Nhiều người “sập bẫy” chiêu trò giả danh nhân viên bảo hiểm xã hội

12:25 07/08/2024

Mặc dù cơ quan chức năng liên tục cảnh báo tới người dân trước tình trạng mạo danh nhân viên Bảo hiểm Xã hội (BHXH) để lừa đảo nhưng nhiều người vẫn “sập bẫy”.

Các đối tượng gọi điện, nhắn tin cho người tham gia BHXH, Bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) yêu cầu đồng bộ dữ liệu CCCD, cập nhật thông tin trên ứng dụng VssID - BHXH số và một số dịch vụ khác như cấp lại sổ, cấp lại tờ rời bị sai lệch, cần cấp lại mật khẩu, thay đổi thông tin, sau đó thu phí, lừa đảo.

Những nạn nhân

Trường hợp của Bà N.T.Đ (Cầu Giấy, Hà Nội) mới đây cũng khiến nhiều người hoang mang. Khoảng tháng 5/2024, bà Đ được một người thông báo, bà là một trong số ít người may mắn nhận được phần quà 20 triệu đồng tiền mặt do đã tham gia bảo hiểm y tế lâu năm. Tuy nhiên, muốn nhận được phần quà trên bà Đ phải trả một khoản chi phí giá trị 1,1 triệu đồng và sẽ được tặng thêm 2 hộp sữa trị giá 900.000 đồng.

Trang web giả mạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam để lừa đảo.

“Người này cho biết, chỉ cần tôi thanh toán số tiền 1,1 triệu đồng cho người giao hàng, tôi sẽ nhận được 2 hộp sữa trên và không phải trả thêm bất kỳ chi phí nào khác. Còn số tiền thưởng may mắn, giám đốc và kế toán của Kho bạc Nhà nước quận Cầu Giấy sẽ đến tận nhà để trao tặng”, bà Đ kể lại.

Khi nói chuyện với đối tượng lạ, bà Đ đã ngỏ ý muốn gặp người này ở trụ sở của Kho bạc Nhà nước quận Cầu Giấy nhưng bị khước từ với lý do “đang nghỉ phép”.  Bà Đ cho biết: “Tôi hỏi thêm thông tin của người này thì họ quanh co và chỉ nói rằng làm việc tại bảo hiểm của Kho bạc Nhà nước quận Cầu Giấy. Tôi đã đến trực tiếp kho bạc hỏi thì được biết thông tin trên hoàn toàn không chính xác”.

Tượng tự, chị Hoàng Thị T (quận Ba Đình, Hà Nội) cũng nhận được cuộc gọi từ số điện thoại tự xưng là cơ quan Bảo hiểm xã hội quận Ba Đình hỗ trợ kiểm tra hồ sơ trợ cấp thất nghiệp trực tuyến. Đối tượng này yêu cầu chị T sử dụng điện thoại Samsung để thực hiện cài đặt phần mềm hỗ trợ xử lý từ xa.  Do giao diện của phần mềm giống với giao diện chị đã cài đặt trên điện thoại iPhone nên chị hoàn toàn tin tưởng và thực hiện các thao tác. Sau đó, chị T kiểm tra thì phát hiện tài khoản ngân hàng bị rút hết tiền nên đã đến cơ quan công an trình báo. Tổng số tiền bị chiếm đoạt là gần 1 tỷ đồng.

“Tôi là người có trình độ về công nghệ thông tin, đã thực hiện bảo mật các thông tin về tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên, khi nghe điện thoại của đối tượng, thấy được phục vụ nhiệt tình, chu đáo nên đã chủ quan và sập bẫy”, chị T bức xúc.

Qua tìm hiểu, các đối tượng sử dụng rất nhiều chiêu trò khác nhau, khi thì hỗ trợ tư vấn nhiệt tình, lúc lại sử dụng những lời đao to búa lớn, liên quan đến pháp luật nhằm hù dọa, lừa đảo người dân. Như bà Phạm Thị Minh (phường Quang Trung, quận Đống Đa) cũng bị một phen lo lắng. Vào tháng 6/2024, bà Minh nhận được cuộc điện thoại số lạ cho biết bà đã khám chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế nhưng chưa thanh toán tiền khám bệnh. Chí vì thế sự việc này có dấu hiệu lừa đảo nên cần phải làm theo hướng dẫn, nếu không sẽ bị truy tố trước pháp luật.

“Tôi nằm viện điều trị dài ngày, nhưng không nợ tiền khám chữa bệnh, nên đã hỏi ngược lại đối tượng các thông tin cá nhân như nằm phòng nào, điều trị bệnh gì…nhưng các câu trả lời của họ không chính xác, tôi đã dọa lại, bảo sẽ báo công an, thì đối tượng tắt máy ngay sau đó”, bà Minh chia sẻ.

Các đối tượng không chỉ gọi điện để lừa đảo mà còn lập ra các hội nhóm để câu dẫn người dân tham gia. Hiện nay trên mạng xã hội xuất hiện rất nhiều các hội nhóm hỗ trợ dịch vụ BHXH. Chỉ cần lên mạng xã hội gõ từ khóa “dịch vụ BHXH” là có hàng trăm hội nhóm, trang Facebook cá nhân nhận hỗ trợ các dịch vụ liên quan. Như nhóm “Dịch vụ bảo hiểm xã hội”, “Hỗ trợ tất cả các vấn đề về BHXH, giải đáp thắc mắc, thanh lý BHXH Miền Nam”, “Dịch vụ BHXH”, “Hỗ trợ - dịch vụ BHXH - BHTN”… hoạt động công khai, thu hút rất nhiều thành viên tham gia.

Để tìm hiểu thực hư, chúng tôi có vào Fanpage có tên “Dịch vụ hỗ trợ BHXH- BHYT”. Nhóm này hoạt động khá sôi nổi, liên tục là các trạng thái quảng cáo hỗ trợ dịch vụ BHYT được đăng tải. Tài khoản có tên “Trực BHXH” quảng cáo: “Tin cực vui cho mọi người, bên em hỗ trợ lấy nhanh BHXH trước hạn, ngừng tham gia 8 tháng là được, không đợi 1 năm. Chuyên xử lý BHXH không lĩnh được do trùng, sai quy định, chưa chốt, mất sổ, chưa nộp, sai năm, thiếu tờ rời…”.

Hay tài khoản “Tiên Thuý” cũng dẫn dụ, mời chào khá hấp dẫn: “Dịch vụ BHXH bên em: Giảm trùng quá trình, lĩnh sai quy định, chốt sổ nghỉ ngang, công ty nợ, gộp sổ, cấp lại sổ, thanh toán BHXH một lần, xử lý hồ sơ thai sản, đóng nhờ công ty…Nếu anh chị nào có nhu cầu gọi cho em, nhận kết quả mới thanh toán”.

Khi phóng viên gọi điện cho tài khoản “Tiên Thúy” thì được hỗ trợ khá nhiệt tình, đảm bảo làm chuẩn và đúng thời gian. Chúng tôi hỏi sao có thể đảm bảo được, thì người này cho biết họ là nhân viên của BHXH Việt Nam.

Trước tình trạng này, BHXH Việt Nam cho biết, hiện nay tình trạng lừa đảo, giả danh nhân viên BHXH trên mạng xã hội đang xuất hiện rất nhiều, cơ quan này đã nhận được nhiều phản ánh của người dân khi bị lừa đảo. Mới đây, một người dân tại huyện Cần Giờ (TP. Hồ Chí Minh) đã phản ánh một tình huống lừa đảo sau khi truy cập vào trang Bảo hiểm Việt Nam từ ứng dụng Facebook với dòng giới thiệu "Cung cấp dịch vụ giải ngân trước hạn. 1. Làm lại sổ BHXH - 2. Hỗ trợ giải ngân hồ sơ quá hạn".

Thông báo trợ cấp bảo hiểm y tế giả mà các đối tượng gửi cho người dân.

Nạn nhân tên T. cho biết do nghe nói đóng bảo hiểm xã hội thì khi sinh đẻ sẽ được nhận tiền trợ cấp thai sản nhưng lại không biết quy định là phải đóng đủ 6 tháng trong vòng 12 tháng trước khi sinh, nên mặc dù đã nghỉ việc hơn một năm sau đó mới có bầu, sinh con, chị T. vẫn đinh ninh rằng mình còn khoản tiền trợ cấp thai sản đã quá thời hạn mà chưa rút.

Chị T quyết định liên hệ với người đăng tải trên Facebook, người này nhận mình là chuyên gia BHXH của huyện Cần Giờ và muốn chị kết bạn qua Zalo. Chị T. đã chủ động kết bạn với tài khoản Zalo tên "Lương Uyên". Người này tự giới thiệu mình là "chuyên viên của Bảo hiểm xã hội Việt Nam". Sau cuộc nói chuyện, và lấy được niềm tin, người này yêu cầu chị T cung cấp thông tin cá nhân, chụp ảnh căn cước công dân và tài khoản ngân hàng để chuyển tiền giải quyết chế độ thai sản cho chị T. là 17.706.000 đồng nhưng nói rằng số tiền không được chi trả một lần mà theo quy định là phải chia thành 5 lần.

Mỗi lần giải ngân chị T. phải chuyển khoản cho chuyên viên giả này 820.000 đồng được gọi là phí giải quyết hồ sơ vào số tài khoản mà chuyên viên này cung cấp. Số tiền này được chia nhỏ nhằm tạo hiệu ứng tâm lý chi phí rẻ hơn, đồng thời thăm dò "con mồi". Để tạo niềm tin, chuyên viên giả mạo còn dùng thông tin cá nhân của chị T lập một danh sách chi tiền cho chị T có con dấu đỏ, chụp ảnh gửi qua khiến chị hoàn toàn bị thuyết phục và quyết định chuyển tiền.  Sau khi chuyển “lệ phí” cho lần giải ngân thứ nhất, khoảng 10 phút sau chị T. nhận được tin nhắn yêu cầu kiểm tra lại thông tin cá nhân của mình để "chuyên viên" đó chuyển tiền giải ngân vào tài khoản cho chị.  Tuy nhiên, sau đó “chuyên viên” này yêu cầu chị T chuyển thêm tiền vào tài khoản trước đó 4 lần số tiền 820.000 để nhận toàn bộ số tiền ngay trong ngày.

Thấy khả nghi, chị T đã tìm đến BHXH Cần Giờ thì mới biết mình bị lừa, các đối tượng cũng xóa tài khoản trên các nền tảng mạng xã hội.

Tuyệt đối không giao dịch qua điện thoại

Trước những phản ánh của người dân về tình trạng lừa đảo, BHXH Việt Nam đã lên tiếng cảnh báo. Theo BHXH Việt Nam, hiện tại các tỉnh, thành phố không có chủ trương điện thoại hay nhắn tin yêu cầu người dân cập nhật thông tin trên ứng dụng VSSID - Bảo hiểm xã hội số. Người dân cần tăng cường cập nhật thông tin về pháp luật, chính sách BHXH, BHTN, BHYT, thường xuyên theo dõi các thông báo của cơ quan chức năng về phương thức thủ đoạn phạm tội, lừa đảo trên các phương tiện, thông tin đại chúng, nghiên cứu, kiểm tra kỹ trước khi thực hiện các giao dịch trên môi trường mạng.

Người dân không nên giao dịch qua điện thoại với bất cứ cá nhân nào liên quan đến Bảo hiểm xã hội để tránh bị lừa.

Cụ thể, gần đây xuất hiện một số trang web, Zalo, Facebook, số điện thoại… mạo danh cơ quan, công chức, viên chức BHXH với mục đích mời người dân giải quyết các thủ tục về BHXH nhanh, sau đó thu phí của người lao động và không giải quyết, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ giải quyết thủ tục chính sách BHXH, BHTN, BHYT. Thủ đoạn của các đối tượng là dùng địa chỉ thật của BHXH, giấy tờ có dấu đỏ nhưng tên giả mạo lãnh đạo BHXH Việt Nam. Nhiều người lao động đã chuyển tiền cho các đối tượng sau đó chúng khóa tài khoản, xoá dấu vết.

Đại diện Phòng Truyền thông và Phát triển đối tượng (BHXH Hà Nội) cho biết, gần đây BHXH Hà Nội nhận được nhiều phản ánh của người dân về việc nhận được các cuộc điện thoại của người lạ có các đầu số 0555..., 0835... tự xưng là người của cơ quan BHXH cho biết người dân đang thiếu thông tin trên phần mềm VssID cần phải chỉnh sửa lại. Tại các quận, huyện cũng xuất hiện thủ đoạn mạo danh cán bộ BHXH yêu cầu người dân cung cấp mã số định danh, thông tin cá nhân để đồng bộ dữ liệu căn cước công dân, cập nhật thông tin trên VSSID. Sau đó thu tiền của người dân việc cung cấp dịch vụ nêu trên là trái pháp luật.

“Người dân không phải mất bất cứ khoản phí nào khi thực hiện các thao tác đề nghị cấp lại mật khẩu, thay đổi thông tin tài khoản VSSID - BHXH số hoặc đề nghị cấp lại sổ BHXH, tờ rời sổ BHXH, cấp lại thẻ BHYT...”, vị này khuyến cáo.

Trên thực tế, khi các cán bộ làm thẻ bảo hiểm y tế cho người dân đã đồng bộ dữ liệu căn cước cho công dân nên không thể có chuyện sai lệch thông tin. Do đó, người dân không nên tin bất kỳ thông tin nào qua điện thoại của người tự xưng là người của BHXH, không cung cấp thông tin cá nhân cho đối tượng và tuyệt đối không làm theo hướng dẫn của các đối tượng là mở link hay chuyển tiền làm dịch vụ.

“Mặc dù chúng tôi đã nhiều lần đưa ra cảnh báo về tình trạng mạo danh người của cơ quan BHXH nhằm lợi dụng, lừa đảo người dân có nhu cầu giải quyết chế độ BHXH, BHYT. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn tiếp tục tái diễn ở một số địa phương với các hình thức khác nhau. Gần đây nhất, là cảnh báo của BHXH Việt Nam về trường hợp người tham gia BHXH, BHYT bị đối tượng lừa đảo việc được nhận món quà có giá trị lớn của cơ quan BHXH, nhưng phải thanh toán một khoản lệ phí bằng tiền”, đại diện BHXH Việt Nam cho biết.

Khi gặp trục trặc về chính sách BHXH, BHYT người dân cần liên hệ trực tiếp tới cơ quan BHXH địa phương gần nhất, tra cứu thông tin ở những kênh chính thống của BHXH Việt Nam hoặc gọi điện tới tổng đài CSKH của BHXH Việt Nam 1900.9068 để được hướng dẫn, để tránh bị lừa tuyệt đối không giao dịch qua điện thoại với bất cứ cá nhân nào dưới mọi hình thức.

Phong Anh

Càng về dịp cuối năm tình trạng sản xuất, buôn bán, tàng trữ pháo nổ càng gia tăng. Trên địa bàn TP Hải Phòng, đi kèm với tình trạng trên là hàng loạt những vụ nổ gây hậu quả đáng tiếc, thậm chí là thảm khốc…

Hội nghị Thượng đỉnh G20, diễn ra từ ngày 18-19/11 tại Rio de Janeiro, Brazil, đã khép lại với một bản tuyên bố chung chứa đựng nhiều cam kết quan trọng. Tuy nhiên, câu hỏi lớn nhất vẫn là liệu những cam kết này có được hiện thực hóa hay không.

Thực phẩm chức năng giả, hoặc hàng xách tay, nhập lậu, không rõ nguồn gốc xâm nhập thị trường, được quảng cáo trên mạng xã hội như “thần dược”, sai sự thật khiến người tiêu dùng bị đánh lừa. Nắm bắt nhu cầu thị trường, nhiều đối tượng còn sản xuất thực phẩm chức năng giả, đánh vào tâm lý muốn giảm cân nhanh chóng của khách hàng nên đã cho chất cấm vào thực phẩm chức năng.

Thời gian gần đây, không ít đối tượng mang nhiều tiền án ở ngoại tỉnh đã dạt về Cố đô Huế để… “kiếm ăn”. Tuy nhiên, do bám sát địa bàn nên ngay sau khi tiếp nhận tin báo tội phạm, Đội Cảnh sát hình sự (CSHS) Công an TP Huế (Thừa Thiên Huế) đã kịp thời triệt phá, bắt giữ “nóng” nhiều ổ nhóm tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trộm cắp tài sản, cướp giật tài sản….

Liên quan đến vụ án vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn An Giang, ngày 20/11, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh An Giang cho biết, đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam Nguyễn Văn Giỏi (SN 1991, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Nam Hào Kiệt; trú thị trấn Đa Phước, huyện An Phú, tỉnh An Giang) để điểu tra về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”.

Đội tuyển Việt Nam luôn được đặt kỳ vọng cao ở mỗi lần tham dự AFF Cup. Chúng ta đã có 2 chức vô địch ở hai thời điểm, hoàn cảnh, vị thế khác nhau. Và bây giờ là một thử thách khác. Trong loạt bài viết giới thiệu các đội tuyển mới đây trên trang chủ giải bóng đá vô địch Đông Nam Á – AFF Cup (tên gọi mới ASEAN Cup) 2024, AFF bày tỏ kỳ vọng đội tuyển Việt Nam sẽ có phần thể hiện ấn tượng và giành được thành tích tốt.

Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, Bộ Công an và tỉnh Điện Biên về hội nhập quốc tế, trọng tâm là Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị, thời gian qua, Công an tỉnh Điện Biên đã chủ động, tích cực triển khai công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế với Công an 6 tỉnh Bắc Lào và Công an tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, trực tiếp là Cục Công an thành phố (TP) Phổ Nhĩ. Qua đó, ổn định tình hình ANTT, phục vụ đắc lực phát triển kinh tế, xã hội, nhất là ở 4 huyện biên giới: Điện Biên, Mường Chà, Nậm Pồ, Mường Nhé.

Hỏi: Tôi được biết Luật Đất đai 2024 đã có hiệu lực thi hành. Xin Quý báo cho biết, tại khu vực Thanh Trì thì điều kiện và diện tích tối thiểu được tách thửa đất ở có thay đổi gì không? (Bà Phạm Thị Hà, Thanh Trì, Hà Nội)

Tuy sinh sống ở TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương gần 8 năm qua nhưng lúc nào cô gái 9X Bùi Thị Mỹ Dân (quê ở thôn Vân Sơn, xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn, Bình Định) – chủ sở hữu fanpage có nickname “Dân Bùi xứ Nẫu” cũng hướng về… xứ Nẫu Bình Định, nơi chôn nhau cắt rốn bằng những nghĩa cử thiết thực.

Trong Kỳ họp chuyên đề ngày 19/11, các đại biểu HĐND TP Hà Nội đã biểu quyết thông qua Đề án giao thông thông minh trên địa bàn Hà Nội; quy định cụ thể các trường hợp vi phạm sẽ bị cắt điện, nước.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文