Đắng cay giấc mơ lấy chồng ngoại

10:02 19/06/2024

Thời gian qua, tội phạm mua bán người trên địa bàn cả nước diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng. Mặc dù công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm mua bán người được triển khai đồng bộ, quyết liệt và đạt nhiều kết quả tích cực, nhưng tình trạng mua bán người vẫn diễn ra với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt hơn. Vì vậy, cần có sự chung tay của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong cuộc chiến chống mua bán người và công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.

Những phận đời bị trở thành hàng hóa

Tại Bạc Liêu, tuy không có đường biên giới trên bộ với các nước, song tình trạng mua bán người tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp, các băng nhóm buôn người có sự câu kết chặt chẽ giữa đối tượng môi giới, dẫn dắt, hình thành các đường dây phạm tội liên tỉnh, xuyên quốc gia. Điều đáng buồn là đa phần kẻ chủ mưu, cầm đầu trong đường dây mua bán người Việt Nam ra nước ngoài lại là… người Việt Nam.

Danh Thị Mau, kẻ nhẫn tâm bán trên 100 phụ nữ, trong đó có cả trẻ em sang Trung Quốc, thu lợi bất chính hơn 10 tỷ đồng.

Nếu như trước đây đối tượng buôn người thường sử dụng thủ đoạn “việc nhẹ, lương cao” để bẫy “con mồi” là thanh thiếu niên rồi lừa bán sang nước ngoài, thì trong hơn một năm trở lại đây, xuất hiện không ít các đường dây buôn người dưới vỏ bọc mai mối “lấy chồng ngoại quốc”. Xót xa hơn, trong số những “chân rết” móc nối, có những phụ nữ từng là nạn nhân bị mua bán nhưng lại tiếp tay, trở thành thủ phạm dụ dỗ, lừa bán những phụ nữ, trẻ em khác. Tinh vi hơn, nếu như trước đây các đối tượng tiếp cận, làm quen với nạn nhân theo hình thức trực tiếp gặp mặt thì hiện nay đã chuyển qua sử dụng các trang mạng xã hội (MXH) để bẫy “con mồi”, sau đó lần lượt đưa họ đi qua từng mắt xích của đường dây đã được hình thành, hoạt động trơn tru từ trước.

Đại tá Lê Thanh Hùng, Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Qua thực tiễn đấu tranh tội phạm mua bán người thời gian qua, có thể xác định nạn nhân mà bọn buôn người nhắm tới thường là những thanh niên ở vùng sâu, vùng xa, thiếu hiểu biết pháp luật; chị em phụ nữ có cuộc sống gia đình đổ vỡ, bị tổn thương về tình cảm nên có tư tưởng chán nản, bi quan; các bé gái ở tuổi mới lớn chưa có nhiều kinh nghiệm sống. Một số phương thức, thủ đoạn bọn buôn người thường sử dụng như: kết nối Zalo, Facebook để dụ dỗ đưa phụ nữ ra nước ngoài lấy chồng; tìm kiếm “việc nhẹ, lương cao”… Sau khi nạn nhân “mắc bẫy”, chúng khống chế, buộc phải lao động nặng nhọc tại các sòng bạc, hoạt động mại dâm, đẻ thuê… Khi nạn nân không chịu được bóc lột, chúng bắt gọi điện về cho gia đình tại Việt Nam để nộp tiền chuộc mới cho về nước. Nhiều trường hợp bỏ trốn khi chưa có tiền chuộc, đã bị các đối tượng bắt nhốt, đánh đập, ngược đãi, bán sang cơ sở khác”.

Lương Thị Hải cầm đầu đường dây buôn người và 5 “chân rết”, nhận tổng mức án lên tới 88 năm tù về nhiều tội danh mua bán người.

Về nguyên nhân tội phạm mua bán người diễn biến phức tạp thời gian gần đây, một phần cũng do công tác quản lý nhà nước ở một số lĩnh vực còn bất cập, sơ hở để tội phạm lợi dụng hoạt động, nhất là trong quản lý người nước ngoài, nhân hộ khẩu, xuất nhập cảnh, hôn nhân; việc cho, nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài… Song, nguyên nhân trực tiếp vẫn là do đời sống kinh tế của một bộ phận người dân, nhất là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa còn khó khăn, từ đó áp lực tìm kiếm việc làm khiến họ dễ sa vào cạm bẫy của bọn buôn người.

Bi kịch đằng sau những cuộc hôn nhân với người ngoại quốc

Tính riêng năm 2023 và Quý I/2024, Công an tỉnh Bạc Liêu đã đấu tranh, bóc gỡ 4 vụ mua bán người; bắt, khởi tố 14 bị can liên quan. Đặc biệt, chỉ trong 1 năm, Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Bạc Liêu đã xác lập, triệt phá thành công 2 chuyên án đấu tranh với nhóm tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép, qua đó triệt phá thành công nhiều đường dây mua bán phụ nữ dưới vỏ bọc “lấy chồng ngoại quốc”. Ngày 17/10/2023, “tú bà” cầm đầu đường dây buôn người Lương Thị Hải (sinh năm 1994, ngụ tỉnh Nghệ An) và 5 “chân rết” ngụ tại nhiều địa phương đã bị TAND tỉnh Bạc Liêu đưa ra xét xử và tuyên phạt tổng mức án lên đến 88 năm tù giam với loạt tội danh “Mua bán người”, “Mua bán người dưới 16 tuổi”, “Tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép” và “Cưỡng đoạt tài sản”.

Hai trong hàng chục nạn nhân được Công an tỉnh Bạc Liêu giải cứu thành công khỏi nanh vuốt của bọn buôn người.

Đây là đường dây buôn người được hình thành dưới vỏ bọc mai mối “lấy chồng ngoại quốc” từ năm 2019. Các đối tượng tìm kiếm, dụ dỗ 11 cô gái ở các vùng nông thôn trên cả nước để bán cho những đàn ông Trung Quốc; tùy thuộc vào độ tuổi và ngoại hình của từng người, chúng sẽ được trả số tiền từ 200 đến 400 triệu đồng. Chuyên án khép lại với những bản án nghiêm minh, thích đáng cho tội ác mà bọn buôn người gây ra. Cứ nghĩ đây sẽ là sự an ủi, động viên cho những tủi nhục cả về tâm hồn lẫn thể xác mà các nạn nhân phải gánh chịu, thì mới đây, ngày 30/1/2024, Công an tỉnh Bạc Liêu tiếp tục đấu tranh, bóc gỡ đường dây buôn người với quy mô, mức độ “khủng” hơn nhiều lần.

Những kẻ cầm đầu đường dây buôn người này là Danh Thị Mau (sinh năm 1972) và Nguyễn Thị Loan (sinh năm 1984, cùng ngụ ấp Thị Trấn A, thị trấn Hòa Bình, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu). Quá trình điều tra, cơ quan Công an xác định, Mau và Loan cấu kết một số đối tượng trong, ngoài tỉnh Bạc Liêu tìm kiếm những phụ nữ có hoàn cảnh gia đình khó khăn, trình độ học vấn thấp, đã thôi chồng trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu và các tỉnh lân cận, rồi dụ dỗ nếu lấy chồng Trung Quốc sẽ cho gia đình họ số tiền từ 90 - 120 triệu đồng/người. Khi các nạn nhân đồng ý, các đối tượng nhanh chóng đưa những phụ nữ này vượt biên trái phép sang Trung Quốc bằng các đường mòn, lối mở tại khu vực biên giới phía Bắc.

au khi đến Trung Quốc, chúng tiếp tục cấu kết với một số đối tượng người Việt Nam làm nghề mai mối hôn nhân đang sinh sống tại đây để gả những nạn nhân cho những người đàn ông Trung Quốc với số tiền từ 300 - 400 triệu đồng/người, số tiền này các đối tượng sẽ chia với nhau. Với thủ đoạn trên, từ năm 2015 đến nay, trên 100 phụ nữ, có cả trẻ em ở khắp các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã bị chúng bán sang Trung Quốc, thu lợi bất chính hơn 10 tỷ đồng.

Còn đó những gian nan…

Từ thực tiễn đấu tranh các vụ án mua bán người trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu thời gian qua, có thể thấy tội phạm mua bán người được hình thành theo kiểu “tội phạm ẩn”. Việc phát hiện, điều tra làm rõ yếu tố cấu thành tội phạm đòi hỏi quá trình đấu tranh kiên trì, thu thập chứng cứ từ nhiều phía. Song, đa phần các chứng cứ thu thập được lại rất khiêm tốn, chủ yếu căn cứ vào lời khai của nạn nhân. Tuy nhiên, một số nạn nhân sau khi được giải cứu trở về quê hương thường có tâm lý mặc cảm, tự ti nên không tố giác tội phạm với cơ quan chức năng. Có những trường hợp nạn nhân đến tố giác nhưng do tâm lý bị khủng hoảng trong thời gian dài nên không nhớ rõ được chính xác nơi mình bị bán, bị giam giữ.

Công an tỉnh Bạc Liêu thường xuyên tuyên truyền nâng cao cảnh giác trước những phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người.

Thượng tá Lâm Mỹ Thuận, Phó trưởng phòng ANĐT Công an tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Trong đường dây mua bán người này, số đối tượng chủ mưu, cầm đầu cũng như các mắt xích có liên quan đa phần sử dụng họ tên, địa chỉ giả nên việc làm rõ nhân thân, lai lịch, quá trình hoạt động rất khó khăn. Giữa chúng lại có sự phân công nhiệm vụ rất chặt chẽ, mỗi đối tượng được giao đảm nhận vai trò riêng và hầu như các đối tượng này hoạt động đơn tuyến. Mặt khác, chúng sống tại nhiều tỉnh, thành phố thậm chí ở nước ngoài gây khó khăn cho cơ quan điều tra trong quá trình điều tra, truy bắt, dẫn giải đối tượng. Những vụ mua bán người nằm trong đường dây thì hầu hết diễn ra tại các tỉnh khu vực biên giới, thậm chí tại Trung Quốc nên việc thu thập tài liệu chứng cứ gặp rất nhiều khó khăn. Phần lớn những bị hại đang ở Trung Quốc, còn những trường hợp đã về Việt Nam thì do tâm lý mặc cảm, lo sợ bị trả thù nên không tố giác, gây ra những khó khăn nhất định trong quá trình đấu tranh chuyên án”.

Có thể thấy, công tác phòng, chống mua bán người là nhiệm vụ khó khăn; tội phạm mua bán người không những để lại hậu quả, tổn thương nặng nề cho các nạn nhân mà còn tác động xấu đến đạo đức, lối sống, thuần phong mỹ tục, ảnh hưởng trực tiếp đến ANTT của địa phương. Do đó, để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh, Công an tỉnh Bạc Liêu tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, địa phương tập trung triển khai quyết liệt các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong Chương trình phòng, chống mua bán người của Chính phủ giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Tăng cường tuyên truyền, nâng cao cảnh giác của người dân trước các phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người; thực hiện hiệu quả các mặt công tác quản lý nhà nước về ANTT, cư trú, xuất nhập cảnh; tăng cường đấu tranh, bóc gỡ các đường dây buôn người, kịp thời xác minh, giải cứu, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.

Bên cạnh sự quyết liệt của Công an, thiết nghĩ cấp ủy, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cũng cần xác định công tác phòng chống tội phạm mua bán người là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Phải quán triệt quan điểm phòng chống mua bán người là một nội dung căn bản của công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm và lồng ghép vào trong các chương trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, trong giải quyết những vấn đề cơ bản về an sinh xã hội như: vấn đề hỗ trợ việc làm, xóa đói giảm nghèo… Song, vấn đề quan trọng nhất vẫn là mỗi người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác trước những phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người. Hãy “nghĩ trước, bước sau”, cân nhắc thật kỹ trước những lời mời gọi “việc nhẹ, lương cao” hoặc vẻ hào nhoáng từ những “giấc mơ chồng ngoại” để tự bảo vệ chính mình trước “nanh vuốt” của bọn buôn người.

Văn Đức - Trọng Nguyễn

Theo thống kê, hằng năm, toàn tỉnh Thanh Hóa có gần 2.000 người chấp hành án trên toàn quốc được đặc xá, chấp hành xong án phạt từ trở về cư trú, sinh sống trên địa bàn. Tháng 8/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 22, đã tạo điều hỗ trợ, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù, tái hòa nhập cộng đồng, hoạt động có hiệu quả.

Với mức phí quản lý lên đến 23.000 đồng/m2, chung cư Đảo Kim Cương (ĐKC) ở TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh thuộc top đầu các chung cư cao cấp có mức phí quản lý cao nhất cả nước. Với 7 toà nhà cao tầng, khu chung cư này đang có gần 1.400 hộ dân, riêng khoản phí quản lý, mỗi năm chung cư ĐKC đã thu được trên 49 tỉ đồng.

Không thấy con gái lùa bò về nhà khi trởi sắp tối nên cha mẹ vội vã tìm kiếm. Đến khi phát hiện con gái nằm bất động dưới suối, người cha lao xuống cứu con nhưng cũng lâm vào tình trạng tử vong nghi ngờ do bị điện giật.

Thời hạn tắt sóng 2G only sẽ được kéo dài thêm 1 tháng, đến ngày 15/10 để bảo đảm nhu cầu thông tin trong thời gian doanh nghiệp và người dân khắc phục thiệt hại do bão số 3.

Những ngày qua, khi toàn xã hội chung tay góp sức giúp người dân các tỉnh phía Bắc khắc phục hậu quả bão lũ thì trên không gian mạng, các thế lực thù địch, tổ chức phản động lưu vong, các phần tử bất mãn, cơ hội lại tiếp tục lợi dụng tình hình này để đưa ra những luận điệu xuyên tạc, phán xét chủ quan nhằm chia rẽ, phá hoại.

Dự báo, khu vực ven sông các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định, Hưng Yên, Thái Bình, Hải Dương tiếp tục ngập lụt trong khoảng 3-6 ngày tới. Vùng ngoài đê sông Hồng, sông Nhuệ tại Hà Nội, nước rút sau 2-3 ngày tới, riêng vùng ven sông Bùi ở Chương Mỹ ngập thêm 10-13 ngày tới.

Vào đêm qua, sau nỗ lực làm việc xuyên ngày đêm của lực lượng Cảnh sát giao thông và các đơn vị doanh nghiệp, một số tuyến đường từ trung tâm huyện Bát Xát tới các xã, trong đó có Mường Hum, nơi 142 giáo viên, học sinh Trường THCS và THPT số 3 xã Mường Hum, Bát Xát (Lào Cai) thoát nạn vụ sập nhà bán trú. Lực lượng cứu hộ đã tiếp cận được địa bàn để tiếp tế lương thực, thực phẩm, đưa người bị nạn đi điều trị sau 4 ngày liên tục bị cô lập.

Theo dự báo, Thủ đô Hà Nội hôm nay nắng nhẹ với nền nhiệt từ 25-34 độ C. Khu vực Nam Bộ vẫn tiếp tục có mưa dông. Quá trình thoát lũ, giảm lũ trên hệ thống sông Hồng có khả năng diễn ra chậm, nên tình trạng ngập còn diễn ra nhiều ngày tới.

Ngay từ khi cơn bão số 3 đổ bộ với diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh, toàn lực lượng Công an Hải Dương đều nhận thức sâu sắc rằng, cùng với đảm bảo ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn thì phòng chống thiên tai, bão, lụt là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文