Mượn danh quyên góp từ thiện để lừa đảo

16:30 20/03/2024

Ăn chặn tiền từ thiện của bệnh nhân nghèo đã là hành vi không thể tha thứ, nhưng chưa dừng lại ở đó, hiện nay các đối tượng lừa đảo còn bày vẽ ra nhiều chiêu trò ma mãnh để “khoét sâu” hơn nữa vào nỗi đau khổ của biết bao gia đình. Chúng ăn cắp thông tin của bệnh nhân rồi dàn dựng, gán ghép, tạo lập những tài khoản giả mạo trùng khớp với nhân vật chính, nhằm lừa đảo chiếm đoạt tiền ủng hộ của người dân giúp đỡ người bệnh…

Đang khỏe bị đưa lên mạng thành “hấp hối”

Không chỉ tạo lập tài khoản và thẻ ngân hàng trùng tên của người kêu gọi từ thiện, các đối tượng còn dùng thủ đoạn ghép ảnh người bệnh thành què, cụt, từ bệnh nhẹ thành “hấp hối”, thở oxy để tăng thêm phần thê lương bi đát.

Thông tin đăng kêu gọi giúp đỡ bệnh nhân đã bị đối tượng đánh cắp đổi số tài khoản nhằm chiếm đoạt tiền ủng hộ.

Vào đầu 2/2024, bà Nguyễn Thị T. (Bù Đăng, Bình Phước) đưa chồng là ông Trần Văn C. xuống bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) điều trị bệnh thận. Trong thời gian ở bệnh viện, bà T. thường ra ngoài cổng xin cơm từ thiện. Tại đây, có nhóm người tiếp cận hỏi thăm về gia cảnh của bà. Biết bà khó khăn nên họ xin vào thăm ông C. để chụp ảnh kêu gọi giúp đỡ tiền thuốc men và viện phí cho gia đình. Bà T. thật thà tin tưởng, cung cấp hết hồ sơ bệnh án cho họ chụp. Trước khi ra về, nhóm người biếu bà 500.000 đồng.

Bẵng đi hơn một tuần, bà T. chờ mãi không thấy ai tới giúp đỡ như lời hứa. Chồng bà được xuất viện về nhà, bà T. cũng quên luôn chuyện giúp đỡ. Gần một tháng sau, con gái bà T. làm ở Bình Dương hoảng loạn gọi điện về hỏi: “Ba đang hấp hối trong bệnh viện phải không?”. Hai vợ chồng bà T. đang ngồi ăn cơm nhìn nhau không hiểu gì. Bà T. đưa điện thoại cho chồng nói chuyện, cô con gái vẫn không tin bảo: “Con thấy người ta đăng tin ba đang hấp hối ở bệnh viện, phải thở oxy, dây nhợ khắp người. Người ta chụp cả bệnh án có tên tuổi và địa chỉ của ba rõ ràng. Họ nói hoàn cảnh gia đình mình rất bi đát. Chồng sắp chết, hai con bị bệnh phải nghỉ học, mọi gánh nặng đè lên vai người vợ nay ốm mai đau…”.

Ở cuối dòng kêu gọi là số tài khoản ngân hàng mang tên bà Nguyễn Thị T. Trong khi đó, bà T. không hề có số tài khoản và cũng không biết dùng mạng xã hội. Không chỉ kêu gọi một lần, mà đối tượng còn đăng trên nhiều trang với nhiều tài khoản khác nhau đã lấy đi biết bao lòng thương cảm, xót xa của mọi người. Riêng tiền ủng hộ thì “người bệnh hấp hối” không hề được nhận một đồng nào.

Con trai chị V. đang khỏe mạnh ở nhà bị đưa lên mạng với hình ảnh băng bó kín bưng, trong cơn nguy kịch.

Một trường hợp bị giả danh kêu gọi quyên góp từ thiện khác là bé M.T (6 tuổi) con trai của chị Trần Thanh V. (ngụ huyện Ea Kar, Đắk Lắk). Vào cuối năm 2023, chị V. đưa con xuống bệnh viện Nhi đồng 1, TP Hồ Chí Minh điều trị bệnh viêm phổi. Trong thời gian nằm viện, chị được nhiều bà con và Mạnh Thường Quân giúp đỡ thông qua một người em gái họ. Khi bé M.T xuất viện, chị V. có thông báo cho em họ là không nhận thêm sự giúp đỡ nữa và đề nghị gỡ bài đăng kêu gọi xuống. Qua năm 2024, chị V. liên tiếp nhận được tin nhắn, cuộc gọi hỏi thăm về tình trạng bệnh của bé. Họ cho biết, vừa thấy thông tin đăng trên mạng kêu gọi từ thiện về trường hợp của cháu M.T, con chị V. đang trong hoàn cảnh nguy kịch, nhưng gia đình quá nghèo không có tiền để bước vào đợt điều trị tiếp theo.

 Chị V. quá sốc khi nhìn thấy tấm ảnh của con trai trong tình trạng hôn mê, đang phải đặt nội khí quản. Bên cạnh là hình một bà mẹ gục đầu xuống ghế, hai tay ôm xấp hồ sơ, được chú thích là mẹ bé M.T. Điều đáng nói, tên chủ số tài khoản lại trùng tên họ với chị V., chỉ khác số điện thoại, chính điều này đã tạo thêm niềm tin cho những người muốn giúp đỡ bệnh nhân. Chị V. xác nhận hình ảnh đúng là con trai, nhưng con chị chưa từng phải đặt nội khí quản và rơi vào hôn mê. Riêng tấm ảnh người mẹ thì hoàn toàn không phải chị V., là do một nhân vật khác dàn dựng, gán ghép vào. 

Đau xót vì con trai đang khỏe mạnh nhưng lại bị tung lên mạng để kêu gọi giúp đỡ, chị V. đã vào các trang từ thiện lên tiếng phản ánh. Tuy nhiên, thông tin của chị đã bị ẩn đi và những người khác không thể đọc được. Chị V. trực tiếp gọi điện thoại vào số ghi trên thông tin, người đàn ông bắt máy. Sau khi biết chị V. chính là nhân vật chính, người đàn ông liền cúp máy, sau đó khóa số và ít phút sau thì không còn nội dung trên trang từ thiện nữa.

“Người ta đã lợi dụng mẹ con tôi để lấy tiền từ tấm lòng hảo tâm của bao nhiêu người khác. Ai không hiểu lại nghĩ chúng tôi túng quẫn quá nên làm liều, lấy con trẻ ra để kiếm ăn”, chị V. buồn bã chia sẻ.

Người chết vẫn được… giúp đỡ

Lợi dụng người còn sống đã đành, đến người đã chết nhóm lừa đảo cũng không tha. Đó là trường hợp ba anh Lê Hiếu N. (ngụ Cái Bè, Tiền Giang), đã mất cách đây gần một năm nhưng vẫn bị đưa lên mạng kêu gọi từ thiện giúp đỡ. Anh N. kể, cuối năm 2022, ba anh bị tai biến nằm ở Bệnh viện nhân dân Gia Định hai tuần.

Đối tượng lừa đảo thường nhân danh nhóm từ thiện hoặc câu lạc bộ để kêu gọi giúp đỡ.

Trong thời gian này, bạn của anh vào thăm có đưa thông tin lên trang cá nhân của người đó để thông báo. Sau đó anh N. cũng nhận được một ít tiền giúp đỡ chủ yếu từ bạn bè người thân. Bệnh viện trả về được hơn 3 tháng thì ba mất, thọ 86 tuổi. Sự việc chỉ như thế, không có bất kỳ câu chuyện bi đát, thương tâm nào khác cho đến một ngày giáp Tết 2024, anh N. được một người bạn gửi cho thông tin về ba mình kèm lời kêu gọi giúp đỡ thảm thiết. Nào là cụ già đơn độc một mình, nằm bệnh viện từng ngày chờ chết, không có người thân bên cạnh, rất mong các nhà hảo tâm giúp đỡ để cụ được sống những ngày cuối đời no đủ, ấm áp.

Nhìn tấm ảnh đúng là ba của mình, nhưng bị ghép ống thở vào miệng, rồi chân tay cũng bị công nghệ chỉnh ảnh làm cho thâm tím, loang lổ vết bầm tím. Toàn bộ thông tin cá nhân đều đúng cả, chỉ khác số tài khoản và số điện thoại. Người kêu gọi từ thiện giới thiệu là cháu ruột đang đứng ra chăm sóc cụ. Mọi thứ y như thật, không ai nghi ngờ gì, trừ gia đình và những người thân của anh N.

Quá bức xúc, anh N. cũng lên mạng trần tình rồi vào trang từ thiện “bóc phốt”. Sau khi nhận “phốt”, chỉ vài phút sau trang mạng biến mất không để lại vết tích nào. Tưởng sự việc đã xong, không ngờ vài ngày sau anh N. lại phát hiện thông tin kêu gọi giúp đỡ ba mình trên một trang khác, với số tài khoản khác. Tại đây, có hàng ngàn bình luận chia sẻ bày tỏ thương xót cho cụ ông. Anh N. nhờ thêm bạn bè lên mạng đính chính lại, đồng thời làm đơn gửi các cơ quan chức năng yêu cầu xử lý thông tin giả mạo. “Ngày ba còn sống đúng là gia đình khó khăn nhưng chúng tôi chưa bao giờ đứng ra kêu gọi giúp đỡ từ cộng đồng. Ba mất rồi mà bọn lừa đảo vẫn không tha cho”, anh N. bức xúc chia sẻ.  

Chiếm đoạt tiền tỷ từ kêu gọi từ thiện

Ngày 14/3/2024, Cơ quan CSĐT Công an huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Thị Kim Phượng (sinh năm 1995, trú huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo kết quả điều tra, chị Hoàng Thị Diệu M. (sinh năm 2005) có người em trai là H.V.M (trú xã Cư K’nia, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bị bệnh nặng, đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TP Hồ Chí Minh.

Đối tượng Nguyễn Thị Kim Phượng tại cơ quan Công an.

Do gia đình không có tiền chi trả viện phí, chị Hoàng Thị Diệu M. đã lên mạng xã hội Facebook kêu gọi lòng hảo tâm của mọi người quyên góp từ thiện cho em trai. Sau một thời gian kêu gọi, có nhiều người ủng hộ cho gia đình chị M. trong đó có chị Phạm Thị Hồng T. (giáo viên trên địa bàn xã Cư K’nia, có mối quan hệ quen biết với chị M.) đã sử dụng tài khoản Facebook mang tên “Phạm Hạ” cùng đứng ra kêu gọi từ thiện giúp gia đình chị này. Tháng 1/2024, Nguyễn Thị Kim Phượng truy cập mạng xã hội, thấy tài khoản Facebook “Phạm Hạ” đăng bài kêu gọi quyên góp từ thiện cho em trai của chị M., kèm theo số điện thoại và tài khoản ngân hàng của chị M.

Với mục đích chiếm đoạt số tiền ủng hộ từ thiện mà các nhà hảo tâm gửi về giúp chị M, Phượng đã lập tài khoản Zalo trùng tên “Phạm Hạ” nhằm giả danh người đứng ra kêu gọi từ thiện, sau đó kết bạn Zalo rồi nhắn tin đề nghị chị M. chuyển số tiền mọi người đã ủng hộ qua cho Phượng, để cô ta xuống trao tận tay cho gia đình chị M, sau đó chụp ảnh làm chứng.

Do tin tưởng người sử dụng Zalo tên “Phạm Hạ”, nhiều người đã chuyển tiền vào tài khoản giả do Phượng lập. Sau khi chuyển khoản, họ đã thông báo lại cho chị M. và chị T. thì mới biết đã bị lừa vì Zalo tên “Phạm Hạ” không phải của chị T. Không còn cách nào khác, M. đã trình báo cơ quan Công an. Đối tượng Nguyễn Thị Kim Phượng đã bị bắt ngay sau đó.

Cùng hành vi trên, trước đó, Công an tỉnh Đắk Nông đã đấu tranh làm rõ đối tượng Hoàng Công Trường (sinh năm1986, trú tại quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) lừa đảo chiếm đoạt 5,6 tỷ đồng từ việc giả kêu gọi từ thiện. Theo đó, trong vòng hai năm, Hoàng Công Trường đã lên mạng Internet tìm kiếm thông tin, tải hình ảnh các trường hợp bệnh tật hiểm nghèo, dễ làm lay động cộng đồng rồi bịa ra hàng trăm chuyện bi đát kèm với hình ảnh đăng tải lên mạng xã hội, kêu gọi cộng đồng mạng chung tay giúp đỡ.

Gần 6.000 người trong cả nước đã chuyển tiền giúp đỡ các trường hợp do đối tượng này đăng tải, kêu gọi giúp đỡ.

Cùng chiêu thức trên, một đối tượng khác là Ngô Trường Thịnh (sinh năm 1993, trú tại phường Tân Thới Hòa, Quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh) cũng chiếm đoạt của hơn 3.000 người số tiền hơn 3,6 tỷ đồng. Hành vi của đối tượng này chỉ bại lộ khi Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Đắk Nông phát hiện nhiều người chuyển tiền giúp đỡ các trường hợp do Ngô Trường Thịnh đưa lên mạng xã hội. Công an xác định tất cả các trường hợp đối tượng này kêu gọi giúp đỡ đều không đúng sự thật, có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trước các thủ đoạn mới trong việc kêu gọi lừa đảo từ thiện hiện nay, các bệnh viện lớn tại TP Hồ Chí Minh như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Bệnh viện Lê Văn Thịnh…đã phát cảnh báo người nhà bệnh nhân tuyệt đối không được cung cấp thông tin cá nhân, hồ sơ bệnh án cho các đối tượng lạ xuất hiện trong và ngoài bệnh viện, cũng như cẩn thận việc đưa thông tin bệnh nhân lên trang cá nhân để tránh bị đối tượng lừa đảo thu thập dữ liệu.

Công an TP Hồ Chí Minh khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác trước các thủ đoạn kêu gọi ủng hộ từ thiện trên các trang mạng xã hội. Người dân thận trọng tìm hiểu, kiểm chứng kỹ các nội dung thông tin đăng tải hoặc liên hệ với chính quyền địa phương, bệnh viện nơi họ điều trị để xác định chính xác thông tin. Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người dân báo ngay cho cơ quan Công an gần nhất để có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời.

Ngọc Thiện

Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Bắc Giang vừa ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Văn Cao (SN 1962), Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng 767 (địa chỉ tại số 670 đường Ngô Gia Tự, phường Ninh Xá, TP Bắc Ninh) và 2 nhân viên công ty này về tội “vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”.

Công an huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang cho biết, đơn vị vừa ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố 4 bị can là nhóm thiếu niên trú tại tỉnh Thái Nguyên có hành vi dùng kiếm chặt biển số xe máy, cướp tài sản trên địa bàn.

Chiến thắng của ông Donald Trump trên đường đua trở lại Nhà Trắng những ngày qua được giới chuyên gia nhận định là vô cùng ngoạn mục. Vẫn với khẩu hiệu "Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại", ông Donald Trump giành được sự ủng hộ lớn từ người dân xứ cờ hoa. Tuy nhiên, khi tiếp tục những chính sách gắn với khẩu hiệu này thì các “điểm nóng” khác của thế giới có sự can thiệp của Washington sẽ tăng hay hạ nhiệt?

Trong quá trình điều tra, truy tố và trước khi đưa vụ án ra xét xử, các cơ quan tố tụng đã nhiều lần thông báo cho các bị hại đến cung cấp thông tin về vụ việc và số tiền bị thiệt hại. Đồng thời thông tin công khai về số tài sản kê biên, phong tỏa để đảm bảo nghĩa vụ bồi hoàn của Trương Mỹ Lan và đồng phạm ngay từ khi kết thúc điều tra.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文