Khi hụi biến tướng thành “tín dụng đen”

14:38 09/11/2024

Chơi hụi đã được pháp luật cụ thể hóa bằng những văn bản quy định chi tiết, nhưng thực tế việc chơi hụi ngày nay lại có quá nhiều biến tướng. Một số đối tượng lợi dụng việc chơi hụi để cho vay lãi nặng, lừa đảo, huy động vốn trái pháp luật… khiến nhiều hụi viên trắng tay, nợ nần chồng chất…

“Tín dụng đen” trong hụi

Chơi hụi (hay còn gọi là họ, biêu, phường) là hình thức huy động vốn trên cơ sở thỏa thuận với nhau cùng định ra số người, thời gian, số tiền hoặc tài sản khác, thể thức góp, lĩnh hụi của các thành viên. Bằng cách thức này, thời gian vừa qua, những đối tượng hoạt động “tín dụng đen” đã mồi chài các hụi viên vay với lãi suất thấp, thủ tục nhanh gọn... để sập bẫy vào đường dây cho vay nặng lãi của chúng. Số tiền cho vay không đúng thực tế, ít hơn nhiều so với số tiền người vay nhận được khi phải trừ đủ các loại chi phí.

Các đối tượng cho vay “tín dụng đen” tại Đắk Nông theo thể thức góp hàng ngày với lãi suất lên tới 550%/ năm.
Công an thành phố Hồ Chí Minh xóa các tờ rơi quảng cáo cho vay tín dụng trên các trụ điện, bờ tường.

Làm nghề buôn trái cây được hơn chục năm ở đất TP Hồ Chí Minh, bà H.T.D (52 tuổi, quê Bắc Giang) từng tham gia nhiều nhóm hụi với chị em bạn hàng buôn bán ở Khu Chế xuất Tân Thuận (quận 7, TP Hồ Chí Minh). Thời điểm những tháng cuối năm 2024, bà D. cần số vốn lớn để nhập hàng về bán Tết. Ngoài chơi dây hụi cũ với mức đóng 100.000 đồng/ ngày, bà D. đã liều mình chơi thêm một nhóm hụi khác bên ngoài nặng ký hơn là 500.000 đồng/ ngày, thời điểm bà D. hốt hụi vào tháng 10 sẽ lĩnh được 60 triệu đồng. Với hai dây hụi, bà D. nhẩm tính sẽ có số vốn kha khá lấy kiện hàng cho mùa Tết.

Để có tiền mỗi ngày đóng hụi 600.000 đồng, bà D. đã phải chạy đôn chạy đáo, giật gấu vá vai, nhưng cũng không thể nào kham nổi. Chủ hụi đề xuất, sẽ cho bà vay khoản tiền phải góp hàng ngày với lãi suất rất…chát, khi nào tới ngày bà D. hốt hụi thì sẽ trừ cả gốc lẫn lãi. Đồng ý với phương án trên, bà D. phải viết giấy vay nợ. Trong vòng 4 tháng góp hụi, bà D. góp được 2 tháng là 30 triệu, số còn lại đi vay của chủ hụi.

Bà H. là một trong nhiều nạn nhân nơi trận địa “tín dụng đen” núp bóng góp hụi.

Đến kỳ hốt hụi, bà D. được thông báo hốt 63 triệu. Tuy nhiên, bà chỉ được cầm 20 triệu trong tay sau khi đã cấn trừ khoản vay góp hụi 30 triệu cùng số lãi lên tới 13 triệu. Tính ra, bà D. bị lỗ trắng 10 triệu vì các khoản lãi suất cắt cổ của chủ hụi. “Lúc viết giấy vay nợ, họ chỉ nói lãi suất theo nhóm hụi, tôi nghĩ chỉ vài triệu là cùng, ai ngờ họ tính lãi mẹ lãi con kinh khủng như thế”, bà D.bức xúc kể về cú lừa ngoạn mục của chủ hụi.

Cùng hình thức vay lãi trong nhóm hụi, chủ hụi còn cho nhiều người không chơi hụi nhưng vẫn có thể vay nóng để làm ăn, trả nợ hoặc cần kíp chuyện tiền bạc. Cách đây hai tháng, bà L.M. H (51 tuổi, quê Lai Châu, ngụ quận 4, TP Hồ Chí Minh) có việc gấp cần về quê nên được móc nối một chủ hụi tên T. Theo thỏa thuận, bà H. sẽ viết giấy vay nợ 30 triệu, lãi suất theo ngân hàng, chưa kể chi phí phát sinh. Tuy nhiên, bà H. chỉ thực nhận 25 triệu, hẹn trong vòng một tháng trả cả gốc và lãi. Một tháng sau, bà H. chưa thể xoay sở trả nợ được nên đã khất với chủ hụi và được đồng ý gia hạn thêm nửa tháng nữa bằng giấy nợ số tiền cao hơn, đồng thời bà H. chịu lãi phạt. Ngoài ra, để không cho người vay có cơ hội trốn thoát, chủ hụi luôn cử người theo dõi con nợ, về tận nhà để nắm thông tin.

Đến ngày trả nợ, bà H. té ngửa khi nghe tin số tiền gốc và lãi lên tới 42 triệu đồng. “Nói là lãi ngân hàng trong giấy chỉ để lách luật thôi. Người ta tính lãi rủi ro vì vay tín chấp, rồi lãi phạt trả chậm, lãi chồng lãi theo ngày như thế”, bà H. nghẹn ngào khi vướng vào “tín dụng đen” trá hình. 

Đây chính là kiểu lách luật, biến tướng từ hụi sang “tín dụng đen” rõ ràng nhất trong thời gian qua đã khiến không ít người lao đao, khốn đốn. 

Với cách tính theo kiểu “tín dụng đen”, chỉ trong một thời gian ngắn, số tiền lãi liên tục tăng, số tiền vay gốc và lãi nhanh chóng lớn dần làm nhiều người vay mất khả năng trả nợ, họ dùng mọi thủ đoạn để xiết nợ như đổ chất bẩn, khủng bố tinh thần, đe dọa gây thương tích, giết người, bắt giữ người trái pháp luật...

Trá hình tinh vi

Ở khía cạnh khác, những hụi viên đến kỳ hốt hụi mà muốn kiếm thêm tiền lãi thì sẽ được chủ hụi mời chào vào đường dây cho vay “tín dụng đen”. Hụi viên sẽ gửi tiền cho đầu mối, nhận lãi từ đầu mối theo thỏa thuận. Từ các nguồn tiền của hụi viên, chủ hụi sẽ cho vay nóng với lãi suất trên trời và cứ thế làm giàu trên những đồng tiền lãi nặng của con nợ thấp cổ bé họng.

Từng cho chủ hụi vay 100 triệu đồng từ kỳ hốt hụi của mình, bà N.M.V (48 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) mong mỗi tháng kiếm được vài triệu tiền lãi để tiếp tục chơi dây hụi mới. Ba tháng sau, bà V. phát hiện số tiền của mình được chủ hụi xé nhỏ ra cho vay nóng và lấy lãi gấp 5 lần số tiền lãi trả cho bà. Quá bức xúc, bà V. đã chấm dứt việc cho vay. “Giống như tôi, nhiều người góp tiền chơi hụi bằng lòng tin, bị dụ dỗ bởi lời mời lãi suất khủng khiến họ tự nguyện mang tiền đến góp mà không có bất kỳ một loại văn bản, giấy tờ nào hoặc có cũng chỉ là những tấm giấy viết tay vô giá trị. Chúng tôi hoàn toàn không biết ai đang vay tiền của mình và họ phải trả lãi cao quá sức như vậy”, bà V. chia sẻ.

Từ một hình thức tiết kiệm tiền để tương trợ lẫn nhau, hụi đã bị biến tướng và trở thành một vấn nạn. Khi “tín dụng đen” bị truy quét khắp nơi, các đối tượng đã nương vào hụi để trá hình cho vay nóng, lãi suất vượt nhiều lần theo quy định của pháp luật.

Vào tháng 7/2024, Công an TP Gia Nghĩa (Đắk Nông) đã triệt phá đường dây “tín dụng đen” lãi nặng lên hơn 550%/năm, khởi tố 7 người liên quan về hành vi "cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự". Cơ quan điều tra ra lệnh tạm giam đối với Bùi Sỹ Sơn và Lê Bá Nam (cùng quê Thanh Hóa).

Theo điều tra, nhóm đối tượng đến thành phố Gia Nghĩa thuê nhà ở nguyên căn để hoạt động cho vay tiền trả góp. Nhóm này đã lập các trang Facebook liên kết quảng cáo mời chào khách hàng. Khi khách có nhu cầu vay tiền liên hệ thì đến nhà khảo sát, đánh giá và sẽ cho vay từ 5 đến 100 triệu đồng dưới hình thức trả góp theo ngày, giống với cách thức hoạt động của sới hụi.

Với thủ đoạn đó, nhóm đã cho hơn 100 người dân trên địa bàn TP Gia Nghĩa và các huyện Đắk R'lấp, Tuy Đức, Đắk Song, Đắk Mil, Đắk Glong vay với tổng số tiền hơn 2,1 tỉ đồng. Những người dân tham gia vay nóng đều là nông dân, cần vốn làm ăn, đầu tư chăn nuôi, buôn bán. Dù biết là vay nặng lãi nhưng họ phải chấp nhận bởi không thể xoay sở kiếm tiền ở đâu được. Cơ quan điều tra đã làm việc với người vay, xác định nhóm cho vay, thu lợi bất chính 257 triệu đồng.

Công an đã thu giữ 180 danh thiếp có ghi nội dung giới thiệu khách có tiền cà phê, cho vay tiêu dùng..., 81 giấy biên nhận tiền và cam kết kèm theo các giấy tờ tùy thân, 14 điện thoại di động các loại.

Tại TP Hồ Chí Minh, vào giữa tháng 9/2024, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Bình Thạnh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam bị can để điều tra về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự đối với Hoàng Mạnh Cường (38 tuổi, quê Hải Dương). Theo đó, tổ công tác 363 Công an TP Hồ Chí Minh kiểm tra hành chính đối với Cường nghi vấn bằng lái của Cường là giả, đồng thời trong điện thoại của Cường phát hiện nội dung cho vay lãi nặng nên tổ công tác đưa Cường về trụ sở để làm rõ.

Đối tượng Hoàng Mạnh Cường cho vay nặng lãi bằng hình thức góp hàng ngày giống như góp hụi.

Qua điều tra, từ khoảng cuối tháng 5, Cường sử dụng fanpage Facebook tên "Tài chính 247" để quảng cáo cho vay tiền nhanh và sử dụng Zalo tên "Đại Lộc Phát" để tư vấn khách vay dưới dạng góp hàng ngày.

Về thủ tục vay, Cường yêu cầu khách chụp hình ảnh cá nhân, căn cước công dân và nơi làm việc gửi cho mình. Sau đó Cường sẽ đến nơi làm việc kiểm tra, nếu đúng thì thông báo để chuyển tiền vay cho khách. Ngoài ra, Cường không nhận thế chấp tài sản, không làm hợp đồng vay, chỉ thỏa thuận miệng với khách số tiền góp mỗi ngày và thời hạn vay.

Kết quả điều tra xác định: Hoàng Mạnh Cường cho vay tiền với lãi suất 450%/ năm, cao gấp 22 lần mức lãi suất cao nhất theo quy định của Bộ luật Dân sự. Bước đầu tổng số tiền Cường thu lợi bất chính từ việc cho vay được xác định lên tới hơn 250 triệu đồng.

“Tín dụng đen” trá hình dưới dạng hụi rất tinh vi và khó phát hiện. Thời gian gần đây, hoạt động của hụi ngày càng phức tạp, tiềm ẩn những rủi ro khó lường về an ninh trật tự. Trong báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị định số 19 của Chính phủ về hụi tại TP Hồ Chí Minh vừa ban hành thể hiện, hoạt động hụi trên địa bàn thành phố diễn ra rất phổ biến với quy mô lớn cả về số tiền và số lượng người tham gia. Các dây hụi hoạt động trên cơ sở tự thỏa thuận, đa số việc tổ chức các dây hụi không được thông báo đến UBND phường, xã, thị trấn. Nhiều chủ hụi lợi dụng lòng tin của thành viên để chiếm đoạt tài sản, thực tế đã xảy ra một số trường hợp vỡ hụi gây hậu quả nghiêm trọng và bị xử lý hình sự.

Bên cạnh đó, xuất hiện trường hợp tổ chức dây hụi trực tuyến thông qua mạng xã hội, thường được gọi là chơi hụi online, mọi hình thức giao dịch, thanh toán thông qua tài khoản ngân hàng. Một số dây hụi biến tướng thành hoạt động “tín dụng đen”, dẫn đến khó kiểm soát, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội tại địa phương.

UBND TP Hồ Chí Minh kiến nghị nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về số lượng dây hụi mà chủ hụi có thể được tổ chức để tránh tình trạng vỡ hụi dây chuyền, quy định số lượng thành viên tham gia dây hụi cũng như cơ chế quản lý, theo dõi, kiểm tra hoạt động tổ chức hụi.

Công an TP Hồ Chí Minh cũng khuyến cáo người dân cần tìm hiểu kỹ các quy định của pháp luật liên quan đến hụi, nắm rõ về điều kiện của chủ hụi, thành viên, quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm pháp lý của chủ hụi, thành viên góp hụi. Tìm hiểu về hoạt động của dây hụi định tham gia, có thể yêu cầu chủ hụi cho xem hoặc sao chụp, kiểm tra về số lượng người tham gia, sổ ghi hụi, số tiền góp hụi, tìm hiểu điều kiện kinh tế của chủ hụi, các thành viên góp hụi để đánh giá mức độ rủi ro và để phục vụ giải quyết tranh chấp về sau nếu có. Khi phát hiện các thông tin bất thường về dây hụi thì cần báo cho chính quyền địa phương để nắm bắt, giải quyết kịp thời.

Ngọc Thiện

Thực hiện Chương trình Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 80, chiều 26/12, Bộ Công an tổ chức 6 Tổ thảo luận nhằm đánh giá tình hình, kết quả các mặt công tác Công an năm 2024. Với phương châm "đề cao tinh thần trách nhiệm, tập trung trí tuệ, với tinh thần nêu gương, nhìn thẳng vào sự thật, nói thẳng, nói thật, nói hết" mà Đại tướng Lương Tam Quang, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng uỷ Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an đã chỉ đạo tại phiên khai mạc hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, bàn giải pháp khắc phục, phát huy thời gian tới.

Với vai trò là đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Phó Trưởng ban Dân nguyện, tuy nhiên thay vì “công, chính, liêm, minh” nói lên tiếng nói của các cử tri, ông Lưu Bình Nhưỡng đã lợi dụng vị trí, quyền hạn của mình để “bảo kê” cho một số đối tượng kiểu “xã hội đen” cưỡng đoạt tài sản của doanh nghiệp. Sự đan chéo lợi ích nhuốm mùi tiền giữa các đối tượng đã khiến cựu ĐBQH trên bất chấp quy định, bẻ cong luật pháp để trục lợi cá nhân.

Chiều 26/12/2024, tại Họp báo thông báo tình hình kết quả công tác Công an năm 2024 do Bộ Công an tổ chức, Thượng tá Vũ Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu thông tin về xử lý vụ việc liên quan quản lý, sử dụng vốn và tài sản Nhà nước tại Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba).

Nga sẵn sàng hợp tác với chính quyền sắp tới của Tổng thống Mỹ Donald Trump để cải thiện quan hệ nếu Washington có ý định nghiêm túc thực hiện điều đó và Mỹ phải là người hành động trước, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 26/12 nhấn mạnh.

Chiều 26/12, thông tin tại buổi họp báo do Bộ Công an tổ chức, Đại tá Trần Xuân Ánh, Giám đốc Công an tỉnh Thái Bình, cho biết: Liên quan đến vụ án tại Tạp chí Môi trường và Đô thị, ngày 25/12, đơn vị đã khởi tố thêm 9 bị can, đồng thời triệu tập 20 đối tượng để mở rộng điều tra.

Chiều 26/12, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết, đã phối hợp với Công an huyện Đức Trọng bắt giữ B.V.L (SN 1994), để điều tra, làm rõ các loại hóa chất dùng để chế tạo pháo nổ trái pháp luật.

Chiều 26/12, thông tin tại buổi họp báo do Bộ Công an tổ chức, Thiếu tướng Phan Mạnh Trường, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an cho biết: Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố 16 đối tượng, trong đó có 12 đối tượng là nhân viên, lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa, Đồng Nai về hành vi môi giới, đưa và nhận hối lộ.

Chiều 26/12, tại họp báo thông báo tình hình, kết quả công tác Công an năm 2024, phương hướng, nhiệm vụ công tác Công an năm 2025 của Bộ Công an, Thượng tá Vũ Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an cho biết, Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa khởi tố thêm 5 bị can nguyên là lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ liên quan vụ án Phúc Sơn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文