Ngăn chặn buôn lậu đường không
Sân bay Tân Sơn Nhất hằng năm vận chuyển trên dưới 42 triệu lượt khách và khoảng 700 ngàn tấn hàng hóa các loại. Lợi dụng lưu thông, các đối tượng tội phạm ở nước ngoài và trong nước đã móc nối với nhau, hình thành những đường dây vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu vào nội địa để tiêu thụ và ngược lại.
Thời gian qua, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh giao cho Chi cục Hải quan cửa khẩu Tân Sơn Nhất phối hợp chặt chẽ với các đơn vị nghiệp vụ của ngành, các Cục nghiệp vụ của Bộ Công an, Công an TP Hồ Chí Minh và Công an quận Tân Bình tăng cường nhiều biện pháp nghiệp vụ, đã ngăn chặn hàng ngàn vụ vận chuyển hàng lậu, hàng cấm, mà đặc biệt là nhiều vụ vận chuyển trái phép chất ma túy, kim cương...
Ngăn hàng cấm len lỏi “chảy” vào nội địa
Ông Bùi Thanh Hùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Tân Sơn Nhất cho biết, đơn vị triển khai nhiều phương án, các biện pháp nghiệp vụ để kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, hành lý, hành khách, phương tiện xuất nhập cảnh nhằm chủ động ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép chất ma túy, tiền chất, vàng, ngoại tệ, kim cương, động vật hoang dã… Ngoài việc tăng cường công tác soi chiếu, phải nâng cao tinh thần cảnh giác và quyết liệt trong xử lý đối với các trường hợp vi phạm. Qua công tác soi chiếu, mỗi cán bộ phải đánh giá được xem nguồn gốc của các loại hàng hóa, mà cụ thể là các loại mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thuốc tây, hàng tiêu dùng, vàng… thường xuất phát từ khu vực nào trên thế giới, để từ đó xây dựng phương án phối hợp kiểm tra, ngăn chặn.
Đặc biệt gần đây, Hải quan TP Hồ Chí Minh phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an, Công an TP Hồ Chí Minh, Công an quận Tân Bình còn phát hiện dấu hiệu về tình trạng vận chuyển trái phép kim cương vào nội địa nên lập tức tăng cường các biện pháp ngăn chặn. Tất cả các cán bộ công chức của các bộ phận chức năng được yêu cầu siết chặt kiểm soát các khu vực cách ly, cửa hàng miễn thuế, kho hàng miễn thuế, máy soi hành lý chuyển tiếp, hành lý quá khổ, quầy hối đoái, khu vực hoàn thuế, cổng vào khu vực hạn chế nhà ga… Kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các nhân viên làm việc tại khu vực hạn chế nhà ga nhằm ngăn chặn trường hợi lợi dụng vị trí làm việc để vận chuyển hàng hóa trái phép.
Sự quyết tâm của các đơn vị phối hợp đã mang lại hiệu quả khi chỉ trong vòng hai ngày đã phát hiện 2 vụ vận chuyển trái phép kim cương từ nước ngoài vào nội địa. Cụ thể vào ngày 23/10/2024, tại ga đến của Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, trong khi làm thủ tục nhập cảnh cho hành khách, công chức trực luồng xanh nghi vấn và chuyển luồng soi chiếu đối với hành lý của hành khách Prajapati Shaileshkumar Hareshbhai nhập cảnh từ Ấn Độ. Lúc đầu người này tỏ ra khó chịu, tìm mọi cách gây khó dễ hòng làm cho khu vực làm thủ tục bị ùn ứ, khiến nhiều khách nước ngoài khác phản ứng để không bị kiểm tra, nhưng trước sự kiên quyết của nhân viên Hải quan, người này buộc phải chấp hành, đưa một kiện hành lý ký gửi và hành lý xách tay qua máy soi chiếu.
Qua kiểm tra thực tế, phát hiện bên trong có 716 viên nghi kim cương với nhiều loại kích thước khác nhau được đóng trong 10 gói nhỏ cùng 326 giấy giám định kim cương nhưng khách không xuất trình được các loại giấy tờ liên quan nên đã bị lập hồ sơ bàn giao vụ việc cho Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an TP Hồ Chí Minh tiếp tục xử lý. Tiếp tục đấu tranh ngăn chặn tình trạng buôn lậu kim cương, chỉ hai ngày sau, tại ga đến của Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, công chức Hải quan trực luồng xanh phát hiện một hành khách khác cũng nhập cảnh từ Ấn Độ vận chuyển trái phép 362 viên nghi kim cương và 240 giấy giám định tuồn vào nội địa tiêu thụ.
Qua điều tra nhanh, cơ quan Công an lần ra được đối tượng này móc nối với Nguyễn Thị Linh, sinh năm 1972, quê tỉnh Bến Tre để vận chuyển trái phép kim cương vào nội địa tiêu thụ nên đã triệu tập lên làm việc. Tuy nhiên Linh đã bỏ trốn khỏi nơi cư trú khi biết vụ việc bị Hải quan và Công an phanh phui, đồng thời liên hệ với bà Lý Thị Ngọc Nga ở quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh nhờ lo lót để Linh và Prajapati Shaileshkumar Hareshbhai không bị xử lý trách nhiệm hình sự, sau đó bà Nga giao cho em gái tên Lý Thị Ngọc Bích, sinh năm 1979 thực hiện với giá 1,2 tỷ đồng.
Ngăn chặn ma túy ngụy trang hàng hóa xách tay
Cũng theo ông Bùi Thanh Hùng, ma túy không chỉ làm băng hoại một bộ phận thanh niên trong xã hội, mà người sử dụng còn có thể tụ tập gây rối, thực hiện hành vi trộm cắp, cướp giật, đua xe… làm mất an ninh trật tự, người bị loạn thần do sử dụng ma túy lâu năm có thể gây ra các vụ án mạng thương tâm cho những người vô tội, thậm chí sát hại cả cha mẹ, người thân trong gia đình. Sau khi hàng loại đối tượng vận chuyển trái phép chất ma túy bị bắt giữ, đặc biệt là vụ hai nữ tiếp viên hàng không bị lừa xách lượng lớn ma túy từ Pháp về Việt Nam thì tình hình đã lắng xuống.
Tuy nhiên theo đánh giá của Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh và Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Tân Sơn Nhất thì nhiều khả năng các đối tượng thấy bị động nên tạm dừng để điều nghiên nhằm tìm ra phương thức, thủ đoạn mới nên đã yêu cầu tất cả cán bộ công chức không được chủ quan mà phải thường xuyên nâng cao cảnh giác.
Qua thực tế phát hiện nhiều vụ vận chuyển trái phép chất ma túy trước đó cho thấy, các đối tượng liên tục thay đổi phương thức, thủ đoạn. Trước đây đối tượng thường đóng gói bằng nhiều lớp giấy chống tia X rồi nhét vào giữa các kiện hàng hóa, nhưng thời gian gần đây lại trộn lẫn vào kem chống nắng, sữa rửa mặt hoặc trong ruột máy móc, thiết bị loại nhỏ. Chính vì vậy, các cán bộ công chức Hải quan ngoài việc được tập luyện nâng cao kỹ năng nghiệp vụ, soi chiếu nhằm phát hiện vi phạm qua hình ảnh, còn được trang bị kỹ năng nhận biết biểu hiện tâm lý, thái độ, cách đi đứng, di chuyển, trọng lượng hành lý của hành khách bằng mắt thường để kiểm tra, phát hiện đối tượng vận chuyển ma túy, hàng cấm…
Nhận định của cơ quan Hải quan TP Hồ Chí Minh đã hoàn toàn chính xác khi liên tục bắt giữ các đối tượng vận chuyển trái phép chất ma túy gửi theo đường hành lý, hàng hóa. Chỉ tính riêng từ đầu tháng 6/2024 đến nay đã phát hiện 10 vụ vận chuyển trái phép chất ma túy. Các đối tượng đã giấu ma túy vào quần lót, trong ống thép, tạo nồi cơm điện có hai lớp kim loại để nhét ma túy vào giữa, trong động cơ máy móc…
Cụ thể vào ngày 06/6/2024, tại kho hàng xuất TCS, Chi cục phối hợp với các cơ quan liên quan phát hiện 3 thùng carton chứa 3 máy rửa xe, nhãn hiệu ZUKUI, bên trong mỗi máy có một túi nylon được quấn quanh ruột mô tơ. Sau khi tháo 3 lớp ngụy trang gồm băng keo giấy, giấy carbon, nilon thì phát hiện lớp trong cùng có chứa 1.852g chất bột màu trắng (sau giám định xác định là heroin).
Cũng trong tháng 6/2024, qua công tác soi chiếu, công chức Hải quan phát hiện nghi vấn bên trong chiếc nồi cơm điện bằng thép 034 trong kiện hàng quà biếu xuất khẩu đi New Zealand nên đã tiến hành kiểm tra thật kỹ. Qua kiểm tra phát hiện thành nồi kim loại có 2 lớp hàn kín, giữa hai lớp kim loại có chứa chất bột nên công chức hải quan quyết định dùng đến máy khoan, xà beng để phá hai lớp thép, thu giữ trên 3kg chất bột màu trắng (qua giám định xác định là ketamine).
Một thủ đoạn giấu ma túy mới nữa, đó là nhét vào trong ống thép rồi đúc kín hai đầu. Điển hình vào tháng7/2024, qua kiểm tra, công chức Hải quan TP Hồ Chí Minh phát hiện trong lô hàng xuất khẩu đi Australia gồm 1 thùng carton chứa 4 khung tập đi, có bánh xe, mỗi khung tập đi hình thang có 4 ống kim loại kết nối với nhau có nhiều biểu hiện nghi vấn nên đã yêu cầu kiểm tra riêng. Sau khi quyết định cưa 16 ống kim loại, công chức Hải quan phát hiện bên trong 8 thanh kim loại có chứa 80 gói bọc kín bằng túi nilon nặng gần 1,2kg, qua công tác giám định nhanh, xác định là heroin.
Ngoài các thủ đoạn trên, đối tượng còn nhét ma túy vào quần lót hòng qua mặt cơ quan chức năng. Đầu tháng 8/2024, qua công tác trinh sát, các công chức Hải quan phát hiện 3 hành khách quốc tịch Hàn Quốc làm thủ tục xuất cảnh tại cửa dành cho hành khách hạng thương gia có dấu hiệu nghi vấn nên đã tổ chức theo dõi. Các hành khách VIP này đều không có hành lý ký gửi. Hành lý xách tay chỉ có duy nhất một chiếc túi nhỏ đeo vai, nên mọi cử chỉ của họ đều rơi vào tầm ngắm của các công chức hải quan. Tại khu vực kiểm tra an ninh soi chiếu và kiểm tra hải quan đối với hành khách và hành lý xách tay của khách xuất cảnh, công chức Chi cục Hải quan cửa khẩu Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất không phát hiện dấu hiệu bất thường từ những chiếc túi xách tay của 3 vị khách này.
Tiến hành hội ý nhanh, các công chức Hải quan đã quyết định mời các hành khách nêu trên vào phòng kiểm thể để phối hợp với các lực lượng kiểm tra. Kết quả phát hiện 3 hành khách giấu lượng lớn ma túy bên trong quần lót đang mặc trên người. Tổng cộng gồm gần 1,6 kg là ketamin và viên nén MDMA được các đối tượng chia nhỏ, gói trong túi đính vào quần lót. Sau khi tiến hành lập hồ sơ ban đầu, công chức Chi cục Hải quan cửa khẩu Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã bàn giao các đối tượng, toàn bộ tang vật và hồ sơ vụ việc cho Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an TP Hồ Chí Minh tiếp tục thụ lý.