Thủ đoạn giả danh shipper lừa chuyển khoản

14:00 09/10/2024

Trong thời gian gần đây, thủ đoạn giả danh shipper để lừa chuyển khoản chiếm đoạt tiền đã trở thành một hình thức lừa đảo phổ biến, đặc biệt trong bối cảnh thương mại điện tử và dịch vụ giao hàng ngày càng phát triển. Nhiều nạn nhân đã sập bẫy của các đối tượng giả danh nhân viên giao hàng, mất đi số tiền lớn mà không hề hay biết.

Những cuộc gọi giả danh shipper

Chiêu trò giả danh shipper gọi giao hàng lừa chuyển khoản tuy không mới nhưng gần đây liên tục xuất hiện, gây hoang mang cho người dân. Các đối tượng lừa đảo thường tiếp cận nạn nhân thông qua những nền tảng giao hàng phổ biến. Chúng giả danh shipper và liên hệ với nạn nhân qua điện thoại hoặc tin nhắn, thông báo rằng có gói hàng đang trên đường giao. Sau đó, họ yêu cầu nạn nhân thanh toán một khoản tiền thông qua chuyển khoản hoặc các ví điện tử để “nhận hàng”. Một số đối tượng còn giả vờ gặp sự cố khi giao hàng và yêu cầu nạn nhân ứng trước chi phí.

Khách hàng khi nhận được điện thoại giao hàng cần xác minh cẩn thận đơn hàng (Ảnh minh họa).

Một chiêu trò khác là đối tượng giả danh shipper đến trực tiếp tại nhà nạn nhân, yêu cầu thanh toán trước qua chuyển khoản vì lý do “công ty yêu cầu” hoặc “do đơn hàng chưa được xác nhận thanh toán”. Nhiều người đã vô tình chuyển khoản cho kẻ lừa đảo vì tin tưởng vào sự uy tín của các dịch vụ giao hàng chính thống.

Hầu hết các nạn nhân sau khi chuyển khoản đều không nhận được hàng, và khi quay lại để liên hệ với shipper giả mạo, họ phát hiện rằng toàn bộ thông tin liên lạc đã bị chặn hoặc không còn khả dụng. Số tiền bị chiếm đoạt có thể từ vài trăm nghìn đến hàng triệu đồng, gây thiệt hại lớn cho những người nhẹ dạ cả tin.

Ngoài mất mát về tài chính, việc bị lừa đảo còn tạo ra cảm giác lo lắng và bất an, đặc biệt là trong bối cảnh các giao dịch thương mại trực tuyến và dịch vụ giao hàng trở nên phổ biến.

Chị Nguyễn Ngọc Anh (Hà Đông) là một người có sở thích mua hàng online. Những lúc rảnh rỗi, chị thường vào xem các phiên livestream bán hàng trên mạng xã hội TikTok, Facebook. Chị cũng thường xuyên mua sắm đồ dùng trên TikTok, Shopee.

Có lần khi đang ở cơ quan, chị nhận được cuộc gọi của một người tự nhận là shipper giao một món đồ, nói là có người nhà đã thay chị nhận đồ, yêu cầu chị trả tiền cho món đồ đã chuyển phát. Do bận rộn công việc và đặt khá nhiều đơn hàng trên mạng nên chị T không kiểm tra kỹ lại thông tin đơn hàng mà chuyển khoản tiền hàng (hơn 200 nghìn đồng) cho đối tượng nói trên. Chỉ đến khi về nhà chị mới biết mình đã mắc lừa đối tượng lừa đảo khi không có món hàng nào được chuyển tới.

May mắn hơn chị Ngọc Anh, chị Nguyễn Minh Nguyệt (Cầu Giấy, Hà Nội) đã tỉnh táo thoát được cuộc gọi lừa đảo của đối tượng giả danh shipper. Bởi trước đó, trong nhóm cư dân của tòa chung cư chị đã liên tục cảnh báo chiêu trò lừa đảo này nên chị khá cảnh giác. Theo đó, khi đang đi làm, chị Nguyệt nhận được cuộc gọi của shipper giả thông báo có đơn hàng cần giao. Vì mọi lần chị rất hay đặt đồ trên Shopee, nên món hàng nào chị cũng thường xuyên vào check thông tin trên app xem hàng đã được giao chưa, thời gian nhận hàng bao giờ.

Chị Nguyệt thường xuyên đặt hàng qua mạng nên đã từng bị shipper giả lừa chuyển khoản.

Sau khi nghe điện thoại chị hơi nghi hoặc vì những món đồ đặt chị đều đã nhận được, không thể nào có đồ mà mình lại quên, thế nên chị tỉnh táo hỏi lại shipper là món đồ gì. Người này cho biết là dây tập gym, hỏi chị xuống lấy hay chuyển khoản, cách hỏi giống như shipper quen mọi lần vẫn giao hàng cho chị. Tuy nhiên chị Nguyệt rất tỉnh táo và bảo không đặt món đồ nào là dây tập, khiến shipper giả này phải hỏi đi hỏi lại có đúng là chị Nguyễn Minh Nguyệt không, nhưng sau đó chị liền cúp máy vì biết chắc là lừa đảo.

Còn bà Đỗ Thị Phượng (Đống Đa, Hà Nội) cũng suýt bị lừa tiền oan. Khi đang đi chơi, bà nhận được cuộc gọi giao hàng và yêu cầu chuyển khoản 410.000 đồng. Dù không nhớ là món hàng gì nhưng bà Phượng vẫn gật đầu đồng ý. Thế nhưng vì bận việc nên bà Phượng quên bẵng đi, ngay cả khi shipper này nhắn tin yêu cầu chuyển khoản bà cũng không để ý. Chiều về, bà mới nhớ ra món hàng nọ và gọi lại cho shipper hỏi hàng thì người này cho biết vì bà chưa chuyển khoản nên chưa giao hàng. Bà đành xin lỗi và hẹn hôm sau giao lại, nhưng đợi cả buổi ngày vẫn không thấy hàng đâu. Về sau bà mới biết là lừa đảo và cảm thấy mình quá may mắn khi không bị mất tiền. Trong khi hàng xóm nhà bà cũng bị lừa hơn 30 triệu đồng vì chiêu trò giả danh shipper này.

Không chỉ khách hàng bị lừa mà nhiều chủ cửa hàng cũng bị shipper giả danh lừa đảo. Thông thường, khi giao hàng dưới dạng “ship cod” (ship cod là hình thức giao hàng trước, sau đó mới trả tiền), các shipper sẽ phải ứng cho chủ shop một số tiền theo giá trị đơn hàng để nhận hàng, sau đó nhận lại số tiền đó từ khách. Tuy nhiên, có không ít trường hợp chủ shop mất hàng vì giao nhầm đồ cho shipper giả danh. Chị Đỗ Thu Nga, chủ một cửa hàng bán quần áo trực tuyến tại Cầu Giấy, vừa trải qua một trải nghiệm đáng tiếc khi giao hàng cho một đối tượng giả mạo là shipper của ứng dụng đặt hàng.

Do không kiểm tra kỹ thông tin của shipper, chị Nga đã vô tư giao món hàng cho một đối tượng không phải là shipper đã nhận đơn trên ứng dụng. Người này đã nhanh chóng lấy được món hàng hơn 2 triệu đồng và nhanh chóng biến mất.

Cẩn trọng với các cuộc gọi giao hàng

Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP. Hà Nội đã phối hợp với Công an huyện Thanh Trì đấu tranh, triệu tập đối tượng Phan Văn Tùng (sinh năm 1998; trú tại Thanh Trì, Hà Nội).

Đối tượng Phan Văn Tùng giả danh shipper nhiều lần chiếm đoạt tài sản.

Qua đấu tranh khai thác, đối tượng trước đây từng làm nhân viên giao hàng. Khi làm việc, Tùng phát hiện nhiều khách hàng mua hàng online thường không nhận hàng trực tiếp mà chỉ bảo nhân viên giao hàng gửi lại cho người quen hoặc để lại trước cửa nhà. Sau đó, người mua hàng sẽ gửi số tài khoản để chuyển tiền mua hàng.

Nhận thấy có thể lợi dụng kẽ hở này để chiếm đoạt tiền từ người mua hàng nên Tùng đã tìm thông tin khách hàng rồi sử dụng số điện thoại (sim rác) gọi và giới thiệu là nhân viên giao hàng. Nếu đầu dây bên kia trả lời là có thể nhận hàng ngay lúc đó thì Tùng tắt máy. Nếu đầu dây bên kia trả lời là không thể nhận hàng ngay lúc đó thì đối tượng thông báo sẽ để bưu kiện hàng vào nhà và đề nghị chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng 103881219692 mang tên NGUYEN TIEN KHANH rồi chiếm đoạt.

Có những khách hàng chủ quan không kiểm tra lại, Tùng tiếp tục gọi điện thông báo có đơn hàng nữa yêu cầu chuyển thêm tiền mua hàng rồi tiếp tục chiếm đoạt. Với phương thức lừa đảo như trên, chỉ trong một thời gian ngắn, từ tháng 4/2024 đến khi bị bắt, đối tượng đã lừa đảo được hàng trăm khách hàng, số tiền chiếm đoạt được hơn 130 triệu đồng.

Cảnh báo thủ đoạn giả danh shipper.

Công an xã An Thái (huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) vừa kịp thời ngăn chặn vụ giả danh shipper gọi điện, lừa đảo trên không gian mạng với mục đích chiếm đoạt tài sản với giá trị gần 30 triệu đồng.

Trước đó, ngày 2/10, chị T. (sinh năm 1987, trú tại xã An Thái, huyện Quỳnh Phụ) đến Công an xã An Thái trình báo về việc nhận được cuộc gọi từ một số điện thoại lạ, tự giới thiệu là shipper đang giao hàng mà chị đã đặt.

Do thường xuyên mua hàng trên mạng và đang có việc bận nên chị T. không trực tiếp nhận hàng, đối tượng đề nghị thanh toán bằng hình thức chuyển khoản rồi sẽ giao hàng cho người nhà, chị T. đồng ý và chuyển số tiền 510.000 đồng vào số tài khoản do đối tượng cung cấp.

Sau khi đã chuyển khoản, đối tượng nói do nhầm lẫn nên gửi nhầm số tài khoản của hội viên shipper, đồng thời thông báo chị đã trở thành hội viên và giới thiệu, gửi cho chị một link tài khoản Facebook để giải quyết.

Sau khi liên hệ với tài khoản Facebook trên, các đối tượng yêu cầu chị T. chuyển gần 30 triệu để hủy thành viên, nếu không thực hiện thì hàng tháng tài khoản của chị sẽ tự động bị trừ tiền. Cùng với đó, các đối tượng thêm chị vào một nhóm Telegram, đưa ra nhiều chiêu trò dụ dỗ, đe dọa để chị T. chuyển tiền.

Trước tình huống trên, chị T. đã rất hoang mang, lo lắng. Tuy nhiên, do đã được nghe nhiều bài tuyên truyền, cảnh báo của lực lượng Công an xã trên hệ thống loa phát thanh, các trang mạng xã hội Facebook, Zalo về các hình thức lừa đảo trên không gian mạng, chị T. đã không làm theo yêu cầu của đối tượng và đến Công an xã An Thái trình báo về vụ việc.

Trước đó, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã tiếp nhận nhiều vụ việc người dân trình báo bị các đối tượng sử dụng không gian mạng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trong đó xuất hiện thủ đoạn mới là giả danh shipper.

Anh N.V.T (trú tại tỉnh Vĩnh Phúc) là nạn nhân bị mất khá nhiều tiền. Theo đó, anh T nhận được cuộc gọi từ số điện thoại 0325.595.xxx, xưng là shipper, thông báo anh có kiện hàng trị giá 321.000 đồng.

Do anh T không ở nhà nên bảo người này để hàng ở cổng nhà và gửi số tài khoản cho anh thanh toán. Tuy không kiểm tra cụ thể đơn hàng là gì, anh T vẫn chuyển khoản thanh toán đơn hàng cho đối tượng. Sau đó, shipper lại gọi cho anh T nói là đã gửi nhầm số tài khoản trên là số đăng ký thẻ hội viên “Giao hàng tiết kiệm”, nếu chuyển tiền vào tài khoản đó Trung tâm giao hàng sẽ kích hoạt gói cước hội viên và mỗi tháng tài khoản của anh sẽ tự động bị trừ 6,8 triệu đồng.

Người này sau đó gửi một đường link, nói là trang Facebook của trung tâm vận chuyển để anh T liên hệ hủy đăng ký hội viên. Lo sợ bị trừ tiền trong tài khoản hàng tháng nên anh T đã thực hiện theo các yêu cầu và đã chuyển khoản hơn 300 triệu đồng cho đối tượng.

Khi thực hiện giao dịch cuối cùng thành công, đối tượng thông báo đã hoàn thành các lệnh, hệ thống sẽ chuyển trả cho anh T toàn bộ số tiền trên.

Để làm tin, đối tượng gửi ảnh chụp giao dịch thành công cho anh T. Tuy nhiên, đến ngày hôm sau anh T vẫn không nhận được tiền. Chỉ đến khi liên hệ tổng đài ngân hàng, anh mới phát hiện bị lừa.

Mới đây, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin truyền thông) cũng đã phát đi cảnh báo thủ đoạn giả danh nhân viên giao hàng của các thương hiệu chuyển phát uy tín để chiếm đoạt tài sản của người dân. Cục An toàn thông tin cũng đề nghị người tiêu dùng trực tuyến luôn xác minh thông tin liên quan đến các dịch vụ hoặc chương trình khuyến mãi. Người tiêu dùng cũng không nên chuyển tiền cho các đối tượng yêu cầu thanh toán trước khi nhận hàng hoặc trước khi đăng ký dịch vụ; Đặc biệt là tuyệt đối không truy cập vào các đường dẫn do người lạ gửi đến.

Theo Cục An toàn thông tin, để không trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo tuyển dụng, các ứng viên cần cẩn trọng trước những thông tin không rõ nguồn gốc hoặc các cuộc gọi, tin nhắn bất thường; Luôn kiểm tra thông tin về đơn vị tuyển dụng qua website, fanpage chính thống và các nguồn tin đáng tin cậy khác.

Ngọc Mai

Trong thời gian gần đây, thủ đoạn giả danh shipper để lừa chuyển khoản chiếm đoạt tiền đã trở thành một hình thức lừa đảo phổ biến, đặc biệt trong bối cảnh thương mại điện tử và dịch vụ giao hàng ngày càng phát triển. Nhiều nạn nhân đã sập bẫy của các đối tượng giả danh nhân viên giao hàng, mất đi số tiền lớn mà không hề hay biết.

Điều khiển xe ô tô khi không có bằng lái và sử dụng ma túy trước khi lái xe đã cướp đi sinh mạng của 2 cha con trong một gia đình. Hay, chỉ vì bất chấp lấn làn đường, chạy với tốc độ cao khiến 3 mẹ con - cũng là người thân, máu mủ của mình đã mãi mãi ra đi. Giờ đây, kẻ gây tội ác đã phải lãnh hậu quả pháp lý nhưng đối với những người thân nạn nhân thì nỗi đau mất chồng, mất vợ, mất con sẽ không bao giờ vơi...

Năm 1990 ở tòa soạn Tạp chí Văn nghệ quân đội (VNQĐ) số 4 phố Lý Nam Đế, nhà văn Nguyễn Khắc Trường hồ hởi ôm chồng sách 10 quyển "Mảnh đất lắm người nhiều ma" là sách tiêu chuẩn tác giả được hưởng vừa lấy về từ nhà xuất bản còn nguyên dây buộc. Ông gỡ lấy một quyển ký tặng tôi và bảo, “Tiến là bản đầu tiên đấy, đọc luôn đi, hay không dứt ra được đâu”.

Ngay từ những năm 80 của thế kỷ trước, khi nghệ sĩ Văn Cao mới ở tuổi 57 đã có người ví ông là “Ba đỉnh núi sương mù”. Người gọi ông là “Dòng sông ba nhánh”. Có người gọi ông là “Nghệ sĩ đa tài”; còn nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo lần đầu gặp ông đã viết bài trên Báo Văn nghệ Công an mang tên: “Văn Cao - Bậc tài danh xuyên thế kỷ”, với ba đỉnh cao nghệ thuật: Âm nhạc, Thi ca và Hội họa.

Thông tin về vụ án trên, ngày 7/10, Phòng CSĐT tội phạm về ma tuý, Công an TP Hà Nội cho biết, căn cứ vào các tài liệu thu thập được, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự; khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam 3 đối tượng về hành vi “Vận chuyển trái phép chất ma tuý”.

Thời gian qua, trên các diễn đàn mạng xã hội xuất hiện nhiều ý kiến đề nghị xóa bỏ Ban đại diện cha mẹ học sinh tại các lớp học nhằm tránh tình trạng lạm thu tiền quỹ. Nhiều người cho rằng, ban đại diện này là “cánh tay nối dài” của nhà trường và giáo viên chủ nhiệm lớp, chỉ làm mỗi việc thu tiền của phụ huynh học sinh (PHHS) để chi nhiều khoản không đúng quy định.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文