Ai Cập: Vẫn nhiễu loạn và căng thẳng

14:20 21/03/2016
Sau cuộc nổi loạn năm 2011 lật đổ Tổng thống Hosni Moubarak, người dân Ai Cập lại phải sống dưới một chế độ cai trị cứng rắn hơn bao giờ hết. Ủy ban Luật pháp và Tự do của Ai Cập do luật sư Mohamed Lotfy điều hành đã thống kê được 340 trường hợp mất tích từ ngày 1-8 đến cuối tháng 11-2015, tức là trung bình mỗi ngày có 3 trường hợp mất tích.

Người dân Ai Cập đã lầm khi tin rằng, họ đã đạt mục tiêu khi lật đổ ông Moubarak. Nhưng đó là sự kết thúc của vị tổng thống độc tài, chứ không phải chế độ của ông này kết thúc.

Nhà ga xe điện ngầm bị đóng cửa từ năm 2011.

Nhân viên an ninh dày đặc trên quảng trường Tahrir

Khi đến quảng trường Tahrir, anh Khaled Talima cảm thấy vừa nhớ quê hương vừa giận dữ: “Cách đây 5 năm, tôi là một trong những người đầu tiên chiếm khoảng sân rộng mênh mông bên bờ sông Nil. Những cuộc biểu tình ngày càng thu hút đông người hơn và 97 ngày sau, đã buộc Tổng thống Hosni Moubarak phải từ bỏ quyền hành. Vào ngày 25-1-2016 vừa qua, chàng thanh niên này muốn quay lại nơi mình đã tham gia vào biến cố lịch sử, anh đi cùng với 2 người bạn, nhưng đó lại là một ngày buồn thảm! Khaled kể lại: “Quảng trường trống hoác, chỉ có mấy người chúng tôi. Ai cũng sợ không dám đến đây”.

Ngay giữa quảng trường, một cột cờ khổng lồ treo cờ Ai Cập thay chỗ cho tượng đài những người đã ngã xuống cho cuộc cách mạng. Chung quanh quảng trường nhan nhản cảnh sát mặc thường phục lẫn quân phục. Hầu hết các “bức tường tự do”, các bức họa vẽ trên tường đều bị xóa sạch. Những chiếc khung sắt quấn dây kẽm gai và những barie sắt được đặt trên các con đường cạnh đó để phong tỏa quảng trường Tahrir. Xe điện ngầm bị đóng cửa, mọi người bị cấm tụ họp. Mấy năm trước, ngày 25-1 được xem là ngày toàn quốc kỷ niệm chế độ độc tài bị lật đổ, bây giờ lại quay về trật tự cũ.

Đa số những người lãnh đạo của cuộc nổi loạn đều bị cầm tù hoặc đang ở nước ngoài. Anh Khaled Talima, 31 tuổi, là trường hợp ngoại lệ. Sau khi quân đội lật đổ vị tổng thống dân cử đầu tiên, ông Mohamed Morsi, vào tháng 7-2013, anh làm trợ lý cho Bộ trưởng Bộ Thanh niên.

Talima cay đắng nói: “Bài phát biểu nào của tôi khi đó cũng phải đề cập đến giới trẻ. 8 tháng sau, tôi từ nhiệm. Sau đó, tôi đảm trách phần tin buổi sáng trên kênh truyền hình tư nhân ONTV. Trong bầu khí lúc đó, tôi không biết người ta sẽ để cho tôi tiếp tục công việc cho đến bao lâu. Cứ sau mỗi buổi phát hình, tôi lại tự nhủ: đây là buổi cuối cùng”.

Hơn 1.400 người bị giết, 40.000 vụ bắt giữ, chủ yếu là những người của tổ chức Huynh đệ Hồi giáo hoặc bị xem đối tượng cảm tình của tổ chức này. Và kể từ năm 2014, ngày càng có nhiều nhà hoạt động dân chủ, các luật sư, các tay bloger bị bắt giữ. Một cuộc trấn áp không ngừng gia tăng cường độ vào hôm trước ngày kỷ niệm 5 năm cuộc cách mạng. Cuộc trấn áp chủ yếu xảy ra quanh quảng trường Tahrir.

“Có thể nghĩ rằng, sự tồn tại của chế độ cầm quyền phụ thuộc vào quảng trường này!”, ông William Wells, Giám đốc Townhouse, tòa nhà lớn nhất của nghệ thuật đương đại Ai Cập nói. Nơi đây vừa làm gian hàng triển lãm, vừa là nhà hát, vừa là… xưởng máy, nơi mỗi tối đón tiếp hơn 200 người, trong đó có cả thợ sửa xe và các tay bán ve chai.

“Ngày 28-12-2015, có 25 viên chức nhà nước đến điều tra chỗ ở của chúng tôi, họ tịch thu máy tính, hồ sơ, máy tính bảng…mọi thứ có thể thu được, nhiều thứ họ thu giữ chẳng liên quan gì đến nhiệm vụ của họ.” Từ đó, các dấu niêm phong gắn xi đã cấm William Wells bước vào trung tâm của mình. “Chúng tôi không nhận được lời giải thích nào cả. Thậm chí chúng tôi còn không biết ai đã đưa ra quyết định lục soát này.”

Một sự việc tương tự như thế xảy ra cách đó mấy bước. Ông Mohamed Hashem không biết làm thế nào để xuất bản những tác phẩm đang ở dạng bản thảo chất đống lộn xộn trên bàn vì nhà xuất bản của ông thường xuyên được cảnh sát tới viếng thăm. “Họ đã bắt giam hai nhân viên của tôi suốt 12 tháng”, ông cho biết. Từ đó, Sở thuế vụ đòi ông nộp 2,6 triệu livre (300.000 euro) tiền thuế. Ông kêu lên: “Thật điên rồ! Tôi làm gì có tiền”.

Mấy tuần cuối tháng 2, cảnh sát đã thực hiện nhiều cuộc đột kích vào 5.000 căn hộ của khu trung tâm. Nhà hoạt động Ghada Shahbender ngồi tại một quán cóc trong số rất ít quán còn được mở gần quảng trường Tahrir nói: “Họ đến mà chẳng có tờ lệnh nào, kiểm tra thư viện, lục soát điện thoại di động, đọc các tài khoản facebook, và nếu bạn bị tình nghi là ngay lập tức bị đưa lên xe. Họ tiến hành bắt giữ hàng loạt không lý do rõ ràng”.

Bà Laila  Soueif, giáo sư đại học và là nữ chiến sĩ đấu tranh chế nhạo: “Họ tưởng rằng, cứ đóng cửa những nơi mà thanh niên tụ họp là hết người phản đối sao? Thật ngớ ngẩn! Mọi người có thể gặp nhau trên facebook”.

Những vụ mất tích và cái chết không lời giải đáp

Vào chập tối ngày 25-1, anh Giulio Regeni cũng quyết định tới gần quảng trường Tahrir. Anh chàng người Ý 28 tuổi này đang chuẩn bị một luận án về phong trào công nhân Ai Cập. Vì tình trạng căng thẳng đang diễn ra trong thành phố, anh ngần ngại không dám rời khỏi căn hộ mà anh ở chung với một sinh viên khác tại Dokki. Suốt tuần anh không dám đi đâu hết.

Nhưng rồi anh được mời tới một trường đại học và phải gặp một anh bạn tại trung tâm thành phố. Anh ra khỏi nhà lúc 19 giờ 45. 6 phút sau, điện thoại của anh không ai trả lời nữa. Anh sẽ chẳng bao giờ đến được chỗ hẹn. Hôm sau, người bạn chung phòng của anh báo cho cảnh sát khu vực về việc anh mất tích. Các nhà điều tra dường như chỉ quan tâm tới đề tài nghiên cứu rất nhạy cảm của anh.

Một người bạn của anh cho biết, các nhà điều tra chỉ hỏi anh tại sao Giulio Regeni nghiên cứu về những nghiệp đoàn độc lập. Ngày 3-2-2016, thi thể để trần nửa người của anh  được tìm thấy trên lề đường của xa lộ Alexandrie, tại ranh giới đô thị 6-10, một thành phố mới có trụ sở của một trong những doanh trại lớn nhất của Ban An ninh quốc gia.

Anh Khaled Talima, một trong những nhà lãnh đạo hiếm hoi của cuộc nổi dậy còn được tự do.

Trước tiên, một ông trưởng đội hiến binh nói: “Đây là một tai nạn giao thông”. Nhưng sau đó, các nhà cầm quyền địa phương nói tới những nhát dao. Tình hình thay đổi khi vị đại sứ Ý tại Cairo yêu cầu khám nghiệm nạn nhân. Anh Giulio Regeni đã bị tra tấn dã man cho tới chết. Bản tường trình của công tố viên cho biết, có những vết bỏng do bị châm thuốc lá quanh hai mắt và trên gan bàn chân, cùng nhiều vết xây xát và nhiều vết thương…

Bộ trưởng Bộ phát triển của Ý là bà Federica Guidi sắp dẫn đầu một phái bộ kinh tế tới Cairo đã hủy bỏ chuyến đi. Thủ tướng Ý Matteo Renzi “yêu cầu Ai Cập cho biết toàn bộ sự thật”, triệu hồi Đại sứ Ý và gấp rút gửi một đội điều tra tới hiện trường. Kết quả đầu tiên của cuộc giải phẫu giám định pháp y được thực hiện tại Rome cho biết, nạn nhân tử vong do bị gãy đốt sống cổ vì bị nhiều cú đánh. Đây là một vụ giết người cướp của hay là bị cảnh sát tra tấn?

Với những người chung quanh chàng thanh niên đang làm luận án tiến sĩ này thì câu trả lời chẳng gây nghi ngờ chút nào. “Anh ấy đã dự một hội nghị nghiệp đoàn vào tháng 12-2015. Chắc chắn kể từ đó anh ấy bị cơ quan an ninh theo dõi”. Các nhà hoạt động Ai Cập đã đến đặt hoa tưởng nhớ anh trước tòa Đại sứ Ý với dòng chữ: “Anh ấy là một người của chúng tôi và đã bị giết chết như chúng tôi”.

Nhiều vụ mất tích gia tăng khắp nơi trong nước. Ông Ashraf Shehata điều hành một trường tư tại Giza và hoạt động cho đảng Al-Dostour, một đảng tự do do người đoạt giải Nobel Hòa bình là Mohamed ElBaradei thành lập. Ngày 13-1-2014, ông báo cho vợ là bà Maha Mekawy rằng, sau khi làm việc xong, ông sẽ tới Ban An ninh quốc gia, tại đô thị 6-10.

Bà kể lại: “Ông ấy không có vẻ lo lắng và cho rằng đó chỉ là một cuộc nói chuyện như thường lệ thôi”. Đến tối, bà thử gọi cho ông. “Nhưng cả hai chiếc điện thoại của ông ấy đã bị tắt”.

Bà Maha Mekawy có chồng mất tích từ ngày 13-1-2014.

Một năm rưỡi sau, Thứ trưởng Bộ Nội vụ là Abou Bakr Abdel Karim tuyên bố trên truyền hình rằng ông Ashraf Shehara đã bỏ quê hương để gia nhập tổ chức Nhà nước Hồi giáo rồi. Đấy là lời giải thích được đưa ra cho các trường hợp tương tự. Bà Maha Mekawy giận dữ: “Ông ấy tuyệt đối không theo IS! Và ông ấy có thể nào làm điều đó khi chỉ có 1.000 đồng livre (116 euro) trong túi chứ?”.

Ngày 7-11-2015, ông Ahmed al-Ahmadi bị cảnh sát bắt giữ ngay trước mặt nhân viên của mình. Ông là người đặc trách một đơn vị chăm sóc y tế tại Giza. Không có biên bản kết tội, nhưng ông đã bị thương vì một viên đạn trong những cuộc đối đầu giữa quân đội và tổ chức Huynh đệ Hồi giáo tại quảng trường Rabio al-Alouia vào tháng 8-2013.

Người em út của ông, anh Mahmoud, sinh viên đại học Al-Azhas, nói: “Từ đó, anh tôi bặt tăm. Chúng tôi đã tới Sở Tư pháp, đã tìm khắp nơi tại các sở cảnh sát, đã báo cho các tổ chức phi chính phủ, nhưng không có kết quả”. Cách đây 2 ngày, cuối cùng thì gia đình  anh cũng đã có tin tức về Ahmed al-Ahmadi. Một người đàn ông vừa được thả ra khẳng định rằng đã bị giam giữ cùng ông ấy tại Lazoughly, trụ sở của Ban An ninh quốc gia tại trung tâm thủ đô Cairo.

Ủy ban Luật pháp và Tự do của Ai Cập do luật sư Mohamed Lotfy điều hành đã thống kê được 340 trường hợp mất tích từ ngày 1-8 đến cuối tháng 11-2015, tức là trung bình mỗi ngày có 3 trường hợp mất tích. Trong 3 tháng cuối năm 2015, 16 thi thể  được tìm thấy tại nhà xác hoặc trên lề đường, như trường hợp của Giulio Regeni.

Vào dịp lễ kỷ niệm 5 năm cuộc cách mạng lật đổ Tổng thống Hosni Moubarak, bà Isaa Fattah, người đồng sáng lập Phong trào Thanh niên 6-4, cho biết: “Người ta đã lầm khi tin rằng đã đạt mục tiêu khi lật đổ ông Moubarak. Đó là sự kết thúc của ông ta, chứ không phải là chế độ của ông ta. Bộ máy an ninh đã xâm nhập vào mọi tầng lớp xã hội. Cho dù tướng Sissi (tổng thống đương quyền) có “rớt” đi nữa, thì sẽ có một người khác của quân đội lên thay”.

Nhưng người phụ nữ 34 tuổi có mái tóc nâu trùm một chiếc khăn voan mỏng này vẫn cảm thấy “rất tự hào” khi băng qua quảng trường Tahrir. Bà vẫn giữ được niềm hy vọng: “Giới trẻ kiên quyết hơn chúng tôi rất nhiều. Họ sẽ thực hiện được những gì mà chúng tôi đã không thể làm”.

Minh Thu (theo L’OBS, 2-2016)

Sau khi tìm đến các mỏ khai thác đá trái phép, Phạm Ngọc Hùng cùng đồng bọn đã tự xưng là nhà báo, có mối quan hệ quen biết với nhiều lãnh đạo nên đã đòi bảo kê, thu mua đá rồi chiếm đoạt số tiền hơn 500 triệu đồng.

Trước năm 1954, Sân bay Điện Biên vốn là sân bay dã chiến của quân đội Pháp. 70 năm sau, qua nhiều lần nâng cấp, Sân bay Điện Biên đã trở thành sân bay dân dụng hiện đại, đáp ứng khai thác máy bay cỡ lớn, là cầu nối kinh tế tại 6 tỉnh biên giới Tây Bắc.

Tại dự thảo Nghị định về phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) tự sản tự tiêu, Bộ Công Thương đề xuất loại hình này lắp tại nhà ở, cơ quan công sở, khu công nghiệp để tự dùng, nếu nối lưới điện quốc gia sẽ ghi nhận sản lượng với giá 0 đồng. Đề xuất này gây tranh cãi.

“Cảnh sát cơ động: Tư tưởng vững vàng/ Nắng mưa chẳng quản/ Hăng say luyện rèn”là khẩu hiệu được 1.000 CBCS hô vang hào hùng tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát cơ động (CSCĐ) và đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân lần thứ 2. Để chuẩn bị cho buổi lễ trọng đại này, trong 3 tháng qua, hơn 5.000 CBCS CSCĐ đã miệt mài khổ luyện trên thao trường để báo cáo với Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Bộ Công an những thành tích, chiến công đặc biệt xuất sắc.

Liên quan đến tình trạng tôm hùm ở vùng thả nuôi tôm ven biển xã Vạn Thạnh và xã Vạn Hưng nằm trong vịnh Vân Phong, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) chết hàng loạt như Báo CAND đã thông tin, ngày 5/5, PGS.TS Võ Văn Nha, Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III thuộc Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, cơ quan này vừa có báo cáo gửi đến Cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Khánh Hòa về kết quả khảo sát.

Ký ức xưa ùa về, vị tướng già 92 tuổi đã ôm máy trợ tim hơn 20 năm, ánh mắt như cười khi thổi những giai điệu rộn ràng của cây kèn Harmonica cho tôi nghe, những bản tình ca tha thiết của 31 ngày đêm chiến đấu trên đồi C1...

Nhiều dịch bệnh bùng phát từ đầu năm đến nay. Theo thống kê của Bộ Y tế, cả nước đã ghi nhận hơn 13.700 ca mắc tay chân miệng, tăng 2,5 lần so với cùng kỳ; tử vong do bệnh dại tăng gấp đôi; các bệnh truyền nhiễm khác có vaccine dự phòng như sởi, ho gà… đều tăng số ca mắc.

Ngày 5/5, Cơ quan CSĐT Công an huyện Lộc Bình (Lạng Sơn) cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam đối với Hoàng Thái Thụy (SN 1988, trú tại khu 5A, thị trấn Na Dương), Hoàng Ngọc Công (SN 1999) và Hoàng Ngọc Anh (SN 2001), cùng trú tại khu 6, thị trấn Na Dương, huyện Lộc Bình để điều tra về hành vi cố ý gây thương tích.

Ngày 5/5, Công an TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, đang tạm giữ hình sự đối với Đinh Vũ Đức Anh (SN 2008), trú tại huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ và Dương Trung Kiên (SN 2008), trú tại TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) để điều tra làm rõ về hành vi cướp tài sản. 

Một quan chức cấp cao tại bang Baja California (Mexico) hôm 4/5 thông tin, các thi thể được tìm thấy dưới một đáy giếng ở khu vực Ensenada của bang này rất có thể là của các vận động viên lướt sóng quốc tịch Mỹ và Australia, vốn được thông báo mất tích hồi tuần trước. 

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文