Xuyên rừng bắt đối tượng truy nã ở đất nước Triệu Voi

08:00 24/12/2014
Có một tổng kết thú vị rằng trong lực lượng Công an, lực lượng phải đi nhiều nhất chính là cảnh sát truy nã. Một năm có 365 ngày thì hầu hết quỹ thời gian của các trinh sát là cặm cụi với hàng ngàn trang hồ sơ và những chuyến công tác dài dằng dặc, đối đầu với những tên tội phạm cùng đường, nguy hiểm.

Cuộc truy lùng đối tượng không chỉ diễn ra trong một địa phương mà trải dài trên khắp cả nước, cả những chuyến xuất ngoại ở xứ trời Tây cách xa ngàn dặm, gần hơn là các nước Đông Nam Á, trong đó có Lào – đất nước Triệu Voi với 2.067km đường biên giới, là một địa bàn trọng điểm được các đối tượng lợi dụng ẩn náu…

Có lẽ ở Tây Bắc cho đến thời điểm này chẳng ai… “vượt mặt” được Thượng tá Bùi Văn Hà, Phó Trưởng phòng Cảnh sát truy nã Công an tỉnh Điện Biên về những chuyến xuất ngoại truy lùng đối tượng truy nã. Đầu quân cho đơn vị Cảnh sát hình sự trước đây rồi Cảnh sát truy nã từ khi được thành lập, anh có “duyên” với công việc này và trở thành một trong những “cao thủ” tầm nã của Công an tỉnh nơi miền đất hiểm cực Tây này.

Cho đến nay anh đã tham gia tròm trèm 500 vụ án, bắt giữ được hơn 200 đối tượng, vận động trên 40 đối tượng ra đầu thú. Với gần 30 lần sang các tỉnh Bắc Lào anh đã cùng đồng đội và lực lượng Công an Lào bắt giữ được 19 đối tượng truy nã đang lẩn trốn ở những nơi heo hút thâm sơn cùng cốc trên nước bạn.

Truy lùng đối tượng truy nã lẩn trốn ở đất nước Triệu Voi có những gian nan rất đặc thù. Đại tá Lương Thanh Lưu, “sếp trưởng” của Thượng tá Hà cho biết, công tác bắt truy nã ở Tây Bắc (đặc biệt là 2 tỉnh biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào là Điện Biên và Sơn La) gặp rất nhiều khó khăn bởi sau khi gây án đối tượng thường lợi dụng hàng trăm đường tiểu ngạch dọc ngang hơn 600km đường biên giới để lẩn trốn, vượt biên.

Bà con dân tộc thiểu số 2 bên biên giới có mối quan hệ gần gũi, thân tộc lâu đời nên các đối tượng thường mai danh ẩn tích, hợp thức hóa tên tuổi để làm ăn sinh sống tại các buôn làng hẻo lánh. Thậm chí không ít tên còn lợi dụng công tác quản lý hành chính còn lỏng lẻo ở một số địa phương nước bạn đàng hoàng làm ăn, sinh sống ở trung tâm thị xã, thị trấn với vỏ bọc hợp pháp.

Qua tổng kết của Công an các địa phương, các đối tượng có lệnh truy nã ở Điện Biên, Lai Châu, Sơn La lẩn trốn sang Lào hầu hết liên quan đến ma túy. Đại tá Lưu chia sẻ rằng, chính quá trình buôn bán ma túy, các đối tượng đã hình thành mối quan hệ thân thiết với các đối tượng bên kia biên giới, khi có “động” hoặc đường dây bị bóc gỡ chúng sẽ tìm cách trốn sang bên kia biên giới để tiếp tục hoạt động.

Trong các vụ án bắt đối tượng truy nã ở đất nước Triệu Voi gần đây, vụ bắt đối tượng Lò Văn Tân, sinh năm 1956, hộ khẩu thường trú trước khi lẩn trốn ở Sam Mứn, huyện Điện Biên là một điển hình với sự gian nan, ly kỳ và cũng hết sức kỳ khu của các trinh sát.

Những năm 90 của thế kỷ trước, khi thuốc phiện còn được các đối tượng buôn bán bằng cân… tạ, Lò Văn Tân nổi lên là một tay anh chị, có số má ở khu vực Pom Lót - Bản Phủ. Đoàn xe quá cảnh sang Lào hồi đó không ít xe khi trở về được dân buôn lậu nhét trong thùng hoặc téc xăng cả tạ thuốc phiện. Lò Văn Tân là một trong những đầu nậu thầu bao toàn bộ số “hàng đen” đó rồi vận chuyển đi tiêu thụ.

Sau khi Nhà nước có chủ trương cấm trồng, buôn bán, sử dụng ma túy (năm 1993), Tân ma mãnh vờ “rửa tay gác kiếm” chuyển sang buôn bán đồ gỗ và lâm sản khác từ Tây Trang về. Thực tế thì đằng sau những súc gỗ đinh hương, bao sa nhân nhập từ Lào về là hàng chục kilôgam thuốc phiện, sau này là “hàng trắng” (hêroin) được ngụy trang kín đáo bên trong.

Nhưng “vải thưa không che được mắt thánh”, Công an huyện Điện Biên đã xác lập chuyên án và cho hắn vào tròng. Tháng 7/1998, đường dây buôn bán ma túy từ Lào về Điện Biên do Lò Văn Tân cầm đầu bị triệt phá, 7 đối tượng bị bắt giữ nhưng Lò Văn Tân đã nhanh chân trốn thoát.

Công an huyện Điện Biên đã phát lệnh truy nã đặc biệt với Lò Văn Tân. Thời gian lặng lẽ trôi đi, hồ sơ về Lò Văn Tân vẫn âm thầm dày thêm hằng năm nhưng các trinh sát vẫn không thể lần ra dấu vết của hắn.

Lò Văn Tân bị bắt giữ sau 16 năm lẩn trốn tại huyện Nậm Bạc, tỉnh Luông Phrabăng (Lào).

Thượng tá Bùi Văn Hà cho biết: “Mặc dù anh em họ hàng Lò Văn Tân đều ở Điện Biên nhưng chúng tôi cũng xác định khả năng đối tượng trốn sang Lào. Do địa bàn xa xôi, rộng lớn, dân cư nước bạn không tập trung nên Công an 2 nước không dễ khoanh vùng, xác minh”.

Cuối năm 2013, Công an tỉnh Điện Biên và Công an tỉnh Luông Phrabăng tổ chức hội đàm, trao đổi nghiệp vụ về công tác đảm bảo an ninh trật tự, một lần nữa danh sách những đối tượng truy nã nghi vấn đang lẩn trốn bên nước bạn lại được 2 bên trao đổi. Ngay sau cuộc hội đàm, Thượng tá Bùi Văn Hà cùng một tổ công tác lập tức lên đường.

Qua thông tin từ hệ thống tàng thư của Công an nước bạn, các trinh sát thấy nổi lên một số đối tượng nghi vấn. Một tổ công tác với sự giúp đỡ của Công an tỉnh Luông Phrabăng đã xuống địa bàn huyện Nậm Bạc để tiếp tục làm rõ về 3 đối tượng nghi vấn.

Trong số các “ông chủ” ở Nậm Bạc, các trinh sát thấy nổi lên một ông chủ đồn điền và buôn bán nhỏ ở bản Hua Lá, huyện Nậm Bạc tên là Bun Thi. Bun Thi năm nay khoảng 60 tuổi có nhiều đặc điểm tương đồng với đối tượng truy nã nguy hiểm Lò Văn Tân.

Theo người dân ở đây cho biết, Bun Thi không phải là người gốc ở đây nhưng ông ấy lấy vợ, sinh con và lập nghiệp ở Hua Lá gần 20 năm nay. Ông ta là một trong những người khá giả nhất bản, có nhà cửa, cơ sở sản xuất khang trang, sở hữu mấy chiếc ôtô. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, các trinh sát đã bí mật lấy được vân tay của “ông chủ” này. Và kết quả giám định làm các trinh sát hết sức mừng rỡ khi vân tay của Bun Thi trùng khớp với vân tay trong tàng thư chỉ bản của đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm Lò Văn Tân.

Mặc dù có cơ sở nhưng các trinh sát phải tiếp tục tiến hành một số biện pháp nghiệp vụ cẩn trọng khác rồi mới tiến hành tiếp cận… đánh bài ngửa với Bun Thi, sau đó đọc lệnh bắt giữ. Hơn 16 năm lẩn trốn, thay tên đổi họ, mai danh ẩn tích ở xứ người cách nhà cả ngàn cây số, Lò Văn Tân vẫn không thể thoát được lưới trời…

Khác với Lò Văn Tân, đối tượng Vùi Văn Xiếng, sinh năm 1967 (HKTT ở Phong Thổ - Lai Châu) can tội mua bán trái phép chất ma túy lại tạo cho mình một vỏ bọc là nông dân hoàn hảo. Xiếng bỏ trốn và bị Công an tỉnh Lai Châu phát lệnh truy nã từ năm 2004. 10 năm lẩn trốn bên Lào không ai nghĩ rằng anh ta lại là một người Việt Nam chính hiệu vì Xiếng nói tiếng Lào như… người Lào.

Ngay cả vợ Xiếng – một phụ nữ người Lào Sủng cũng không hề biết người đầu gối tay ấp với mình lại là một đối tượng truy nã nguy hiểm từ Việt Nam trốn sang. Được sự giúp đỡ của đơn vị nghiệp vụ nước bạn, các trinh sát phải lục tung cả trăm ngàn danh chỉ bản được lưu trữ cả ở Công an tỉnh Điện Biên, Lai Châu và 6 tỉnh Bắc Lào đều không có đối tượng nghi vấn.

“Mặc dù vậy, đối tượng lẩn trốn nào dù lắm mưu ma chước quỷ đến đâu cũng có sơ hở. Quan trọng là các trinh sát phải phát hiện được “gót chân Asin” của đối tượng, “ngửi” thấy mùi đối tượng từ những thông tin rời rạc, tưởng như không có liên quan gì” – Đại tá Nguyễn Bá Quí, Trưởng phòng Truy nã tội phạm Công an tỉnh Lai Châu đúc kết.

Chính vì những thông tin tưởng như mơ hồ, rời rạc từ một người dân thu mua nông sản từ Lai Châu tại Luông Phrabăng về một “nhân vật” nhìn quen quen ở bản Hua Tạt, huyện Nậm Bạc, Công an tỉnh Lai Châu đã cung cấp thông tin cho Công an tỉnh Điện Biên. Một tổ trinh sát lại lên đường phối hợp với Công an tỉnh Luông Phrabăng tìm đến bản Hua Tạt và gã nông dân hiền lành chân chất Khăm Sỷ đã bị bóc mẽ; gã chính là Vùi Văn Xiếng, đối tượng trốn lệnh truy nã 10 năm trước…

Hành trình truy bắt đối tượng truy nã ở xứ người với những chuyến đi dằng dặc, nhịn đói nhịn khát, khó khăn do bất đồng ngôn ngữ lại không để lại nhiều kỷ niệm với các trinh sát bằng những cuộc phối hợp với an ninh nước bạn đấu trí, cảm hóa, vận động đối tượng đang lẩn trốn ở đâu đó trên nước bạn về nước đầu thú. “Chinh chiến” nhiều năm, thông thổ địa hình địa vật 6 tỉnh Bắc Lào như ở Việt Nam nhưng điều làm Thượng tá Bùi Văn Hà xúc động chính là tình cảm của lực lượng Công an nước bạn và bà con các bộ tộc Lào. Khi biết anh em từ Việt Nam sang, người dân đều coi như người nhà, nhiệt tình giúp đỡ, tạo điều kiện về nơi ăn chốn ở, cung cấp thông tin nghi vấn.

Cho đến bây giờ Thượng tá Hà vẫn còn nhớ như in lần anh cùng Thiếu tá Lù Văn Thưởng (hiện là Phó trưởng Công an huyện Nậm Pồ, Điện Biên) sang Bò Kẹo bắt nã. Bò Kẹo là tỉnh ngã ba biên giới thuộc khu vực Tây Bắc Lào có diện tích chỉ 7.000km2 với số dân hơn 150 ngàn người. Bò Kẹo chia đôi dòng Mê Kông với Thái Lan dài 35km và 98km giáp với Myanmar. Đây từng là “thánh địa” của đá quí và thuốc phiện, trọng điểm là huyện Tông Phoọng thuộc khu vực Tam giác vàng là nơi tập trung khá đông các “ông trùm” và đối tượng ngoài vòng pháp luật.

Qua nguồn tin trinh sát, lực lượng cảnh sát truy nã đã phát hiện hành tung của đối tượng Ly A Long, sinh năm 1989, HKTT ở bản Ca Hâu, xã Na Ư (Điện Biên) can tội buôn bán 25 bánh hêroin, bỏ trốn từ năm 2012. Khi đoàn công tác của đơn vị đến địa bàn, mặc dù đêm đã khuya nhưng trưởng bản Viêng Khăm vẫn đánh thức vợ dậy nấu cơm, thịt gà thết đãi cả đoàn. Ngay ngày hôm sau, ông đã tổ chức cuộc họp dân để nghe cán bộ Công an Lào, Công an Việt Nam thông tin về việc truy tìm đối tượng truy nã Ly A Long đang lẩn trốn trên địa bàn.

Ngay sau đó, nhiều người dân đã nhiệt tình cung cấp thông tin và hứa sẽ tìm cách “bắn tin” vận động Long ra đầu thú. Do thời gian không cho phép nên 2 ngày sau, đoàn công tác rút về nước và để lại lá thư do Thiếu tá Lù Văn Thưởng trực tiếp viết gửi Ly A Long kêu gọi đầu thú để hưởng sự khoan hồng. Một tuần sau, Ly A Long đã vượt 700 cây số từ Bò Kẹo về trụ sở Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm Công an tỉnh Điện Biên đầu thú...

Qua tổng kết, chỉ tính trong khoảng 3 năm trở lại đây Công an 3 tỉnh Điện Biên, Sơn La và Lai Châu đã xác minh, làm rõ và bắt giữ được 52 đối tượng có lệnh truy nã đang lẩn trốn ở xứ người. Lập công nhiều nhất là Công an tỉnh Sơn La và Điện Biên, với gần 90% đối tượng. Chỉ riêng Công an tỉnh Điện Biên từ đầu năm đến nay, các trinh sát đã 16 lần sang Lào phối hợp với Công an nước bạn, truy lùng và bắt giữ được 6 đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm, vận động 2 đối tượng đang lẩn trốn ở tỉnh U Đom Say về nước đầu thú.

Vũ Mạnh Hà

Họ "bắt cặp" với nhau không cần tình yêu, cũng chẳng cần tiền. Chỉ cần trao đổi qua tin nhắn, gặp mặt, đi ăn uống đôi lần, hoặc ngay từ lần đầu tiên, sau khi ưng ý và thỏa thuận vài "điều khoản thuộc vùng cấm" trong mối quan hệ, thì giữa hai người đã có thể tiến tới bước quan hệ thể xác. "Phong cách bạn bè" này mới xuất hiện trong giới trẻ, mang cái tên rất Tây: "Friends with benefit".

Ba người đàn ông từ Thanh Hóa lên các huyện Quế Phong và Quỳ Châu (Nghệ An) để đi du lịch dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, sau đó lên khu vực biên giới mua ma túy để sử dụng…

Trận gió lốc quét qua đã cuốn bay phần mái lợp 6 phòng học tại Trường tiểu học Phú Lương 1, làm hư hỏng 1 phòng học khác. Trong sáng 3/5, khi lực lượng các đơn vị tổ chức khắc phục thiệt hại, toàn bộ 263 học sinh của Trường tiểu học Phú Lương 1 phải nghỉ học.

Có một địa danh, nếu như vì một lý do khách quan hoặc chủ quan mà không đến thăm được, thì có lẽ ta sẽ phải trăn trở suốt đời. Với tôi, Điện Biên Phủ là một địa danh như vậy! Vậy mà mãi gần đây, tôi mới có dịp lên thăm chiến trường Điện Biên năm xưa, với tư cách là một cựu chiến binh, một thương binh, đã từng trải qua cuộc kháng chiến chống Mỹ cùng vị Tổng tư lệnh huyền thoại Võ Nguyên Giáp. Làm sao mà không cảm xúc dâng trào, mà không nghẹn ngào xao xuyến!

VKSND TP Hồ Chí Minh vừa hoàn tất cáo trạng truy tố 254 bị can về 11 tội danh liên quan đến các sai phạm, tiêu cực trong lĩnh vực đăng kiểm. Đáng lưu ý, quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh đã làm rõ sự “tiếp tay” của nhóm đối tượng nguyên lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam (ĐKVN) và lãnh đạo, đăng kiểm viên Phòng kiểm định xe cơ giới (VAR) cho các đối tượng khác trong quá trình gây án.

Hai thập kỉ từ sau đợt mở rộng lớn nhất lịch sử, Liên minh châu Âu (EU) đã gặt hái những bước phát triển vượt bậc trong nhiều lĩnh vực, nhưng hiện đang đối mặt không ít thách thức từ bối cảnh địa chính trị thay đổi, cũng như sự chênh lệch về kinh tế và khác biệt quan điểm giữa các quốc gia thành viên.

Vẫn chiêu trò cũ rích, thế nhưng thời gian gần đây một số người dân ở Phú Yên tiếp tục nhận được những cuộc điện thoại di động (ĐTDĐ) mạo danh cán bộ các cơ quan tư pháp, đưa ra nhiều thông tin liên quan đến số phận pháp lý của người nghe điện thoại, rồi yêu cầu cung cấp dữ liệu cá nhân để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đánh giá tác động môi trường cũng như hồ sơ phê duyệt, quy mô trang trại này chỉ được phép nuôi 150 con lợn nái, nhưng khi kiểm đếm để đền bù, GPMB cao tốc Bắc - Nam, trang trại này nuôi đến 668 con. Ngoài ra, trước thời điểm cao tốc được Chính phủ phê duyệt quy hoạch 5 tháng, dự án này cũng được điều chỉnh tăng thêm về diện tích, quy mô chuồng trại dù số lượng vật nuôi không biến động.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文