Ngăn chặn người tâm thần, loạn thần gây án

15:20 11/03/2024

Thời gian vừa qua, tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận liên tục xảy ra tình trạng người bị bệnh tâm thần phân liệt, người loạn thần do sử dụng ma túy dùng hung khí gây thương tích nặng cho những người xung quanh, thậm chí là gây thiệt mạng cho người thân trong gia đình. Những hậu quả đáng tiếc này có thể được ngăn chặn từ sớm nếu gia đình có người thân bị bệnh tâm thần, nghiện hút ma túy chủ động đưa đi chữa trị, cai nghiện kịp thời và tuân thủ các liệu pháp điều trị của bác sĩ.

Những câu chuyện buồn

10h15’ ngày 2/3/2024, trực ban hình sự Công an huyện Đức Hòa, tỉnh Long An nhận tin báo của quần chúng nhân dân về việc một người đàn ông dùng dao tấn công hai người thân trong gia đình tại ấp Bình Lợi, xã Hòa Khánh Đông nên đã cử một tổ công tác xuống ngay hiện trường để điều tra. Thời điểm tổ công tác có mặt tại hiện trường thấy Võ Hoàng Thiên Phú (sinh năm 1984) đang ngồi cạnh vũng máu giữa nhà, miệng cứ luyên thuyên nói cười như người điên. Ở góc nhà, chị N.T.B, (sinh năm 1988, vợ Phú) bị nhiều vết thương do vật sắc nhọn gây ra ở vùng cổ, một bàn tay gần như đứt lìa, còn bà H (mẹ nuôi Phú) cũng bị nhiều vết thương nặng trên cơ thể nên tổ công tác nhanh chóng cùng người dân đưa các nạn nhân đến bệnh viện cấp cứu.

Đối tượng bị loạn thần cấp tính do sử dụng ma túy vung dao đe dọa Công an và người dân.

Những người dân xung quanh cho biết, Võ Hoàng Thiên Phú được bà H (ngụ TP Hồ Chí Minh) xin về nuôi từ nhỏ. Khi phát hiện Phú bị bệnh tâm thần, bà H quyết định bán hết nhà cửa dồn tiền đưa đi chạy chữa từ bệnh viện này đến bệnh viện khác với mong muốn đứa con nuôi mau chóng khỏe mạnh để làm chỗ nương tựa lúc tuổi già. Tuy nhiên, bệnh tình của Phú cứ khỏi được một thời gian thì tái phát nên số tiền bán nhà cửa ngày càng vơi dần. Để tiếp tục cuộc sống mưu sinh kiếm tiền chữa trị cho con, năm 2018, bà H buộc phải rời TP Hồ Chí Minh chuyển về ấp Bình Lợi, xã Hòa Khánh Đông, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An mua đất, cất nhà và dành số tiền còn lại cho Phú đến bệnh viện tâm thần ở Đồng Nai điều trị.

Sau khi khỏi bệnh, trở về, Phú được địa phương giúp đỡ xin vào làm công nhân trong khu công nghiệp. Khoảng giữa tháng 2/2024, bệnh lại tái phát nên mẹ và vợ đã xin cho Phú nghỉ việc để đưa đến bệnh viện điều trị. Thấy bệnh của Phú chưa đến nỗi nặng như mọi khi, hơn nữa lại bận chuyện lo cơm, áo, gạo, tiền nên chị B và bà H có phần chủ quan chưa đưa đến bệnh viện ngay. Đến khoảng 10h ngày 2/3/2024, Phú vào nhà bếp cầm con dao lặng lẽ đi đến nơi mẹ nuôi và vợ đang ngồi ở nhà trên rồi bất ngờ vung dao chém loạn xạ. Khi chị B đổ gục xuống nền nhà, Phú tiếp tục ngồi đè lên người vợ và chém liên tiếp vào hai tay, vùng cổ khiến bàn tay chị B. gần như đứt lìa. Hoảng sợ, bà H bỏ chạy thì bị Phú chặn lại chém nhiều nhát vào vai, vùng lưng và đầu, gây thương tích nặng.

Bác sĩ bệnh viện tâm thần thực hiện vận động cho trẻ.

Không chỉ người bị bệnh tâm thần phân liệt, rối loạn hoang tưởng mãn tính gây án, mà những trường hợp loạn thần cấp tính do bị stress và đặc biệt là sử dụng ma túy cũng gây ra những vụ việc hết sức đau lòng, gây hoang mang cho xã hội. Điển hình như vụ một thanh niên “ngáo đá” cầm dao chém trọng thương 6 người ở phường 2 và 3, quận 3, TP Hồ Chí Minh mà mỗi khi nhắc lại, nhiều người dân ở đây vẫn còn thấy rùng mình, ớn lạnh. Cụ thể, 9h20’ sáng ngày 16/10/2023, một nam thanh niên cởi trần bất ngờ chạy đến cướp con dao của người bán dừa dạo trên đường Nguyễn Thiện Thuật, phường 2, quận 3, TP Hồ Chí Minh rồi lao nhanh vào một quán cà phê gần đó, vừa la hét, vừa vung chém loạn xạ khiến khoảng hơn hai chục khách phải dùng bàn, ghế chống đỡ nhằm bảo vệ tính mạng.

Thấy mọi người trong quán đã chạy hết, nam thanh niên này tiếp tục lao ra đường tấn công một người đi bộ rồi tiếp tục chạy vào khu vực chợ Bàn Cờ, phường 3, quận 3 đâm chém khiến 5 người khác bị thương tích nặng, phải đưa vào bệnh viện cấp cứu. Ngay sau khi nhận tin báo của người dân, Công an quận 3 và các phường có liên quan đã nhanh chóng xuống hiện trường tìm cách khống chế, ngăn chặn không cho đối tượng tiếp tục tấn công người khác và vận động bỏ hung khí. Tuy nhiên, sau thời gian dài liên tục chửi bới, đe dọa những người thi hành công vụ và người dân xung quanh, đối tượng đã dùng dao tự sát.

Theo điều tra ban đầu, đối tượng là Danh Giàu (sinh năm 2000, người dân tộc Khmer, quê ở tỉnh Hậu Giang) làm việc cùng anh trai tại cơ sở sản xuất nước đá ở đường số 75, phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức. Sáng ngày 16/10/2023, anh em Giàu được chủ cơ sở giao nhiệm vụ chở đá đi giao cho các quán tại khu vực chợ Bàn Cờ, quận 3. Trong lúc người anh đang vác đá thì phát hiện em trai mình có biểu hiện lên cơn “ngáo đá”, vừa la hét, chửi bới lung tung, vừa tự cởi quần áo nên đã vội chạy đến định ôm lại nhưng không kịp và đối tượng đã chộp lấy con dao của người bán dừa rồi gây ra vụ án trên.

Cần điều trị kịp thời và chăm sóc chu đáo

Bác sĩ Chuyên khoa II Trần Duy Tâm - Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Tâm Thần TP Hồ Chí Minh cho biết, tình trạng rối loạn tâm thần hiện nay khá phổ biến, ngoài những người có tiền sử bệnh lý thì nó có thể xảy ra đối với bất kỳ ai. Người bị bệnh sẽ gây triệu chứng suy giảm chức năng xã hội, mất kiểm soát hành vi, có thể dẫn đến tự sát, kéo theo nhiều người khác cùng tự sát với mình, tấn công người khác... Đặc biệt, những người thân trong gia đình, những người cùng làm việc hoặc những người thường gần gũi khác phải quan tâm đến những loại có nguy cơ cao là loạn thần nội sinh, loạn thần cấp tính, loạn thần do bị dồn ép vào trạng thái mất quân bình tâm lý và trầm cảm để nhận biết và có biện pháp điều trị kịp thời, nhằm tránh những hệ quả không tốt do người bệnh gây ra.

Người tâm thần cần được thăm khám, điều trị kịp thời và dùng thuốc đúng theo chỉ định.

Loạn thần nội sinh là loại bệnh tâm thần phân liệt, rối loạn hoang tưởng mãn tính. Mặc dù trong đầu thường xuất hiện những ý tưởng không thực tế khách quan, nhưng người bệnh vẫn tin vào nó. Các chi tiết của người bệnh khi xuất hiện ảo giác thường đứng ngồi không yên, lăng xăng tìm cái gì đó, có những cử chỉ, lời nói bất thường, kỳ cục hoặc đe dọa những người thân, người xung quanh, xé quần áo, đập phá đồ đạc, đứng trước nhà hàng xóm chửi bới, cho rằng hàng xóm hay theo dõi, đổ thuốc độc vào thức ăn, dùng hung khí rình rập truy sát, ngày ngủ li bì, đêm thức.

Loạn thần cấp tính do stress hoặc sử dụng chất hướng thần (thường xuất hiện trong lúc các loại ma túy, đặc biệt là ma túy đá còn tác động trên não) chi phối hành vi của người bệnh theo hướng bạo lực và thường hay tấn công người khác. Ngoài ra, một trạng thái khác của loạn thần cấp tính là đối tượng bị dồn ép đưa vào trạng thái mất quân bình tâm lý, mất bình tĩnh khi bị kích động. Người bệnh loạn thần cấp thường xuất hiện trạng thái kích động, dẫn đến phản ứng bột phát, đáp trả không tương xứng bằng cách tước đoạt mạng sống người khác, mặc dù trước nay không có tiền sử bệnh tâm thần.

Loạn thần trầm cảm thường xuất hiện sau khi người ta bị những sang chấn tâm lý do nhiều hoàn cảnh khác nhau như tan vỡ tình cảm yêu đương, gia đình, thất bại trong làm ăn, áp lực công việc... Người bị trầm cảm thường tỏ ra chán nản đến cùng cực, nghĩ cuộc đời này không đáng sống nên muốn tự giải thoát cho mình bằng cái chết thông qua các hành động tự sát... Nguy hiểm hơn, có trường hợp còn xuất hiện tâm lý rằng cuộc đời này đã không đáng sống với mình thì cũng như thế đối với tất cả những người khác trong gia đình nên muốn tất cả cùng chết.

Rối loạn nhân cách (loạn thần nhân cách phi xã hội) là người bệnh thường có những biểu hiện xem thường, không tôn trọng luật lệ, đi ngược với luân lý xã hội, xem thường sức khỏe người khác, có lối sống dị biệt, rất khó hòa đồng với mọi người. Dạng bệnh này, chỉ vì một chuyện hết sức nhỏ nhặt, không đáng có nhưng vẫn có thể ra tay sát hại người khác.

Từ những phân tích ở trên cho thấy, người bệnh tâm thần phân liệt mất năng lực hành vi nên khi bị người nhà hoặc những người xung quanh có hành động gây chút căng thẳng như la mắng, trách móc hoặc chỉ cần gắt gỏng một chút sẽ châm ngòi đẩy người bệnh vào trạng thái bị kích động, dẫn đến những hành vi không thể lường trước được. Trường hợp bệnh này thường được điều trị bằng thuốc và người thân cũng được các bác sĩ tư vấn, hướng dẫn chăm sóc chu đáo nên rất dễ phát hiện mầm mống của hành vi cực đoan nơi người bệnh và có thể né tránh được. Vì vậy, người chăm sóc, người thân hoặc những người xung quanh phải luôn để ý đến người bệnh bởi chỉ cần đôi chút lơ là, thiếu kiên nhẫn là có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

Các cơ sở khám, chữa bệnh lớn luôn đủ điều kiện chăm sóc người tâm thần, loạn thần.

Đối với trường hợp phát hiện con em hoặc người thân của mình nghiện hút ma túy thì cần kiên trì vận động cai nghiện tại chỗ hoặc nếu không được thì phối hợp với chính quyền địa phương kiên quyết đưa đi cai nghiện tập trung. Trong trường hợp phát hiện người nghiện có biểu hiện hoang tưởng, hay la hét, chửi bới lung tung thì phải đưa ngay vào bệnh viện để điều trị.

Ngoài ra, những người thân trong gia đình, bạn bè, đồng nghiệp nếu phát hiện một người nào đó đột nhiên có biểu hiện lầm lũi một mình, né tránh tiếp xúc với người khác, phong cách đi xuống đột ngột, bỏ bê bản thân cũng như công việc thì động viên tư tưởng, hướng dẫn hoặc trực tiếp đưa họ đến cơ sở y tế để nhận được sự tham vấn bổ ích và điều trị kịp thời. Người bệnh cần phải được cho uống thuốc đều đặn theo toa của bác sĩ, không nên tự ý ngưng hoặc cắt giảm thuốc điều trị vì như vậy sẽ dẫn đến tình trạng mất cân bằng. Đặc biệt, người thân, người xung quanh không nên có cử chỉ thiếu thân thiện, mà phải đồng cảm, nhẹ nhàng với người bệnh, nhưng phải hướng dẫn cho họ tự hiểu về các hành vi, hành động chứ không nên bao bọc thái quá vì nó sẽ tạo ra nếp sống không theo nề nếp, dẫn đến việc người bệnh trở nên cực đoan, có thể xuất hiện hành vi tiêu cực chỉ vì những chuyện nhỏ nhặt...

Đức Cương

Diễn đàn “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói” được tổ chức ngày 24/11 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm tuyên truyền, phổ biến, giải đáp, cung cấp thông tin để đẩy mạnh thi hành Luật Đất đai 2024, nhất là đối với những vấn đề liên quan đến đất đai trong nông nghiệp, nông thôn.

Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Lào Cai ngày 21/11 cho biết vừa hoàn thành bản kết luận điều tra vụ án lừa đảo môi giới hôn nhân với người nước ngoài… Đây chỉ là một trong những vụ án được Công an tỉnh Lào Cai điều tra, phát hiện trong thời gian qua. Theo Công an tỉnh Lào Cai, từ khi Chính phủ áp dụng chính sách cấp visa điện tử (Evisa) cho người nước ngoài, số người Trung Quốc dùng thị thực Evisa nhập cảnh Việt Nam tăng lên. Một số đã khai mục đích du lịch hoặc làm việc để sang Việt Nam tìm vợ… Từ các vụ án được phát hiện đã gióng lên hồi chuông cảnh báo.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文