Bi kịch của người đàn ông ngồi tù oan 20 năm

12:31 22/01/2022

Ông Muhammad A. Aziz, một trong hai người đàn ông bị kết án oan trong vụ ám sát ông Malcom X, nhà hoạt động xã hội da màu ảnh hưởng nhất nhì nước Mỹ trong thế kỉ XX, hiện đang yêu cầu thành phố New York đền bù 20 triệu USD.

Luật sư của ông Azis cho biết món tiền này là để bù đắp cho những tổn thất về thể chất cũng như tinh thần của thân chủ mình sau hơn 20 năm ngồi tù oan. nếu thành phố New York không xử lý vụ kiện trong 90 ngày, ông Aziz sẽ đâm đơn kiện New York 40 triệu USD.

Vụ ám sát chấn động nước Mỹ

Ngày 21-2-1965, nhà hoạt động Malcom X bị ám sát ngay trước mặt gia đình và những người ủng hộ ông tại khán phòng Audubon, Manhattan, New York. Phóng viên điều tra kì cựu Les Payne, người theo sát vụ án trong suốt 28 năm, đã thuật lại toàn bộ giây phút định mệnh đó trong quyển sách “Cuộc đời của Malcom X” như sau: “Malcolm X vừa cúi chào đám đông thì hai người đàn ông bật dậy khỏi ghế, một người hét to và người còn lại bắt đầu đốt một cuộn phim nhét trong tất. Lập tức, hai vệ sĩ của ông Malcom di chuyển về phía hai kẻ gây rối và để nhà hoạt động đứng một mình trên sân khấu.

Trong khi các khán giả đang mải chú ý đến hai người đàn ông kia, ba người khác tiến gần đến ông Malcom. William 25X, một tín đồ của nhà nguyện Newark, lao lên trên sân khấu và rút súng, bắn hạ ông Malcom. Hai thủ phạm còn lại là Mujahid Halim và Leon Davis tiếp tục nhắm bắn ông Malcom thêm nhiều lần nữa. Người nhà nạn nhân nhanh chóng đưa ông Malcom đến bệnh viện Columbia, nhưng ông đã qua đời lúc 15h30’ chiều cùng ngày do thương tích quá nặng”.

Hai người phải nhận án tù oan trong vụ ám sát nhà hoạt động xã hội Malcom X: Muhammad Aziz và Khalil Islam.

Trong phiên tòa xét xử vụ giết người, Halim đã nhận tội và làm chứng rằng Aziz và Islam không hề đồng lõa với hắn. Thậm chí, vào năm 1977 và 1978, hắn ta còn khai ra tên của 4 kẻ đồng phạm và kêu oan giúp Aziz cùng với Islam. Bất chấp lời khai của kẻ giết người, ông Aziz và ông Islam vẫn không hề được minh oan và phải tiếp tục thi hành mức án 20 năm.

Aziz và Islam phải nhận án tù 20 năm cho dù cảnh sát New York và FBI đều không đưa ra bất kì bằng chứng mang tính chất quyết định nào, còn các nhân chứng liên tục đưa ra những lời khai đầy mâu thuẫn.

Aziz khi ấy mới chỉ 26 tuổi. Trong thời gian ông thụ án, cuộc hôn nhân của ông đổ vỡ và vợ của Aziz đã bỏ đi. Đau đớn hơn, ông đã bị tước đi quyền nuôi dưỡng 6 đứa con nhỏ, và các con của ông Aziz đã bị xã hội kì thị vì là con của kẻ đã sát hại người hùng Malcom X.

Quản giáo của nhà tù Attica, nơi ông Aziz bị giam giữ, khẳng định ông là một tù nhân gương mẫu và ông đã liên tục chứng tỏ khả năng lãnh đạo của mình, dù người tù này liên tục bị biệt giam. Trong một bức thư của quản giáo Benjamin Ward gửi tới Thị trưởng New York Hugh Carey, ông Ward xác nhận ông Aziz đã sử dụng tầm ảnh hưởng của mình để chấm dứt một cuộc bạo loạn trong trại giam một cách hòa bình, không hề có tổn thất về người.

Ông Muhammad Aziz vào năm 2021.

Cuộc điều tra kéo dài gần 2 năm do công tố viên quận Manhattan, Cyrus R. Vance Jr., khởi xướng năm 2019, đã đưa ra một loạt các phát hiện mới, bao gồm lời khai của một nhân chứng đã chứng thực rằng ông Aziz đang ở nhà riêng vào thời điểm vụ án xảy ra, hàng chục báo cáo và bằng chứng quan trọng mà FBI và Sở Cảnh sát New York đã không tiết lộ cho luật sư của hai bị can và những thông tin có lợi cho hai ông do cảnh sát lúc đó thu thập được

Lật lại hồ sơ sau hơn nửa thế kỷ

Cuộc điều tra năm 2019 đã giải mật hàng loạt tài liệu liên quan đến vụ ám sát, danh tính của các nhân chứng cũng như những bằng chứng then chốt mà FBI cùng Sở Cảnh sát New York đã bỏ qua, khiến ông Aziz và ông Islam phải nhận 20 năm tù oan.

Một báo cáo của FBI được viết ngày 22-2-1965, tức chỉ một ngày sau vụ ám sát, suy đoán rằng các thủ phạm là người nhập cư vào New York và chúng đã ngồi ngay ở hàng ghế đầu, bên trái sân khấu. Báo cáo cũng mô tả rất chi tiết ngoại hình của hai tay súng trong đó có Halim – vốn đã bị FBI theo dõi từ lâu và thủ phạm còn lại, một người đàn ông da màu, để râu, khoảng 28 tuổi, cao 1m85, cơ bắp, mặc áo khoác xám. Phần mô tả này lệch hẳn so với ngoại hình ông Islam, một người đàn ông da sáng, 26 tuổi, cao 1m7 và không để râu, nhưng lại trùng khớp với lời khai của ông Ernest Greene - nhân chứng có mặt tại hiện trường và chứng kiến toàn bộ vụ việc.

Nạn nhân Malcom X.

Một báo cáo khác của FBI vào ngày 25-2-1965 ghi rõ rằng FBI ra lệnh cho văn phòng địa phương không được phép tiết lộ cho Sở Cảnh sát New York rằng một số nhân chứng của vụ án là đặc tình của Cục Điều tra Liên bang. Kết quả là cả thẩm phán, công tố viên, cảnh sát lẫn luật sư của hai bên đều không biết về mối quan hệ giữa FBI và các nhân chứng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình điều tra và xét xử vụ án.

Một báo cáo của FBI ngày 25-3-1965, tóm tắt cuộc phỏng vấn của Leon Lionel Phillips, còn được gọi là Leon Ameer, một tín đồ của Nhà nguyện Hồi giáo Boston. Ameer kể lại rằng trong khi dự đám tang của Malcolm X, ông đã trò chuyện với một người đàn ông mà ông quen biết từ nhà nguyện Hồi giáo Newark. Người đàn ông này khẳng định mình đã chứng kiến trọn vẹn vụ ám sát và thủ phạm là một tín đồ dáng cao, da màu, thường xuyên dự lễ ở nhà nguyện Hồi giáo Newark. Bên cạnh đó, cũng theo lời người đàn ông lạ mặt, tên sát thủ sử dụng súng rất thành thạo. Ameer không thể nhớ tên của người đã cung cấp cho ông những thông tin này. Những thông tin này không chỉ không khớp với cả ngoại hình của hai ông Aziz và Islam, mà còn có nhiều điểm giống với một người tên William Bradley.

Cuộc điều tra năm 2019 cũng đã giải mật một hồ sơ về William 25X Bradley, được FBI tổng hợp từ năm 1963 đến năm 1965 do Bradley bị FBI giám sát sau khi ông ta bị bắt vì tàng trữ vũ khí trái phép và có liên quan đến nhiều vụ ẩu đả. Theo hồ sơ, Bradley 27 tuổi vào thời điểm Malcom X bị ám sát và ông ta là một người đàn ông da màu cơ bắp, cao khoảng 1m85 – trùng khớp với phần mô tả thủ phạm do FBI đưa ra. Ngoài ra, Bradley có kinh nghiệm sử dụng súng do ông ta từng là xạ thủ súng máy trong Thủy quân lục chiến.

Cuộc điều tra năm 2019 tiếp tục phát hiện ra rằng nhiều đặc tình của FBI có mặt tại hiện trường lại không được gọi ra làm chứng, ví dụ như ông Eugene Roberts. Vốn là cựu binh Thủy quân lục chiến, ông Robrts được FBI chỉ định làm đặc tình giám sát Malcom X dưới vỏ bọc vệ sĩ của nhà hoạt động xã hội. Nhiệm vụ của Roberts là tham gia nhóm của Malcolm và báo cáo tình hình cho cấp trên mỗi đêm.

Vào ngày 15-2-1965, một tuần trước vụ ám sát, Robert đã cảnh giác cao độ khi đứng cạnh Malcom X trong khán phòng. Ông rà soát khắp căn phòng, sẵn sàng trấn áp những kẻ gây rối và báo cáo với cấp trên của mình tại FBI. Theo ông Robert, ông đặc biệt chú ý đến một người đàn ông ăn mặc chỉnh tề, cài chiếc nơ đỏ, tiến tới sân khấu. Cùng lúc đó, đám đông bắt đầu la ó và sự xáo trộn đã khiến ông Malcom mất tập trung.

Trong bản ghi âm cuộc diễn thuyết tại khán phòng Audubon, ông Malcom đã phải dừng bài phát biểu và lịch sự yêu cầu mọi người ngồi xuống, giữ bình tĩnh. Lúc này, Robert nhận thấy người đàn ông khả nghi kia đã biến mất và đêm cùng ngày, ông báo cáo với cấp trên rằng sự kiện ngày hôm nay có thể là một buổi “tập dượt” cho một vụ ám sát trong tương lai.

Đáp lại báo cáo này, Sở Cảnh sát New York đã giảm hẳn số cảnh sát đứng gác khán phòng Audubon – một quyết định khiến ông Robert vô cùng ngạc nhiên. Ông Robert cũng là người đã hô hấp nhân tạo cho ông Malcom X sau khi nạn nhân bị hai thủ phạm bắn hạ, nhưng sau đó ông Robert bị cấp trên khiển trách và không được mời ra tòa làm chứng.

Mujahid Halim - một trong các thủ phạm vụ ám sát.

Tháng 11-2012, Aziz và Islam được minh oan sau khi kết quả cuộc điều tra của Viện Công tố quận Manhattan, thành phố New York cho thấy ông Aziz và ông Islam không phải thủ phạm ám sát ông Malcom X. FBI và Sở cảnh sát New York đã cố tình không đưa ra những bằng chứng quan trọng nhất và từ đó khiến hai người đàn ông phải nhận mức án oan hơn 20 năm. Bà Letitia James, Trưởng công tố New York, sẽ quyết định mức bồi thường dành cho ông Aziz trong tháng 1-2022.

Đây là những động thái đầu tiên của ông Aziz nhằm lấy lại công bằng sau khi bị oan. Ông tuyên bố khoản tiền 20 triệu USD cũng sẽ chỉ đền bù được một phần nhỏ quãng đời ông đã đánh mất sau song sắt, hạnh phúc gia đình của ông cũng như tương lai của con cái ông. Tuy người bị kết án oan còn lại là ông Khalil Islam đã qua đời năm 2009 nhưng các luật sư của ông cũng sẽ nhanh chóng đâm đơn kiện thành phố New York và yêu cầu mức bồi thường tương tự.

Khoản tiền ông Aziz yêu cầu không phải là chuyện lạ trong lịch sử ngành tư pháp Mỹ: 5 người bị kết án oan trong vụ hành hung và cưỡng hiếp tại Công viên Trung tâm, New York từng nhận được 41 triệu USD tiền đền bù năm 2014 và vào năm 2017, chính quyền New York chấp nhận trả 13 triệu USD cho ông Anthony Yarbough và Sharif Wilson khi hai ông được giải oan sau 20 năm ngồi tù.

Cho dù ông Aziz và ông Islam đã được giải oan, Thị trưởng New York vẫn tin rằng hàng triệu người dân Mỹ xứng đáng được biết ai là kẻ chủ mưu vụ giết hại Malcom X và động cơ gây án của chúng. Tuy nhiên, sau 57 năm, mọi bằng chứng của vụ án đã biến mất và phần lớn nhân chứng đều đã qua đời, khiến việc lật lại vụ ám sát trở nên khó khăn gấp bội.

Huyền Thi

Chiều tối 1/5, sau kỳ nghỉ lễ 30/4 kéo dài, dòng người từ các tỉnh miền Đông, miền Tây sử dụng phương tiện cá nhân, đi xe khách… bắt đầu trở lại TP Hồ Chí Minh làm việc. Không như những ngày đầu nghỉ lễ, ghi nhận trong chiều tối 1/5, dòng người di chuyển trên đường khá lớn nhưng không gây ùn ứ nghiêm trọng…

Việc phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) đáp ứng nhu cầu phát triển điện sạch, sử dụng được nguồn năng lượng tái tạo (mặt trời) mà Việt Nam có nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để việc cung cấp điện cho các hộ sử dụng điện có đầu tư ĐMTMN ổn định, thì phải tính đến hoạt động của ĐMTMN trong hoạt động chung của toàn hệ thống điện.

Ngày 1/5, ngày cuối cùng của kỳ nghỉ Lễ 30/4 - 1/5, trái với dự đoán về tình hình ùn tắc có thể xảy ra thì giao thông tại khu vực cửa ngõ phía Nam Thủ đô lại rất thông thoáng. Người dân trở về Hà Nội di chuyển một cách thuận lợi qua các "điểm nóng".

Quá trình ông N.V.C. đốt lửa lấy mật ong rừng, ngọn lửa nhanh chóng cháy lan sang các bụi cây rậm dẫn đến cháy rừng. Vụ cháy rừng khiến ông C. bị bỏng nặng và người này được lực lượng chữa cháy cõng ra khỏi rừng để đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Công an quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội cho biết, qua xác minh, chưa có cơ sở xác định người phụ nữ bán hàng rong trên phố cổ “chặt chém” du khách nước ngoài với việc bán 3 quả dứa giá 500.000 đồng (như mạng xã hội và báo chí phản ánh mấy ngày qua), tuy nhiên, cơ quan chức năng cũng đã lập biên bản xử phạt hành chính 150 nghìn đồng đối với người này về hành vi bán hàng rong không đúng quy định. 

Để đảm bảo TTATGT trên các tuyến đường, trong những ngày lễ 30/4 và 1/5, không quản ngại nắng nóng gay gắt, lực lượng CSGT các địa phương vẫn “đội nắng”, “bám đường”, nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát xuyên đêm, xuyên lễ.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文