Mỹ triệt phá mạng lưới cực đoan Terrorgram

20:09 28/03/2025

Trong vòng hai thập niên trở lại đây, các mạng xã hội như Facebook, X và Instagram đã thay đổi cách con người giao tiếp. Chưa bao giờ mỗi cá nhân lại có khả năng kết nối với nhiều người có cùng quan điểm hay sở thích như hiện nay. Các phong trào xã hội vì thế cũng đã thay đổi.

Từ mùa xuân Arập đến cuộc bạo loạn mùng 6/1 tại Mỹ, không ít phong trào xã hội sinh ra và lớn mạnh trên mạng xã hội chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn. Không có gì lạ khi các đối tượng cực đoan trên toàn cầu lại đang tìm mọi cách để khai thác mạng xã hội vì những mục đích đen tối của chúng.

Mạng nhện

Telegram là một mạng xã hội được thành lập vào năm 2013 bởi anh em doanh nhân người Nga Pavel và Nikolai Durov. Hai người họ từng lập ra Vkontakte (VK), một trong những mạng xã hội đông người dùng nhất ở Nga và Đông Âu. Giữa Pavel Durov và hội đồng quản trị của VK xảy ra bất hòa, dẫn đến việc hai anh em Durov rời khỏi VK và tạo ra Telegram.

Điểm khác biệt giữa Telegram và các mạng xã hội khác là nền tảng này có rất ít quy định liên quan đến quản lý nội dung. Người dùng Telegram có thể đăng những thông điệp liên quan đến tình dục, bạo lực, v.v... mà không sợ bị phạt như trên Facebook, X, v.v... Các chủ tài khoản còn có thể gửi tin nhắn mã hóa cho nhau hay là lập nhóm kín hoặc mở để thông tin tuyên truyền những gì mình muốn.

Mỹ triệt phá mạng lưới cực đoan Terrorgram -0
CEO Pavel Durov của Telegram.

Bởi vì các lý do kể trên mà thông tin độc hại phát tán trên Telegram rất nhanh. Ví dụ như vào ngày 26/8/2023, Ryan Palmeter (21 tuổi, người Mỹ) dùng súng sát hại ba người da đen trước cửa một siêu thị ở Jacksonville, bang Florida rồi tự tử. Hắn để lại một văn bản dày 27 trang nhằm giải thích động cơ gây án. Sở cảnh sát địa phương và các tờ báo tại bang Florida đều từ chối công bố văn bản vì nó mang tính phân biệt chủng tộc và có mục đích kích động bạo lực giữa các sắc tộc. Vậy nhưng ở trên Telegram đã có rất nhiều tài khoản không chỉ truyền tay nhau “tác phẩm” của Ryan mà còn “thần tượng hóa” hắn nhằm thúc đẩy người khác phạm tội.

Hai trong số các cá nhân tham gia phát tán nội dung độc hại kể trên là Dallas Humber (35 tuổi, sống tại Elk Grove, bang California) và Matthew Allison (38 tuổi, sống ở Boise, bang Idaho). Hai người là thành viên tích cực của một mạng lưới tân phát xít (neo-Nazi) với vai trò “người sáng tạo nội dung”.

Riêng Matthew Allison đã đăng lên Telegram hơn 120 video mang tính kích động bạo lực chủng tộc. Các đoạn phim trên chứa nhiều hình ảnh từ các vụ thảm sát, đơn cử như vụ án Ryan Palmeter. Dallas Humber thì chuyên đọc các bản phát ngôn, tuyên bố của những kẻ phân biệt chủng tộc để làm sách nói. Văn bản do Ryan Palmeter viết cũng được Humber biến thành sách nói.

Humber và Allison chỉ là hai trong số rất nhiều những đối tượng đang phát tán hệ tư tưởng phân biệt chủng tộc trên Telegram. Chúng tự gọi mình là mạng lưới Terrorgram. Terrorgram tìm cách cực đoan hóa khán giả bằng cách ca ngợi, thần tượng hóa những kẻ khủng bố như Ryan Palmeter. Khán giả khi đã bị lôi kéo rồi thì sẽ nghe theo chỉ dẫn của chúng để thực hiện tội ác như ám sát, ném bom, phá hoại hệ thống nước sạch và truyền tải điện, v.v... Ví dụ như Dallas Humber đã từng đăng chỉ dẫn chi tiết cách chế tạo thuốc nổ HMTD.

Theo cuộc điều tra chung của hãng tin ProPublica (Mỹ) và tổ chức hoạt động chống phát xít The White Rose Society (Úc) thì có ít nhất 35 tội ác khủng bố có liên quan trực tiếp đến Terrorgram. Có thể kể đến tên Timothy Wilson (36 tuổi) từng lên kế hoạch đánh bom bệnh viện nhưng bị cảnh sát triệt hạ trong một cuộc đấu súng. Hay là tên Nicholas Welker (33 tuổi), chỉ huy nhóm phát xít Feuerkrieg Division, hiện đang phải lãnh án 44 tháng tù vì tội đe dọa sát hại một nhà báo.

Tội ác khét tiếng nhất là vụ thảm sát ở thủ đô Bratislava của Slovakia. Đối tượng Juraj Krajčík (16 tuổi) đã xả súng giết hai người và làm bị thương một người trước một quán bar dành cho người đồng tính. Krajčík đã được Terrorgram “huấn luyện” làm sát nhân trong ba năm và nhồi nhét vào đầu hệ tư tưởng bài người đồng tính cực kỳ độc hại.

Người dân Slovakia cùng nhau tưởng niệm các nạn nhân của vụ thảm sát tại quán bar TeplAren, Bratislava.

Đầu rắn hay mạng nhện?

Matthew Althorpe (31 tuổi, ở tại Ontario, Canada) và Pavol Benadik (27 tuổi, người Slovakia) là hai đối tượng lập ra Terrorgram. Cả hai đều là những kẻ tân phát xít và tin rằng chúng có nhiệm vụ bằng mọi cách đẩy nhanh sự sụp đổ của xã hội phương Tây để mở đường cho hệ tư tưởng phát xít. Cả hai đều chịu ảnh hưởng bởi Christopher Cantwell - một đối tượng người Mỹ hiện đang ngồi tù vì tham gia cuộc tuần hành Unite the Right (2017) khét tiếng với mục đích tập hợp những nhóm phát xít khác nhau trên khắp nước Mỹ.

Từ năm 2017 đến 2019, Althorpe và Benadik điều hành hai nhóm kín khác nhau trên Telegram với cùng một mục tiêu phát tán tư tưởng độc hại. Xen lẫn giữa những bài post ca ngợi chủ nghĩa phát xít là các file PDF hướng dẫn cách chế tạo súng, làm bom, v.v...

Hai đối tượng bắt đầu hợp tác từ mùa hè năm 2019 để tạo nên Terrorgram. Trước đó chỉ vài tháng, tên Brenton Tarrant (khi đó 28 tuổi) đã xả súng giết hại 51 tín đồ Hồi giáo tại thánh đường Al Noor, thành phố Christchurch, New Zealand. Brenton không những viết bản tuyên ngôn dài 74 trang mà còn đeo camera GoPro trên người để quay lại vụ thảm sát. Terrorgram đóng vai trò quan trọng trong việc biến Brenton Tarrant thành một nhân vật “tử vì đạo” đối với những kẻ phân biệt chủng tộc. Althorpe, Benadik và không ít đối tượng khác thường xuyên thúc giục người dùng Telegram “noi gương” Tarrant.

Đến tháng 8/2019, mạng lưới Terrorgram bao gồm gần 20 nhóm nhỏ khác nhau với hơn 5.000 người theo dõi. Bà Rebecca Weiner, Phó chánh thanh tra Phòng Phản gián và Chống khủng bố thuộc Sở Cảnh sát New York (Mỹ), cho biết: “Ngay khi sở cảnh sát New York mới bắt đầu để mắt đến Terrorgram, chúng tôi đã nhận ra tiềm năng nguy hiểm của nó. Số người theo dõi Terrorgram có thể trông không đáng kể, nhưng những mạng lưới cực đoan phát triển rất nhanh, và loại hình khủng bố chúng khích động không cần nhiều người tham gia”.

Terrorgram không phải là trường hợp duy nhất mà khủng bố lợi dụng Telegram. Còn nhớ trong giai đoạn 2013-2015, các nhóm thuộc tổ chức Nhà nước Hồi Giáo (IS) thường xuyên sử dụng Telegram để tuyên truyền và khích động bạo lực. Tuy Telegram vẫn thực hiện việc kiểm tra nội dung người dùng và cấm các tài khoản độc hại, họ ít khi có hành động trực tiếp trừ khi nhận được phản ánh của các cơ quan truyền thông.

Từng có một số nhóm kín thuộc Terrorgram bị dừng hoạt động, nhưng chỉ vài ngày say những nhóm này lại xuất hiện với tên mới. Pavol Benadik còn từng đăng một đoạn post như sau vào năm 2021: “Telegram là nơi bạn muốn làm gì cũng được. Tôi từng hướng dẫn mọi người cách thực hiện một cuộc diệt chủng”.

Telegram hiện đang là công cụ tuyên truyền đắc lực trong tay khủng bố.

Cuộc chiến lâu dài

Đối tượng liên quan đến Terrorgram bị các nhà điều tra Mỹ bắt đầu tiên tên là Jarrett Smith, binh nhì quân đội Mỹ đóng tại căn cứ Fort Riley, bang Kansas. Nhà chức trách để mắt đến Smith sau khi hắn đăng những dòng trạng thái kêu gọi sát hại cảnh sát. Một đặc vụ FBI đã giả vờ làm khủng bố để tiếp cận Jarrett Smith. Trong thời gian nằm vùng, đặc vụ này đã được Smith huấn luyện cách chế tạo thuốc nổ và đặt bom nhằm ám sát một quan chức liên bang. Hiện Smith đang phải lãnh án 30 tháng tù.

Pavol Benadik bị cảnh sát Slovakia bắt vào tháng 5/2022. Khi đó hắn đang học khoa tin học tại đại học công nghệ Brno, Cộng hòa Séc. Các nhà điều tra đã tìm ra được hơn 100 tin nhắn giữa Benadik và tên sát nhân Juraj Krajčík, trong đó có tin nhắn mà Benadik viết để thuyết phục Krajčík dùng súng giết người thay vì đặt bom tự chế. Benadik nhận tội để được hưởng án tù 6 năm.

Matthew Althorpe hiện cũng đang bị cảnh sát Canada giam giữ để phục vụ việc điều tra. Hắn vốn là giám đốc một doanh nghiệp nhỏ chuyên buôn bán bộ phận súng ống cho dân sự. Althorpe, Dallas Humber và Matthew Allison đang bị phía Mỹ và Canada cáo buộc âm mưu ám sát. Các nhà điều tra đã phát hiện ra ba đối tượng này đứng đằng sau một danh sát có tên, tuổi, chân dung, địa chỉ, số điện thoại, v.v... của hàng trăm chính trị gia, doanh nhân, giáo sư, diễn viên và những người Mỹ nổi tiếng khác. Chúng công khai bản danh sách lên Telegram mong rằng những đối tượng khác sẽ phạm tội thay chúng.

Bà Rebecca Weiner nhận xét: “Những kẻ khủng bố luôn học hỏi lẫn nhau. Cả phương thức hoạt động lẫn nội dung tuyên truyền của Terrorgram đều lấy cảm hứng từ IS... Điều nguy hiểm là những cá nhân có mục đích xấu hiện có đủ kiến thức và khả năng để che đẩy thông điệp độc hại dưới một “lớp vỏ” màu sắc để thu hút giới trẻ”.

Nhằm đối phó với những kẻ cực đoan, các mạng xã hội như X và Twitter đã phải lập ra hẳn một bộ phận quản trị chuyên phụ trách nội dung do người dùng đăng tải và đưa ra hình phạt xứng đáng cho đối tượng vi phạm. Điều này vô hình chung đã đẩy những kẻ phân biệt chủng tộc, khủng bố v.v... đến với Telegram. Riêng Terrogram tính tới thời điểm hiện tại đã có đến 600 hội, nhóm khác nhau trong mạng lưới chỉ sau 6 năm hoạt động.

Vào tháng 1/2025, Tổng thống Mỹ Joe Biden trước khi rời khỏi nhiệm sở đã ký quyết định tuyên bố Terrogram là tổ chức khủng bố quốc tế và áp đặt lệnh cấm vận lên các đối tượng lãnh đạo mạng lưới này hiện đang sống ở Nam Phi, Croatia và Brazil. Sau Mỹ thì đến lượt Úc cũng áp đặt lệnh cấm vận. Những hành động trên nhanh chóng có tác dụng, theo ông Milo Comerford, chuyên gia tại viện nghiên cứu các nhóm cực đoan ISD (Anh Quốc): “Hoạt động của Terrorgram đã trùng hẳn xuống. Nhiều nhóm chat tự mình đóng cửa vì sợ bị nhà chức trách điều tra. Những đối tượng vẫn còn hoạt động thì tự thay đổi ngôn từ của mình để bớt phần cực đoan hơn”.

Về phần mình thì Telegram tuyên bố rằng không chấp nhận bất kỳ người dùng nào sử dụng nền tảng này để kích động bạo lực. Telegram còn cho biết họ đang sử dụng trí tuệ nhân tạo và 750 nhân viên để quản lý nội dung do người dùng đăng tải, và bộ phận này sẽ còn được mở rộng. Tuyên bố trên đến cùng lúc với việc Pavel Durov bị cảnh sát Pháp bắt vì cáo buộc để cho các đối tượng khủng bố, buôn người và buôn ma túy hoạt động tự do trên Telegram. Hiện Durov đang bị quản thúc tại nhà và nhiều khả năng sẽ phải hầu tòa trong năm nay.

Nhiều nhà quan sát lo ngại khả năng Terrorgram có thể sẽ di chuyển sang một mạng xã hội khác dưới cái tên mới. Giáo sư Pete Simi, chuyên gia về các hệ tư tưởng cực đoan tại đại học Chapman (Orange, bang California, Mỹ), nhận xét: “Môi trường chính trị và xã hội tại phương Tây đang là “mảnh đất” màu mỡ cho tư tưởng cực đoan. Terrorgram có thể đã chấm hết, nhưng gần như chắc chắn sẽ có một Terrorgram mới”.

Lê Công Vũ

Đợt mưa lũ lịch sử xảy ra ở miền tây Nghệ An trong những ngày qua gây ra thiệt hại vô cùng nặng nề. Cùng với lực lượng Công an ở cơ sở, Công an tỉnh Nghệ An đã huy động gần 500 cán bộ, chiến sĩ đang tích cực hỗ trợ chính quyền địa phương và nhân dân các xã khắc phục hậu quả thiên tai, sớm ổn định cuộc sống. 

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố đất nước sẽ giành chiến thắng trong các trận chiến “chống đế quốc”, nhân dịp kỷ niệm ngày ký kết hiệp định đình chiến Chiến tranh Triều Tiên, truyền thông nhà nước đưa tin ngày 27/7.

Đội tuyển quốc gia Việt Nam tham dự Olympic Sinh học Quốc tế (IBO) 2025 tại Philippines đã xuất sắc giành 1 huy chương Vàng, 2 huy chương Bạc và 1 huy chương Đồng. Thành tích ấn tượng này giúp Việt Nam xếp trong nhóm 10 quốc gia có tổng điểm cao nhất toàn đoàn.

Tối ngày 26/7, Công an xã Thiện Tín (Quảng Ngãi) nhận được đơn trình báo của bà Đinh Thi Boi (SN 1979, ở thôn Trũng Kè 2, xã Thiện Tín), về việc con gái là Phạm T. K. T. (SN 2011) bỏ nhà lên xe ô tô màu đen, rời khỏi địa phương vào khoảng 15h chiều cùng ngày, gia đình không liên lạc được.

Israel thông báo nối lại các hoạt động thả hàng viện trợ bằng đường không xuống Gaza trong ngày 26/7, nhằm giảm bớt cuộc khủng hoảng nhân đạo đang diễn ra tại vùng lãnh thổ này, quyết định được đưa ra khi áp lực quốc tế đối với Israel ngày càng gia tăng, trong khi các cơ quan cứu trợ cảnh báo về tình trạng nạn đói đang lan rộng trong khu vực.

Từ một cơ sở massage nằm trong tầng hầm khách sạn sang trọng giữa trung tâm Hà Nội, một đường dây tổ chức mua bán dâm tinh vi đã được dựng lên, hoạt động có tổ chức và thu lợi bất chính hàng trăm triệu đồng mỗi tháng. Với sự vào cuộc quyết liệt, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hà Nội đã bóc gỡ toàn bộ đường dây tội phạm này.

Có đến từng gia đình nằm trong diện được hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát mới thấy hết ý nghĩa và giá trị nhân văn của phong trào này. Họ đều là những người yếu thế trong xã hội và chúng ta sẽ không để họ lại phía sau trên con đường tiến tới no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh.

Để tăng cường công tác bảo đảm TTATGT, Cục CSGT thông báo số điện thoại tiếp nhận thông tin của các Trưởng phòng CSGT toàn quốc để tiếp nhận, xử lý các thông tin liên quan đến tình hình TTATGT, hoạt động của lực lượng CSGT. Các số điện thoại này đều được thiết lập Zalo, Viber…

Từng là vùng đất heo hút, bị ảnh hưởng bởi tổ chức bất hợp pháp, xóm Sĩ Điêng (xã Lũng Nặm, tỉnh Cao Bằng) từng bước chuyển mình mạnh mẽ, trở thành điểm sáng bình yên giữa đại ngàn Lục Khu.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.