau đuôi của phà. Nhóm thanh niên hùng hổ dùng mũ bảo hiểm đánh vào đầu anh Nhánh khiến anh rơi xuống kênh. Thấy Nhánh chới với dưới dòng nước, những thanh niên này còn dùng đá xanh ném theo. Nhánh giơ hai tay lên cầu cứu được một lúc rồi chìm hẳn dưới kênh. Thấy Nhánh không trồi lên khỏi mặt nước, nhóm thanh niên này mới chịu rời khỏi phà bỏ đi.

Đêm xảy ra vụ việc chúng tôi ngồi trò chuyện với anh trai Nhánh, bên cạnh là cô em gái và người vợ chưa cưới của Nhánh. Tiếng khóc tức tưởi, nấc nghẹn kèm thêm những câu ai oán: “Sao mọi người không giúp nhà tôi vớt em tôi lên lúc nó chưa chìm! Sao họ dửng dưng quá?”.  Người nhà anh Nhánh cho hay, gia cảnh khó khăn cả 4 anh em rời quê vào TP HCM làm đủ nghề bốc vác, phụ hồ sinh sống và gửi tiền về quê phụng dưỡng cha mẹ già. Nhánh ít nói, hiền lành và đang chuẩn bị làm đám cưới.

Sau khi xác định Nhánh đã tử vong và chưa tìm được xác, người thân của Nhánh không dám gọi điện về nhà báo tin vì sợ cha mẹ già sốc sẽ ngã quỵ. Anh Thanh, một người địa phương cho hay, khi thấy nhóm thanh niên dùng mũ bảo hiểm và tấn công anh Nhánh khiến anh bị chìm xuống kênh quá hung hãn nên không ai dám chạy vào can ngăn. “Chuyện đánh nhau như thế xảy ra trên đường này diễn ra thường xuyên nên ai cũng nghĩ chúng nó quậy phá đánh nhau kệ xác nó. Đâu ai nghĩ là Nhánh bị truy sát hay bị chìm dưới kênh. Ở đây ai cũng nghĩ hai đứa nó bơi qua kênh và thoát được hết rồi!”.

3. Hai vụ truy sát trong một ngày, 2 người chết là hệ quả có thể nhìn thấy được trên tuyến đường An Dương Vương đầy phức tạp này. Thành phần dân cư đa số là người ở địa phương khác đến đây mưu sinh bằng đủ nghề nên xảy ra nhiều tệ nạn. Chỉ đếm bằng cách thông thường thôi chúng tôi cũng ghi nhận dọc tuyến đường này có đến 30 quán cà phê đèn mờ, kích dục. Bên ngoài những quán cà phê tệ nạn như thế này luôn xuất hiện những tay anh chị đầu gấu, bảo kê em út, quán xá…

Để lấy uy, giành khách, và tranh giành lãnh địa, những tay anh chị này tất yếu phải quy tụ nhiều thanh niên hư hỏng, lêu lổng, không có công ăn việc làm ổn định phục tùng dưới trướng của mình. Một người bán tạp hóa trên đường này cho hay, các quán cà phê đèn mờ kích dục, quán nhậu hoạt động từ sáng cho đến 1-2 giờ khuya tập trung nhiều thành phần bất hảo. Việc mâu thuẫn đánh nhau giữa những nhóm vẫn hay xảy ra “Vì là chuyện làm ăn của các đối tượng này nên người dân cũng chẳng muốn dây vào kẻo mang họa”.

Điểm nhấn của con đường An Dương Vương này, theo chúng tôi nhận thấy, là những nhà trọ lụp xụp, lầy lội thường xuyên, dễ trở thành nơi ẩn nấp của nhiều đối tượng giang hồ, tội phạm hay những quán nhậu bình dân luôn xuất hiện những thanh niên choai choai, xăm trổ đầy mình.

Không chỉ thế tuyến đường này có thể ăn thông với khu vực chợ đầu mối hải sản, rau củ quả Bình Điền (giữa quận 8 và huyện Bình Chánh) nơi vốn vẫn tồn tại nhiều nhóm đối tượng máu mặt lấy làm điểm cát cứ, hoạt động. Từng canh giữ hiện trường nhiều vụ đánh nhau trong đêm trên tuyến đường này, một dân phòng phường 16, quận 8 cho chúng tôi hay: “Cái khó trong việc đảm bảo ANTT tại tuyến đường này là do tuyến đường trải dài qua 3 phường thuộc 3 quận quản lý. Nhiều lúc các đối tượng đánh nhau xuyên từ quận này qua quận khác nên không biết phường nào, quận nào quản lý và xử lý”.

Đúng như lời người bảo vệ dân phố này, tuyến đường An Dương Vương chỉ dài chưa đầy 3km nhưng chịu sự quản lý của cả 3 quận nên các đối tượng từ các nơi đổ dồn về đây hoạt động đã bắt thóp được điều này và khi  có “biến” như đánh nhau, bị kiểm tra đột xuất các đối tượng này có thể dễ dàng “chuyển” địa bàn chỉ bằng vài bước chân. Đã đến lúc cơ quan chức năng cần nghiên cứu đưa ra giải pháp hiệu quả để xử lý tình trạng này, giải quyết dứt điểm các loại tệ nạn để người dân cảm thấy yên tâm trong chính ngôi nhà của mình nơi đây.

Huyền Đức

An toàn vệ sinh lao động đang là câu chuyện rất nóng và nhận được sự quan tâm lớn của dư luận sau vụ việc 7 công nhân tử vong và 3 người bị thương do tai nạn lao động tại Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái. Đây chỉ là một trong những vụ việc điển hình liên quan đến tai nạn lao động, khi từ đầu năm 2024 đến nay đã xảy ra không ít tai nạn lao động nghiệp trọng. Theo thống kê 3 năm gần đây, có khoảng trên dưới 7.000 vụ tai nạn lao động/năm, làm khoảng 700 người chết/năm và hàng nghìn người khác bị thương. Có thể nói, tai nạn lao động để lại không ít hậu quả đau lòng. Pháp luật về an toàn vệ sinh lao động có rất nhiều quy định chặt chẽ, vấn đề an toàn vệ sinh lao động cũng được tuyên truyền thường xuyên vậy tại sao vẫn có những vụ việc thương tâm xảy ra, chúng ta cần thêm những giải pháp gì để bảo vệ sức khoẻ, an toàn cho người lao động? Xung quanh câu chuyện này, PV đã có cuộc trao đổi cùng TS Nguyễn Anh Thơ, Viện trưởng Viện Khoa học an toàn và vệ sinh lao động.     

Sáng 28/4, Công an huyện Phước Sơn (Quảng Nam) cho biết, vừa phối hợp lực lượng Công an xã, Dân quân, Xã đội xã Phước Thành, huyện Phước Sơn và cán bộ chuyên trách bảo vệ rừng kiểm tra, truy quét tình trạng khai thác vàng trái phép tại bãi 5A, xã Phước Thành.

Sáng 28/4, Thượng tá Võ Văn Thái - Phó Trưởng Công an TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, sau thời gian củng cố tài liệu, chứng cứ, Cơ quan CSĐT Công an thành phố, đã khởi tố 11 đối tượng về tội “Gây rối trật tự công cộng” và tội “Cố ý gây thương tích”.

Sáng 28/4, trên đường dẫn cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương, đoạn qua xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, xảy ra ùn ứ ở nhiều hướng, do gần trăm két bia trên xe đầu kéo rơi xuống đường.

Chỉ ít ngày nữa, chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - “Điện Biên Phủ - Không bao giờ quên” sẽ chính thức diễn ra tại Nhà hát Hồ Gươm, Hà Nội. Với gần 300 nghệ sĩ tham gia biểu diễn, chương trình được kỳ vọng sẽ tái hiện Chiến thắng Điện Biên Phủ đầy sống động qua ngôn ngữ âm nhạc, đồng thời tiếp tục khẳng định ý nghĩa, tầm vóc, giá trị lịch sử, tri ân, tôn vinh những cống hiến, đóng góp của các tầng lớp nhân dân trong chiến thắng này.

Tối 27/4, Đội CSGT số 1 (Phòng CSGT Hà Nội) triển khai tổ công tác lập chốt đảm bảo TTATGT, kiểm soát các phương tiện lưu thông trên đường mà người điều khiển phương tiện có sử dụng bia rượu tại khu vực đường Trần Quang Khải (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) theo hướng đi Nguyễn Khoái.

Giữa những ngày tháng tư lịch sử, về vùng căn cứ U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang - "chiếc nôi" cách mạng trong 2 cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, nơi ra đời chi bộ đảng đầu tiên của tỉnh Kiên Giang, chúng tôi cảm thấy tự hào về những đổi thay, phát triển của vùng đất anh hùng. Trong kháng chiến, lực lượng cách mạng đã cùng nhân dân kiên trì bám đất, đấu tranh diệt ác, phá kìm, phá cơ sở của địch, xây dựng lực lượng cách mạng và xây dựng chính quyền cơ sở, bảo vệ Khu ủy, lập nên nhiều chiến công xuất sắc. Trong thời bình, kế thừa và phát huy truyền thống cách mạng, nhân dân vùng căn cứ U Minh Thượng đã và đang thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, xây dựng đời sống của người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Tính đến hết tháng 12/2023, hàng hóa xuất khẩu (XK) của Việt Nam là đối tượng của 242 vụ việc điều tra liên quan đến phòng vệ thương mại (PVTM). Riêng trong năm 2023 đã phát sinh 15 vụ việc mới do nước ngoài khởi xướng. Bên cạnh đó, nhiều vụ việc đang trong quá trình điều tra, hoặc thuộc diện rà soát hàng năm, rà soát cuối kỳ…

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文