Mánh khóe buôn lậu vàng qua đường hàng không

20:15 22/04/2015
Vụ lình xình mới đây liên quan tới hành vi buôn lậu vàng vừa được phía Hàn Quốc ngăn chặn kịp thời đã cho thấy không một thủ đoạn hay con đường nào mà bọn buôn lậu có thể bỏ qua. Đối với một số nước, việc mang lậu vàng ra nước ngoài là chuyện xưa nay hiếm vì giá vàng trong nước luôn cao hơn giá vàng thế giới.

Thế nhưng, với một số nước khác, đặc biệt là Ấn Độ, các nhà chức trách lại luôn phải đau đầu tìm cách chặn vàng lậu tuồn vào nước này và phải đối phó với các mánh khóe ngày càng tinh vi của những kẻ buôn lậu.

Óc sáng tạo của dân buôn lậu vàng

Theo thống kê, ngày càng có nhiều người từ các trung tâm thương mại như Dubai hay Singapore tìm cách tuồn vàng lậu vào Ấn Độ - nước mà vàng được bán với giá cao hơn 20% và là nước tiêu thụ vàng miếng lớn thứ hai thế giới.

Vàng lậu giấu trong nhà vệ sinh máy bay của Jet Airways bị cơ quan chức năng thu giữ.

Nhân viên tại các phòng thuế hải quan mỗi ngày lại biết thêm một mánh khóe, chiêu thức giấu vàng của dân buôn lậu - những người tận dụng tối đa óc sáng tạo của mình để nghĩ ra cách vượt mặt họ. Khi vào Ấn Độ, người buôn lậu tìm cách giấu vàng trong xe đẩy, ngụy trang vàng thành dây đeo túi xách, nhét vào trong các bộ phận trên cơ thể hay giấu trong điện thoại di động… Một nhân viên hải quan có thể mất cả ngày nếu muốn liệt kê chiêu trò giấu vàng của dân buôn lậu.

Trong một vụ buôn lậu vàng, khi trở về nhà ở bang Kerala thuộc Dubai, một thợ hàn 27 tuổi đã bị bắt sau khi nhân viên hải quan phát hiện vàng trong chậu hoa bằng đồng. Người này đã được thuê với tiền công 491 USD để mang 1 kg vàng miếng trị giá 50.000 USD vào Ấn Độ. Một dân buôn lậu vàng từ Sharjah tới Jaipur chấp nhận đau đớn để kiếm lời khi nhét 1 kg vàng vào hậu môn. Dáng đi bất bình thường của hắn khiến hắn bị lật tẩy. Trong khi đó, phụ nữ thường giấu vàng trong đồ lót hoặc dưới lớp quần áo kín mít của người Hồi giáo.

Ở Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) - nơi dân buôn lậu thường mua vàng để tuồn vào Ấn Độ, nhân viên thuế quan từng suýt ngã ngửa khi phát hiện ra vàng được ngụy trang hoàn hảo dưới lớp lót đệm ghế ngồi. Vòng lò xo của từng chiếc chế đều được làm bằng vàng, mỗi chiếc nặng 1,5 kg. Lô ghế này dự kiến được vận chuyển bằng máy bay từ Dubai (UAE) đến Bengaluru (Ấn Độ).

Ở sân bay Sharjah (UAE), nhân viên hải quan phát hiện một hành khách Ấn Độ trông có vẻ hồi hộp bất thường và đề nghị anh ta dỡ hành lý để kiểm tra. Trong túi không có gì khả nghi. Khi kiểm tra kỹ, họ phát hiện ra tay cầm chiếc túi không phải làm bằng thép mà làm bằng vàng. Hành khách này cùng với một thợ kim hoàn UAE thay thế tay cầm chiếc túi đã bị bắt vì buôn lậu vàng.

Nhiều thủ đoạn tinh vi đến mức nếu không nhờ chút may mắn, nhân viên hải quan khó có thể phát hiện. Như vụ một người đàn ông bay từ Sharjah (UAE) tới Jaipur (Ấn Độ) kỳ công nấu chảy nửa kilôgam vàng và đúc nó thành hình các hạt giống nhỏ. Vàng còn được dân buôn lậu làm thành ghim rồi dập chi chít trên hộp các thùng các tông đựng đồ đạc. Khi tò mò thấy các hộp này được dập quá nhiều ghim, một nhân viên hải quan ở Delhi dù đã cho hành khách này qua nhưng bất ngờ gọi lại để kiểm tra kỹ thì phát hiện ra 109 cái ghim đều làm bằng vàng. Ghim vàng được sơn màu xám để lừa hải quan. Thậm chí, có người còn nghiền vàng thành bột và trộn lẫn với bột cà phê.

Dân hàng không làm thêm nghề "tay trái"

Nếu như các thủ đoạn giấu vàng nói trên đều mang tính chất nhỏ lẻ, cá nhân thì hai vụ buôn vàng mới bị phát hiện ở Ấn Độ vào tháng 3 vừa qua liên quan tới cả một mạng lưới. 17,5kg vàng bị phát hiện ở sân bay quốc tế Calicut.

Tiếp đó, 55kg vàng được tìm thấy ở sân bay quốc tế Indira Gandhi ở New Delhi. Trong cả hai vụ, vàng được giấu trong các thiết bị điện tử và đồ điện. Dân buôn lậu cấu kết với các nhà máy sản xuất để giấu vàng trong nhiều loại thiết bị như máy biến thế, máy khuấy từ, bóng đèn LED, pin đồ chơi, máy cắt thịt, cuộn cảm ứng, đèn pin… Giới chức Ấn Độ đang điều tra nhóm Keralites - nhóm bị cáo buộc đứng đằng sau các vụ giấu vàng tinh vi này.

Không chỉ cấu kết với người làm trong các nhà máy lắp ráp thiết bị điện tử, dân buôn vàng còn móc nối với cả nhân viên các hãng hàng không để buôn lậu vàng. Cảnh sát Vũ trang và Lực lượng An ninh công nghiệp Trung ương (CISF) của Ấn Độ nghi ngờ điều này sau khi ngày càng có nhiều vụ vàng giấu trong nhà vệ sinh máy bay bị phát hiện.

Vàng được dân buôn lậu giấu trong bít tất.

Trong một vụ, người ta tìm thấy 32 thỏi vàng trong nhà vệ sinh trên máy bay của Hãng Hàng không Air India bay từ Dubai tới Chennai. Sau khi giấu vàng, dân buôn lậu xuống máy bay ở Chennai, hy vọng đồng bọn bắt chuyến bay từ Chennai đi tiếp tới Delhi sẽ "đón" chuyến hàng. Kế hoạch này khá hoàn hảo vì khách hàng bay nội địa không phải làm thủ tục kiểm tra hải quan. Tuy nhiên, chúng vẫn không qua được mắt các nhân viên ở đây.

Nhiều dân buôn lậu giấu vàng trong nhà vệ sinh máy bay đành ngậm ngùi bỏ của chạy lấy người như trong vụ giấu 280 thỏi vàng trên máy bay để chuyển từ Dubai tới Dhaka (Bangladesh). Chúng phải bỏ hàng khi đánh hơi thấy dấu hiệu bị cảnh sát ở Dhaka phát hiện. Số vàng trị giá 1 triệu USD này về sau bị nhân viên lau dọn nhà vệ sinh tìm thấy. Mới đây nhất, vào ngày 9/3, người ta vừa phát hiện 36 thỏi vàng trong nhà vệ sinh trên chuyến bay số hiệu FZ 431 của Hãng Fly-Dubai.

Theo CISF, nếu không có sự móc nối với nhân viên các hãng hàng không, dân buôn lậu khó mà mang được một lượng vàng lớn như vậy lên máy bay. Số vụ vàng giấu trong nhà vệ sinh ngày càng nhiều đến mức các cơ quan hữu quan cho biết sẽ kiểm tra nhân viên các hãng hàng không.

Bản thân một số nhân viên làm trong ngành hàng không cũng trực tiếp tham gia vận chuyển vàng lậu. Tháng 4/2015, Abdul Razak Shaikh và Siraj Mohammed Sayed, 2 nhân viên của Skygourmet, công ty cung cấp đồ ăn cho Hãng Jet Airways, đã tham gia vào một vụ buôn lậu vàng tinh vi và đã bị phát hiện trong một chiến dịch kéo dài 3 tiếng.

Cụ thể, cả hai đến chỗ làm việc như thường lệ. Họ được cung cấp chi tiết thông tin về chỗ tìm vàng trên máy bay, cụ thể là số của chiếc ghế có vàng. Sau khi biết số ghế, họ đẩy xe chở thức ăn lên máy bay làm việc như bình thường và lấy vàng ra khỏi đệm ghế, giấu trên xe thức ăn. Họ đẩy xe chở đồ ăn tới 3 máy bay nữa theo chỉ dẫn để gom toàn bộ số vàng. Sau đó, họ đưa vàng xuống sân bay và chuyển ra ngoài.

Vụ việc nói trên thực ra đã được hải quan Mumbai biết trước. Họ để cho 2 nhân viên này thực hiện phi vụ nhằm lần ra dấu vết kẻ nhận vàng. Dù bắt được kẻ nhận vàng cũng như 2 người chuyển vàng nhưng tất cả đều khai không biết ai là người giấu vàng trên các chuyến bay. Mọi chỉ thị đều được gửi qua điện thoại di động. Hai nhân viên của Skygourmet khai họ đã chuyển thành công 30 lô vàng cho đến khi bị bắt.

Đây không phải lần đầu tiên vàng được chuyển lậu trên máy bay của Hãng Jet Airways. Trước đó vào tháng 3, một thành viên phi hành đoàn của Hãng tên là Abdul Hafiz Khatri đã bị bắt khi đang mang túi đựng 4 kg vàng và 145 cara kim cương rời ga quốc tế của sân bay Mumbai.

Vàng bị biến thành dây đeo ví.

Người này chuyển vàng cho một người tên là Mohammad Afzal Qureshi chờ bên ngoài ga đến. Khatri khai một hành khách đã đưa vàng và kim cương cho anh ta trên chuyến bay từ Dubai tới Mumbai. Hải quan đã nghi ngờ phi hành đoàn Jet Airways từ lâu và tăng cường giám sát, theo dõi phi hành đoàn của hãng. Khatri bị bắt quả tang trong quá trình đó. Anh ta khai lần nào bay tới các nước vùng Vịnh cũng "tranh thủ" vận chuyển vàng lậu và trót lọt được 8 lần.

Ngoài Jet Airways, một số hãng hàng không khác cũng có nhân viên buôn lậu vàng. Cũng trong tháng 4/2015, thành viên phi hành đoàn Hãng Kuwait Airways đã bị bắt ở Bangladesh khi mang số vàng trị giá 32.300 USD bên người. Anh ta bị hải quan chú ý khi tới sân bay Hazrat Shahjalal ở thủ đô Dhaka.

Trước đó, tháng 1/2015, tiếp viên Sidhesh Patil của Hãng Air India đã bị bắt khi tìm cách chuyển 6,8 kg vàng từ Muscat (Oman) cho một dân buôn lậu là hành khách đi trên một chuyến bay khác. Hai người này đến sân bay Mumbai cùng thời điểm để trao nhận vàng. Cùng tháng, một quan chức Hãng Hàng không Biman Bangladesh Airlines bị bắt vì nghi dính líu đến buôn lậu vàng. Phó giám đốc của hãng này cũng từng bị bắt vì buôn lậu vàng.

Theo số liệu, ít nhất 1.000 kg vàng đã bị tịch thu tại sân bay Dhaka và Chittagong trong vòng 22 tháng qua bất chấp các biện pháp giám sát gắt gao của Hải quan Bangladesh. Bangladesh có ít nhất 23 băng đảng buôn lậu vàng.

Còn ở Ấn Độ, "thủ phủ" của vàng lậu, Hội đồng Vàng Thế giới cho biết khoảng 175 tấn vàng đã được tuồn lậu vào nước này trong năm 2014. Số vàng nhập khẩu hợp pháp của Ấn Độ là khoảng 850 tấn. Sở dĩ Ấn Độ là nước xảy ra tình trạng buôn lậu vàng nhiều nhất là do chính sách về vàng của nước này.

Trong 2 năm qua, Ấn Độ thực hiện một số biện pháp để giảm nhập khẩu vàng như tăng thuế nhập khẩu từ 2% lên mức kỷ lục 10%, buộc các doanh nghiệp phải xuất khẩu ngược 1/5 lượng vàng nhập khẩu nhằm giảm nhu cầu vàng miếng đang làm thâm hụt nặng cán cân thương mại. Để trốn thuế nhập khẩu 10% nhằm kiếm lời, dân buôn lậu và cả nhân viên hãng hàng không tìm mọi mánh khóe để buôn vàng, khiến ngành này phát triển mạnh. Vàng là thứ bị buôn lậu nhiều nhất ở nước này. Người dân Ấn Độ coi vàng là của cải trong khi Ấn Độ không có vàng để khai thác, phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu.

Trước thực trạng nhân viên hãng hàng không và sân bay làm "nghề tay trái" ngày càng tăng, giới chức Ấn Độ và Bangladesh đã đề nghị các hãng hàng không thực hiện các biện pháp cần thiết để kiểm tra nhân viên nhằm đề phòng, ngăn chặn họ dính líu vào hoạt động buôn lậu vàng qua đường hàng không, đặc biệt là nhân viên phụ trách nhiệm vụ dưới mặt đất. Hiện một số sân bay đã có khu vực riêng để kiểm tra nhân viên của các hãng hàng không tại khu vực đến.

Theo các chuyên gia, để giúp hoạt động dễ dàng, dân buôn lậu thường nhờ sự giúp đỡ của tay trong - tức là nhân viên hãng hàng không hoặc nhân viên sân bay - để đưa vàng ra khỏi sân bay. Ông Milind Lanjewar, nhân viên hải quan Ấn Độ cho biết, do những người này ít bị nghi ngờ, lại được tiếp cận các khu vực trên máy bay, sân bay dễ dàng nên họ có điều kiện tham gia các nhóm buôn lậu vàng.

Ông Ramesh Iyer, Tổng giám đốc TOPSGRUP, nhà cung cấp dịch vụ an ninh lớn thứ hai Ấn Độ, cho rằng cần cấp thiết thông qua luật kiểm tra lý lịch bắt buộc với mọi nhân viên hãng hàng không, sân bay và công ty dịch vụ có liên quan, để loại bỏ những người có tiền án tiền sự.

Nhiều trường hợp thành viên phi hành đoàn bị đuổi việc ở hãng này lại xin được việc ở hãng khác và tiếp tục hoạt động buôn lậu. Ngoài ra, khu vực dành cho nhân viên và khu vực để hàng hóa của sân bay phải trang bị camera điện tử và cảm ứng để giám sát. Một biện pháp nữa là thường xuyên thay đổi ca kíp, nhiệm vụ đối với nhân viên phụ trách an ninh và vận chuyển hàng hóa.

Thu Ngà (tổng hợp)

Hội Cựu CAND Việt Nam vạch ra nhiều giải pháp thiết thực nhằm thống nhất trong toàn thể hội viên về nhận thức và hành động, phấn đấu thực hiện mục tiêu giữ gìn và phát huy bản chất tốt đẹp của CAND Việt Nam; đồng thời phát huy nhiệt huyết, trí tuệ, kinh nghiệm, tích cực tham gia các phong trào ở cơ sở, nhất là phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ.

Trong lúc đang đánh cá trên biển, do lốc xoáy, sóng to đã làm 4 tàu cá ở Quảng Bình gặp tai nạn, trong đó có 3 tàu bị chìm, 1 tàu mất liên lạc. Hiện 11 ngư dân vẫn còn mất tích. Công tác tìm kiếm, cứu nạn các ngư dân mất tích đang được triển khai rất khẩn trương

Ngày 7/5, tại trụ sở Liên hợp quốc ở Geneva (Thụy Sỹ), Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham gia phiên đối thoại về Báo cáo quốc gia của Việt Nam về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người theo cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.

Ngày 5/5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu chuyến công du châu Âu, với các chặng dừng chân ở Pháp, Serbia và Hungary. Chuyến đi được đánh giá có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy tổng thể mối quan hệ giữa Trung Quốc với 3 nước nói riêng cũng như với Liên minh châu Âu (EU) nói chung phát triển ổn định và lành mạnh, góp phần củng cố sự ổn định trong một thế giới đầy biến động.

Trong cuộc sống, thiếu vắng đi người cha, người mẹ, đó là nỗi đau không thể bù đắp của những đứa trẻ đang tuổi ăn, tuổi lớn. Với mong muốn mang đến những điều tốt đẹp, xoa dịu nỗi đau cho các em nhỏ mồ côi, giúp các em có thêm nghị lực vươn lên trong cuộc sống, những người mẹ đỡ đầu là hội viên của các cấp Hội phụ nữ trong Công an tỉnh Lạng Sơn đã dang rộng vòng tay yêu thương, nhận chăm sóc, nuôi dưỡng và giúp đỡ nhiều em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn.

Ngày 6/5, theo nguồn tin riêng của phóng viên, Công an tỉnh Thanh Hoá đang tích cực điều tra nguyên nhân dẫn đến cái chết bất thường của 2 mẹ con trong ngôi nhà đang cháy xảy ra tại phố Kiều Đại 2, phường Đông Vệ, TP Thanh Hoá.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文