Kia
Mobifone

Nhật Bản: Vấn đề an ninh sau vụ Thủ tướng bị tấn công

Thứ Sáu, 21/04/2023, 09:17

Vụ Thủ tướng Fumio Kishida bị một thanh niên tấn công bằng bom khói vào hôm 15/4 vừa qua đã tạo nên một ấn tượng không tốt về an ninh cho các lãnh đạo chính trị, và đây đang là vấn đề lớn cần quan tâm chấn chỉnh ngay trước thềm các hội nghị nhóm G7 tại Nhật Bản.

Từ vụ ám sát cựu Thủ tướng Shinzo Abe

Liên tiếp trong vòng chưa đầy 1 năm, đất nước Nhật Bản chứng kiến 2 vụ Thủ tướng bị một đối tượng thù ghét tấn công. Vụ tấn công vào tháng 7/2022 khiến cựu Thủ tướng Shinzo Abe bị thương nặng khi ông đang nói chuyện trước công chúng để vận động tranh cử cho các ứng cử viên đảng mình ở thành phố Nara, miền Tây Nhật Bản. Ông Abe đã qua đời sau khi được đưa đến bệnh viện.

Nhật Bản: Vấn đề an ninh sau vụ Thủ tướng bị tấn công -0
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida.

Ông Abe bị một người đàn ông tên là Tetsuya Yamagami dùng súng tự chế bắn ở cự ly gần (10 mét). Kẻ thủ ác đã bị cảnh sát khống chế ngay khi y tìm cách trốn khỏi hiện trường. Qua khám xét nhà riêng của hung thủ, cảnh sát còn thu được nhiều thiết bị súng tự chế. Cảnh sát cho biết y là cư dân Nara, đã làm việc tại Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản trong ba năm nhưng hiện đang thất nghiệp. Họ đang điều tra xem liệu anh ta có hành động một mình hay không.

Cảnh sát cho biết nghi phạm có ác cảm với tổ chức Nhà thờ Thống nhất (còn gọi là giáo phái Moonies). Lý do thù hận của y là việc Moonies từng khiến cho gia đình của y phá sản do mẹ y đổ tiền vào tổ chức này quá nhiều. Y cho rằng do ông Abe có quan hệ với tổ chức này, nhiều lần đến dự sự kiện và công khai ủng hộ Moonies nên y có mối hận thù đối với ông.

Nhật Bản sau chiến tranh tự hào về nền dân chủ có trật tự và cởi mở. Các chính trị gia cấp cao của Nhật Bản được hộ tống bởi các nhân viên an ninh có vũ trang nhưng thường đến gần công chúng, đặc biệt là trong các chiến dịch vận động tranh cử và họ thường hay phát biểu bên lề đường và bắt tay với người qua đường. Cách tiếp cận công chúng này là một lỗ hổng an ninh lớn khiến cho các chính trị gia Nhật Bản rất dễ bị tiếp cận bởi các đối tượng xấu.

Nhật Bản: Vấn đề an ninh sau vụ Thủ tướng bị tấn công -0
Cảnh sát khống chế hung thủ tại hiện trường.

Vào ngày 17/4/2007, trong khi vận động tái tranh cử cho nhiệm kỳ thứ tư, thị trưởng Nagasaki Iccho Itoh đã bị Tetsuya Shiroo, một thành viên băng đảng Yakuza bắn hai phát đạn vào lưng ở cự ly gần khi ông vừa bước ra khỏi ôtô trước văn phòng vận động tranh cử của mình bên ngoài ga tàu điện Nagasaki. Itoh được đưa đến Bệnh viện Đại học Nagasaki trong tình trạng tim phổi ngừng đập và trải qua 4 giờ phẫu thuật khẩn cấp, nhưng ông đã qua đời vào sáng sớm hôm sau do mất nhiều máu. Cái chết của ông Itoh đã kích hoạt một cuộc bầu cử thị trưởng mới được tổ chức vào ngày 22/4/2007. Con rể của ông Itoh là Makoto Yokoo và một quan chức thành phố, Tomihisa Taue, đã nộp đơn ứng cử tại cuộc bầu cử. Taue được bầu làm người kế vị ông Itoh.

Cảnh sát đã bắt giữ hung thủ Shiroo vì tình nghi giết người sau khi hắn ta bị đoàn tùy tùng của ông Itoh và những người qua đường khống chế sau vụ nổ súng. Shiroo là thủ lĩnh của Suishin-kai, một nhóm Yakuza có trụ sở tại Nagasaki liên kết với Yamaguchi-gumi, tổ chức Yakuza lớn nhất ở Nhật Bản. Shiroo đã bắn ông Itoh bằng loại súng Smith & Wesson Model 36, được tìm thấy cùng với 20 viên đạn khi bị bắt. Một số giả thuyết tồn tại về động cơ bắn ông Itoh của Shiroo, với giả thuyết chính là mối hận thù cá nhân với ông Itoh và chính quyền thành phố vì một sự cố vào năm 2003.

Trong một vụ ám sát khác, người đứng đầu Đảng Xã hội Nhật Bản đã bị ám sát khi ông đang phát biểu trước công chúng vào năm 1960 bởi một thanh niên cánh hữu bằng một thanh kiếm ngắn samurai. Ngoài ra, còn có một số chính trị gia nổi tiếng khác đã bị tấn công nhưng không bị thương. Vụ ám sát xảy ra vào ngày 12/10/1960, Chủ tịch Đảng Xã hội Nhật Bản Inejiro Asanuma bị ám sát tại Hội trường Công cộng Hibiya ở Tokyo. Trong một cuộc tranh luận trên truyền hình, một thanh niên 17 tuổi tên Otoya Yamaguchi theo chủ nghĩa dân tộc cực hữu đã lao lên sân khấu và đâm chết ông Asanuma bằng kiếm wakizashi, một loại kiếm ngắn truyền thống các samurai thường sử dụng. Hung thủ Yamaguchi đã tự sát khi bị giam giữ.

Vụ ám sát đã làm suy yếu Đảng Xã hội Nhật Bản, đã truyền cảm hứng cho một loạt tội ác bắt chước và biến Yamaguchi trở thành một “thần tượng” trong thời gian dài và sau đó là một người tử vì đạo của Đảng Đại Nhật Bản Yêu nước và các nhóm cực hữu khác của Nhật Bản.

Nhật Bản: Vấn đề an ninh sau vụ Thủ tướng bị tấn công -0
Hung thủ ám sát cựu Thủ tướng Shinzo Abe bị khống chế.

Đến vụ Thủ tướng Kishida bị tấn công

Trong vụ tấn công mới nhất, Thủ tướng Kishida đang đi vận động tranh cử tại khu cảng cá Saikazaki ở thành phố Wakayama thuộc tỉnh Wakayama, Đông Nam Nhật Bản. Một thanh niên 24 tuổi, được xác định tên là Ryuji Kimura, đã ném một thiết bị nổ hình ống màu bạc - được gọi là bom khói - về phía Thủ tướng Kishida khi ông đang phát biểu trước đám đông ngư dân địa phương. Các cận vệ đã kịp đá quả bom ra xa, đồng thời các ngư dân địa phương đã xông vào khống chế kẻ ném bom, trước khi quả bom phát nổ tỏa khói bay mù mịt.

Vụ tấn công không ảnh hưởng trực tiếp đến Thủ tướng Kishida, nhưng làm một cận vệ bị thương nhẹ và Thủ tướng Kishida phải bỏ ngang bài phát biểu của mình. Cảnh sát cho biết ngoài quả bom phát nổ, trên người hung thủ còn mang theo một quả bom nữa và một con dao. Khám xét nhà ở của hung thủ, cảnh sát thu giữ máy tính, điện thoại và hơn 10 thùng các tông được cho là chứa các vật liệu chế tạo bom. Cảnh sát cho biết, với hành vi tấn công này, hung thủ Kimura bị buộc tội “dùng bạo lực cản trở công vụ” và có thể bị phạt tù đến 3 năm và phạt tiền 500.000 yên (3.735 USD).

Vụ tấn công đã gây chấn động trên cả nước Nhật Bản, làm người ta nhớ lại vụ ám sát cựu Thủ tướng Abe cách đây chưa lâu (9 tháng). Cái chết của ông Abe đã gây kinh hoàng cho đất nước Nhật Bản hiếm khi xảy ra bạo lực chính trị và súng đạn. Nước Nhật đang vào đợt vận động tranh cử cho cuộc bầu cử địa phương trên toàn quốc. Vụ việc tấn công như vừa rồi đang tạo nên một sự bất an trong tâm lý nhiều người về vấn đề bảo đảm an ninh cho các chính trị gia, nhất là các nhà lãnh đạo của các đảng phái cũng như chính phủ, nghị viện.

Ông Kishida an toàn, không bị ảnh hưởng gì trong vụ tấn công, nhưng chính ông cũng phải hủy bỏ giữa chừng chuyến vận động tranh cử. Đó là sự tác động không tốt đối với hoạt động chính trị ở đất nước Nhật Bản. Trong phát biểu của mình trên truyền hình sau vụ tấn công, Thủ tướng Kishida đã tuyên bố những vụ tấn công bạo lực nhắm vào các chính khách như vừa xảy ra không thể tha thứ và “chúng không được phép làm gián đoạn tiến trình dân chủ” - tức cuộc bầu cử chính quyền địa phương đang diễn ra ở Nhật Bản. Ngay sau vụ tấn công, ông Kishida đã di chuyển đến ga xe lửa Wakayama để tiếp tục chuyến vận động tranh cử của mình. Sau đó, ông còn đi đến tỉnh Chiba và tỉnh Oita để vận động cử tri.

Nhật Bản: Vấn đề an ninh sau vụ Thủ tướng bị tấn công -0
Cảnh trực tiếp trên truyền hình vụ Chủ tịch Đảng Xã hội Nhật Bản Inejiro Asanuma bị Otoya Yamaguchi đâm chết.

Việc bảo đảm an ninh cho các lãnh đạo chính trị đang là vấn đề đáng báo động của lực lượng an ninh Nhật Bản. Các ngư dân ở địa phương tham gia khống chế hung thủ cho rằng công tác an ninh quá lỏng lẻo và chính phủ Nhật Bản cần xem lại công tác này. Họ cho rằng không khó để phát hiện sớm hung thủ trà trộn vào đám đông nếu lực lượng an ninh được triển khai tại khu vực để bảo vệ an toàn cho Thủ tướng Kishida. Đám đông người địa phương đều có cách ăn mặc giống nhau, trong khi hung thủ Kimura đến từ thành phố Kawanishi ở tỉnh Hyogo, phía Tây Nhật Bản, cách đó vài trăm kilômét, cách ăn mặc và mang theo ba lô là kiểu trang phục khác lạ, rất dễ nhận ra.

Vấn đề không chỉ là an ninh cho các chính khách Nhật Bản. Nước Nhật đang chuẩn bị tổ chức các cuộc họp, hội nghị ở các cấp độ khác nhau của nhóm G7. Hội nghị các Bộ Trưởng Ngoại giao G7 đã bắt đầu hôm 16/4 tại thị trấn Karuizawa, tỉnh Nagano, miền Trung Nhật Bản, với sự hiện diện của Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken. Các hội nghị trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao G7 sẽ diễn ra liên tục, kéo dài từ nay cho đến ngày Hội nghị cấp cao G7 diễn ra từ ngày 19-5 đến 21-5 tại thành phố Hiroshima.

Vấn đề được đặt ra là công tác bảo đảm an toàn, an ninh cho các lãnh đạo tham dự hội nghị sẽ được triển khai như thế nào, liệu những khiếm khuyết trong công tác đảm bảo an ninh như vừa qua có được khắc phục kịp thời hay không?

Để trấn an dư luận, Thủ tướng Kishida hôm 16/4 đã tuyên bố quyết tâm bảo đảm an ninh tuyệt đối cho Hội nghị cấp cao G7. “Nhật Bản nói chung phải cố gắng cung cấp an ninh tối đa trong thời gian diễn ra hội nghị thượng đỉnh ở Hiroshima vào tháng 5 tới đây và các cuộc hội họp khác của các quan chức từ khắp nơi trên thế giới” - ông Kishida cho biết.

Cùng quan điểm với ông Kishida, Chánh Văn phòng Nội các Hirokazu Matsuno cũng tuyên bố lực lượng cảnh sát quốc gia Nhật Bản sẽ được tăng cường tối đa để đảm bảo an ninh trong thời gian diễn ra Hội nghị cấp cao G7. Ông này nói thêm rằng chính phủ sẽ làm mọi thứ cần thiết để đảm bảo an toàn cho các nhà lãnh đạo và phái đoàn nước ngoài đến thăm Hiroshima vào tháng tới.

An Châu (Tổng hợp)