Lừa “chạy án” - “tiền mất tật mang”, đối mặt rủi ro pháp lý

08:00 09/12/2024

Liên tiếp nhiều vụ lừa đảo “chạy án” với số tiền lên tới hàng tỉ đồng, gây bức xúc trong dư luận, đã bị Công an TP Hồ Chí Minh phát hiện, xử lý nghiêm thời gian gần đây. Tâm lý lo sợ và thiếu hiểu biết pháp luật khiến nhiều người sẵn sàng tìm đến các đối tượng mạo danh, lừa đảo để nhờ vả.

Và hậu quả là hành động này “tiền mất tật mang”, nhiều nạn nhân không biết rằng ngoài bị lừa tiền, họ còn đối mặt với những rủi ro rất lớn về pháp luật, bởi lẽ có tội thì phải chịu, có oan thì được minh, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật!

Tưởng tìm được “phao cứu sinh”, ai ngờ toàn “phường lừa đảo”

Hiện tượng lừa đảo “chạy án” đã xuất hiện nhiều trong các năm qua, tuy nhiên gần đây lại gia tăng dưới nhiều hình thức, chiêu trò, gây ra hậu quả nặng nề cho những người liên quan.

H.T.N.Y là một phụ nữ người Việt Nam, sinh sống ở TP Hồ Chí Minh, thời gian qua Y. quen và chung sống như vợ chồng với anh K. (quốc tịch Campuchia). Tháng 6/2024 vừa qua, K. bị khởi tố và bắt tạm giam vì vi phạm pháp luật Việt Nam.

Lừa “chạy án” - “tiền mất tật mang”, đối mặt rủi ro pháp lý -0
Đối tượng Nguyễn Nhật Tùng tại Cơ quan điều tra.

Thông qua các mối quan hệ, Y. quen biết Nguyễn Nhật Tùng (sinh năm 1980; thường trú xã Xuân Hòa, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) và Nguyễn Gia Lộc (sinh năm 1988; thường trú phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội). Tùng và Lộc đã “nổ”, đưa ra thông tin gian dối về việc có thể xin cho K. được tại ngoại và hưởng án treo để Y. tin tưởng.

Sau đó, H.T.N.Y đã nhiều lần chuyển cho Lộc và Tùng tổng số tiền là 670 triệu đồng. Nhưng thực tế Lộc và Tùng không thể giúp được gì như lời hứa với Y. Trong khi đó, số tiền lớn trên đã bị hai đối tượng tiêu xài, ăn chơi hết…

Đầu tháng 12/2024, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hồ Chí Minh đã ra Quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Nguyễn Nhật Tùng và Phạm Gia Lộc để điều tra về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Vụ bà Lê Thị Mỹ Châu (sinh năm 1968) - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Mỹ Châu Pharmacy Group (số 389 Hai Bà Trưng, phường Võ Thị Sáu, quận 3 - chủ hệ thống Nhà thuốc Mỹ Châu) có hành vi móc nối với Lê Quốc Kháng (ca sĩ Quốc Kháng, sinh năm 1981) để đưa hối lộ“chạy án” cho một bị can đang bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hồ Chí Minh tạm giam được “tại ngoại” với số tiền 9 tỉ đồng, nhưng kết cuộc là bị lừa đảo số tiền lên tới 9 tỉ đồng là điển hình cho phương thức, thủ đoạn lừa đảo này.

Trước đó, khi gặp bà Lê Thị Mỹ Châu, Lê Quốc Kháng tự giới thiệu, đưa ra thông tin gian dối là cháu của các đồng chí lãnh đạo và thông qua Lê Nguyễn Hoàng Nam (sinh năm 1992; thường trú tại chung cư Nguyễn Kim, phường 7, quận 10) để nhờ Nam giúp cho bị can trên được “tại ngoại”.

Nam yêu cầu Kháng phải đưa trước một khoản tiền và phải ký hợp đồng với luật sư do Nam chỉ định với giá 200 triệu đồng. Kháng đồng ý với Nam, sau đó hứa hẹn chắc nịch với bà Châu sẽ lo cho bị can trên “được thả” trong vòng 1 tuần với số tiền là 9 tỉ đồng, yêu cầu bà Châu đưa trước 7 tỉ đồng.

Cán bộ điều tra lấy lời khai của Nguyễn Gia Lộc.

Trước nhân thân “cỡ bự” như lời Kháng “nổ”, không mảy may nghi ngờ, bà Châu đã hai lần đưa cho Kháng tổng cộng 7 tỉ đồng. Sau đó, Kháng đưa cho Nam 450 triệu đồng. Số tiền còn lại, Kháng dùng để trả nợ, chuộc xe ô tô đã cầm cố và tiêu xài cá nhân hết. Sau đó, Kháng đã bỏ trốn, chặn liên lạc để chiếm đoạt số tiền trên của bà Châu…

Tiến hành mở rộng điều tra, đầu tháng 11 vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Lê Quốc Kháng, Lê Nguyễn Hoàng Nam về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và Lê Thị Mỹ Châu về tội “Đưa hối lộ”.

Như vậy, trong vụ việc này, bà Châu từ một “nạn nhân” nhưng đã móc nối với các đối tượng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật và cái kết là số tiền 9 tỉ đồng mất trắng và bản thân bà Châu cũng vướng vòng lao lý…

Đáng nói, thông tin bà chủ hệ thống Nhà thuốc Mỹ Châu và ca sĩ Quốc Kháng bị bắt như thông tin kể trên đã nhanh chóng nhận được sự quan tâm lớn của dư luận và cư dân mạng. Thực tế, đối tượng thực hiện hành vi lừa “chạy án” - ca sĩ Quốc Kháng chỉ là một người đi hát ở các sự kiện nhỏ. Năm 2020, Kháng tham gia cuộc thi dành cho các doanh nhân đam mê nghệ thuật mang tên Tình khúc giọng ca vàng 2020. Trong cuộc thi, Kháng kết hợp cùng ca sĩ Kim Thoa thể hiện ca khúc “Nói với người tình” và giành giải quán quân. Sau đó, Quốc Kháng lấn sân ca hát nhưng không quá nổi tiếng, thường trình diễn ở một số sự kiện nhỏ… Và đến khi “nổi tiếng”, Kháng lại được nhiều người biết đến với danh xưng “kẻ lừa đảo”!

Một vụ việc khác cũng nổi đình đám gần đây là Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hồ Chí Minh đã bắt tạm giam thêm hai đối tượng “chạy án”, trong quá trình mở rộng điều tra vụ án “Vận chuyển trái phép kim cương”, bắt giữ đối tượng Prajapati Shaileshkumar Hareshbhai, quốc tịch Ấn Độ, vận chuyển 716 viên kim cương.

Liên quan tới vụ án này, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hồ Chí Minh đã triệu tập đối tượng Nguyễn Thị Linh (sinh năm 1972; thường trú huyện Giồng Trôm, Bến Tre) nhưng Linh đã bỏ trốn khỏi nơi cư trú. Sau đó, Linh liên hệ với Lý Thị Ngọc Nga (sinh năm 1977, thường trú phường 12, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) để nhờ lo liệu không bị xử lý hình sự.

Sau đó, Nga đã gọi điện thoại báo cho em ruột là Lý Thị Ngọc Bích (sinh năm 1979, thường trú phường 14, quận Gò Vấp) để thực hiện việc này. Bắt tay vào việc, Bích đã liên hệ với một số cá nhân quen biết ngoài xã hội để trao đổi về việc “chạy án” cho Linh và đối tượng Shaileshkumar.

Bích gặp mặt, trao đổi với Linh và “nổ” sẽ kiếm người liên hệ với cán bộ thụ lý vụ án, lo cho Linh để không bị xử lý hình sự hoặc giảm nhẹ hình phạt, đồng thời sẽ tìm kiếm luật sư để đi cùng với Linh đến trình diện Cơ quan Công an. Đổi lại, Bích yêu cầu Linh phải nhanh chóng chuẩn bị tiền để lo việc “chạy án”. Linh đồng ý và mượn của người quen số tiền 1,2 tỉ đồng và đưa ngay cho Bích. Sau khi nhận số tiền này, Bích đã sử dụng 150 triệu đồng để trả phí thuê luật sư cho Linh, ngoài ra không thực hiện bất kỳ việc làm nào khác.

Số tiền còn lại là hơn 1 tỉ đồng, Bích vẫn cất giữ tại nhà mình. Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khám xét khẩn cấp và đã thu giữ số tiền này…

“Chạy án” là hành vi vi phạm pháp luật

Ngoài các vụ việc điển hình kể trên, đáng báo động là hiện tượng lừa “chạy án” thời gian qua không chỉ xuất hiện ở TP Hồ Chí Minh mà còn có ở nhiều địa phương trong cả nước. Thủ đoạn của các đối tượng thường là giả danh Công an, giả mạo người thân, người quen của lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo trong CAND để “chạy án”, chiếm đoạt tài sản...

Từ những vụ án trên, có thể thấy các đối tượng lừa đảo “chạy án” thường nắm bắt tâm lý hoang mang, lo lắng của gia đình các bị can, những người đang có liên quan trực tiếp đến các vụ việc vi phạm pháp luật để chiếm đoạt tài sản. Thông thường, chúng sẽ tự giới thiệu có “quan hệ” với lãnh đạo, cán bộ có khả năng tác động để giảm án hoặc “giải cứu” bị can. Những lời hứa này, dù không có cơ sở, nhưng đánh đúng vào tâm lý của gia đình bị can, đặc biệt trong các vụ án nghiêm trọng...

Hậu quả của các vụ lừa đảo này không chỉ dừng lại ở mất mát tài sản, mà còn gây tổn thất lớn về mặt tinh thần và pháp lý cho gia đình nạn nhân. Khi hành vi lừa đảo bị phát hiện, không chỉ đối tượng nhận tiền bị truy tố mà người đưa tiền cũng có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự vì cố ý tìm cách tác động vào quy trình tố tụng.

Đối tượng Nguyễn Thị Linh và Lý Thị Ngọc Bích tại cơ quan điều tra.

Đơn cử, trong trường hợp của bà Lê Thị Mỹ Châu kể trên, dù là nạn nhân của hành vi lừa đảo, bà vẫn phải đối mặt với trách nhiệm pháp lý do hành vi đưa tiền để “chạy án” vốn là bất hợp pháp. Đây là bài học sâu sắc cho những ai có ý định nhờ cậy “chạy án”, bởi những chiêu trò của các đối tượng lừa đảo này thường rất tinh vi, đánh vào điểm yếu về tâm lý của người dân khi gặp khó khăn pháp lý.

Trước thực trạng trên, thời gian qua, Công an TP Hồ Chí Minh đã liên tục cảnh báo thủ đoạn mạo danh cơ quan điều tra, tố tụng, liên hệ với người nhà các đối tượng đang bị khởi tố, bắt tạm giam để yêu cầu chuyển tiền “chạy án” rồi chiếm đoạt. Công an thành phố cũng khuyến cáo người dân việc đưa tiền để “chạy án” là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý nghiêm về tội danh “Đưa hối lộ, môi giới hối lộ”.

Đáng nói, trong một vụ việc gần đây, các đối tượng còn yêu cầu bị hại chuyển tiền “chạy án” bằng tiền điện tử USDT rồi chiếm đoạt. Theo đó, các đối tượng đã tìm kiếm thông tin về bị can trong các vụ án thông qua báo chí và mạng xã hội. Sau đó tìm hiểu về các mối quan hệ thân nhân trong gia đình của các bị can này. Các đối tượng chỉnh sửa, cắt ghép, điền thông tin thu thập được lên các biểu mẫu tố tụng hình sự để gửi tin nhắn đến người thân qua ứng dụng Telegram, Facebook…

Nhóm lừa đảo tự xưng là điều tra viên, kiểm sát viên đang thụ lý vụ án để trao đổi thông tin, gửi hình ảnh lý lịch bị can, quyết định khởi tố bị can giả mạo để làm cho người nhà tin là thật. Sau đó, kẻ lừa đảo yêu cầu người nhà bị can phải chuyển một khoản tiền điện tử (USDT) với giá trị 100.000 USDT (tương đương 2,6 tỉ đồng) vào ví điện tử do đối tượng chỉ định để “chạy án”, giảm nhẹ trách nghiệm hình sự cho bị can trong vụ án. Khi nạn nhân “sập bẫy”, nhóm lừa đảo hướng dẫn mua tiền điện tử và chuyển đến các ví điện tử theo chỉ định, sau đó bị chiếm đoạt toàn bộ…

Trao đổi về vấn đề này, luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh, cho biết hiện tượng lừa đảo “chạy án” có dấu hiệu phổ biến. Trong đó, thân nhân của những người bị vướng vào pháp lý thường có tâm lý lo sợ vì người thân hoặc bản thân mình dính vào tù tội hoặc bị thua kiện trong tranh chấp dân sự, kinh tế. Các đối tượng lừa đảo thường đánh vào tâm lý của nạn nhân là mong muốn cứu được người thân nên sẵn sàng chi tiền để “giải cứu” hoặc tìm cách đạt được kết quả có lợi.

Chúng sẽ đưa ra các thông tin quen biết những người trong các cơ quan tiến hành tố tụng, người có quyền lực để thuyết phục các nạn nhân. Với tâm lý lo sợ, họ dễ dàng sập bẫy. Ngoài ra, nhiều người dân cũng thiếu hiểu biết pháp luật, họ nghĩ rằng dùng tiền “chạy án” là có thể lo được giảm nhẹ hay thoát được tù tội hoặc đạt được thắng lợi trong tranh chấp. Họ không hiểu được các vấn đề pháp lý được giải quyết dựa trên quy định pháp luật, người tiến hành tố tụng cũng không thể đổi trắng thay đen…

Theo luật sư Trần Minh Hùng, gặp lừa đảo “chạy án”, nạn nhân vừa mất tiền mà kết quả lại không đạt được gì. Không những thế, nhiều người nghe lời đường mật của kẻ lừa đảo mà sa chân vào hoạt động “chạy án” có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi đưa hối lộ.

Nếu họ là nạn nhân không hiểu biết và bị lừa dối rằng tiền để “chạy án” là các chi phí hợp pháp để giải quyết công việc thì họ là nạn nhân đơn thuần. Nhưng nếu họ cũng bị lừa dối nhưng biết rõ, có ý chí đưa tiền cho người khác để đạt được lợi ích của mình hoặc trong diễn biến quá trình “chạy án” đó họ đưa tiền, tham gia hoạt động “chạy án” thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự…

Phú Lữ

Công an tỉnh Lạng Sơn vừa phối hợp với một số Cục nghiệp vụ Bộ Công an và Công an TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai khởi tố, bắt tạm giam 12 đối tượng có hành vi vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp với quy mô đặc biệt lớn, xảy ra tại nhiều địa phương trên cả nước, với số tiền giao dịch hàng nghìn tỷ đồng; liên quan trực tiếp hơn 9.000 người, trong đó có hơn 7.000 người Việt Nam và hơn 2.000 người Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia.

Ngày 21/5, Thiếu tướng Đặng Trọng Cường, Giám đốc Công an tỉnh Sơn La cùng đoàn công tác Công an tỉnh đã tới thăm hỏi, động viên gia đình, người thân đồng chí Lò Văn Tân (SN 1984, là Tổ trưởng tổ bảo vệ ANTT cơ sở tại tiểu khu Ít Bon, thị trấn Ít Ong, huyện Mường La, tỉnh Sơn La) hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ.

Ngày 21/5, tại Hà Nội, nhiều hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 96 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2025) và hưởng ứng Tháng Công nhân, Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động năm 2025 trong CAND đã được Cục Công tác Chính trị Bộ Công an chỉ đạo Ban Công đoàn CAND triển khai tổ chức.

Vào khoảng 10h30 ngày 21/5, do mâu thuẫn cá nhân, Võ Thế Hùng (SN 1982, trú thôn Tân Trại 1, xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) đã dùng dao đâm vào vùng ngực ông Nguyễn Trung T (SN 1962, ở cùng thôn) khiến nạn nhân tử vong trên đường đi cấp cứu.

Chiều nay 21/5, Công an tỉnh Phú Yên nhận được bức thư của chị Đoàn Thị Diễm N (SN 1992, trú ở xã Suối Bạc, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên) cảm ơn Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) Công an tỉnh Phú Yên và Công an xã Suối Bạc đã nỗ lực truy tìm, giải cứu chị gái của mình thoát khỏi bẫy lừa “việc nhẹ, lương cao”.

Ngày 21/5, Công an TP Hồ Chí Minh đã đến thăm hỏi, động viên và trao 50 triệu đồng tặng gia đình Thiếu tá Nguyễn Đăng Khải, cán bộ Công an đã anh dũng hy sinh trong lúc thi hành nhiệm vụ tham gia phá chuyên án ma túy đặc biệt nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Ngày 21/5, UBND TP Đà Nẵng đã ban hành phương án tổ chức hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước tại các khu vực biển ven bờ và sông Hàn, áp dụng từ năm 2025 đến năm 2030 nhằm bảo đảm an toàn cho người dân và du khách, đồng thời tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, bảo vệ môi trường và giữ gìn ANTT trên địa bàn.

Chiều nay (21/5), UBND huyện Núi Thành (Quảng Nam) cho biết, vừa xảy ra vụ nổ tại Công ty SGI Vina chuyên sản xuất nam châm vĩnh cửu Nd-Fe-B (đóng tại KCN Bắc Chu Lai, xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành) làm 12 người bị bỏng, bị thương.

Ngày 21/5, Sở An toàn Thực phẩm TP Hồ Chí Minh đã tiến hành kiểm tra Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Z.B, đơn vị chịu trách nhiệm công bố sản phẩm giảm cân X1000 do DJ Ngân 98 quảng cáo. Địa chỉ công ty được ghi nhận tại đường Phạm Văn Chiêu, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh.

Trong những ngày vừa qua, mưa lớn đã xảy ra ở khu vực miền núi phía Bắc, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản tại một số địa phương. Dự báo, từ đêm 22/5 đến ngày 24/5, khu vực Bắc Bộ có khả năng xảy ra một đợt mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến từ 70-150mm, có nơi trên 250mm.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.