Myanmar đau đầu với bài toán an ninh nông nghiệp

18:56 14/01/2022

Từ đầu tháng 12 đến nay, từng đoàn xe chở nông sản của Myanmar nằm dọc theo tuyến đường chính nối thị trấn biên giới Muse, bang Shan, Myanmar với thành phố Ruili, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc để chờ được thông quan. Không ít lái xe đã bỏ cuộc, để mặc hàng nghìn tấn trái cây thối rữa…

Trái cây thối rữa, vận may chìm xuống

Đó là câu nói cửa miệng của những chủ hàng, những nhà xuất khẩu và ngay cả cánh tài xế Myanmar khi họ ngao ngán nhìn những đống dưa hấu, dưa lê, xoài…, đã bắt đầu thối rữa, vứt bỏ ngổn ngang bên lề con đường dẫn ra cửa khẩu nối thị trấn biên giới Muse, Myanmar với thị trấn Wanding và Jiegao, thành phố Ruili, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.

Lee Htay, chủ một công ty vận tải cho biết, trước đại dịch COVID-19, mỗi ngày chỉ riêng công ty ông cũng đã xuất hơn 500 xe tải trái cây nhưng đến thời điểm hiện tại, đi được 5 xe là mừng lắm rồi. Ông Lee Htay nói: “Hoạt động kinh doanh chỉ mới bắt đầu sau 5 tháng đóng cửa biên giới để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan. Ngày 26-11, phía Trung Quốc mở lại cửa khẩu nhưng quá trình thông quan diễn ra rất chậm chạp khiến chúng tôi như ngồi trên đống lửa”.

Chẳng riêng gì Lee Htay mà các nhà xuất khẩu ở Myanmar đều cho rằng với tình hình hiện nay, sự thua lỗ trong việc buôn bán những mặt hàng dễ hư hỏng với Trung Quốc là điều chắc chắn sẽ xảy ra. Ông Thaibaya, chủ một công ty xuất khẩu trái cây ở Rangon nói: “Cứ mỗi ngày nằm chờ ở biên giới, tôi phải trả thêm cho tài xế 600 Kyat (đơn vị tiền tệ Myanmar - tương đương 1 triệu tiền Việt) nhưng nhiều tài xế vẫn bỏ hàng xuống rồi quay xe về để chở những thứ không thể hư hỏng như gỗ, gạo, đá ngọc bích. Nếu tìm cách xuất khẩu sang các nước khác thì cần phải có thời gian, có đối tác còn nếu tiêu thụ trong nước thì chẳng nhà buôn nào dám ôm một lúc cả nghìn tấn trái cây…”.

Assam, một tài xế xe tải cho biết anh phải mất 2 ngày rong ruổi mới đến được thị trấn cửa khẩu Muse: “Trước đại dịch, việc thông quan diễn ra nhanh chóng nhưng từ đầu tháng 12 đến nay, cả nghìn xe tải vẫn nằm chờ, tất cả đều không có hệ thống cấp đông nên việc trái cây hư hỏng là điều không thể tránh khỏi”. Shwe, một tài xế khác nói thêm: “Đầu tiên là xoài. Khi lớp vỏ của chúng bắt đầu nhũn ra là coi như xong. Tiếp theo đến dưa hấu, dưa lê. Nếu không nhanh chóng đổ bỏ, chúng sẽ thối rữa trong xe nên việc dọn dẹp, làm sạch thùng xe lại thêm tốn kém”.

Cửa khẩu biên giới Myanmar, Trung Quốc vắng lặng…

Vẫn theo Assem, những ngày chờ đợi để được thông quan là những ngày mệt mỏi vì cảnh ăn chực nằm chờ. Hầu hết các xe tải đều được tài xế, phụ xe mang theo xoong, nồi, chén đũa… để nấu ăn nhưng do không lường được ùn tắc nên số thực phẩm mà họ dự trữ chỉ đủ trong vài ngày. Vì thế họ phải mua thêm ở thị trấn Muse nhưng lượng tài xế quá đông khiến nhiều cửa hàng đứt gãy chuỗi cung ứng, nhất là gạo, mỳ gói, mỳ sợi, rau, trứng, cá, thịt… Nước uống, nước để nấu ăn, tắm giặt cũng là một vấn đề.

Assem nói: “Uống phải mua từng bình, tắm giặt thì xuống suối, Ban đêm, chúng tôi ngủ trong xe vì bên ngoài rất lạnh. Khi trái cây bắt đầu có dấu hiệu thối rữa, tài xế thông báo cho chủ hàng rồi thuê người đổ bỏ để nhanh chóng quay đầu xe, về tìm nguồn hàng khác…”. Vẫn ông Lee Htay cho biết: “Ngoại trừ những thương lái chấp nhận mất tiền đặt cọc và những nông dân chưa kịp thu hoạch nên không bán được, hoặc phải bán với giá rẻ mạt, còn thì khi xảy ra ùn tắc, nông dân hầu như chẳng thiệt hại nhiều vì lúc bán cho thương lái, họ đã thu đủ tiền.

Thương lái cũng thế, khi giao hàng cho nhà xuất khẩu, họ cũng đã được thanh toán hoặc nếu nợ gối đầu thì cũng sẽ được trả nhưng thua thiệt vẫn là những nhà xuất khẩu, trong đó có những công ty vận tải như chúng tôi”. Điều quan trọng nhất là vụ mùa năm sau, có bao nhiêu nông dân tiếp tục trồng xoài, dưa lê, dưa hấu…, có bao nhiêu thương lái dám đặt tiền trước để thu mua sản phẩm và có bao nhiêu nhà xuất khẩu dám khẳng định việc thông quan sẽ trở lại bình thường?

Cửa khẩu thị trấn Wanding, Trung Quốc, chỉ cách thị trấn Pang Hseng, Myanmar, khoảng 50 m, nơi quân đội Myanmar và các nhóm vũ trang dân tộc Shan đã có những vụ đụng độ lẻ tẻ kể từ tháng 8, làm ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu, chưa kể đại dịch COVID-19 cũng góp phần gây ra ùn tắc vì chính sách “Zero COVID - Không COVID” của Chính phủ Trung Quốc.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hệ thống y tế Myanmar gần như sụp đổ bởi nhiều nhân viên ngành y tham gia các cuộc đình công kéo dài từ cuộc đảo chính năm ngoái. Ông Dawei, chủ một công ty xuất khẩu trái cây cho biết ông không nghĩ tình hình thương mại sẽ cải thiện trong ngắn hạn vì chính quyền thành phố Ruili, Trung Quốc cho biết họ sẽ không nới lỏng các biện pháp ngăn chặn COVID-19, và việc nhập khẩu trái cây, rau quả từ Myanmar không phải là mối quan tâm hàng đầu.

Nhiều thương nhân khác nói rằng việc mở cửa biên giới nhỏ giọt là đòn giáng mạnh vào lĩnh vực xuất khẩu nông sản của Myanmar với hàng trăm triệu USD doanh thu bị mất. Nền kinh tế của quốc gia này đã đi xuống kể từ vụ đảo chính quân sự hồi tháng 2 năm ngoái, làm dấy lên các cuộc biểu tình lan rộng và các lệnh trừng phạt quốc tế, nay lại là vấn đề nông sản khiến gánh nặng sinh kế ập xuống nhiều gia đình.

Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Myanmar sang Trung Quốc bằng đường bộ là gỗ, đá, ngọc bích, thủy sản, trái cây, gạo. Hàng nhập khẩu là hàng điện tử, thuốc bảo vệ thực vật, vật liệu xây dựng, quần áo, giày dép cùng các đồ gia dụng. Sự gián đoạn thương mại đã khiến gia tăng chi phí sinh hoạt của nhiều gia đình vì hàng hóa Trung Quốc giờ đây được các tiểu thương bán với giá cao hơn. Một nông dân ở Muse cho biết trước khi Trung Quốc cấm biên, 1 chai thuốc trừ sâu do nước này sản xuất bán ở chợ Muse chỉ 12 kyat nhưng hiện tại, nó đã là 18 kyat và sẽ còn tiếp tục tăng. Ông nói: “Không mua thì mùa màng thiệt hại, còn mua thì giá thành sản phẩm đội lên trong lúc thương lái trả ép từng đồng”.

...trong lúc xe tải chở nông sản xếp thành hàng dài chờ thông quan.

Thiệt anh thiệt ả, thiệt cả đôi đường

Về phía Trung Quốc, như thường lệ cứ đến đầu tháng chạp âm lịch hàng năm là “thời gian vàng” với các nhà kinh doanh thực phẩm để đáp ứng nhu cầu Tết Nguyên đán. Với dân số 1,4 tỉ người, quốc gia này vẫn là thị trường tương đối dễ tính bởi họ chấp nhận nhập khẩu một số mặt hàng theo đường tiểu ngạch thay vì qua cửa chính ngạch. Tuy nhiên năm nay, tình hình dịch bệnh đã vẽ lên một bức tranh không mấy sáng sủa với giới thương nhân, các chợ đầu mối, các siêu thị và các cửa hàng bán lẻ.

Ông Wang, thương nhân ở thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam cho biết một vài chủng loại trái cây mà Trung Quốc trồng được như thanh long, vải, xoài, dưa hấu, dưa lê…, do điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, đã kết thúc mùa vụ trước Tết Nguyên đán nên phải mua từ Myanmar, Thái Lan, Việt Nam, Lào…

Ông Wang nói: “Riêng tết năm nay, trái cây nhập khẩu của chúng tôi giảm hơn 40% do dịch bệnh. Việc chính quyền thành phố Ruili cho phép mở thêm cửa khẩu Wanding cũng chẳng giúp ích được gì nhiều vì cửa khẩu Wanding chỉ tiếp nhận hàng hóa vận chuyển bằng container, trong khi hầu hết trái cây từ Myanmar lại đi qua cửa khẩu Jiegao bằng xe tải”.

Ngoài Ruili ở phía tây tỉnh Vân Nam, một số nhà nhập khẩu nông sản tại thành phố Jinghong ở phía nam cũng đang bị ảnh hưởng khi vài trường hợp nhiễm COVID-19 không triệu chứng được ghi nhận hồi cuối tháng 12. Là trung tâm du lịch nổi tiếng về đa dạng sinh học và văn hóa của người Dai thiểu số, năm 2020 Jinghong đón gần 11,5 triệu lượt khách du lịch trong và ngoài nước. Chỉ riêng “Tuần lễ Vàng” diễn ra vào ngày Quốc khánh Trung Quốc hồi đầu tháng 10-2021, đã có 340.500 khách du lịch đến Jinghong, tăng gần 28% so với cùng kỳ năm 2020.

Ông Cheng, thương nhân ở Jinghong cho biết khách du lịch đổ về nhiều nên nhu cầu thực phẩm rất lớn, nhưng sự hạn chế nhập khẩu do dịch bệnh đã mang lại những bất ổn cho hoạt động kinh doanh Tết Nguyên đán. Quản lý một khách sạn ở Jinghong là Ouyang nói: “Mùa đông được cho là mùa nóng của du lịch, rất nhiều người từ khắp Trung Quốc đổ ra đường, các phòng khách sạn đã được đặt trước nhưng hiện tại, khách sạn của chúng tôi vẫn còn hơn một nửa phòng trống. Chúng tôi đang phải đối mặt với khoản lỗ hàng trăm nghìn nhân dân tệ. Tuy nhiên tôi không phải là người bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở đây, một số khách sạn thậm chí đã đóng cửa”.

Một chủ nhà hàng ở Jinghong giấu tên cũng cho biết đợt bùng phát dịch bệnh mới nhất trong thành phố đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh: “Như bạn biết đấy, người Trung Quốc bây giờ phần lớn đã có tiền nên họ muốn được ăn ngon. Nếu không có sự đa dạng về thực phẩm, khách du lịch còn về đây nữa không?”. Trong bối cảnh chính quyền tỉnh Vân Nam đã tạm thời đình chỉ những tour du lịch đến 19 thành phố trong tỉnh.

Dưa hấu hư hỏng bị đổ bỏ do nhiều ngày chờ đợi xuất khẩu.

Theo Đại sứ quán Trung Quốc tại Myanmar, chỉ tính riêng cửa khẩu Wanding, trong tháng 12-2021, nơi này đã xử lý tổng khối lượng giao dịch khoảng 200 triệu nhân dân tệ (31 triệu USD), giảm hơn 40% so với năm trước. Đại sứ quán cho biết các biện pháp ngăn chặn nghiêm ngặt nghĩa là cửa khẩu chỉ có thể thông quan khoảng 40 xe tải mỗi ngày.

Ông Zhao, chủ một chuỗi cung ứng trái cây tại ngôi chợ lớn nhất thành phố Jnghong nói ông đã ở cửa khẩu biên giới suốt 2 tuần qua mà không nhận được một xe hàng nào trong số 6 xe tải xoài đã đặt cọc. Zhao nói: “Mỗi xe 20 tấn, vậy là tôi mất đứt 120 tấn. Vấn đề ở đây không phải là tiền đặt cọc mà là tôi chẳng có xoài để bán”. Tương tự như vậy, bà Lin “tiếc đứt ruột” khi nhìn thấy hàng chục nghìn quả dưa hấu thối rữa đổ bên lề đường gần thị trấn Muse, Myanmar. Bà nói: “Mọi năm, các đại lý của tôi đã chờ sẵn để chuyển hàng về các tỉnh, thành phố ở sâu trong đại lục, nhưng bây giờ thì…”.

Với các nhà xuất khẩu nông sản ở Myanmar, cuộc khủng hoảng hàng hóa ở biên giới Myanmar, Trung Quốc gây tác động nghiêm trọng đến sản xuất, chế biến và xuất khẩu. Về ngắn hạn, nó sẽ tạo áp lực lên nông dân qua việc chọn lựa giống cây trồng cho mùa vụ sắp tới cũng như việc thu mua của thương lái. Về dài hạn, phần lớn các nhà xuất khẩu Myanmar không kỳ vọng gì nhiều vào thị trường châu  Âu hay Bắc Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia… bởi những quy định khắt khe về chất lượng và nhất là các lệnh trừng phạt vẫn tiếp tục được áp dụng.

Sai Khin Maung, Phó chủ tịch Sở Giao dịch hàng hóa rau quả ở thị trấn Muse cho biết: “Đối với nhà xuất khẩu, toàn bộ quá trình là một mớ hỗn độn. Phải mất khoảng 10 ngày để sản phẩm của họ đến được phía bên kia, thậm chí có loại phải mất 20 ngày. Và thay vì việc xuất nhập khẩu được thực hiện theo những quy định chính thức thì nay lại là những thương lượng giữa chủ hàng và chính quyền biên giới, đã khiến chúng tôi phải gánh chịu thêm nhiều thiệt thòi…”.

Với Zaw Thein, tài xế chở dưa lê, anh nằm dài trên chiếc võng mắc dưới gầm xe tải, trò chuyện với vợ qua màn hình điện thoại. Thein nói: “Tôi đã vứt bỏ 1/5 số quả thối rồi. Ngày mai không xuất được, tôi đổ hết. Chủ hàng đã đồng ý. Về thôi!”…

Vũ Cao (Theo Economist)

Chiều 30/4, Công an TP Hồ Chí Minh đã tổ chức họp báo cung cấp thông tin về việc Phòng Cảnh sát hình sự và Công an quận 12 phối hợp với Công an tỉnh Đồng Nai và Công an tỉnh Bình Dương khám phá vụ án cướp tài sản táo tợn xảy ra trên địa bàn quận 12, đồng thời trao khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân tham gia phá vụ án này.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, có một lực lượng luôn “đi trước, về sau” bảo đảm công tác điều trị, phục hồi sức khỏe cho các chiến sĩ. 70 năm qua, ký ức về những ngày tháng gian khổ tham gia điều trị, cứu thương cho bộ đội vẫn vẹn nguyên trong trí nhớ của người y sĩ Nguyễn Văn Minh, năm nay đã bước sang tuổi 97.

Chiều 30/4, tại khu vực trung tâm TP Đà Lạt (Lâm Đồng), nhất là những nơi công cộng, người dân địa phương và du khách vẫn đổ ra vui chơi, giải trí, các hoạt động diễn ra bình thường.

Ngày 15/3/2024, trái tim của nữ biệt động thành Nguyễn Thị Mai (SN 1943) với biệt danh “con thoi sắt” đã ngừng đập. Bà là một trong những nữ biệt động thành đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Nhiều cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn dường như đã hết hy vọng sau nhiều năm kết hôn vẫn không có con, dù đã chạy chữa nhiều nơi. Nhưng cơ duyên và may mắn, kết hợp với sự tiến bộ của y học hỗ trợ sinh sản, họ đã thực hiện được giấc mơ làm cha, làm mẹ.

Với tinh thần chủ động phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật, trong hai ngày liên tiếp, tổ tuần tra Công an xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân (Phú Yên) đã kịp thời phát hiện, kiểm tra và thu giữ hai khẩu súng do hai đối tượng ở tỉnh Bình Định tàng trữ trái phép.

Một khối không khí lạnh cuối mùa tràn về gây mưa rào và giông từ đêm nay (30/4), chấm dứt đợt nắng nóng kéo dài ở miền Bắc bốn ngày nay. Khoảng từ ngày 3-4/5, nắng nóng có khả năng quay trở lại ở Tây Bắc Bắc Bộ và Thanh Hóa, Nghệ An.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文