Giả hóa đơn chuyển tiền điện tử để lừa đảo

14:54 17/04/2023

Thanh toán trực tuyến ngày càng được nhiều người lựa chọn, vì sự nhanh chóng, tiện lợi nhưng cũng là cơ hội cho các đối tượng lừa đảo tận dụng. Các đối tượng đã làm giả các hóa đơn xác nhận giao dịch để chuyển tiền qua ngân hàng điện tử, sau đó chuyển cho nạn nhân để lừa mua hàng thanh toán. Không ít người đã dính bẫy giao hàng, đưa tiền mặt, chấp nhận thanh toán… cho đối tượng lừa đảo.

Tràn lan hội nhóm làm giả bill chuyển khoản ngân hàng

Chỉ cần lên mạng xã hội gõ từ khóa “Fake Bill chuyển khoản ngân hàng”, hay “Fake Bill” là cho ra hàng loạt kết quả rất nhiều hội nhóm, tài khoản công khai làm giả hóa đơn chuyển tiền ngân hàng.

Một đối tượng làm giả hóa đơn chuyển khoản bị Công an tỉnh Ninh Bình bắt giữ.

Các tài khoản này đều ra sức quảng cáo các hóa đơn được làm “giống như thật”, rất khó bị phát hiện ra. Để hỏi mua bill chuyển khoản, phóng viên vào nhóm “Fake bill chuyển khoản ngân hàng” để tìm hiểu. Trong nhóm rất nhiều đối tượng chào bán hóa đơn chuyển tiền giả từ các ngân hàng khác nhau một cách công khai. Khẳng định “bill nét, chuẩn ngân hàng 100%, độc quyền”, trang cung cấp này đang thu hút tới 6,5 nghìn lượt thích và theo dõi.

Giá cho mỗi “Bill giả” này chỉ từ vài chục nghìn đồng cho một giao dịch, tuy nhiên theo chia sẻ của chủ trang thì giá tại đây nhỉnh hơn giá các trang khác vì chất lượng giống như thật. “Bên khác làm 5 ngân hàng còn bên mình hỗ trợ 13 ngân hàng kể cả ví điện tử momo, rất khó để phát hiện, bill rõ nét, không ảo” - Chủ trang này cho biết.

Có thể thấy hoạt động mua bán hóa đơn chuyển khoản giả diễn ra rất công khai, thách thức cơ quan chức năng. Các trang này còn làm các loại hóa đơn giao dịch tới biến động số dư, số dư tài khoản đầy đủ thông tin người chuyển, người nhận, ngày giờ.

Hay tại một fanpage “Fake bill”, chủ trang có quảng cáo: “Giải đáp thắc mắc: có một trang mạo danh làm fake bill với giá 20k nhiều người đem so sánh với bên mình. Và đây là bài viết giải thích tại sao ở đó làm với giá 20k . Ở đây lấy ví dụ về bill Vietcombank. 1. Bill quá mờ nhạt, font chữ nhìn quá ảo; 2. Khung giờ nhỏ hơn bình thường; 3. Hình ảnh con đường đằng sau không nhìn thấy do bị mờ và còn bị lệch; 4. Giao diện bill quá xấu; 5. Bên kia làm 5 ngân hàng còn bên mình hỗ trợ 13 ngân hàng kể cả ví điện tử Momo!; 6. Tỉ lệ bị phát hiện đối với bên làm rẻ kia là 100%”.

Sau khi đưa nội dung quảng cáo, trang này không quên đưa hình ảnh hai bill giả để so sánh nhằm thu hút khách hàng.

Một nick “Làm giả bill chuyển khoản - giấy tờ các loại giá rẻ” cũng rao công khai “Nhận tạo bill chuyển khoản ngân hàng và các loại tài liệu liên quan. Làm xong check demo mới phải thanh toán. Mục đích làm bill để tăng độ uy tín khi bán hàng, nghiêm cấm mọi hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Liên hệ qua zalo (chỉ trả lời qua zalo)”. Một nick khác cũng rao công khai: “Làm bill chuyển khoản ngân hàng theo yêu cầu. Chỉnh sửa giấy tờ, hình ảnh. Giá 100k/bill (làm xong mới thanh toán).

Cảnh giác với thủ đoạn mới

Làm giả hóa đơn chuyển khoản ngân hàng là thủ đoạn mới xuất hiện đang được các cơ quan chức năng cảnh báo để người dân cảnh giác. Thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo là mua hàng số lượng lớn, sau đó vay thêm tiền mặt của nạn nhân rồi chuyển khoản trả. Sau đó các đối tượng đã sử dụng bill giả để đánh lừa rằng mình đã chuyển khoản rồi bỏ đi thật nhanh, trước khi các nạn nhân nhận ra mình đã bị lừa.

Những hóa đơn giả như thật được rao công khai trên mạng xã hội.

Đáng nói, trước đây việc làm hóa đơn chuyển tiền giả thường được các đối tượng sử dụng phần mềm Photoshop để chỉnh sửa thông tin trên một hóa đơn có thật rồi đánh lừa nạn nhân. Nhưng trong thời gian gần đây, nhiều đối tượng trên mạng xã hội đã chia sẻ nhau về các trang web có thể tạo nên một hóa đơn giả mạo của ngân hàng một cách nhanh chóng.

Các trang web này có thể làm giả hóa đơn chuyển khoản, hóa đơn biến động số dư, hóa đơn số dư, hóa đơn nạp tiền… của hầu hết các ngân hàng lớn và ví điện tử hiện nay như TPBank, Vietcombank, BIDV, Agribank…

Với các trang web này, các đối tượng lừa đảo có thể tạo ra một hóa đơn ngân hàng giả chỉ trong chưa đầy 1 phút với đầy đủ thông tin người chuyển, số tài khoản người nhận, mã chuyển khoản giống như một hóa đơn thật. Nhiều đối tượng đã tận dụng việc làm giả hóa đơn cực nhanh của các trang web, ứng dụng này để lừa đảo ở nhiều nơi.

Bên cạnh các đối tượng lừa đảo trực tiếp, trên mạng xã hội Facebook cũng xuất hiện nhiều nhóm nhận làm hóa đơn chuyển khoản ngân hàng giả cho những người không biết sử dụng phần mềm cũng như các trang web nói trên. Giá của loại dịch vụ này rất rẻ, chỉ từ 50-100 ngàn đồng/hóa đơn.

Qua tìm hiểu, một số đối tượng bán dịch vụ này cho biết, người mua thường dùng hóa đơn giả để tạo uy tín trên mạng xã hội, thể hiện các đơn hàng lớn đối với người kinh doanh. Tuy nhiên, không thể tránh được việc các đối tượng sử dụng hóa đơn giả phục vụ cho mục đích lừa đảo.

Hai “nữ quái” bị Công an tỉnh Hải Dương bắt giữ vì làm giả hóa đơn chuyển khoản.

Mới đây, Công an huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương cũng vừa bắt giữ hai nữ quái chuyên làm giả hóa đơn chuyển khoản ngân hàng để đi lừa đảo. Đó là Bùi Minh Nguyệt (sinh năm 2003, trú tại khu dân cư Vũ La, phường Nam Đồng, TP. Hải Dương, tỉnh Hải Dương) và Khổng Thị Nga (sinh năm 1996, HKTT: tổ 3, Giáp Nhất, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội, chỗ ở hiện nay: 16/11/74 Đồng Quan, Đồng Sơn, TP Bắc Giang).

Theo hồ sơ vụ việc, từ đầu tháng 3/2023 đến nay, Bùi Minh Nguyệt đi xe môtô Honda Wave đến các cửa hàng dược phẩm, quần áo thời trang, tạp hóa… trên địa bàn để mua hàng hoặc sử dụng các dịch vụ rồi nói mình không đem theo tiền mặt. Đối tượng này đề nghị chủ cửa hàng cho thanh toán bằng hình thức chuyển khoản qua ứng dụng Internet Banking. Sau khi các chủ cửa hàng cung cấp số tài khoản ngân hàng, Nguyệt gửi thông tin cho Nga qua ứng dụng Zalo để Nga làm giả các hóa đơn chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng và hình ảnh biến động số dư trong tài khoản ngân hàng, sau đó gửi lại Nguyệt để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Bằng phương thức, thủ đoạn trên, Nguyệt đã chiếm đoạt được của 05 bị hại trên địa bàn huyện Nam Sách với tổng số tiền gần 8 triệu đồng. Để tránh gây nghi ngờ cho bị hại, mỗi vụ lừa đảo Nguyệt chỉ mua hàng với số tiền từ 1 đến 2 triệu đồng. Nguyệt thường chọn những cửa hàng có người trẻ tuổi bán hàng vì họ có tài khoản ngân hàng và sử dụng ứng dụng Internet Banking trên điện thoại.

Ngoài ra, Nguyệt khai nhận, với cùng thủ đoạn trên, Nguyệt đã thực hiện 9 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản khác tại TP Hải Dương, TP Chí Linh, thị xã Kinh Môn và các huyện Thanh Hà, Gia Lộc, Kim Thành (cụ thể: TP Hải Dương 3 vụ; Thanh Hà 2 vụ; Gia Lộc, Kim Thành, Chí Linh, Kinh Môn: mỗi nơi 1 vụ).

Trước đó, Công an TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình cũng đã bắt giữ đối tượng Bùi Thị Bích, SN 2001, trú tại xã Yên Trị, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Trước đó, Công an TP Tam Điệp nhận được tin báo của chị Nguyễn Thị N. (là chủ cửa hàng bán tạp hóa, SN 1992, ở phường Tây Sơn, TP Tam Điệp) về việc từ ngày 12/1 đến ngày 30/1/2023, có một số tài khoản mạng xã hội nhắn tin, gọi điện để mua hàng của chị. Sau đó, đối tượng này chụp hình ảnh đã chuyển tiền thanh toán thành công cho chị N. với tổng số tiền là hơn 47 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi chuyển hàng cho khách, chị N. kiểm tra tài khoản thì phát hiện không có tiền.

Quá trình điều tra, xác minh, cơ quan Công an xác định Bùi Thị Bích chính là đối tượng đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của chị N.

Tại cơ quan công an, Bùi Thị Bích khai nhận đã dùng nhiều tài khoản mạng xã hội để mua hàng của chị N., sau đó dùng phần mềm tạo hóa đơn giả để chuyển tiền cho chị N. Trên thực tế, Bích không hề chuyển tiền cho chị N.

Phát tán tin nhắn rác, sử dụng hóa đơn giả để lừa đảo mặc dù không phải là thủ đoạn mới, tuy nhiên thủ đoạn của các đối tượng ngày một tinh vi, hiện đại hơn. Nhiều người vì tiền mà sẵn sàng tiếp tay cho các đối tượng lừa đảo, vô hình chung lại trở thành đồng phạm với các đối tượng lừa đảo.

Theo luật sư Nguyễn Minh Long (thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội), hiện nay có rất nhiều hình thức lừa đảo khác nhau được các đối tượng sử dụng với mục đích gian dối nhằm trục lợi, chiếm đoạt tài sản của nạn nhân. Việc làm giả hóa đơn chuyển khoản ngân hàng cũng là một trong những hành vi có mục đích như vậy. Để tránh trở thành nạn nhân của các loại tội phạm này, khi có tình huống xảy ra với bản thân, người dân nên bình tĩnh kiểm tra lại toàn bộ thông tin liên quan đến tài khoản. Ngoài ra cần xác định rõ các mối quan hệ liên quan đến việc chuyển tiền, đối chiếu lại nội dung của các đối tượng chuyển tiền. Ngoài ra, người dân cũng nên đọc thêm nhiều thông tin về các hình thức lừa đảo đang diễn ra. Việc sớm cảnh giác trước các phi vụ lừa đảo sẽ tránh cho người dân bị mất mát tài sản, thông tin. Tránh để khi bị thiệt hại rồi mới đi làm đơn thư tố cáo thì rất khó, bởi tội phạm công nghệ cao thường xuyên đặt hệ thống ở nước ngoài nên rất khó xử lý.

Theo các chuyên gia, để phòng tránh bị lừa bởi các hóa đơn chuyển tiền giả, người dân cần chú ý kỹ biên lai chuyển khoản, chỉ khi tiền đã vào tài khoản của mình mới tiếp tục các giao dịch khác. Nhận biết thông qua địa chỉ website ở phía cuối bill chuyển khoản, thông thường tên website lừa đảo sẽ là những tên lạ hoặc chứa các ký tự lạ. Người dùng cần cân nhắc, kiểm tra kỹ trước khi thực hiện theo yêu cầu của bên kia. Cần chắc chắn rằng tài khoản của mình đã nhận đủ tiền trước khi thực hiện các giao dịch tiếp theo… Khi nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo, cần liên hệ với ngân hàng để được hỗ trợ, cung cấp thông tin.

Những hành vi làm giả hóa đơn, giả tin nhắn để lừa đảo có thể bị xử lý về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017). Tùy theo mức độ phạm tội, đối tượng lừa đảo có thể bị phạt mức án lên đến chung thân.

Mai Ngọc

Đối tượng mạo danh là “Trưởng phòng Công an TP Đà Nẵng”, sau đó thông báo số điện thoại của nạn nhân liên quan đến việc làm ăn phi pháp; đồng thời đe dọa, yêu cầu nạn nhân cầm sổ đỏ và chuyển tiền để chứng minh mình không vi phạm. Hậu quả, nạn nhân sập bẫy Công an giả sau 2 lần chuyển tổng cộng mất hơn 2 tỷ đồng...

Tại cơ quan điều tra, Luận khai nhận, 1 quả thận được Luận mua với giá từ 380 triệu đến 450 triệu đồng, sau đó môi giới bán cho người mua có nhu cầu ghép thận với giá dao động từ 1 tỷ đến 1,45 tỷ đồng. Trong khi Luận đang tổ chức ca môi giới ghép thận vào ngày 20/12/2024 thì bị lực lượng Công an phát hiện, bắt giữ.

Liên quan vụ truy bắt đối tượng trộm cắp xe ô tô ở Ninh Thuận, chiều 24/12 Phòng CSGT Công an tỉnh Ninh Thuận cho biết, vừa nhận được thư cảm ơn của ông Võ Tấn Long (SN 1976, trú ở 126 Hải Thượng Lãn Ông, phường Tấn Tài, TP Phan Rang – Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận).

Đây là ý kiến chỉ đạo của Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ tại Hội nghị triển khai Sổ Sức khỏe điện tử, cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID; triển khai bệnh án điện tử, thúc đẩy kết nối, liên thông dữ liệu giữa Bệnh viện Bạch Mai với Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh và đẩy mạnh triển khai các nội dung của Đề án 06 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, chiều 23/12.

Theo truyền thông địa phương, các lính cứu hỏa được cho là gặp khó khăn trong quá trình tiếp cận khu vực hỏa hoạn tại tháp Eiffel. Cơ quan dịch vụ khẩn cấp Paris đã phải sơ tán hơn 1200 khách du lịch đang thăm quan công trình kiến trúc mang tính biểu tượng của Thủ đô nước Pháp. 

Chiều 24/12, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Hồ Chí Minh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tạm giam đối với Trịnh Thành Đức (SN 1996, biệt danh là Lil Ken) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản; ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Nguyễn Thị Lan (vợ cũ Đức, SN 1998, ngụ quận Bình Tân) cùng về hành vi trên.

Đăng tải thông tin sai sự thật về vụ việc phóng hỏa quán cafe ở số 258 đường Phạm Văn Đồng (phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) lên các hội nhóm trên mạng xã hội, chị  H.T.L đã bị Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) triệu tập làm việc và ra quyết định xử phạt hành chính 7,5 triệu đồng về hành vi “cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật”.

Trước những dấu hiệu bất thường liên quan đến việc lập, phê duyệt quy hoạch, thực hiện dự án Cụm công nghiệp vừa và nhỏ Lâm Bình (huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh), Thanh tra Bộ Xây dựng vừa có văn bản yêu cầu địa phương này làm rõ, đồng thời có văn bản báo cáo Thanh tra Bộ trước ngày 25/12/2024.

Nam thanh niên khai tên là Nguyễn Trần Huy, SN 2007, trú tại thôn Lê, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang đang trên đường chở pháo về thì bị CSGT phát hiện, bắt giữ.

Ngày 24/12, tại Công an tỉnh Tuyên Quang, Bộ Công an tổ chức Hội thảo khoa học “Nhận diện xu hướng dịch chuyển của tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự lên không gian mạng”. Trung tướng Lê Quốc Hùng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Bộ Công an chủ trì Hội thảo.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文