Tiền tỷ “bốc hơi” theo… thiên thạch
Chiêu lừa mua bán đồng đen (hay còn gọi là thiên thạch) đã xưa như trái đất. Các cơ quan chuyên môn, nhà khoa học cũng đã chứng minh không có loại thiên thạch nào có công hiệu như kẻ lừa đảo đồn thổi và cũng chẳng có một giao dịch nào thành công với giá mua bán thiên thạch lên đến hàng trăm triệu, hàng tỷ USD. Vậy mà, vẫn còn nhiều người mê muội, nhẹ dạ cả tin, tự chui đầu vào rọ…
Thủ đoạn cũ, nạn nhân mới
Đầu tháng 4/2024, Phòng CSHS, Công an tỉnh Bình Dương khám phá chuyên án lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn mua bán thiên thạch và sừng tê giác giả.
Khoảng 2 năm trở lại đây, nhiều đối tượng cả nam lẫn nữ thường xuyên lui tới nhà ông L.V.L (sinh năm 1951; ngụ khu phố Nội Hóa 1, phường Bình An, TP Dĩ An, Bình Dương) để gạ gẫm ông này mua bán đồng đen kiếm lời. Để chiêu dụ con mồi, chúng vẽ ra viễn cảnh sẽ kiếm khoản lợi nhuận kếch xù chỉ sau một thời gian ngắn đầu tư khiến ông L. siêu lòng. Khi cá đã cắn câu, chúng yêu cầu ông L. góp số tiền 3 tỷ đồng để mua thiên thạch với hứa hẹn sẽ lãi hàng tỷ USD chỉ sau hai tháng. Tuy nhiên, sau khi nhận tiền của ông L. các đối tượng viện cớ bị trục trặc, chậm trễ về mặt thủ tục… hòng kéo dài thời gian nhằm chiếm đoạt thêm tiền của ông L. Đợi mãi không thấy đồng đen đâu, ông L. làm đơn tố giác đến cơ quan Công an.
Sau khi thu thập đầy đủ thông tin, Phòng CSHS Công an tỉnh Bình Dương đã tổ chức giám sát và triệu tập nhiều đối tượng đến làm việc. Qua đấu tranh, Hồ Hoàng Hôn (sinh năm 1973, ngụ TP Hồ Chí Minh) đã thừa nhận hành vi phạm tội. Hôn cho biết, do mình đã từng tham gia nhiều hội, nhóm kín chuyên về việc truy tìm, sưu tầm, mua bán thiên thạch. Từ đó, Hôn có được kiến thức và sự hiểu biết về việc giao dịch mua bán thiên thạch nên dễ dàng lừa đảo các nạn nhân. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương đã khởi tố vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và khởi tố bị can đối với Hồ Hoàng Hôn để tiếp tục điều tra mở rộng vụ án.
Thực hiện giai đoạn 2 của chuyên án, Phòng CSHS tiếp tục bắt giữ Tô Vũ Tiến (sinh năm 1979, quê Tây Ninh) là một trong những đối tượng trong nhóm của Hồ Hoàng Hôn về hành vi lừa bán sừng tê giác giả cho ông L. Tiến khai nhận bản thân không có nghề nghiệp nhưng cần tiền tiêu xài nên đã đưa ra thông tin gian dối về việc mua được sừng tê giác giá rẻ cần tìm người tiêu thụ để kiếm lời. Qua giới thiệu của các đối tượng trong nhóm, Tiến nhiều lần tìm đến gặp ông L. để chào mời. Do tin tưởng nên ông L. đã giao dịch với Tiến và đã bỏ tiền để mua sừng tê giác nhưng thực chất chỉ là sừng trâu và sừng bò.
Tiến khai, ngày 27/3/2024, khi đi trên đường thuộc địa bàn huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) thì thấy có một người đi xe ba gác chở theo nhiều đầu bò, đầu trâu nên Tiến dừng xe để hỏi có bán sừng tê giác hay không. Người kia bảo không có nhưng nói với Tiến có cặp sừng bò rất giống với sừng tê giác. Tiến liền hỏi mua cặp sừng bò với giá 10 triệu đồng với ý định sẽ mang bán lại cho ông L. Mang về TP Dĩ An, Tiến liền đưa đến ông L. xem cặp sừng và ra giá 100 triệu đồng. Ông L. đồng ý mua và còn tặng thêm cho Tiến thêm 3 triệu đồng. Ngoài ra, từ năm 2022 đến khi bị bắt, Tiến còn mua sừng trâu trên mạng xã hội bán giá mỗi chiếc từ 600.000 - 1.000.000 đồng rồi nói là sừng tê giác và mang cầm cố cho ông L. từ 5-10 triệu đồng/chiếc để lấy tiền tiêu xài. Tiến còn môi giới bán cho ông L. một ngọc ốc giác màu cam với giá 200 triệu đồng.
Để bị hại tin tưởng đồng đen có công dụng thật, các đối tượng cho nạn nhân xem các đoạn video do chúng dàn dựng về “đồng hủy kính”, “kim loại có tính năng đặc biệt”, “thiên thạch có kích thước nhỏ nhưng khối lượng lớn, phát ra ánh sáng lạ mắt”... Đặc biệt, chúng còn đưa bị hại xem các hình ảnh về hợp đồng mua bán thiên thạch có giá trị lớn, hình ảnh các đối tượng tiếp xúc với lãnh đạo nhà nước nhưng thực chất chỉ là hình ảnh cắt ghép. Táo bạo hơn chúng còn làm giả công văn, lịch công tác của lãnh đạo cấp cao…. Quá trình bắt giữ các đối tượng, cơ quan điều tra đã thu giữ 7 vật có hình dạng giống sừng tê giác, 1 khối kim loại màu đen mà các đối tượng cho là “đồng hủy kính” và 1 vật có hình dạng giống như quả trứng cút màu cam mà chúng lừa ông L. là “ngọc ốc giác”.
Chiêu lừa ly kỳ “đá hủy sắt”
Bên cạnh lừa mua bán thiên thạch, sừng tê giác giả, trước đây Công an tỉnh Bình Dương còn ghi nhận về vụ lừa bán đá hủy sắt bằng thủ đoạn hết sức ly kỳ.
Bà Nga (tên nhân vật đã thay đổi), nạn nhân, cho biết: Đầu tháng 3/2022, bà có quen biết với ông Sĩ ở tỉnh Đắk Lắk. Ông Sĩ nói với bà có người cần bán cục đá có chức năng hủy sắt. Bà Nga thông báo cho một người quen là ông Du (ngụ Bình Dương) thì ông Du đồng ý mua với điều kiện phải được xem hàng trước. Ngay trong chiều hôm đó, ông Sĩ dẫn bà Nga, ông Du đến một quán cà phê ở thị xã Bến Cát để gặp ông Tài đi cùng một người phụ nữ. Sau khi nói chuyện, ông Tài dẫn bà Nga, ông Du đến gặp ông Hà là chủ nhân của viên đá trên. Ông Hà tự giới thiệu mình là “sếp lớn” rồi nói: “Cục đá này là vật gia bảo của gia đình tôi. Gia đình đã tin tưởng và ủy nhiệm cho tôi bán vật này, giá của cục đá là 200 tỷ đồng. Nếu ông bà có thiện chí mua thì sáng ngày mai tôi sẽ dẫn đi xem cục đá”.
Đúng hẹn, sáng hôm sau, ông Tài dẫn bà Nga, ông Du đến một căn nhà ở thị xã Bến Cát và gặp ông Hà ở đây. Ông Hà bảo muốn xem đá phải mua hoa quả, vàng mã và 3 bình hoa để cúng. Đồng thời ông Hà kêu người em của mình mua 2 thanh sắt để về thử. Xong xuôi, ông Hà dẫn bà Nga, ông Du lên tầng 2 để xem đá và đặt cây sắt gần đó để thử. Không bao lâu sau, mọi người cùng xúm lại xem thanh sắt thì phát hiện thanh sắt bị bẻ gãy từng đoạn một. Bà Nga hồ hởi cho biết đúng là loại đá bà cần mua và thống nhất giá giao dịch 200 tỷ đồng.
Để chắc ăn, sau đó ông Du, bà Nga còn thử lại một lần nữa và cũng cho kết quả như lần đầu. Và để mua vật gia bảo này, ông Hà buộc bà Nga, ông Sĩ phải mua 1 con gà để cúng và mỗi người phải lạy cục đá 81 lạy. Ông Hà bảo cục đá này cũng giống như loại đồng đen chỉ có ở… trên trời! Nếu có mối bán lại cục đá này cho NASA thì thu lợi hàng trăm triệu USD.
Sau đó, hai bên lập một thỏa thuận giữa bên bán cục đá này là bà Thanh (mẹ của ông Hà) và bên mua là bà Nga. Bên mua phải ứng trước 1 tỷ 20 triệu đồng cùng 30 triệu đồng để mua 1 két sắt cất giữ “vật gia bảo” và thuê một căn nhà để đặt két sắt ở đó. Số tiền còn lại gần 199 tỷ đồng bên bán cho bên mua nợ, khi nào bán cục đá lại cho người khác thì trả đủ tiền cho bên mua.
Nếu trong vòng 60 ngày, bà Nga không chuyển nhượng được cục đá cho bên thứ 3 thì bị mất tiền cọc. Thỏa thuận xong xuôi, bà Nga giao tiền cho người nhà ông Hà kiểm đếm và cất giữ. Ông Hà cho biết đã thuê được căn nhà ở thị xã Bến Cát (Bình Dương) và đưa cục đá hủy sắt về đó. Ông Hà dặn, sau 3 ngày bà Nga mới được đưa cục đá đi vì đây là “tâm linh” và còn phải cúng, đọc thần chú 3 ngày liên tiếp nữa. Tuy nhiên, sau khi đưa cục đá chứa két sắt về nhà thuê thì kể từ đó, bà Nga không còn liên hệ được với ông Hà và những người có liên quan vì tất cả giao dịch nói trên đã được các đối tượng dàn dựng công phu để đưa bà Nga vào tròng…
Qua các vụ lừa đảo “đá hủy sắt” cho thấy, để tạo nên những màn thử “đá hủy sắt”, kẻ lừa đảo đã chế ra những thanh sắt (hoặc bù lon) giả bằng thạch cao. Cụ thể, chúng dùng sáp đèn cầy đổ quanh thanh sắt, sau đó rút thanh sắt ra để tạo thành một khuôn đúc rồi dùng thạch cao trộn thêm màu đen đổ vào và đút thành một thanh sắt bằng thạch cao trông như thật. Khi tiến hành thử cho nạn nhân xem, kẻ lừa sẽ dùng thanh sắt thật để gần cục đá rồi giả đò hỏi chuyện để nạn nhân mất cảnh giác và tráo thanh sắt giả vào và bẻ gãy.
Cần cảnh giác với “thế giới đồng đen”
Trong giới lừa đảo bán đồng đen từ trước đến nay thì Lê Văn Huy (sinh năm 1966; ngụ thị xã La Gi, Bình Thuận) được xem là một “siêu cao thủ”, tham gia hầu hết các vụ mua bán đồng đen. Trong 16 năm (từ 1998-2014) Huy “làm mưa làm gió” ở hơn 10 tỉnh, thành và đã lừa bán thiên thạch trót lọt 22 vụ với tổng số tiền chiếm đoạt lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Khi bị bắt giữ vào năm 2014, Huy khai đã dùng hết số tiền lừa được để đánh bạc và nuôi 23 người vợ cùng 31 đứa con ruột. Để thực hiện hành vi lừa đảo, Huy thành lập công ty mua bán đá quý với vốn điều lệ 7.000 tỷ đồng rồi thu nhận khá nhiều đàn em tạo thành một đường dây khép kín bao vây nạn nhân. Các đối tượng này kẻ đóng giả người sở hữu đồng đen, kẻ đóng vai người thu mua lại, kẻ giả dạng là người của NASA… khiến cho nạn nhân mê muội trước những lời đồn thổi, từ đó dốc hầu bao để quyết mua cho bằng được “con hàng”. Nhiều nạn nhân được chúng hứa hẹn nếu giao dịch thành công sẽ cho hoa hồng 500 triệu USD (tức khoảng 10 ngàn tỷ đồng), chuyện nghe như đùa nhưng vẫn có người tin một cách mãnh liệt, mù quáng. Thậm chí đến khi Huy bị bắt giữ thì các nạn nhân vẫn tin là có đồng đen thật cũng như chuyện giao dịch mua bán mỗi kg đồng đen với giá hàng trăm triệu USD…
Sự thật theo lời khai của Huy thì cái gọi là đồng đen được làm bằng nhựa màu đen rỗng ở trong và dùng một số thủ thuật đơn giản để chúng không chìm sát đáy khi bỏ vào chậu nước. Còn kính bị vỡ chẳng qua là bị chúng đánh tráo, lúc cân “thiên thạch” thì nhanh tay chỉnh cân để tăng trọng lượng…Chúng làm điêu luyện đến độ các nạn nhân dù tận mắt chứng kiến việc thử đồng đen nhưng vẫn không sao phát hiện được. Từ đó nhiều người cuồng tin đã tạo điều kiện cho kẻ lừa đảo tiếp tục có đất sống dù chiêu lừa đã xưa như trái đất.
Từ khi Huy bị bắt (năm 2018, TAND TP Hồ Chí Minh tuyên phạt Lê Văn Huy mức án chung thân về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”) hoạt động lừa mua bán đồng đen tuy ít xảy ra, tuy nhiên, thi thoảng vẫn có nhóm lừa mới “đánh lẻ” một, hai vụ như từng xảy ra ở Bình Dương trong thời gian gần đây.
Thượng tá Trần Minh Nhựt - Trưởng phòng CSHS Công an tỉnh Bình Dương cho biết, các băng nhóm lừa đảo với phương thức, thủ đoạn rất tinh vi, có sự phân công vai trò nhiệm vụ cụ thể cho từng đối tượng trong nhóm để dàn cảnh y như thật nhằm lừa đảo nạn nhân. Công an khuyến cáo người dân nâng cao ý thức cảnh giác, tuyệt đối không nên tin tưởng, giao dịch đối với các đối tượng gạ gẫm mua bán thiên thạch, sừng tê giác… để tránh bị tiền mất tật mang.