Mất tiền tỷ vì tin vào “nhận quà trúng thưởng”

19:38 29/04/2024

Chiêu trò lừa đảo sử dụng tổng đài ảo (số điện thoại không có thật) với nhiều đầu số khác nhau để thông báo có bưu phẩm, nhận quà trúng thưởng rồi dùng hình thức ship COD, dịch vụ vận chuyển sẽ ứng số tiền hàng cho người bán khi nhận hàng và thu lại tiền của người mua khi giao… vẫn có nạn nhân.

Mặc dù thủ đoạn không mới, nhưng các đối tượng lừa đảo đã luôn cập nhật, dựng lại với kịch bản tinh vi hơn. Và thực tế đến nay đã có hàng ngàn người bị sập bẫy, với hàng tỷ đồng của các nạn nhân bị “bốc hơi”…

Dính bẫy vì ham nhận những phần thưởng hấp dẫn

Ngày 19/4/2024, các đơn vị nghiệp vụ Công an TP Hồ Chí Minh và Công an quận 11 đã triệt phá một băng nhóm sử dụng tổng đài ảo lừa đảo hàng ngàn người chiếm đoạt tài sản, đồng loạt khám xét 6 địa điểm, đưa 56 đối tượng về làm việc, thu giữ nhiều tài liệu, đồ vật có liên quan.

Đối tượng Lê Đức Kông tại cơ quan điều tra.

Trước đó, vào đầu năm 2024, qua công tác nghiệp vụ, Phòng Kỹ thuật nghiệp vụ Công an TP Hồ Chí Minh phát hiện nhóm đối tượng nghi vấn hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân ở nhiều địa phương trên cả nước thông qua dịch vụ giao hàng có thu hộ tiền (COD). Ban Giám đốc Công an thành phố đã chỉ đạo Phòng Kỹ thuật nghiệp vụ, Công an quận 11 phối hợp các đơn vị, địa phương liên quan tiến hành thu thập tài liệu, xác minh ban đầu; đồng thời xác lập chuyên án để tập trung lực lượng, biện pháp nhằm làm rõ thủ đoạn hoạt động phạm tội, tiến tới triệt phá nhóm đối tượng.

Qua điều tra, Công an quận 11 đã xác định được 3 đối tượng chủ chốt, cầm đầu: Lê Đức Kông (sinh năm 1989; hiện ở phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân), Nguyễn Thị Hồng Nhung (vợ Kông; sinh năm 1989; hiện ở phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân), Bá Võ Tuấn (sinh năm 1981; hiện ở chung cư Richstar 1, phường Hiệp Tân, quận Tân Phú). Ngoài ra, còn có 3 đối tượng khác giữ vai trò giúp sức tích cực, gồm: Tằng Huệ Phụng (sinh năm 1993; hiện ở phường 2, quận 11), Nguyễn Ngọc Liêm (sinh năm 2003), Lê Xuân Cường (sinh năm 1994; cùng ở phường Tân Thành, quận Tân Phú). Đồng thời, Cơ quan Công an xác định có khoảng 50 đối tượng có liên quan đến hoạt động lừa đảo trên.

Một phiếu giao hàng từ “Trung tâm mua sắm trực tuyến phần mềm Quang Trung” nhóm lừa đảo của Kông gửi nạn nhân.

Bước đầu, Cơ quan Công an xác định: Lê Đức Kông và Nguyễn Thị Hồng Nhung đã thuê số đối tượng trên, bố trí làm việc tại nhiều căn hộ khác nhau ở chung cư Richstar 2 và Carilon 5 (quận Tân Phú). Mỗi địa điểm làm việc có một nhóm trưởng và Kông giao việc thông qua các nhóm trưởng, sau đó nhóm trưởng phân công lại cho các nhân viên. Kông và Nhung chuẩn bị các thiết bị như máy vi tính, điện thoại có kết nối các đầu số ảo, danh sách số điện thoại, kịch bản... để các nhân viên sử dụng công nghệ gọi điện bằng tổng đài ảo (hình thức gọi điện thông qua Internet, cuộc gọi được mã hóa, số điện thoại hiển thị bên người nghe là số điện thoại ảo, không có thật) để gọi điện thoại thông báo nạn nhân là một trong những khách hàng “may mắn” được trúng thưởng một phần quà có giá trị như xe máy, điện thoại...

Để nhận quà, nạn nhân phải mua sản phẩm do các đối tượng bán để nhận mã trúng thưởng hoặc phải nộp một số tiền gọi là “chi phí nhận quà”. Khi nạn nhân đồng ý mua sản phẩm hoặc nộp tiền, các đối tượng đóng gói hàng hóa, giả thông tin trúng thưởng giao cho nạn nhân bằng dịch vụ giao hàng có thu hộ tiền (COD). Hình thức nhận hàng từ các đối tượng với phiếu giao hàng thể hiện người gửi hàng là "Trung tâm mua sắm trực tuyến phần mềm Quang Trung" hoặc "Công ty TNHH Thương mại dịch vụ giải pháp Helmets"…

Nạn nhân sau khi nhận hàng, trả tiền hoặc đóng tiền “chi phí nhận quà” sẽ tiếp tục bị các đối tượng lừa đóng thêm các loại “phí” khác cho đến khi không còn khả năng đóng thêm được nữa thì các đối tượng cắt liên lạc. Do số điện thoại ảo nên các nạn nhân không thể liên lạc lại, đồng thời gây khó khăn cho cơ quan công an trong quá trình xác minh, điều tra.

Theo lời khai của Lê Đức Kông, mỗi ngày trung bình một nhân viên thực hiện khoảng 300 cuộc gọi. Mỗi tháng, Kông trả lương cứng cho nhân viên và phần trăm thưởng thêm dựa trên doanh thu bất chính lừa đảo được.

Đáng nói, tiến hành trích xuất dữ liệu, Công an quận 11 phát hiện nhóm đối tượng này đã lừa đảo hàng ngàn nạn nhân tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, thu lợi bất chính mỗi tháng hơn 2 tỷ đồng.

Sau khi khám phá vụ án, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận 11 tiếp tục củng cố chứng cứ, đấu tranh làm rõ vai trò của từng đối tượng; đồng thời mở rộng điều tra, xác định tất cả các đối tượng có liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật.

Cuối tháng 3/2024 vừa qua, Công an huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai cũng cho biết đã tiếp nhận nhiều đơn thư tố giác lừa đảo thông tin nhắn qua mạng xã hội với thủ đoạn nhờ tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ xử lý những vụ việc liên quan đến “chương trình trúng thưởng” khiến họ mất khoản tiền lớn nhưng không hề nhận được bất cứ phần thưởng nào. Điển hình như trường hợp anh T. (trú tại xã Kông Yang, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai), vào tháng 1/2024, anh T. nhận được một cuộc gọi từ số điện thoại lạ thông báo anh là một trong 5 khách hàng may mắn trúng một xe máy SH trị giá hơn 100 triệu đồng từ chương trình tri ân khách hàng nhân dịp cuối năm của công ty mua sắm trực tuyến có trụ sở đặt tại TP Hồ Chí Minh.

Một số đối tượng trong băng nhóm lừa đảo của Kông.

Người này yêu cầu anh T. đặt mua 3 sản phẩm theo hướng dẫn của các đối tượng để nhận mã trúng thưởng và làm hồ sơ trúng thưởng. Anh T. đã đặt mua 3 sản phẩm trị giá hơn 10,1 triệu đồng. Sau đó, các đối tượng tiếp tục yêu cầu anh T. chuyển tiền để các đối tượng thuê một đơn vị vận chuyển giải thưởng về tận nhà cho anh T. với số tiền 34 triệu đồng và 20 triệu đồng để đóng thuế cho Nhà nước vì giá trị giải thưởng lớn.

Các đối tượng còn cam kết sẽ hoàn lại toàn bộ số tiền này sau khi anh T. nhận được phần thưởng với lý do phải hoàn thành các hồ sơ và nộp các khoản tiền thuế Nhà nước trước khi trao giải thưởng. Với những lời lẽ, thủ đoạn tinh vi và sự nhẹ dạ cả tin, thiếu hiểu biết, anh T. đã bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt hơn 60 triệu đồng.

Chị M. (trú tại xã Chơ Glong, huyện Kông Chro) cũng nhận được một cuộc gọi tương tự với nội dung giống như anh T. Nhưng số điện thoại lạ yêu cầu chị M. đặt mua một sản phẩm theo hướng dẫn của các đối tượng để nhận mã trúng thưởng. Theo hướng dẫn của các đối tượng, chị M. đã đặt mua một sản phẩm trị giá 1,05 triệu đồng, các đối tượng tiếp tục yêu cầu chị M. chuyển tiền cho các đối tượng để làm hồ sơ và chi phí vận chuyển giải thưởng về tận nhà. Nghi ngờ bản thân bị lừa nên chị M. đã chặn cuộc gọi từ các đối tượng…

Cuối tháng 11/2023, Ngày 22/11, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh cũng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam hai đối tượng Trần Thị Diễm Chi (sinh năm 1992, ngụ quận Bình Tân) và Hồ Thị Mỹ Lợi (sinh năm 1986, quê Tiền Giang, tạm trú quận Tân Phú) về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Theo điều tra, Chi tuyển nhiều người làm nhân viên, cộng tác viên bán hàng, trong đó có Lợi. Nhóm này thu thập dữ liệu các khách mua nhiều hàng online, sau đó gọi điện xưng là người của siêu thị, thông báo trúng thưởng các món hàng giá trị hàng trăm triệu đồng. Muốn nhận thưởng, khách phải cung cấp hóa đơn mua hàng trước đó. Nếu khách không còn giữ hóa đơn, hoặc hóa đơn không đủ số tiền “theo quy định nhận thưởng”, họ sẽ đề nghị mua thêm hàng để bù vào, nhằm đủ điều kiện nhận thưởng. Trong đó, một nạn nhân tên Mai (ngụ TP Thủ Đức) trong vòng 4 tháng, đã chi hơn 1,2 tỷ đồng mua 57 đợt các món hàng (thực chất là hàng rẻ tiền) để “đủ điểm” nhận các phần quà…

Ngoài bà Mai, cơ quan điều tra xác định nhóm Chi đã lừa nhiều người mua hàng dỏm để chiếm đoạt tiền. Trong đó có người phụ nữ ở quận 7 mất 57 triệu đồng, nạn nhân khác ở Long An bị lừa 800 triệu đồng...

Liên tục cảnh báo nhưng nhiều người vẫn bị lừa

Qua các vụ việc trên cho thấy, những hình thức lừa đảo như kể trên thực chất không mới, đã được các cơ quan công an, báo chí... cảnh báo rất nhiều. Tuy nhiên, nhiều người vẫn bị lừa bởi các đối tượng thường xuyên chỉnh sửa kịch bản tinh vi hơn, sử dụng công nghệ cao, đánh vào sự nhẹ dạ, cả tin và lòng tham con người.  Trong đó, hình thức gọi điện thông báo trúng thưởng là chiêu thức phổ biến nhất mà các đối tượng lừa đảo nhận quà trúng thưởng thường sử dụng như các trường hợp đã kể trên. Ngoài ra, các đối tượng còn dùng chiêu mời chào mua hàng để nhận mã trúng thưởng…

Một nơi làm việc của các đối tượng là nhân viên của Kông.

Theo Công an TP Hồ Chí Minh, các hình thức lừa đảo này không mới, đều đánh vào lòng tham với số tiền thưởng lớn và mạo danh các đơn vị, công ty doanh nghiệp lớn, uy tín để lấy lòng tin từ người dùng. Trước những phần quà hấp dẫn, giá trị lớn như: xe máy, điện thoại, ti vi, tủ lạnh, máy giặt…, nhiều người đã đồng ý bỏ ra số tiền cọc từ vài chục ngàn đến vài triệu đồng, nhưng đáng tiếc, cái họ đổi lại được chỉ là một bài học cho sự nhẹ dạ cả tin chứ không có phần quà nào ở đây.

Theo Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hồ Chí Minh, khi nhận được các cuộc gọi thông báo trúng thưởng hay nhận thưởng, người tiêu dùng nên thận trọng và hết sức cảnh giác, cần hỏi rõ họ tên nhân viên, chức danh, phòng ban công tác, số điện thoại di động… và nhanh chóng xác thực thông tin chương trình bằng cách liên hệ trực tiếp đến số hotline của đơn vị tổ chức trao thưởng, kiểm tra thông tin về chương trình khuyến mãi của siêu thị, trang thương mại điện tử, doanh nghiệp trên website chính thức, hoặc tìm hiểu thông tin trực tiếp với nhân viên tư vấn mua sắm trả góp tại các trung tâm thương mại, siêu thị...

Nếu các thông tin về giải thưởng không trùng khớp với các thông tin được niêm yết công khai trên các website của các đơn vị bán hàng, siêu thị, ngân hàng hay công ty tài chính, khách hàng cần nhanh chóng khai báo với cơ quan chức năng.

Trên hết, người tiêu dùng cần chủ động bảo mật thông tin cá nhân như CCCD, giấy phép lái xe, tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng… cẩn trọng khi thực hiện các giao dịch điện tử và hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân qua mạng xã hội nhằm tránh bị các đối tượng xấu lợi dụng.

Khi phát hiện dấu hiệu nghi vấn hoặc là nạn nhân bị lừa đảo, người dân cần tập hợp tài liệu, bằng chứng, bao gồm ảnh chụp tất cả tin nhắn giao dịch, ghi âm đoạn hội thoại, thông tin biết được về các đối tượng, số điện thoại, sao kê thông tin chuyển khoản ngân hàng để trình báo ngay với Cơ quan Công an địa phương nơi gần nhất…

Phú Lữ - Đức Cương

Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Lào Cai ngày 21/11 cho biết vừa hoàn thành bản kết luận điều tra vụ án lừa đảo môi giới hôn nhân với người nước ngoài… Đây chỉ là một trong những vụ án được Công an tỉnh Lào Cai điều tra, phát hiện trong thời gian qua. Theo Công an tỉnh Lào Cai, từ khi Chính phủ áp dụng chính sách cấp visa điện tử (Evisa) cho người nước ngoài, số người Trung Quốc dùng thị thực Evisa nhập cảnh Việt Nam tăng lên. Một số đã khai mục đích du lịch hoặc làm việc để sang Việt Nam tìm vợ… Từ các vụ án được phát hiện đã gióng lên hồi chuông cảnh báo.

Mang trong mình dòng máu của đồng bào dân tộc Cor, nhưng lại có hơn 3 năm công tác ở xã vùng cao Sơn Trung, huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi) và nặng nghĩa tình với đồng bào dân tộc Hre nơi đây, Đại úy Hoàng Thị Lan Phương luôn coi vùng đất này như quê hương thứ 2 của mình.

Công an TP Hà Nội phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an đồng loạt tiến hành triệu tập 26 đối tượng và khám xét khẩn cấp 8 địa điểm, thu giữ nhiều tài liệu, tang vật gồm 129,3 tấn nguyên liệu khí N2O ("khí cười"); 14 hệ thống máy móc, thiết bị san chiết khí; 2 máy bơm khí; 610 kg viên nén khí N2O; 71.668 chai khí thành phẩm; 6.586 vỏ bình khí; 50 kg vỏ bóng; nhiều điện thoại di động, máy tính cá nhân…; tạm giữ 23,17 tỷ đồng cùng 9.300 USD liên quan hoạt động phạm tội. 

Ít nhất 120 người đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công của Israel vào Gaza trong hai ngày qua, theo các quan chức y tế Palestine, trong bối cảnh Israel tăng cường các cuộc ném bom trên khắp vùng lãnh thổ bị bao vây này.

Theo bà Nguyễn Thị Minh Tâm, Trưởng phòng Kỹ thuật an toàn môi trường, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, xyanua và các hợp chất nằm trong nhóm hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh.

Từng được mệnh danh là “Thụy Sĩ của Trung Đông” nhờ sự phát triển thịnh vượng và đa dạng văn hóa nhưng hiện nay, Lebanon đang chìm sâu trong một giai đoạn đen tối. Những năm gần đây, đất nước này đã phải đối mặt với hàng loạt khủng hoảng chồng chất từ sự suy thoái kinh tế, chia rẽ chính trị, đến xung đột quân sự dữ dội với Israel. Tình hình hiện tại đã đưa Lebanon tới ngưỡng cửa sụp đổ hoàn toàn, đòi hỏi những nỗ lực không chỉ từ nội tại mà còn từ cộng đồng quốc tế để cứu vãn và tái thiết.

Trong bối cảnh cả Nga và Triều Tiên đều chịu áp lực nặng nề từ các lệnh trừng phạt quốc tế, hai quốc gia đã tìm thấy điểm tựa chiến lược để tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Từ kinh tế, quân sự đến ngoại giao, mối quan hệ này không chỉ giúp họ đối phó với sự cô lập, mà còn góp phần tái định hình cục diện địa chính trị tại Đông Bắc Á.

Đợt không khí lạnh tăng cường khiến các tỉnh thành ở miền Bắc nền nhiệt tiếp tục giảm, trời rét. Thủ đô Hà Nội ngày nắng, về đêm và sáng sớm lạnh. Vùng núi cao một số nơi dưới 16 độ C.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文