“Giăng bẫy” người cao tuổi

08:09 03/07/2025

Thời gian qua, hàng ngàn người cao tuổi trở thành nạn nhân của các chiêu trò lừa đảo thông qua hình thức nhận gói khuyến mãi, tặng mã trúng thưởng, tri ân khách hàng… Vì sao người già lại trở thành mục tiêu của tội phạm và dễ dàng “sập bẫy” bằng những đòn tâm lý tưởng như đơn giản nhưng rất tinh vi của đối tượng lừa đảo?

“Miếng pho mát” nhận quà trúng thưởng

Tội phạm lừa đảo thường khai thác tâm lý lo lắng, nhẹ dạ cả tin và thiếu kiến thức về công nghệ thông tin trên không gian mạng của người cao tuổi để “giăng bẫy”. Nhiều cụ già sống một đời đơn giản, chất phác, chưa từng biết mạng xã hội là gì và thế là trở thành “con mồi” của kẻ xấu.

Một ngày đẹp trời, bà D.T.N (80 tuổi, phường Mũi Né, tỉnh Lâm Đồng) nhận được cuộc gọi từ nhân viên chăm sóc khách hàng của “Trung tâm thương mại” thông báo mã mua hàng của bà N. trúng thưởng hai thùng sữa chống loãng xương cao cấp dành cho người già. Trước đó bà N. có mua một thùng sữa ở Trung tâm thương mại nên nhân viên của trung tâm gọi đến hỏi thăm sức khỏe và tặng quà thì bà tin ngay.

h5.png -3
Công an khám xét trụ sở công ty trong đường dây lừa đảo người già quy mô lớn tại TP Hồ Chí Minh.

Một ngày sau, nhân viên đến nhà giao cho bà N. hai thùng sữa miễn phí nhưng bà phải trả tiền thuế và tiền dịch vụ vận chuyển là 350.000 đồng. Nhân viên này căn dặn bà N. không được mở thùng quà ra xem trước, phải để khi nào chương trình khuyến mãi kết thúc mới có thể khui hàng, nhằm tạo yếu tố bất ngờ.

Ít ngày sau, bà N. tiếp tục nhận được cuộc gọi từ “Trung tâm thương mại” thông báo bà có “mã trúng thưởng” tri ân khách hàng, giá trị lên tới 4 tỷ đồng. Bà N. đồng ý tham gia. Nhân viên tới nhà giao “mã trúng thưởng” cho bà và yêu cầu bà nộp tiền tạm ứng quà tặng trúng thưởng, khi nào chương trình quay số xong sẽ trả lại tiền cho bà. Khoảng hai tuần sau, một người tự xưng là “quản lý của Trung tâm thương mại” gọi điện thông báo bà N. trúng thưởng máy massage trị giá hơn 30 triệu đồng, được quy đổi thành tiền. Để nhận thưởng, bà phải có “mã bốc thăm” bằng cách nhận các sản phẩm của họ.

Hóa đơn nhận hàng đối tượng lừa đảo gửi cho nạn nhân ghi địa chỉ và tên công ty đều không có thật.

Tin lời các “nhân viên, quản lý” mua càng nhiều sản phẩm, có nhiều mã thì cơ hội trúng thưởng càng cao, bà N. đã nhận cả trăm mặt hàng do “Trung tâm thương mại” gửi đến như: máy hút bụi, máy lau sàn, máy massage, yến đông trùng hạ thảo, khóa vân tay... với giá trị mỗi đơn hàng là vài chục triệu đồng. Các nhân viên này dặn bà “không được khui ra để trung tâm cho nhân viên đến nhận lại”.

Suốt thời gian dài, bà N. nhiều lần trả tiền cho các đơn hàng được chuyển đến nhưng vẫn không thấy ai đến nhận lại và trao thưởng như đã hứa. Tiếp đó, bà nhận được điện thoại của người đàn ông xưng là “nhân viên ban pháp chế của trung tâm” nói đang giải quyết hồ sơ trúng thưởng cho bà và đề nghị bà cứ tiếp tục nhận hàng, giải thưởng sẽ càng lớn. Tưởng thật, bà lại làm theo.

Sau gần nửa năm liên tục nhận các đơn hàng, bà N. đã bán hết tài sản tiết kiệm khoảng 3 tỷ đồng mà chưa nhận được phần thưởng giá trị nào, bà N. nghi mình bị lừa đảo nên nhờ người cháu kiểm tra các địa chỉ ghi trên hóa đơn. Lúc này, bà N. tá hỏa khi biết không có công ty, trung tâm thương mại nào trên hóa đơn bán hàng. Số hàng hóa mà người ta chở đến chất đầy trong nhà của bà chỉ là những món hàng rẻ tiền, không đáng giá so với hàng tỷ bà N. đã tạm ứng.

Những kiện hàng nạn nhân bị lừa nhận quà trúng thưởng chất đống ở nhà.

Không giống như bà N., ông V.M.L (86 tuổi, ngụ phường Trung Mỹ Tây, TP Hồ Chí Minh) lại nhận được một cuộc gọi của “Trưởng phòng tổ chức” của Trung tâm y tế, thông báo ông L. được nhận gói chăm sóc sức khỏe miễn phí một năm từ tổ chức y tế thế giới đang làm việc tại Việt Nam. Vị “trưởng phòng” bật mí, ông L. sẽ được tiếp cận các kỹ thuật tiên tiến, hiện đại của thế giới về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, được cấp phát các loại thuốc tốt nhất chống được hàng chục loại bệnh người già… Là một cựu chiến binh, thương binh, nghe đến những điều kiện như thế ông L. tin tưởng ngay.

Vài ngày sau, một nhân viên xưng là người bên “Tổ chức y tế thế giới” thông báo sẽ gửi một vài thùng sữa và thực phẩm chức năng đến nhà tặng ông L. Khi giao hàng, ông L. trả tiền ứng trước để lấy mã trúng thưởng, mã này cũng chính là thẻ để ông L. tham gia gói chăm sóc sức khỏe một năm miễn phí. Khi nào kết thúc chương trình, toàn bộ số tiền ông L. đã ứng sẽ được hoàn trả lại.

Nghe rất hợp lý, ông L. liên tục nhận quà và trả tiền tạm ứng. Tham gia được đến tháng thứ 3, ông L. không thấy bên “Tổ chức y tế thế giới” gọi đi khám bệnh và cấp thuốc, ông liên hệ với nhân viên trước đó thì được trả lời đang sắp xếp lịch. Trong thời gian chờ để được đi chăm sóc sức khỏe, ông L. vẫn phải nhận hàng và tạm ứng cho các mặt hàng như: sữa bột, thuốc bổ, dụng cụ tập thể dục…với số tiền lên tới hơn ba trăm triệu đồng.

Đây là toàn bộ số tiền tiết kiệm cùng tích góp lương hưu hàng tháng của ông L. Ông không còn khả năng tạm ứng nữa và muốn lấy lại số tiền đã bỏ ra, nhưng mọi thứ đã quá muộn. Khi thấy “con mồi” cạn kiệt nguồn tiền, các đối tượng lập tức cắt đứt liên lạc với ông L.

Bảo vệ người cao tuổi khỏi cạm bẫy lừa đảo

Vụ việc của ông L. hay bà N. kể trên chỉ là một trong hàng ngàn nạn nhân của thủ đoạn “giăng bẫy” lừa đảo người cao tuổi trong thời gian vừa qua.

Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) vừa phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ và Công an TP Hồ Chí Minh triệt xóa băng nhóm tội phạm có tổ chức, núp bóng doanh nghiệp với hàng trăm nhân viên, sử dụng công nghệ cao, phương tiện điện tử để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của hàng trăm ngàn bị hại trên cả nước (chủ yếu là người già, trên 50 tuổi) gây bức xúc trong quần chúng nhân dân.

Đối tượng Trần Quang Đạo cầm đầu đường dây lừa đảo hàng ngàn người cao tuổi.

Đường dây do Trần Quang Đạo (sinh năm 1992, trú tại xã Đông Thạnh, TP Hồ Chí Minh) cầm đầu, hoạt động tại nhiều địa điểm tại TP Hồ Chí Minh. Trong quá trình điều tra, lực lượng công an đã tiến hành khám xét đồng loạt nhiều địa điểm, trong đó có trụ sở của 4 công ty do Trần Quang Đạo nhờ người thân thành lập, đứng tên và các kho hàng. Cùng với đó, lực lượng chức năng phát hiện 218 nghi phạm có liên quan, gần 40 người giữ các vai trò là trưởng phòng, quản lý, tổ trưởng dưới sự điều hành của Trần Quang Đạo để thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của những người già, thiếu thông tin, không am hiểu về công nghệ, yếu thế, không có thu nhập hoặc thu nhập thấp và cần được xã hội quan tâm, bảo vệ.

Tại cơ quan điều tra, các nghi phạm khai nhận lợi dụng việc lộ lọt, mua bán các thông tin cá nhân trên mạng xã hội, nghi phạm đã giả làm nhân viên các cơ sở y tế, bệnh viện dinh dưỡng, sử dụng phần mềm Internet mã hóa đầu số gọi đi để tư vấn tặng quà, dụ dỗ, mời chào những người già sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng, thực phẩm chức năng, đóng các khoản phí để nhận khuyến mại quay thưởng cho các lần tiếp theo khi mua các sản phẩm đồ gia dụng, đồ điện tử… Để tạo lòng tin, các nghi phạm sẽ nâng dần giá trị trúng thưởng, mức đóng phí và cam kết hoàn tiền sau khi nhận được các sản phẩm khuyến mãi. Tuy nhiên sau đó, các đối tượng không thực hiện theo cam kết mà chiếm đoạt số tiền các bị hại đã nộp.

Qua thống kê sơ bộ, từ đầu năm 2023 đến nay, các đối tượng đã chiếm đoạt tài sản của hàng trăm ngàn người với số tiền lên đến hàng trăm tỉ đồng, trong đó chủ yếu là người già, thu nhập thấp, phải phụ thuộc vào lương hưu, tiền tiết kiệm, nguồn trợ cấp của gia đình, cần hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe. Chỉ tính riêng trong hơn 100 ngày gần đây, các nghi phạm đã chiếm đoạt của hơn 10.000 nạn nhân với tổng số tiền trên 50 tỉ đồng.

Theo Bộ Công an, đây là vụ án sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử lừa đảo chiếm đoạt tài sản do đối tượng người Việt Nam cầm đầu, hoạt động tại Việt Nam với quy mô tổ chức chặt chẽ, núp bóng doanh nghiệp, số lượng đối tượng tham gia lớn nhất từ trước đến nay đã được cơ quan công an triệt phá.

Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, có đến 50% vụ án lừa đảo mà nạn nhân là người cao tuổi xuất phát từ việc họ sợ liên lụy đến con cháu và không am hiểu về công nghệ. Đây chính là những yếu tố khiến các đối tượng lừa đảo lợi dụng để thực hiện hành vi phạm tội.

Các đối tượng thường sử dụng thủ đoạn hù dọa, khiến người cao tuổi hoảng loạn và dễ dàng làm theo yêu cầu của chúng. Điều đáng báo động là nhiều nạn nhân bị lừa đảo nhiều lần cho đến khi cạn kiệt tài sản mới tìm đến sự giúp đỡ của người thân.

Người cao tuổi tại TP Hồ Chí Minh tham gia lớp học sử dụng mạng xã hội để tránh bị lừa đảo.

Trong thời đại bùng nổ thông tin, người cao tuổi dễ trở thành mục tiêu của các đối tượng lừa đảo. Công an TP Hồ Chí Minh đã chỉ ra một số thủ đoạn lừa đảo phổ biến mà các đối tượng thường sử dụng, bao gồm: giả danh cơ quan chức năng; giả mạo tai nạn; giả mạo nhân viên nhà mạng; giả mạo nhận quà tặng; kêu gọi từ thiện; chuyển nhầm tiền; giả mạo khuôn mặt và giọng nói bằng Deepfake AI; giả mạo tin nhắn trúng thưởng từ các trang thương mại điện tử...

Trước tình hình lừa đảo ngày càng tinh vi, Công an TP Hồ Chí Minh khuyến cáo, các gia đình có người cao tuổi cần đặc biệt lưu ý: Dành thời gian gần gũi, trò chuyện và tuyên truyền, cảnh báo người cao tuổi về các phương thức, thủ đoạn lừa đảo trên mạng; Hướng dẫn người cao tuổi cách sử dụng các thiết bị công nghệ và mạng xã hội một cách an toàn, đồng thời giải thích rõ về các nguy cơ tiềm ẩn; Cân nhắc kỹ lưỡng việc để người cao tuổi sử dụng các ứng dụng ngân hàng hoặc liên kết tài khoản ngân hàng để tránh bị lừa đảo; Khi người cao tuổi nhận được các cuộc gọi hoặc tin nhắn có dấu hiệu lừa đảo, cần thông báo ngay cho con cháu, người thân để được hỗ trợ và giải quyết; Khi phát hiện các trường hợp lừa đảo, cần trình báo ngay với cơ quan công an để được điều tra và xử lý.

Ngọc Thiện

Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT sẽ đóng vào 17h ngày 28/7, do đó thí sinh cần ghi nhớ mốc thời gian này. Các em cần cập nhật các dữ liệu sử dụng cho việc xét tuyển như: Các chứng chỉ ngoại ngữ, kết quả đánh giá năng lực, các chứng nhận ưu tiên khu vực, đối tượng… để không bỏ sót điểm cộng theo quy định.

Dưới cái nắng oi ả của những ngày hè miền Bắc, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ vẫn say sưa luyện tập hoạt động diễu binh diễu hành cho Lễ kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám thành công (19/8/1945-19/8/2025) và Quốc khánh (2/9/1945-2/9/2025) - A80.

Nhu cầu sát hạch, cấp GPLX của người dân Thủ đô là rất lớn, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội đã có đánh giá cụ thể tình hình và mở đợt cao điểm, huy động tối đa nguồn lực để đáp ứng nhu cầu. Tuy nhiên, thực tế trong quá trình triển khai, việc tổ chức các kỳ thi sát hạch lại đang gặp nhiều khó khăn cả từ cơ sở đào tạo cũng như thí sinh chưa dám thi vì thiếu tự tin.

Ngày 19/7, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đắk Lắk, trên địa bàn tỉnh vừa ghi nhận một trường hợp bệnh nhân tử vong vì sốt xuất huyết (SXH) tại phường Buôn Ma Thuột. Đây là trường hợp tử vong vì SXH đầu tiên trên địa bàn tỉnh từ đầu năm tới nay.

Vụ tai nạn giao thông (TNGT) liên hoàn vào tối 16/7 trên đường Nguyễn Trác, đoạn trước toà nhà CT7 (phường Dương Nội, TP Hà Nội), tài xế gây tai nạn có nồng độ cồn rất cao, lên tới 0,861mg/1 lít khí thở, đâm vào 5 xe máy, khiến 1 người tử vong, nhiều người bị thương đưa đi cấp cứu, trong đó có 2 cháu nhỏ, một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo “đã uống rượu bia thì không lái xe”.

Lực lượng chức năng đã kịp thời ngăn chặn cháy lan và bảo vệ được gần 1.000m2 các kho xưởng xung quanh; tổ chức di rời nhiều tài sản, vật dụng, xe ô tô và các phương tiện khác; hạn chế tối đa thiệt hại về tài sản cho người dân, doanh nghiệp. Quá trình chữa cháy, 1 cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH bị ngạt khói được đưa đi bệnh viện kiểm tra, sức khỏe đã ổn định.

Những ngày giữa tháng 7/2025, khi Công an TP Hà Nội bước sang một phương thức quản lý, vận hành mới, không tổ chức Công an cấp huyện và sắp xếp lại 526 Công an xã, phường, thị trấn xuống còn 126 Công an phường, xã (giảm 400 đầu mối) theo sự sáp nhập đơn vị hành chính, chúng tôi có mặt tại Công an phường Hoàng Liệt.

Ngày 19/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hồ Chí Minh cho biết đang mở rộng điều tra vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại địa chỉ 530A Xô Viết Nghệ Tĩnh (phường Thạnh Mỹ Tây), theo Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 489 ngày 21/10/2024 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Bình Thạnh cũ.

Núp bóng những tour giá rẻ, combo khách sạn sang trọng hay vé máy bay "siêu hời", hàng loạt chiêu trò tinh vi đang đánh vào tâm lý ham rẻ, nhẹ dạ của người dân muốn có một kỳ nghỉ hè thoải mái.

Ngày 4/7, Công an tỉnh Tây Ninh đã phối hợp cùng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh tiếp nhận 38 công dân (27 nam, 11 nữ) do Cảnh sát Campuchia bàn giao. Đây là số công dân do lực lượng chức năng Campuchia truy quét do vi phạm xuất, nhập cảnh và lao động trái phép ở tỉnh Svay Riêng. Sau khi tiếp nhận, sàng lọc, Công an phát hiện có 29 người làm việc trong các công ty liên quan đến cờ bạc, lừa đảo qua mạng tại Campuchia.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.