Kia
Mobifone

Mặt tối của du lịch ghép tạng

Thứ Ba, 20/08/2024, 16:01

Từ năm 2008 đến nay, trên một số trang mạng xã hội như Telegram, Clesrweb hoặc Darkweb đã xuất hiện những quảng cáo về “du lịch ghép tạng”, nhắm đến khách hàng là những người suy thận, suy gan, suy tim, hỏng giác mạc mắt…, muốn được cấy ghép để kéo dài sự sống. Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), chỉ riêng năm 2008, đã có khoảng 10.000 quả thận được ghép bất hợp pháp cho những người tham gia chương trình “du lịch” này…

1. Nếu thử vào các trang mạng như Darkweb, Clearweb hoặc Organ-city hay Realhumanbodypartsforsale…, người ta dễ dàng đọc thấy những lời chào mời: “Bạn bị suy thận giai đoạn cuối và bạn muốn cấy ghép? Hãy liên lạc với chúng tôi. Bạn sẽ được các chuyên gia hàng đầu thế giới phục vụ bạn với nguồn cung không hạn chế…”.

Bên cạnh đó, những trang mạng nêu trên còn mồi chài những ai muốn bán tạng: “Bạn đang cần 15.000 USD để trang trải cho cuộc sống mà không thể kiếm được? Hãy đến với chúng tôi. Bạn sẽ có nó chỉ sau 6 giờ đồng hồ…” trong lúc vẫn theo những trang này, giá của 1 lá phổi bán cho người có nhu cầu là 40.000 USD, tim là 85.000 USD, 1 quả thận là 70.000 USD, 1 lá gan 60.000 USD còn với giác mạc là 35.000 USD, chưa kể chi phí mà người mua phải trả cho đội ngũ bác sĩ thực hiện cấy ghép.

Mặt tối của du lịch ghép tạng -0
Nawake (phải) cùng vợ với chiếc xe mua được nhờ tiền bán thận.

Nawake, 30 tuổi ở vùng Sừng châu Phi cho biết để có vốn làm ăn, anh đã bán một quả thận của mình thông qua trang mạng Darkweb và đã nhận được 12.640 USD sau khi trừ tiền vé máy bay, tiền sinh hoạt trong suốt 7 ngày tại một thành phố thuộc một quốc gia Nam Á, nơi đã thực hiện việc lấy thận của anh. Nawake nói: “Chưa biết sau này sẽ ra sao nhưng đến giờ, tôi cảm thấy sức khỏe vẫn bình thường. Từ số tiền trên, tôi mua được một chiếc xe, ngày ngày chở khách nên cũng đủ trang trải”.

Với bà Medhad ở Trung Đông, khi chồng bà bị tai nạn chấn thương sọ não rồi sống thực vật, thông qua một người môi giới, bà đã đồng ý bán quả tim của chồng cho một người có nhu cầu ở quốc gia gần bên. Bà nói: “Các bác sĩ giải thích rằng chồng tôi không bao giờ tỉnh lại nữa. Ông ấy sẽ nằm đó, nuôi ăn bằng ống thông, tiêu tiểu không tự chủ cho đến lúc chết. Vì vậy, để có tiền lo cho đàn con 5 đứa, tôi buộc phải quyết định”.

Sau vài ngày kể từ lúc bà Medhad thay mặt chồng ký vào bản cam kết “tự nguyện hiến tạng”, một chiếc xe cứu thương đến nhà bà, đưa chồng bà ra sân bay còn bà nhận được 50.000 USD - đã trừ đi 5.000 cho người môi giới. Tiến sĩ Francis Delmonico, cựu bác sĩ phẫu thuật tại Đại học Y khoa Harvard và Bệnh viện Massachusetts, Mỹ, cựu Chủ tịch tổ chức phi chính phủ The Transplantation Society, hiện đã có mặt ở hơn 100 quốc gia, làm nhiệm vụ cố vấn về hiến tạng và ghép tạng cho Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và đồng thời còn là giám đốc y tế của Ngân hàng nội tạng New England cho biết thị trường nội tạng chợ đen quốc tế đã phát triển mạnh trong những năm gần đây do thiếu các quy định chung, áp dụng cho tất cả mọi quốc gia là thành viên WHO, cũng như các tác nhân đồng lõa là những bệnh nhân tuyệt vọng vì không có nguồn cung cấp tạng để kéo dài sự sống, đã thúc đẩy ngành “công nghiệp cấy ghép”.

Tiến sĩ Delmonico nói: “Việc mua bán tạng bất hợp pháp chiếm khoảng 30% tổng số ca ghép thận, gan và tim hàng năm. Các giao dịch chủ yếu diễn ra ở Đông Á, Nam Á, châu Phi, Trung Đông, được sự hỗ trợ của một số bác sĩ từ những quốc gia này. Các tour du lịch cũng đã được thiết lập để đưa người bán tạng đến những nơi có người cần ghép …”. Văn phòng Liên hợp quốc về ma túy và tội phạm (UNODC) ước tính có khoảng 17.000 người bị lấy nội tạng từ năm 2008 đến 2022 nhưng con số này rất khó phân tích bởi UNODC không thể biết chính xác bao nhiêu người đã bán trực tiếp và bao nhiêu người bán qua những trang mạng.

Theo Tiến sĩ Francis Delmonico, việc mua bán nội tạng trên thị trường toàn cầu đã trở thành vấn đề lớn đối với các bác sĩ chuyên ngành ghép tạng ở mọi nơi trên thế giới. Ông nói: “Mặc dù họ không tham gia vào các đường dây cấy ghép bất hợp pháp nhưng họ lại phải chịu trách nhiệm chăm sóc y tế cho những người nhận tạng từ các nhà cung cấp không xác định được tính chính danh…”. Bác sĩ Alber Cumming, đơn vị ghép tạng Đại học Y khoa Toronto, Canada cho biết ông đã từng phải “sửa chữa những sai lầm” cho nhiều bệnh nhân ghép thận ở nước ngoài: “Họ không mô tả đầy đủ về ca phẫu thuật vì đơn giản là những bác sĩ thực hiện cấy ghép không nói cho họ biết. Những bệnh nhân ấy có người bị nhiễm trùng dẫn đến thải ghép, có người bị lây bệnh viêm gan, nhiễm nấm và thậm chí có người còn nhiễm HIV…” mà một trong những nguyên nhân là “người bán tạng đến từ nước A, người nhận tạng đến từ nước B, ê kíp phẫu thuật có người đến từ nước C, có người đến từ nước D và địa điểm thực hiện việc cấy ghép lại là một bệnh viên ở nước E”.

Bác sĩ Alber Cumming nói: “Tôi có thể chứng minh trường hợp cụ thể là ông Daryl người Mỹ, 64 tuổi, được ghép một quả thận từ một thanh niên Mỹ Latin thông qua sự môi giới của một trang mạng có nguồn gốc Trung Á. Các bác sĩ thực hiện phẫu thuật đến từ Nam Á và việc cấy ghép được tiến hành tại một bệnh viện trong khu vực này”.

2. Cho đến nay, các chuyên gia ghép tạng trên thế giới đều chung nhận định rằng sự bùng nổ của thị trường mua bán tạng có nguyên nhân từ việc cung không đủ cầu. Theo dữ liệu của Viện Tiết niệu và cấy ghép Sindh (SIUT), trong năm 2022 ít nhất 2.000 ca ghép thận đã được thực hiện ở một quốc gia Nam Á cho khách du lịch ghép tạng. Cũng trong thời gian này tại Đông Nam Á, hơn 3.000 ca ghép thận đã được thực hiện tại một quốc gia thông qua cái gọi là “tự nguyện” còn tại một quốc gia khác ở châu Á, con số đã đạt kỷ lục với 8.000 ca ghép thận, 3.000 ca ghép gan và khoảng 200 ca ghép tim mà nguồn cung được ngụy trang dưới hình thức hiến tặng.

Bà Stephanie, 37 tuổi, ở châu Âu sau khi chuyển tiền cho trang mạng Organ-city, bà nhận được 1 vé máy bay đến thành phố Q., châu Á. Bà nói: “Tôi được người môi giới làm thủ tục nhập viện. Hôm sau, bác sĩ tiến hành các xét nghiệm cần thiết, người phiên dịch giải thích cho tôi về những gì sắp xảy ra. Đến tối ngày thứ 9, ca ghép thận hoàn tất. Tôi nằm lại thêm 15 ngày để theo dõi các biến chứng rồi được cho về. Phải thừa nhận rằng việc ghép thận ở Bệnh viện Q. hoạt động như một dây chuyền công nghiệp. Suốt thời gian ở đó, tôi được biết ngoài tôi ra, còn có 18 người khác cũng được ghép thận…”.

Ở Nam Á, nơi một quốc gia được những kẻ môi giới gọi là “thung lũng thận”, việc mua bán nội tạng diễn ra gần như công khai. Tại một số phòng khám tư, có những bác sĩ kiêm luôn việc giới thiệu người bán với người mua để hưởng tiền hoa hồng. Trong một cuộc họp của Hội đồng Y tế Thế giới lần thứ 77 tổ chức vào đầu năm nay tại Geneva, Thụy Sĩ, rất nhiều đại biểu ở nhiều quốc gia đã lên tiếng về việc mua bán nội tạng. Đại biểu Hà Lan phẫn nộ: “Người ta rao bán 1 quả thận với lời cam kết “được bảo đảm bởi các chuyên gia y tế đáng tin cậy nhất thế giới”. Những chuyên gia ấy là ai và đã có bao nhiêu người trong ngành y tham gia công việc bẩn thỉu này?”.

Cũng trong hội nghị nêu trên, nghiên cứu của bác sĩ phẫu thuật cấy ghép người Mỹ là Ronald Parsons và Priyadarshini, bác sĩ Ấn Độ cho thấy sự gia tăng các bệnh mãn tính về tiết niệu, tiêu hóa, tim mạch trên toàn cầu đã khiến những bệnh nhân giàu có tìm kiếm sự lựa chọn khác thay vì chấp nhận điều trị bằng các liệu pháp truyền thống. Bác sĩ Ronald Parsons nói: “Không có gì đáng ngạc nhiên khi một bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối biết rằng họ có thể có được quả thận mới thay vì phải chạy thận nhân tạo cho đến lúc lìa đời dù rằng việc thay thế là bất hợp pháp. Cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi một ai đó chấp nhận bán đi 1 quả thận để lấy 50.000 USD vì suốt 1 năm làm việc cật lực, họ chỉ kiếm được 5.000 USD…”.

Mặt tối của du lịch ghép tạng -0
Quả thận “hiến tặng” đang chờ để ghép.

3. Theo Tổ chức Kidney International Reports (KIR), chuyên về các vấn đề ghép thận trên thế giới, hiện tượng di dân tự do từ một số các quốc gia châu Phi, Mỹ Latin, Trung Đông, châu Á…, tìm mọi cách để vào Mỹ và châu Âu đã khiến thị trường mua bán nội tạng sôi động hơn bao giờ hết, nhất là từ khi các loại thuốc ức chế miễn dịch, chống thải ghép thế hệ mới được đưa vào sử dụng. Báo cáo của KIR cho thấy có những di dân “được cho đi không mất tiền chỉ với điều kiện khi đã đến nơi an toàn, họ phải hiến 1 quả thận hoặc 1 thùy gan”.

Vẫn theo KIR, số vụ việc bị phát hiện đến nay vẫn rất ít bởi việc mua bán đều diễn ra dưới hình thức “hiến tặng”, có chữ ký và xác nhận của người hiến trong văn bản. Một quan chức cao cấp của Interpol châu Âu nói ông nghi ngờ việc ghép tạng “còn có sự tiếp tay của một số người trong bộ phận nhập cư của sứ quán, nơi cấp thị thực cho người bán tạng được đến quốc gia có người mua và dĩ nhiên, họ làm việc này chẳng vì sự vô tư hay lòng nhân đạo…”.

Tháng 5/2023, ông Ike Ekweremadu, Thượng nghị sĩ Thượng viện Nigeria và vợ là Obinna Obeta đã bị kết án trong một vụ mua bán nội tạng. Sonia, con gái của 2 nhân vật này bị suy thận mãn và đang được điều trị tại Anh. Qua một số trung gian, những kẻ môi giới đã lừa một thanh niên Nigeria, sống ở Lagos đến London để lấy thận nhưng khi nạn nhân biết được sự thật, anh ta đã tố cáo với cảnh sát. Kết quả Ekweremadu bị Tòa án hình sự trung ương Anh quốc kết án 9 năm 8 tháng tù vì tội mua bán nội tạng người. Vợ và bác sĩ riêng của ông ta lần lượt nhận 6 tháng và 10 năm tù.

Theo lời khai của nạn nhân với cảnh sát, anh ta được bác sĩ riêng của Thượng nghị sĩ Ekweremadu mời đi du lịch London vì anh “là người may mắn trong một đợt bốc thăm ngẫu nghiên để biểu lộ sự cảm ơn của ông Ekweremadu với những người ủng hộ”. Việc cấp hộ chiếu cho anh ta được tiến hành rất nhanh chóng và việc xin thị thực vào nước Anh cũng lẹ làng nhờ sự bảo trợ của ông Ekweremadu: “Vài ngày sau khi đến London, tôi được bác sĩ riêng của ông Ekweremadu đưa đi kiểm tra sức khỏe với lý do đề phòng tôi mang mầm bệnh nào đó từ Nigeria vào Anh. Tại một bệnh viện, tôi được làm rất nhiều các xét nghiệm như thử máu, siêu âm, chụp X quang, chụp CT, MRI rồi đến tối, tôi được bác sĩ riêng của ông Ekweremadu cho biết tôi sẽ có 7.000 bảng Anh đồng thời sẽ được ở lại nước Anh làm việc với điều kiện tôi ký giấy hiến tặng một quả thận”. Do quá sợ, anh ta đã bỏ trốn nhiều ngày trước khi quyết định trình báo cảnh sát.

Vài tháng sau đó tại Kenya, một nhà truyền giáo cũng đã bị bắt vì tội giết người hàng loạt, nạn nhân là những tín đồ của ông ta. Kết  quả khám nghiệm cho thấy các tử thi bị mất thận, gan, tim, giác mạc…, được lấy ngay khi họ còn sống. Theo một công tố viên ở thủ đô Nairobi, Kenya, nhà truyền giáo này có thể sẽ bị kết án tù chung thân không ân xá vì các tội giết người, xâm phạm cơ thể con người bất hợp pháp… Người phát ngôn của KIR nói: “Hai vụ nói trên chỉ là giọt nước nhỏ trong một hồ nước mà ta có thể nhìn thấy được…”.

Vũ Cao (Theo Kidney International Reports)

.
.