Tăng cường sức đề kháng với tội phạm mạng

08:45 14/10/2024

Gần đây, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu từng lúc diễn biến phức tạp với những phương thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt. Bên cạnh những phương thức “truyền thống”, các đối tượng còn sử dụng công nghệ cao để lừa đảo như thực hiện các cuộc gọi giả danh cơ quan nhà nước hoặc tạo các đường link chứa mã độc, hack tài khoản mạng xã hội... để chiếm đoạt tài sản.

Mặc dù cơ quan chức năng liên tục tuyên truyền, cảnh báo, song không ít người dân vẫn “sập bẫy” vì nhẹ dạ, cả tin.

Suýt mất trắng tài sản vì những cuộc gọi giả danh

Tình trạng giả danh cơ quan chức năng mà chủ yếu là Cơ quan công an để lừa đảo chiếm đoạt tài sản là một thủ đoạn không mới nhưng phương thức, thủ đoạn của các đối tượng thì ngày càng xảo quyệt, tinh vi hơn. Một điển hình là trường hợp của nạn nhân Trần Ngọc V (ngụ phường 3, TP Bạc Liêu). Đã gần 1 năm trôi qua, nhưng bà V vẫn chưa hết bàng hoàng khi suýt mất trắng số tiền tích cóp vào tay một “cán bộ rởm”.

Bà V nhận thấy có dấu hiệu bất thường, đã đến Công an Phường 3, TP Bạc Liêu trình báo nên không bị lừa mất tiền.

Ngày 21/12/2023, bà V nhận được một cuộc gọi từ số điện thoại lạ, giọng nữ tự xưng là nhân viên Tổng đài Viettel, thông báo về việc có người sử dụng thông tin cá nhân của bà đăng ký sim điện thoại rồi kêu gọi từ thiện, quảng cáo, lừa đảo trúng thưởng tại TP Đà Nẵng. Sau đó chuyển máy cho một người tên Phong, tự xưng là cán bộ Công an TP Đà Nẵng tiếp tục nói chuyện, yêu cầu kết bạn Zalo với bà V.

Sau khi kết bạn Zalo, đối tượng Phong mặc trang phục công an liên tục video call, nói bà V có liên quan đến đường dây mua bán trái phép chất ma túy; đồng thời chuyển máy cho người tên Tiến và giới thiệu là cấp trên của mình. Tiến yêu cầu bà V đến ngân hàng để mở tài khoản, nộp toàn bộ số tiền đang có vào tài khoản và gửi mật khẩu đăng nhập để phục vụ điều tra. Lo sợ bản thân liên quan đến vụ án nên bà V lập tức đi mở tài khoản ngân hàng, đồng thời bán số tài sản mình tích cóp nhiều năm qua gồm 2 lượng vàng 24K và 2.000 USD được 180 triệu đồng, chuẩn bị nộp vào tài khoản.

Tuy nhiên, khi Phong liên tục hối thúc cung cấp mật khẩu, bà V thấy có dấu hiệu bất thường nên đến Công an phường 3, TP Bạc Liêu trình báo. Nhận định vụ việc có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, Công an phường 3 đề nghị bà V không nộp tiền vào tài khoản và hủy số tài khoản đã đăng ký vì khả năng đối tượng đã thu thập được mật khẩu, thông tin, dữ liệu cá nhân của bà.

Cũng với thủ đoạn trên, trước đó không lâu, nạn nhân khác là bà Chu Ngọc L (một tiểu thương buôn bán tại chợ Bạc Liêu), sau khi dọn hàng chuẩn bị buôn bán, đã nhận được điện thoại của một nhóm đối tượng tự xưng là Công an tỉnh Bạc Liêu, yêu cầu bà chuyển tiền vào tài khoản mang tên Đào Quang Nghĩa với lý do là tài khoản của bà đã bị kiểm soát thông tin để phục vụ công tác điều tra, sau khi vụ việc kết thúc, Cơ quan công an sẽ hoàn trả lại đầy đủ tiền cho bà.

Tin lời nhóm đối tượng, bà L tức tốc đến Phòng giao dịch Ngân hàng BIDV Trần Huỳnh yêu cầu thực hiện chuyển 950 triệu đồng vào tài khoản Đào Quang Nghĩa. Nhận thấy dấu hiệu bất thường trong giao dịch của bà L, nhân viên giao dịch kịp thời cung cấp thông tin cho Phòng An ninh kinh tế Công an tỉnh Bạc Liêu để xác minh, làm rõ. Nhận tin báo, Phòng An ninh kinh tế lập tức cử cán bộ đến Phòng giao dịch BIDV Trần Huỳnh nắm vụ việc, giải thích, đề nghị bà L ngừng chuyển tiền cho nhóm đối tượng lừa đảo; đồng thời thực hiện các bước đảm bảo an toàn thông tin tài khoản và số tiền trong tài khoản của bà L, tránh được việc mất tiền vào tay tội phạm lừa đảo.

Được sự hỗ trợ của cơ quan Công an, bà L không mất gần 1 tỷ đồng vào tay kẻ lừa đảo.

Trung tá Nguyễn Đức Phong, Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Quá trình đấu tranh với các đối tượng, chúng tôi nhận thấy điểm chung trong phương thức gây án, đó là giả danh cán bộ công an, tòa án, viện kiểm sát để gọi điện cho nạn nhân, thông báo họ liên quan đến một vụ án mà Cơ quan công an đang điều tra, xác minh hoặc có lệnh bắt tạm giam của viện kiểm sát. Chúng yêu cầu nạn nhân kê khai tài sản, nộp tiền vào tài khoản ngân hàng và chuyển tiền hoặc đọc mã OTP để chuyển tiền vào các tài khoản của chúng với lý do phục vụ điều tra.

Các đối tượng thường yêu cầu nạn nhân không được kể cho bất kỳ ai, mục đích để bị hại không có đủ thời gian kiểm tra thông tin, không trình báo Cơ quan công an. Mặc dù nạn nhân không có sai phạm, nhưng trước những lời đe dọa, thúc giục của các đối tượng dẫn đến lo lắng và không đủ tỉnh táo để nhận biết mình bị lừa đảo”.

Từ “sống ảo” đến lừa đảo

Bên cạnh thủ đoạn lừa đảo tài sản thông qua những cuộc gọi giả danh, một số đối tượng còn cắt ghép hình ảnh, thậm chí đặt mua quần áo giả mạo trang phục CAND để mặc rồi đăng lên mạng xã hội với nhiều mục đích như: Câu like, câu view, tạo lòng tin bán hàng online hoặc tạo vỏ bọc “bảnh bao” để dễ dàng kết bạn, làm quen với chị em phụ nữ nhẹ dạ cả tin, sau đó dụ dỗ lừa đảo, thậm chí cưỡng đoạt tài sản. Đó là trường hợp của chị Lê Thị Tuyết M (ngụ xã Định Thành A, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu), cứ nghĩ đã tìm được người yêu làm công an, không ngờ rơi vào bẫy “lừa tình, lừa tiền” của gã bạn trai chỉ quen vài tuần trên Zalo.

Theo đó, trong một lần sử dụng chức năng “tìm kiếm quanh đây” trên ứng dụng Zalo, chị M kết bạn với Lê Văn Linh (sinh năm 1997, ngụ xã Hưng Thành, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu). Sau nhiều ngày nhắn tin tâm sự qua Zalo, khi nghe Linh giới thiệu đang công tác trong lực lượng Công an, chị M hoàn toàn tin tưởng và bắt đầu có tình cảm. Tuy nhiên, chị M không ngờ những lần hẹn hò tại khách sạn, mình đã bị bạn trai lén chụp hình, quay video nhạy cảm để tống tiền. Mở rộng điều tra, Cơ quan công an xác định, với thủ đoạn tương tự, Linh đã làm quen, chiếm đoạt tài sản của 4 bị hại khác với tổng số tiền 30 triệu đồng.

Lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của phụ nữ khi sử dụng mạng xã hội, đối tượng Lê Văn Linh đã lừa tình, tống tiền nhằm cưỡng đoạt tài sản.

Hay, mới đây, Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Bạc Liêu tiến hành làm việc với Lương Tấn Nhẫn (sinh năm 1993, ngụ xã Hưng Phú, huyện Phước Long) để điều tra, xử lý về hành vi sử dụng trái phép trang phục CAND. Theo đó, Nhẫn đặt mua trên Facebook 3 bộ quần áo giả mạo trang phục CAND, sau đó mặc để quay video, livestream trên các nền tảng mạng xã hội Facebook, Zalo, TikTok nhằm câu like, câu view từ cộng đồng mạng. Quá trình làm việc với cơ quan chức năng, Nhẫn nhận thức việc làm sai trái của mình nên giao nộp những bộ quần áo giả mạo trang phục CAND, đồng thời gỡ toàn bộ hình ảnh, video liên quan trang phục CAND đã đăng trên mạng xã hội.

Thời gian gần đây, một số đối tượng còn sử dụng mạng xã hội để thực hiện hành vi lừa đảo với phương thức vô cùng tinh vi, trong đó có việc kêu gọi từ thiện để chiếm đoạt tài sản. Liên quan đến thủ đoạn này, tháng 12/2023, Phòng Cảnh sát hình sự phối hợp Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Bạc Liêu triệt phá thành công chuyên án đấu tranh với các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tiền từ thiện qua mạng internet, bắt giữ 5 đối tượng. Các đối tượng này đã cắt ghép thông tin, hình ảnh những người có hoàn cảnh khó khăn rồi đăng lên các hội, nhóm thiện nguyện trên Facebook để kêu gọi “Mạnh Thường Quân” hỗ trợ, qua đó chiếm đoạt gần 2 tỷ đồng của hàng chục nạn nhân trên cả nước.

Nâng cao tinh thần cảnh giác

Gần đây, các đối tượng còn gọi điện tự xưng là công an, yêu cầu người dân chụp ảnh căn cước, giấy tờ tùy thân để kích hoạt giúp tài khoản định danh điện tử. Điều này tiềm ẩn nguy cơ bị đánh cắp thông tin để chiếm đoạt tài sản. Bởi, trên thực tế có rất nhiều ứng dụng cho vay tiền online chỉ cần chụp ảnh 2 mặt thẻ căn cước là được giải quyết hợp đồng vay tiền và giải ngân một cách nhanh chóng. Các ứng dụng cho vay tiền online này thường bỏ qua khâu xác minh chính chủ hoặc có xác minh nhưng rất sơ sài, từ đó tạo kẽ hở cho những đối tượng có cơ hội chiếm đoạt tiền thông qua hợp đồng vay.

Lương Tấn Nhẫn mua 3 bộ quần áo giả mạo trang phục CAND để câu view.

Ngoài ra, chúng cũng có thể sử dụng hình ảnh căn cước để đăng ký thuê bao trả sau của các nhà mạng, sau đó thực hiện những cuộc gọi quốc tế hoặc trong nước với ý đồ xấu. “Qua đấu tranh, xử lý tội phạm lừa đảo trên không gian mạng, có thể thấy các đối tượng thường nhắm vào người lớn tuổi, ít cập nhật thông tin phản ánh trên báo chí; thiếu kiến thức về bảo mật thông tin cũng như ít hiểu biết về các hoạt động tố tụng hình sự; những chị em phụ nữ thường xuyên sử dụng mạng xã hội, nhẹ dạ, cả tin. Khi xảy ra vụ việc, nạn nhân không biết thông tin về đối tượng, không biết tại sao bị mất tiền trong tài khoản, hoặc lo sợ bị mất uy tín, bị đối tượng trả thù nên không trình báo Cơ quan công an, gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý”, Trung tá Nguyễn Đức Phong chia sẻ thêm.

Để phòng ngừa tội phạm lừa đảo tài sản trên không gian mạng, người dân cần lưu ý cảnh giác khi nhận các cuộc gọi lạ tự xưng là cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án... để yêu cầu điều tra vụ án. Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân như số căn cước, địa chỉ nhà, số tài khoản ngân hàng, mã OTP trên điện thoại... cho người lạ. Khi nhận các cuộc điện thoại có dấu hiệu nêu trên, người dân bình tĩnh, không lo sợ. Nếu nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì kịp thời thông báo cho Cơ quan công an nơi gần nhất. Khi gặp những tin nhắn thông qua các trang mạng xã hội để vay tiền, nhờ mua thẻ cào điện thoại, yêu cầu chuyển tiền để xác minh tài khoản, nhờ nhận tiền từ nước ngoài... thì cần đặc biệt cảnh giác, tuyệt đối không làm theo. Thường xuyên thay đổi mật khẩu hoặc tăng tính năng bảo mật quyền riêng tư trên các tài khoản mạng xã hội; không chia sẻ quá nhiều thông tin cá nhân trên các trang mạng xã hội để tránh bị đánh cắp thông tin vào mục đích xấu.

Với những diễn biến phức tạp của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản như hiện tại, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng Công an, thiết nghĩ bản thân mỗi người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động cập nhật kiến thức về công nghệ thông tin để nâng cao “sức đề kháng” trước những phương thức, thủ đoạn của tội phạm trên không gian mạng. Có như vậy thì bản thân mới không trở thành nạn nhân tiếp theo của bọn lừa đảo.

Văn Đức - Trọng Nguyễn

Để thu hút cá nhân và doanh nghiệp, Hồ Quốc Thân (SN 1992, quê quán xã Bồng Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An) giới thiệu rằng anh ta đã được tiếp quản nguồn tài sản, di sản rất lớn từ "Tổng bộ Hồ Chí Minh"; đồng QFS được bảo chứng bằng di sản của nhiều nguồn, các gia tộc lưu lại trong hàng trăm năm qua, được 48 nước công nhận và sẽ được kích hoạt vào tháng 10, 11/2024 tại Việt Nam… Tham gia vào "hệ sinh thái" doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ vốn để tái cơ cấu, phát triển không phải thế chấp, không phải trả lãi suất. Vì thế, cho đến khi cơ quan Công an vào cuộc, đã có khoảng 100 doanh nghiệp và gần 400 cá nhân đã mua đồng QFS, với tổng giá trị hàng chục tỷ đồng.

Đêm 24/12, các tổ công an 141 Công an TP Hà Nội triển khai nhiệm vụ trên địa bàn toàn thành phố đảm bảo ANTT, phòng chống đua xe đêm Noel qua đó đã phát hiện, xử lý rất nhiều trường hợp "quái xế" ngổ ngáo có hành vi nẹt pô, lạng lách, đánh võng gây mất trật tự, an toàn giao thông.

Ngày 24/12, tại bản Mé Lếch, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Phòng CSĐT tội phạm về kinh tế, Công an tỉnh Sơn La chủ trì, phối hợp với Công an huyện Mai Sơn và Đội Quản lý thị trường (khu vực Mai Sơn, Yên Châu) đã kiểm tra, phát hiện Công ty trách nhiệm hữu hạn Bảo Châu Sơn La sản xuất, kinh doanh bánh mỳ tươi không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Xu hướng tiêu dùng thay đổi, thay vì thuê cửa hàng truyền thống với chi phí cao, nhiều doanh nghiệp, người kinh doanh thu hẹp và đóng cửa nhiều cửa hàng và chuyển dần sang bán hàng online qua các kênh, nền tảng thương mại điện tử, nhất là trong dịp Tết Ất Tỵ 2025.

Châu Âu đang đối mặt với những thách thức kinh tế và địa chính trị nghiêm trọng có thể làm xói mòn nền tảng thịnh vượng đã xây dựng suốt hàng thập niên qua. Sự trở lại của ông Donald Trump, cùng với căng thẳng thương mại gia tăng và sự suy thoái trong đổi mới, đang đẩy Liên minh châu Âu (EU) đối diện với bài toán sống còn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文