Cần “mạnh tay” với các hành vi uy hiếp an toàn bay tại các sân bay
Các hoạt động chiếu đèn laser, bay flycam, thả bóng bay, thả diều… ở gần hành lang an toàn bay ở khu vực sân bay tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ, nguy hại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn hoạt động bay, cần phải ngăn chặn, phòng ngừa và xử lý nghiêm…
Các hành vi vi phạm an toàn bay rất nguy hiểm
Ngày 4-4-2022, chuyến bay VJ631 Đà Nẵng - TP Hồ Chí Minh, phát hiện laser chiếu từ một tòa nhà gần con sông phía Đông Nam so với đường hạ cánh của máy bay. Rất may sự việc không gây ra sự cố uy hiếp an toàn bay…
Ngoài việc chiếu đèn laser, đèn pha khu vực sân golf quá chói chiếu sang sân bay hay hoạt động thả diều của người dân cũng xảy ra, uy hiếp an toàn các chuyến bay nếu diều va chạm với máy bay ở tốc độ cao, diều bị hút vào động cơ gây ra hỏng hóc, tai nạn máy bay.
Ông Trần Doãn Mậu, Giám đốc Cảng vụ Hàng không miền Nam, cho biết, tính từ năm 2021 đến nay, tại Cảng HKQT Tân Sơn Nhất, cơ quan chức năng đã ghi nhận 49 trường hợp vi phạm an toàn hoạt động bay. Riêng trong 4 tháng đầu năm nay, đã có 17 trường hợp xảy ra chủ yếu là hoạt động chiếu tia laser, sử dụng vật thể bay, thả diều... gây mất an toàn bay.
Trong 17 trường hợp ghi nhận tại Cảng HKQT Tân Sơn Nhất 4 tháng đầu năm nay, có 1 trường hợp do người dân sử dụng đèn công suất cao, 2 trường hợp thả diều, 4 sự việc liên quan tới thả bóng bay và 8 lần vật thể bay gây nguy hiểm tới hoạt động bay tại sân bay này. Đặc biệt, các hoạt động chiếu đèn laser vào buồng lái máy bay, sử dụng flycam và drone/vật thể bay ghi nhận tới 34 trường hợp nguy cơ gây mất an toàn bay.
Các khu vực ghi nhận vi phạm an toàn hoạt động bay (chiếu đèn laser vào buồng lái tàu bay, sử dụng flycam và drone/vật thể bay) chủ yếu xảy ra tại các khu vực quận Gò Vấp, Bình Thạnh, TP Thủ Đức đến TP Dĩ An (Bình Dương)... thường xuyên và với tần suất cao. Việc này tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho tàu bay trong trường hợp đèn laser chiếu thẳng vào buồng lái làm mất tập trung cho tổ lái trong quá trình cất hạ cánh; tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn nếu tàu bay va chạm flycam và drone/vật thể bay…
Theo Cảng vụ Hàng không miền Nam, các khu vực ghi nhận vi phạm an toàn hoạt động bay cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa truy ra nguồn, chưa xử lý vi phạm, chưa xử lý tang vật nào từ phản ánh của tổ lái do tổ lái ở vị trí tương đối, gây khó khăn trong công tác tra cứu trên bản đồ.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc Cảng vụ Hàng không miền Nam, phụ trách an ninh an toàn hàng không cho biết, hành vi chiếu đèn laser vào buồng lái máy bay khi đang cất, hạ cánh làm phi công bị mất tập trung, mù tạm thời, ảnh hưởng tới thao tác của phi công, uy hiếp nghiêm trọng an toàn bay.
Công tác phòng ngừa, xử lý còn bất cập
Theo Phòng An ninh kinh tế Công an TP Hồ Chí Minh, thời gian qua khu vực quanh sân bay Tân Sơn Nhất liên tục có những vụ việc gây mất an toàn bay diễn biến phức tạp gia tăng. Trong khi đó, công tác phòng ngừa, phát hiện ngăn chặn xử lý đối với tình trạng này của các cơ quan chức năng lại có nhiều bất cập, kém hiệu quả. Nguyên nhân là do địa bàn giáp ranh khu vực sân bay là địa bàn dân cư, có phạm vi rộng. Do vậy, khi phát hiện ra các yếu tố uy hiếp an toàn bay, việc truy tìm và phát hiện để xử lý gặp rất nhiều khó khăn.
Riêng TP Thủ Đức là địa bàn thuộc khu vực tĩnh không cất, hạ cánh của tàu bay tại Cảng HKQT Tân Sơn Nhất có diện tích rộng gồm 8 phường, hầu hết các tàu bay cất, hạ cánh đều bay qua địa bàn với số lượng hàng ngày rất lớn… Theo Công an TP Thủ Đức, việc xác định đúng được khu vực xảy ra mất an toàn bay cũng gặp nhiều khó khăn do phía Cảng HKQT Tân Sơn Nhất chỉ ước lượng được khoảng cách chứ không xác định chính xác được khu vực.
Theo đại diện Vietnam Airline, ở các nước, hành vi gây mất an toàn bay có thể bị phạt tù. Trong khi ở Việt Nam, theo các quy định hiện hành, các hành vi gây ảnh hưởng tới an toàn hoạt động bay nêu trên chỉ bị phạt tiền từ 10 - 40 triệu đồng…
Từ những thực trạng trên, Công an các địa phương, đại diện Vietnam Airlines, Vietjet Air đều đề nghị cần quản lý việc bán và đăng ký sử dụng đèn laser, các phương tiện bay siêu nhẹ, không người lái, điều khiển tự động (flycam và drone/vật thể bay) và phải hình sự hóa các hành vi gây ảnh hưởng an toàn bay (như Mỹ phạt tiền và phạt tù từ 5 năm). Đồng thời, tiếp tục khuyến khích nhân viên báo cáo các mối nguy hoặc sự việc về an toàn khai thác bay thông qua hệ thống báo cáo an toàn. Tổng hợp và báo cáo các sự cố, vụ việc gửi đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét và đưa ra phương án giảm thiểu rủi ro an toàn. Quy định và thiết lập khu vực (phạm vi bán kính, độ cao và cường độ đèn laser không được phép sử dụng) nhằm bảo vệ các phi công khỏi các nguy cơ phơi nhiễm ánh sáng laser.
Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, Công an thành phố đã chỉ đạo các đơn vị Công an quận Tân Bình, Phú Nhuận, Gò Vấp, Bình Tân và TP Thủ Đức tăng cường tuyên truyền cho nhân dân hiểu được những hoạt động uy hiếp an toàn bay như chiếu laser, đèn công suất lớn... Công an thành phố sẽ tăng cường lực lượng, phối hợp với Cảng vụ Hàng không miền Nam, An ninh sân bay Tân Sơn Nhất để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho hoạt động tại khu vực sân bay này. Lực lượng Công an địa phương cùng Cảnh sát cơ động cũng tăng cường tuần tra khu vực xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất để đảm bảo an ninh, an toàn sân bay.