“Vàng tặc” và giấc mơ nghiệt ngã

16:35 07/09/2014

Từ những ngày cuối tháng 7 và đầu tháng 8 đến nay, tình hình ở các bãi vàng nằm dọc theo các địa phương ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên dường như đang nóng trở lại. Đặc biệt là sau khi xuất hiện tin đồn, có một nhóm người làm vàng quê ở xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang (Đà Nẵng), trong khi đang khai thác vàng trái phép ở bãi vàng Khe Đương, nằm trên địa bàn xã Hòa Bắc huyện Hòa Vang đã trúng nguyên một vỉa vàng ròng. Sau khi dùng gió đá để khò, nhóm thợ vàng này đã lấy được hàng chục ký lô vàng để mang đi bán chia nhau, mỗi người được từ vài trăm triệu đến hàng tỉ đồng…

Lần theo lời đồn có người trúng đậm vàng ở bãi Khe Đương, dân làm vàng từ nhiều địa phương không hẹn mà đã cùng nhau tìm đến Khe Đương để "đánh cược với trời" và chờ đợi tìm vận may từ trong lòng đất.

Bãi vàng Khe Đương nơi Công ty Trường Sơn (có trụ sở tại Hà Nội) được cấp phép khai thác vàng từ năm 2009 và đã hết giấy phép khai thác hồi đầu năm 2014, suốt một thời gian qua tưởng chừng như đã yên ắng, nay đã sục sôi trở lại.

Chúng tôi cùng với mấy đồng nghiệp tìm đến bãi Khe Đương để tận mục sở thị cái cảnh đào bới tan hoang ở những cánh rừng thuộc Tiểu khu 27, 29 của vùng rừng Hòa Bắc. Suốt dọc con đường rất nhiều khúc quanh, đá núi gồ ghề, lởm chởm. Ở đâu, chúng tôi cũng thấy sự xuất hiện và đào phá của con người. Nhiều cành cây bị dân làm vàng chặt phá để sử dụng vào việc dựng lán trại, thậm chí có những điểm lửa thổi cơm vẫn còn âm ỉ cháy…

Chỉ tay về phía cánh rừng, Trung tá Nguyễn Văn Tăng - Phó trưởng Công an huyện Hòa Vang cho biết: Dân làm vàng có một đặc tính, cứ hễ nghe đồn ở đâu trúng vàng là xúm lại để bới đào, kiếm tìm. Vàng có hay không chưa biết, nhưng tình trạng lộn xộn, gây mất an ninh trật tự ở vùng núi rừng này là điều có thật. Mỗi khi như thế, chúng tôi lại thành lập đoàn liên ngành để đến kiểm tra, đẩy đuổi, tuy nhiên, khi đoàn kiểm tra rời khỏi hiện trường thì vàng tặc lại tái diễn sự lộng hành…

Ở khu vực bãi vàng Khe Đương này, dân săn vàng  chủ yếu  tận dụng những hầm vàng do Công ty Trường Sơn khai thác dang dở, họ đánh mìn, đào bới rồi sàng đãi hòng tìm chút lộc trời. Nhiều đầu nậu săn vàng cho biết: Vốn liếng đầu tư cho công việc này là không hề nhỏ, thế nhưng, có những nhóm đã nhiều tháng qua nhọc công tìm kiếm nhưng vàng đối với họ vẫn chỉ là một giấc mơ cay nghiệt. Nhiều kẻ đã lỡ phóng lao nên đành phải theo lao, nhưng cũng không ít kẻ đã ngã ngựa, đành phải từ giã rừng xanh, từ giã giấc mơ vàng…

Tiếp xúc với một nhóm thợ vàng đang làm việc ở bãi Khe Đương, chúng tôi được biết ở nơi rừng thiêng nước độc này vẫn luôn có quy luật riêng của nó. Tại bãi vàng dù lớn hay bé đều có cai đầu dài, cai đầu ngắn, có những kẻ chễm chệ với tư thế của một "đại bàng", nhưng cũng khối kẻ lầm than tự biết thân  mình như những con "chim cút".

Để tồn tại, các "đại bàng" thường thiết lập nên một hệ thống "ra đa" cảnh giới. Vì vậy, thông tin từ bãi này, bãi khác, thông tin các đoàn kiểm tra đều được cập nhật thường xuyên để họ thay đổi phương thức làm ăn và đối phó với chính quyền sở tại…

Một cửa hầm vàng ở Khe Đương.

Nguyễn N., một phu vàng quê ở huyện Hòa Vang có thâm niên ở bãi vàng Khe Đương kể: Ngày ra đi với thân phận của một kẻ tọ mọ (phu) thì hơn 10 năm sau vẫn vậy, có khác chăng là ngày mới vào rừng các anh là những chàng thanh niên lực lưỡng, còn bây giờ là những xác thân cỗi cằn với nhiều thứ bệnh tật trong người.

Vừa nói, anh N. vừa chỉ tay về phía dòng nước ngầu đỏ. Các anh thấy đó, suốt ngày phải tiếp xúc với tiếng nổ đến inh tai nhức óc của mìn, rồi bụi đất đá, nguồn nước ô nhiễm. Chưa kể là vì làm vàng theo kiểu bòn mót, tận dụng nên suốt ngày phải chui nhủi trong những hầm vàng rất sâu, có khi đến cả trăm mét trong lòng đất, ẩm thấp, ngột ngạt, thiếu ánh sáng và không khí. Cũng vì vậy có không ít phu vàng xấu số đã bỏ mạng lại nơi này… và giấc mơ đổi đời mãi mãi là một giấc mơ cay nghiệt.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau khi Công ty Trường Sơn không còn được phép khai thác vàng tại Khe Đương, chính quyền thành phố Đà Nẵng đã có chủ trương cho Công ty Bông Sen Vàng tiếp tục đến đây để khai thác, với điều kiện Công ty Bông Sen Vàng phải trồng mới 22ha rừng.

Đến thời điểm này, các điều kiện cam kết đã được Công ty Bông Sen Vàng thực hiện, phía thành phố Đà Nẵng cũng đã đồng ý. Tuy nhiên, theo quy định mới của Luật Khoáng sản thì việc khai thác vàng ở khu vực Khe Đương phải được sự phê duyệt của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Hiện tại, Công ty Bông Sen Vàng chỉ cử cán bộ của mình đến Khe Đương để bảo quản số máy móc do Công ty Trường Sơn bàn giao lại. Trong khi đó, với tin đồn trúng đậm vàng tại khu vực này nên ngày càng có nhiều phu vàng không những ở Đà Nẵng, Quảng Nam mà ở nhiều địa phương khác trong cả nước vẫn đang kéo nhau về đây để tìm kiếm vận may…

Một cán bộ của Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về Môi trường - Công an thành phố Đà Nẵng bày tỏ với báo giới: Việc các phu vàng tập trung về bãi vàng Khe Đương, các hầm do Công ty Trường Sơn để lại, là vô cùng nguy hiểm, bởi lẽ đa số hệ thống hầm vàng này đã quá cũ kỹ, không còn hệ thống chằng chống nên nguy cơ tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Để bảo đảm tính mạng của phu vàng thì tốt nhất là phải phá hủy hệ thống hầm cũ này và ngăn cản quyết liệt không để cho phu vàng tiếp tục khai thác ở đây.

Ông Hồ Tăng Phúc - Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang cho biết, hiện nay, chính quyền địa phương vẫn đang tiếp tục phối hợp tốt với các đơn vị hữu trách để truy quét và đẩy đuổi "vàng tặc" ra khỏi khu vực rừng ở Tiểu khu 27 và 29. Tuy nhiên, lực lượng chức năng cũng chỉ có thể chốt chặn ở những huyết mạch giao thông cơ bản đi vào bãi vàng, chứ không thể chốt chặn tất cả vì lực lượng quá mỏng. Trong khi đó, từng đoàn phu vàng vẫn có thể cắt rừng để tìm đường đến Khe Đương, vì tin đồn ở đó có người trúng vàng.

Cách khu vực bãi vàng Khe Đương chừng hơn nửa ngày đi xe gắn máy, khu vực rừng núi thuộc xã Đắc Pring của huyện miền núi Nam Giang (Quảng Nam) mấy năm qua đã trở thành “chiến khu” của "vàng tặc". Ở đó, suốt ngày đêm, các chủ bãi vàng đã cho phu vàng của mình đào, múc, cày xới không thương tiếc những cánh rừng để tìm vàng sa khoáng. Từ nhiều năm qua, những người làm vàng tàn phá những cánh rừng này, cách không xa với một đồn biên phòng, nhưng nhiều năm rồi có ai truy quét, đẩy đuổi được người làm vàng đâu? Chỉ có một khoảng thời gian ngắn mà những cánh rừng thuộc các xã Đắc Pring và Đắc Pre (thuộc phạm vi của Khu bảo tồn thiên nhiên sông Thanh) của huyện Nam Giang (Quảng Nam) đã bị phá hoại tan tành.

Trong các năm 2012, 2013 và những tháng đầu năm 2014, Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên sông Thanh đã cùng với Hạt Kiểm lâm tổ chức hàng chục đợt truy quét, đập phá 19 máy xúc, nhiều máy nổ, tháo dỡ nhiều lán trại của những người khai thác vàng trái phép. Tuy nhiên, cứ sau những lần truy quét ấy thì vàng tặc vẫn quay trở lại để phá rừng…

Không riêng gì ở huyện Nam Giang, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam hiện nay đa số các huyện miền núi đều bị vàng tặc tấn công một cách không thương tiếc. Nhiều cánh rừng ở huyện Đông Giang, Phước Sơn, Nam Trà My, Bắc Trà My hiện nay đều đang chịu sự tàn phá của những đội quân khai thác vàng trái phép. Hàng ngày, người dân sinh sống gần với các bãi vàng vẫn chịu cảnh điếc tai nhức óc vì vàng tặc nổ mìn để khai thác vàng, đời sống thường nhật của họ cũng bị ảnh hưởng trầm trọng bởi nguồn nước bị ô nhiễm nặng, đó là chưa kể đến hiện tượng lũ quét, lũ ống đang như chực chờ đổ ụp lên cuộc sống của họ mỗi khi mùa mưa lũ đến.

Những ngày đầu tháng 8 này, khi Tập đoàn Besra "mẹ" của Công ty vàng Bồng Miêu và Công ty vàng Phước Sơn tuyên bố đóng cửa và để lại những khoản nợ kếch sù, thì chỉ ít ngày sau, những công nhân từng làm việc tại đây đã rủ nhau đi vào rừng để làm…"vàng tặc". Để tìm kiếm vàng sa khoáng trong lòng đất đổi lấy miếng cơm manh áo mỗi ngày, những "vàng tặc" vốn dĩ trước đó là công nhân hiền lành chất phác nay trở thành những kẻ chuyên đào bới, tàn phá rừng.

Anh Nguyễn Văn T., trước đây là công nhân của Công ty vàng Bồng Miêu cho biết, không phải những người đi khai thác vàng sa khoáng trái phép trong rừng là không biết đến hậu quả khôn lường của việc chặt phá cây rừng và đào xới đất đá. Họ cũng biết sử dụng hóa chất, thậm chí là chất độc Cyanua để làm vàng là một tội ác với những người dân đang sinh sống dọc những dòng sông và vùng hạ lưu… Tuy nhiên, theo anh T. thì vạn sự tại nghèo mà ra cả. Đói là nỗi ám ảnh thường trực của những gia đình công nhân nghèo. Biết là sai, nhưng cuộc sống họ bất chấp tất cả.

Trong quá trình tác nghiệp để thu thập thông tin về thực trạng khai thác vàng trái phép ở bãi vàng Khe Đương huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) hay những bãi vàng đã trở thành truyền thống ở vùng miền núi tỉnh Quảng Nam. Hiện nay, ở các vùng rừng núi của các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đắk Lắk, Đắk Nông vẫn đang ngày đêm oằn mình trước sự tàn phá không thương tiếc của những kẻ khai thác vàng lậu.

Có lẽ, để hạn chế được thực trạng nhức nhối này, chúng ta cần phải tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về khoáng sản; kịp thời phát hiện, kiên quyết xử lý bất cứ ai lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để tiếp tay cho việc khai thác vàng trái phép.

Tại các địa phương có bãi vàng cụ thể cũng cần phải làm rõ trách nhiệm của những đơn vị hữu trách, nghiêm túc kiểm điểm những trường hợp "bật đèn xanh" cho vàng tặc mang phương tiện, vật tư đến vùng quản lý của mình để khai thác vàng trái phép, cùng với vàng tặc ăn chia lợi nhuận để làm giàu bất chính…

Bảo Thy

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Các giám sát viên của Liên hợp quốc (LHQ) nhận định trong một báo cáo rằng các mảnh vỡ từ một tên lửa rơi xuống thành phố Kharkiv của Ukraine hôm 2/1 là từ tên lửa đạn đạo dòng Hwasong-11 của Triều Tiên, Reuters đưa tin.

Hết quý I/2024, thị trường bất động sản đã có thêm những tín hiệu tích cực khi sự quan tâm của người dân dành cho nhà ở đã tăng lên so với giai đoạn quý IV/2023. Theo đại diện Bộ Xây dựng, nguồn cung cũng đã tăng khi số lượng dự án hoàn thành và được cấp phép tăng lên. Tuy nhiên, nhận định về thị trường bất động sản, đại diện Bộ Xây dựng cho biết, dù đã có những chuyển động tích cực nhưng cơ bản thị trường vẫn chưa hết khó khăn. Những bất cập, vướng mắc dù đã được nhận diện nhưng vẫn cần thời gian để tháo gỡ.

Hơn 14 năm công tác trong lực lượng Công an, trong đó có hơn 10 năm gắn bó với công tác an ninh, Thiếu tá Trần Xuân Hoàng, Đội trưởng Đội An ninh Công an huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai đã vận động, giúp đỡ hàng trăm trường hợp lầm lỡ trót tin lời kẻ xấu, vượt biên trái phép, theo "Tin lành Đêga"… trở về hòa nhập với cộng đồng.

Cuối tháng 10/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã long trọng tổ chức buổi gặp mặt các đồng chí cán bộ thuộc Quỹ đặc biệt (Tiền thân là Quỹ ngoại tệ đặc biệt) chi viện chiến trường miền Nam, gọi tắt là Quỹ hoặc Ban B29.

Qua công tác năm địa bàn, đối tượng, Đội Cảnh sát hình sự Công an thị xã Tịnh Biên (An Giang) phát hiện có một nhóm đối tượng từ phía Bắc đến khu vực tổ 16, khóm Xuân Hoà, phường Tịnh Biên cho người dân vay tiền trả góp với lãi suất cao 10-30%/tháng. Nếu người vay không góp đúng hạn thì bị đối tượng đe dọa… 

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文