Thế giới bắt đầu hành động chống các “thiên đường thuế”

13:25 13/05/2016
Trong một báo cáo công bố hôm 3-5, cơ quan Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) đã kêu gọi các quốc gia thành viên áp dụng các biện pháp nhằm ngăn chặn việc các cá nhân và doanh nghiệp chuyển lợi nhuận sang các quốc gia có thuế suất thấp, còn gọi là các “thiên đường thuế”.

Đây là hành động đầu tiên của LHQ kể từ khi báo chí phanh phui Hồ sơ Panama trong đó nhiều cá nhân và doanh nghiệp khắp thế giới cất giấu tài sản tại các “thiên đường thuế” trong vùng biển Caribbe.

Theo báo cáo của UNCTAD, trong năm 2015, số vốn từ các nơi trên thế giới chuyển đến các “thiên đường thuế” là 221 tỉ USD. Trong số này, 72 tỉ USD đã được chuyển đến 2 “thiên đường thuế” thuộc Vương quốc Anh là British Virgin Islands và Cayman. Phần lớn các cá nhân và công ty chuyển vốn đến các “thiên đường thuế” này đang hoạt động tại Nga, Mỹ, Trung Quốc và Hồng Kông. Không chỉ có Cayman và British Virgin Islands, mà cả Hà Lan và Luxembourg cũng nằm trong nhóm những nơi đến hàng đầu của các doanh nghiệp lớn muốn tránh né việc nộp thuế; bên cạnh đó còn có Thụy Sĩ, Mỹ, Anh và Ailen.

Các nhà hoạt động chống các “thiên đường thuế” biểu tình phản đối bên ngoài trụ sở EC.

Báo cáo của LHQ cũng cho thấy lợi nhuận năm 2014 của các công ty ở 26 quốc gia phát triển kiếm được tại Bermuda nhiều hơn tại Trung Quốc. Các báo cáo khác của các tổ chức phi chính phủ cho biết, số tiền lợi nhuận chuyển từ các quốc gia đang phát triển vào các “thiên đường thuế” lên đến nhiều nghìn tỉ USD.

UNCTAD cho rằng, hành động chuyển lợi nhuận này của các doanh nghiệp đa quốc gia đã làm mất đi cơ hội đầu tư tại các quốc gia đang phát triển. Các chi nhánh công ty đặt tại các “thiên đường thuế” thu lợi nhuận nằm ngoài hệ thống kinh tế chính thống. Số lợi nhuận này được che giấu dưới dạng vốn đầu tư khi chúng được chuyển sang các trung tâm ưu đãi về thuế thông qua hệ thống các công ty bình phong để tránh nộp thuế. Tình trạng này đặt ra yêu cầu cấp bách rằng, các chính sách tài chính trên phạm vi toàn cầu cần phải có sự gắn kết chặt chẽ với nhau để tránh tạo ra kẽ hở.

Báo cáo của UNCTAD đơn cử trường hợp công ty dược Astra Zeneca ở Anh trong năm 2015 đã thu về lợi nhuận 3 tỉ bảng nhưng không hề đóng thuế đồng nào nhờ chuyển lợi nhuận sang một công ty con ở Hà Lan. Các công ty con dạng này thường được gọi là “các thực thể đặc biệt” (SPE) do các công ty lập ra chỉ nhằm mục đích rất đặc biệt là để nắm giữ tài sản, hoặc khoanh nợ, hoặc để huy động vốn.

Một điển hình: dòng vốn chảy vào các SPE ở Hà Lan trong quý III năm 2015 đạt 148 tỉ USD. Tuy nhiên, sang quý IV, dòng vốn này đã giảm hẳn do Hà Lan áp dụng các quy định nghiêm khắc về né thuế cho phù hợp với các quy định chung của OECD.

Việc Hà Lan và Luxembourg ra tay siết chặt dòng vốn đầu tư trốn thuế phản ánh quyết tâm của các quốc gia phát triển ở phương Tây, bao gồm cả châu Âu và Mỹ, với những chuyển động mạnh mẽ hướng đến việc lấp các khoảng trống trong chính sách kinh tế giữa các quốc gia để các công ty, giới nhà giàu không thể tiếp tục lợi dụng để né thuế, trốn thuế. Châu Âu được cho là đi trước một bước so với thế giới trong việc này.

Thủ tướng Anh David Cameron là một trong những chính khách bị ảnh hưởng bởi loạt Hồ sơ Panama được báo chí phanh phui từ đầu tháng 4-2016. Từ đó, ông Cameron buộc phải công bố công khai bản kê khai thuế của cá nhân và gia đình mình. Hành động tương tự cũng được Bộ trưởng Tài chính George Osborne và một số bộ trưởng khác trong nội các thực hiện. Đây là sự kiện chưa từng có tiền lệ ở Anh.

Đồng thời, ông Cameron cũng buộc phải ban hành các quy định khắt khe hơn về minh bạch hóa hoạt động tại các thuộc địa và vùng lãnh thổ bảo hộ của Anh trong vùng biển Caribe nhằm chấm dứt tình trạng giữ bí mật thông tin tài chính, tiếp tay cho giới nhà giàu né thuế, trốn thuế.

Cùng với Anh, Pháp, Đức Italia và Tây Ban Nha cũng đều đưa ra các biện pháp riêng tại Hội nghị G20 hồi đầu tháng 4-2016 tại Washington DC. Ngày 23-4, Bộ trưởng Tài chính 28 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) họp tại Amsterdam, Hà Lan, để thống nhất các biện pháp áp dụng chung trong toàn khối. Và các Bộ trưởng đã đồng ý các biện pháp cấp bách nhằm giải quyết vấn đề trốn thuế, né thuế tại các thiên đường thuế. Bộ trưởng Tài chính Hà Lan Jeroen Dijsselbloem cho biết, các quốc gia EU đang rất khẩn trương và “quyết tâm lấp đầy các khoảng trống” trong chính sách tài chính, thuế.

Một trong những biện pháp đầu tiên mà các nước EU thống nhất thông qua đó là lập danh sách các “thiên đường thuế” mà các cá nhân, doanh nghiệp châu Âu thường sử dụng để tránh né thuế. Từng quốc gia trong EU cũng lập danh sách theo các tiêu chí riêng. Để tạo thuận lợi cho việc xác lập danh sách chung, các Bộ trưởng Tài chính EU ủng hộ để xuất xây dựng cơ chế tự động chia sẻ dữ liệu nhằm công khai danh tính các cá nhân, doanh nghiệp sở hữu các công ty bình phong né thuế.

Bộ trưởng Tài chính Hà Lan Jeroen Dijsselbloem.

Ngoài ra, các nước thành viên Eu cũng sẽ tiếp tục gặp nhau để thảo luận, đi đến thống nhất các quy định mới buộc các công ty lớn hoạt động ở châu Âu phải công bố thu nhập tại từng quốc gia cụ thể. Đây là yêu cầu đã được giới chuyên gia chống trốn thuế đặt ra từ lâu nhằm bảo đảm các công ty đa quốc gia nộp thuế đầy đủ và minh bạch trong vấn đề thu nhập, thuế.

Theo kế hoạch đề xuất, các công ty đa quốc gia có doanh thu từ 750 triệu euro trở lên sẽ phải tuân thủ các tiêu chuẩn khắt khe hơn về công khai thu nhập trước công chúng. Khoảng 6.500 công ty tại châu Âu, kể cả các chi nhánh trên khắp thế giới, sẽ chịu tác động của các quy định mới này. Các công ty đa quốc gia ở châu Âu dĩ nhiên là không ủng hộ việc áp dụng các biện pháp này vì sợ bị ảnh hưởng chung do một số dữ liệu nhạy cảm của doanh nghiệp phải công bố công khai.

Thêm vào đó là các thủ tục pháp lý, quy trình lập pháp ở châu Âu thường kéo dài thời gian. Do đó, thời gian sớm nhất để áp dụng các quy định mới này có thể là vào năm 2018 hoặc 2019.

Một số biện pháp khác cũng đang được triển khai một cách khẩn trương tại nhiều nước. Ở Anh, Mỹ và một số nước châu Âu như Đức, Pháp, và Australia, cơ quan chức năng đã bắt đầu triển khai các cuộc điều tra nhắm vào các cá nhân, doanh nghiệp bị nghi sử dụng các công ty bình phong để trốn thuế.

Ở Anh, Cơ quan Kiểm soát hành vi tài chính (FCA) đang tiến hành điều tra đối với 64 công ty có tên trong Hồ sơ Panama. Còn ở Mỹ, Bộ Tư pháp cũng vừa xúc tiến cuộc điều tra đối với hơn 200 cá nhân có tên trong Hồ sơ Panama. Đây mới chỉ là những động thái bước đầu nhằm đưa ra ánh sáng những hành vi trốn thuế, né thuế.

Điều nguy hiểm hơn, đó là cơ quan chức năng ở Mỹ còn phát hiện ra nhiều công ty, tập đoàn trong danh sách Fortune 500 đã sử dụng các công ty bình phong ở các “thiên đường thuế” vào việc thao túng thị trường chứng khoán. Điều này đặt ra nguy cơ tiềm ẩn khủng hoảng kinh tế bắt nguồn từ các thị trường chứng khoán, từ đó có thể dẫn đến nguy cơ khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

An Tôn (tổng hợp)

Công an các phường, xã trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã thành lập tổ công tác, phối hợp với lực lượng cơ sở gồm Bí thư chi bộ, Trưởng thôn, lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở của các thôn tiến hành kiểm tra, rà soát, đánh giá các khu vực, vị trí có nguy cơ bị sạt lở do mưa bão.

Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, trong đó, đề xuất quy định thu nhập được miễn thuế thực hiện theo quy định tại Điều 4 Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.

Một loạt điều chỉnh trong quy định hứa hẹn sẽ giúp V.league 2025/2026 trở nên hấp dẫn và công bằng hơn.

Sáng 14/7, tại Hà Nội, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Đảng uỷ Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, Uỷ viên Ban Tổ chức, Trưởng Tiểu ban An ninh Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ XI (Đại hội) đã chủ trì Phiên họp thứ nhất Tiểu ban An ninh Đại hội.

Cục CSGT cho biết, sau khi sát hạch để cấp giấy phép lái xe (GPLX) đạt yêu cầu, trên VNeID sẽ có tin nhắn thông báo và yêu cầu cập nhật thông tin GPLX. Khi đó, người dân thực hiện cập nhật thông tin theo yêu cầu với điều kiện số căn cước công dân đúng với số căn cước khi đăng ký dự thi và cài đặt app VNeID mức độ 2.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.