Dùng tiền lừa chạy việc “trả lương” cho chính… nạn nhân

11:40 01/10/2015
Ngày 22/9, Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng cho biết đã điều tra, làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Ngô Lê Thị Thủy (28 tuổi, trú phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ). Thủy đã thừa nhận hành vi lừa xin việc cho nhiều người và chiếm đoạt hơn 2,2 tỉ đồng…

Vốn là một nhân viên bình thường tại một xí nghiệp thuộc Công ty Môi trường đô thị TP Đà Nẵng, nhưng khi nghe chị Hương (trú Quảng Bình) trò chuyện và muốn xin vào làm tại công ty, Thủy liền nhận lời giúp và "ra giá" 50 triệu đồng. Do chưa có tiền nên chị Hương hỏi mượn tiền của người quen là ông Lê Mậu Dũng (trú quận Liên Chiểu, Đà Nẵng). Ông Dũng không cho mượn mà lại bảo Hương nhường suất làm đó cho cháu của ông Dũng là Hoài (trú Quảng Trị). Hương đồng ý đưa ông Dũng đi gặp Thủy.

Ngày hôm sau, Thủy gọi điện bảo ông Dũng giao tiền để "đưa cho sếp". Nghe vậy, ông Dũng hẹn gặp tại một quán cà phê và đưa trước cho Thủy 40 triệu đồng. Thủy viết giấy nhận tiền và hẹn sau 1 tháng nếu không xin được việc sẽ hoàn trả lại. Vài tuần sau, Thủy báo Hoài sắp được ký hợp đồng lao động và đề nghị ông Dũng đưa thêm 10 triệu đồng. Tiếp đó, Thủy tự làm giả một bản hợp đồng lao động với chữ ký giả và con dấu photocopy đưa cho ông Dũng và  xin thêm 5 triệu đồng.

Ngỡ ông Dũng đã xin được việc làm, Hoài từ Quảng Trị vào Đà Nẵng chờ đợi nhưng cả tháng sau vẫn chưa thấy Công ty Môi trường đô thị TP Đà Nẵng gọi đi làm. Gặp Thủy hỏi thì cô ta lấy lý do "Công ty đang có thanh tra" nên tạm thời chưa tiếp nhận lao động, đồng thời trấn an nếu có trở ngại thì sẽ xin việc cho Hoài ở Sở Tài chính thành phố Thủy còn gợi ý giúp Hoài nhập khẩu vào Đà Nẵng và nhận thêm "chi phí" 10 triệu đồng.

Trong thời gian hẹn "xử lý" hồ sơ xin việc của Hoài, Thủy tiếp tục điện thoại cho Hương báo mới trống 1 suất kế toán tại công ty và ra giá 50 triệu đồng. Khi đã nhận đủ tiền, Thủy cũng đưa cho Hương bản hợp đồng lao động giả mạo. Thủy bảo từ thời điểm này, Hương đã trở thành người của công ty, sẽ được hưởng lương hàng tháng và các chế độ khác nhưng chưa cần… đi làm. Thủy bảo Hoài và Hương cùng mở tài khoản tại ngân hàng để công ty chuyển tiền lương. Từ cuối tháng 4 đến tháng 11/2014, Hoài được Thủy "chuyển lương" 4 lần với số tiền tổng cộng 12,8 triệu đồng, Hương được Thủy chuyển hơn 17 triệu đồng…

Thấy cháu mình không đi làm mà vẫn được "nhận lương", ông Lê Mậu Dũng lại giới thiệu bạn là chị Đào (trú Quảng Trị) gặp Thủy. Bị Thủy thuyết phục, chị Đào đồng ý chi 310 triệu đồng để em trai được vào ngành Công an và đưa trước cho Thủy 2 lần với số tiền 270 triệu đồng và bị đối tượng chiếm đoạt, tiêu xài hết.

Cũng do tin tưởng Thủy nên sau khi nhờ xin việc cho Hoài, ông Dũng tiếp tục "mách nước" cho bà Phương (trú Quảng Bình). Thủy cũng đồng ý lo cho con bà Phương vào làm kế toán tại Công ty Môi trường đô thị TP Đà Nẵng với số tiền 80 triệu đồng. Số tiền này, Thủy khai có "bồi dưỡng" ông Dũng 10 triệu đồng, "trả lương" gần 17 triệu đồng cho con bà Phương mặc dù cô này chưa đi làm ở công ty ngày nào như Hoài và Hương.

Đối tượng Ngô Lê Thị Thủy.

Vui mừng khi thấy con mình nhanh chóng được "ký hợp đồng lao động", bà Phương khoe với bà con thân thuộc của mình ở quê nhà. Nhờ bà Phương giới thiệu, ông Khoa (cùng quê với bà Phương) đã đưa Thủy 75 triệu đồng để xin việc cho con gái. Thủy đã trích 10 triệu trong số này để "lại quả" cho bà Phương, trích 4 triệu để "trả lương" cho con ông Khoa.

Tương tự, ông Đoàn Văn Dũng (trú Quảng Bình) cũng thông qua bà Phương nhờ Thủy xin việc cho 3 người cháu. Thủy hứa sẽ xin cho những trường hợp này nhập khẩu Đà Nẵng, vào làm việc tại Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Hòa Vang và Công ty Môi trường đô thị TP Đà Nẵng và thu mỗi trường hợp từ 120-140 triệu đồng. Khi biết người mà mình hứa xin vào Bệnh viện Hòa Vang làm kế toán nhưng chưa có bằng… THPT, Thủy lại sốt sắng nhận làm giúp bằng giả với giá 15 triệu đồng nhưng thực chất chỉ để moi thêm tiền mà thôi…

Cũng thông qua bà Phương, ông Dân (trú Quảng Bình) vào Đà Nẵng gặp Thủy để xin việc cho cháu gái tên Thơm. Sau khi hỏi chuyện bằng cấp của người cháu này, Thủy bảo ông Dân có thể xin cho cô cháu vào một đơn vị của Bộ Công an tại Đà Nẵng với chi phí 250 triệu đồng. Giống như những nạn nhân khác, ông Dân cũng cả tin đến ngờ nghệch trước sự gian dối của Thủy và không phát hiện ra điều bất thường khi Thơm chưa làm thủ tục xét tuyển mà đã nhận được "tháng lương đầu tiên" qua tài khoản với số tiền 6 triệu đồng…

Một số người khác ở Đà Nẵng, Quảng Trị đã bị Thủy lừa chạy việc vào các bệnh viện lớn hoặc các cơ quan nhà nước và chiếm đoạt số tiền từ 300 - 400 triệu đồng/trường hợp. Tổng cộng, Thủy đã lừa đảo, chiếm đoạt của 13 trường hợp với số tiền 2,21 tỉ đồng. Đối tượng dùng một phần nhỏ trong số này để "trả lương" cho các nạn nhân. Số còn lại mua sắm, chi tiêu cá nhân… Nhiều nạn nhân cho biết đã mắc lừa dễ dàng là do quá nôn nóng tìm việc cho con cháu; đồng thời thấy Thủy có nhà cửa, việc làm ổn định, chồng đối tượng là bộ đội, cha ruột là cán bộ huyện.

Cho đến khi các nạn nhân bắt đầu sinh nghi và thường xuyên tới nhà hối thúc việc làm, Ngô Lê Thị Thủy đã bỏ trốn khỏi địa phương. Mới đây, đối tượng đã bị Công an quận Cẩm Lệ bắt giữ khi về lại nơi cư trú sau một thời gian lẩn trốn ở các địa phương khác và chuyển giao Công an TP Đà Nẵng tiếp tục điều tra xử lý.

Thân Lai

Từ thắng lợi Điện Biên Phủ chấn động địa cầu năm 1954 đến đại thắng mùa xuân năm 1975 là 21 năm đằng đẵng với bao mất mát, hy sinh của dân tộc Việt Nam. Trong hành trình ấy, nhân dân Việt Nam đã đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng cách mạng chân chính và vững niềm tin để thực hiện khát vọng cháy bỏng: Non sông liền một dải, hòa bình, độc lập và xây dựng đất nước hùng cường.

Trở lại Việt Nam vào những ngày cuối tháng tư, nữ nhà văn người Mỹ Lady Borton đang gấp rút duyệt bản thảo lần cuối cho cuốn sách mới bằng tiếng Anh viết về Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Gắn bó với Việt Nam hơn nửa thế kỷ, người phụ nữ 82 tuổi này đã chứng kiến nhiều thăng trầm của Việt Nam, coi đây là quê hương thứ hai của mình.

Một phụ nữ hôn mê gan cấp trên nền bệnh viêm gan B, cuộc sống chỉ tính bằng giờ đã may mắn được hồi sinh nhờ được ghép gan kịp thời từ nguồn hiến của người chết não vì tai nạn giao thông (TNGT).

LTS: Từ 2019 đến nay, hàng vạn tấm bằng Cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ, Kỹ sư… cùng nhiều văn bản, chứng từ khác của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (HUBT) được ký bằng chữ ký “khô” (chữ ký khắc dấu) hay còn gọi là dấu chữ ký khiến cho nhiều người không khỏi hoài nghi về giá trị pháp lý của nó. Ngoài việc sử dụng chữ ký “khô” để cấp các loại văn bằng, chứng chỉ, HUBT còn sử dụng trong công tác văn thư, tài chính kế toán… để duy trì mọi hoạt động của trường. Trước sự việc này, phóng viên Báo CAND đã có loạt bài phản ánh các vấn đề đã và đang diễn ra tại HUBT.

Con số 70 nổi bật được đổ màu theo đa hướng, cách điệu với ngôn ngữ đảo chiều, hàng chữ “Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954 - 2024)” mang màu xanh hoà bình. Đó là những nét khắc họa nổi bật của logo Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ đang được sử dụng chính thức trong các hoạt động tuyên truyền trong những ngày tháng 5 lịch sử này.

Sáng 7/5, Cơ quan CSĐT Công an huyện Tây Giang (Quảng Nam) cho biết, vừa khởi tố bị can, ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Pơloong Bưu (SN 1995, trú xã Axan, huyện Tây Giang) về hành vi “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi”.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文