Trò lừa mời vay vốn online của “nhân viên ngân hàng”

13:38 11/11/2024

Hiện tượng giả danh nhân viên ngân hàng để lừa đảo cho vay tiền online ngày càng trở nên phổ biến và phức tạp. Các đối tượng lừa đảo thường tự xưng là nhân viên ngân hàng đăng các bài viết quảng cáo cho vay tiền online với lãi suất thấp, không cần thế chấp, không thẩm định, cam kết giải ngân nhanh.

Đến khi người vay nộp các loại phí mà chúng yêu cầu thì chúng chặn liên lạc. Nhiều nạn nhân đã rơi vào tình trạng “khó càng thêm khó” khi mà không những không vay được tiền mà lại mất thêm tiền.

Chặn liên lạc sau khi nhận được tiền

Cơ quan CSĐT, Công an huyện Thanh Liêm (Hà Nam) đang tiến hành điều tra vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra từ ngày 6/8 đến 22/8 tại thị trấn Tân Thanh, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam.

Hai đối tượng Đắc và Chuẩn tại cơ quan Công an.

Quá trình điều tra xác định Nguyễn Văn Trung, sinh năm 1998 và Dương Thị Hoài Anh, sinh năm 2000, cùng trú tại thôn Ngọ Xá, thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội đã sử dụng các tài khoản Facebook, Zalo ảo giả danh là nhân viên Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu để đăng các bài viết quảng cáo cho vay tiền online với lãi suất thấp, không cần thế chấp, không thẩm định, cam kết giải ngân nhanh để tìm kiếm người có nhu cầu vay tiền.

Khi có người liên hệ hỏi vay tiền, các đối tượng sẽ tư vấn, làm giả “Hợp đồng vay vốn tiêu dùng” rồi chụp ảnh gửi cho người có nhu cầu vay để tạo lòng tin. Quá trình trao đổi, các đối tượng sẽ yêu cầu người vay phải chuyển trước các khoản phí gồm: Phí hồ sơ, phí bảo hiểm, phí giải ngân… đến khi người vay không còn tiền để chuyển và phát hiện bị lừa thì các đối tượng sẽ chặn mọi liên lạc.

Quá trình thực hiện hành vi phạm tội, các đối tượng đã sử dụng: Tài khoản Facebook ảo “Trần Anh Dũng”, tài khoản Zalo “Việt Anh” được đổi tên thành “Võ Hồng Liên” có số điện thoại đăng ký là 0921.549.500, tài khoản Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu số 3929683, tên chủ tài khoản Nguyen Tung Quan. Để phục vụ công tác điều tra, xử lý vụ án đảm bảo khách quan, toàn diện, triệt để, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, Cơ quan CSĐT - Công an huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam đề nghị, ai là người bị hại trong vụ án chưa được cơ quan chức năng xem xét giải quyết thì liên hệ đến Cơ quan CSĐT, Công an huyện Thanh Liêm (Hà Nam) trình báo.

Công an huyện Thanh Liêm trước đó cũng đã phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Hà Nam đấu tranh, triệt phá, bắt giữ 2 thanh niên giả danh nhân viên ngân hàng để thực hiện hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” trên không gian mạng.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Thanh Liêm đã ra lệnh bắt giữ và lệnh khám xét khẩn cấp đối với Lý Quang Đắc, Đỗ Trọng Chuẩn, sinh năm 2006, (trú tại xã Hợp Tiến, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội) về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Tại cơ quan công an, 2 thanh niên khai nhận do cần tiền tiêu xài, Đắc và Chuẩn đã lập các tài khoản Facebook, Zalo ảo và sử dụng các sim điện thoại rác đăng bài lên trang mạng xã hội với nội dung hỗ trợ vay vốn lãi suất thấp, giải ngân nhanh, không cần thế chấp tài sản để tìm kiếm người vay. Khi có người vay liên hệ, chúng đóng giả làm nhân viên ngân hàng để tư vấn, hướng dẫn cho người vay làm hồ sơ và yêu cầu đóng các khoản phí. Khi đã lừa được người cả tin, Đắc và Chuẩn sẽ chặn mọi liên lạc.

Tính từ đầu năm 2023 đến thời điểm bị bắt, với thủ đoạn trên, Đắc và Chuẩn đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của hàng trăm bị hại trên cả nước với số tiền hơn 700 triệu đồng.

Trước đó, vào ngày 17/3, Công an quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội cũng đã bắt giữ ổ nhóm tội phạm chuyên thuê phòng tại các chung cư cao cấp, dùng điện thoại, máy tính, giả danh nhân viên ngân hàng để lừa đảo công nghệ cao, chiếm đoạt tài sản.

Qua công tác nắm tình hình trên không gian mạng cũng như tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm của công dân trên địa bàn, Công an quận Hoàn Kiếm đã phát hiện một băng nhóm đối tượng nghi vấn thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng với thủ đoạn giả danh ngân hàng TMCP Techcombank.

Quá trình xác minh, Công an quận Hoàn Kiếm xác định, đây là băng nhóm tội phạm sử dụng công nghệ cao thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản rất chuyên nghiệp. Cụ thể, các đối tượng lừa đảo đăng những bài viết trên mạng xã hội Facebook giả danh ngân hàng Techcombank cho vay lãi suất thấp, không cần xác minh, giải ngân trong ngày và hướng dẫn người bị hại kết bạn Zalo, lấy thông tin cá nhân (căn cước công dân, tài khoản ngân hàng) đề nghị người bị hại chuyển tiền làm hồ sơ vay vốn online.

Các đối tượng bị Công an quận Hoàn Kiếm bắt giữ.

Sau khi người bị hại chuyển tiền thì tiếp tục làm hồ sơ vay vốn giả để đề nghị người bị hại chuyển thêm các loại tiền khác (bảo hiểm khoản vay, chứng minh thu nhập, hỗ trợ giải ngân nhanh) đến khi người bị hại không còn tiền để chuyển các đối tượng sẽ chặn Zalo, xóa liên lạc và chiếm đoạt tài sản. Quá trình điều tra, bằng các biện pháp nghiệp vụ, Công an quận Hoàn Kiếm xác định băng nhóm tội phạm có dấu hiệu hoạt động có tổ chức, đã xác lập chuyên án để đấu tranh triệt phá ổ nhóm trên.

Công an quận Hoàn Kiếm đã làm rõ một số đối tượng trong băng nhóm lừa đảo chiếm đoạt tài sản gồm: Nguyễn Hồng Sơn, sinh năm 2001; Nguyễn Văn Thắng, sinh năm 2002; Nguyễn Đình Huy, sinh năm 2001; Thái Chí Thành, sinh năm 2004 cùng trú tại huyện Ứng Hòa (Hà Nội); Đinh Văn Chiêu (sinh năm 2003,  trú tại xã Đồng Yên, huyện Bắc Quang, Hà Giang); Nguyễn Hồng Quân, sinh năm 2002, trú tại Mỹ Đức, Hà Nội; Ma Thị Hiền, sinh năm 2001, trú tại huyện Bảo Lâm, Cao Bằng. Các đối tượng thuê ở những căn hộ chung cư cao cấp, sử dụng sim điện thoại “rác”, gọi điện để thực hiện hành vi lừa đảo.

Qua đấu tranh ban đầu, các đối tượng khai nhận đã thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của rất nhiều người với số tiền chiếm đoạt được trên 2 tỷ đồng.

Chỉ vì ngại thủ tục hành chính mà nhận quả đắng

Hiện tượng giả danh cán bộ ngân hàng để lừa đảo cho vay tiền online ngày càng trở nên phổ biến và phức tạp, khiến nhiều người dân mất tiền oan và gặp khó khăn tài chính. Các đối tượng lừa đảo thường tự xưng là cán bộ hoặc nhân viên ngân hàng gọi điện hoặc nhắn tin, giới thiệu các gói vay hấp dẫn và thủ tục nhanh gọn nhằm lôi kéo người có nhu cầu.

Để tạo dựng lòng tin với “khách hàng”, kẻ xấu sẵn sàng cung cấp các thông tin “hợp lệ” như mã nhân viên, tên chi nhánh và các chính sách ưu đãi. Các đối tượng này thường lôi kéo nạn nhân vào những khoản vay không có thật với lãi suất thấp và điều kiện dễ dàng như không yêu cầu chứng minh thu nhập hay tài sản thế chấp. Sau khi bị hại bày tỏ mong muốn vay vốn, đối tượng lừa đảo yêu cầu chuyển một khoản tiền nhỏ để “mở hồ sơ” hoặc “phí thẩm định”. Tiếp sau đó sẽ là một loạt phí khác như: Phí hồ sơ, phí bảo hiểm, phí giải ngân… Sau khi nhận được tiền, đối tượng thường biến mất, hoặc tệ hơn, sử dụng thông tin cá nhân để chiếm đoạt tài khoản hoặc thực hiện các giao dịch bất hợp pháp.

Các chiêu trò này không chỉ gây thiệt hại tài chính cho nạn nhân mà còn làm mất uy tín của các ngân hàng. Người bị lừa thường lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, mất mát tài sản mà không biết kêu cứu ở đâu. Thêm vào đó, việc thông tin cá nhân bị tiết lộ còn làm tăng nguy cơ người dân bị đánh cắp danh tính và tài khoản.

Chỉ vì ngại các thủ tục vay ngân hàng nên anh Hùng đã tìm đến dịch vụ vay tiền của “nhân viên ngân hàng” online và bị lừa.

Cách đây gần hai tháng, anh Lê Trọng Hùng, 45 tuổi (trú tại xã Thanh Cao, Thanh Oai, Hà Nội) có ý định vay tiền ngân hàng để mua 4 nghìn con gà giống chuẩn bị cho Tết nguyên đán sắp tới. Tiền giống thì không đáng bao nhiêu nhưng tiền cám bã để nuôi được gà tới khi xuất chuồng ước tính cũng vài trăm triệu. Tuy nhiên, khi làm thủ tục để vay lãi ngân hàng anh Hùng gặp phải một số trục trặc, hơn nữa thời gian hoàn tất các thủ tục để được giải ngân lại lâu nên anh quyết định tìm cách khác. Đúng thời điểm đó, anh Hùng lướt mạng lại thấy rất nhiều quảng cáo cho vay lãi ngân hàng giải ngân nhanh, lãi suất thấp của các “nhân viên ngân hàng” nên anh đã quyết định liên hệ với một số điện thoại.

Sau khi kết nối, anh Hùng được “nhân viên ngân hàng” hứa hẹn muốn vay bao nhiêu cũng có. Anh Hùng quyết định sẽ vay 300 triệu. Tuy nhiên, để vay được số tiền này “nhân viên ngân hàng” bảo anh phải chuyển cho họ 5 triệu để lo các loại phí như: phí mở hồ sơ, phí thẩm định, phí giải ngân… Nghĩ đây là những loại phí cần phải làm nên anh Hùng đã không nghi ngờ mà chuyển tiền cho người này. Tuy nhiên, vài ngày sau khi anh Hùng liên hệ để hỏi xem khi nào được giải ngân thì số điện thoại đã trong tình trạng “thuê bao không liên lạc được”.

Tương tự, chị Đặng Thị Hồng (trú tại ngõ 10, phố Đại Linh, Trung Văn, Nam Từ Liêm) cũng có nhu cầu vay lãi ngân hàng để đầu tư làm ăn. Tuy nhiên, vì ngại thủ tục vay rườm rà nên chị Hồng cũng đã tìm tới mạng xã hội để vay tiền qua các “nhân viên ngân hàng”. Chị Hồng chia sẻ: “Tôi nghĩ họ là người của ngân hàng nên thông qua họ các thủ tục sẽ đơn giản và nhanh chóng hơn nhiều. Có điều mình phải chấp nhận mất một số loại phí cao hơn bình thường nhưng đổi lại là được việc”. Thế nhưng được việc đâu chưa thấy mà chỉ thấy mất tiền và mất hút luôn cả người hứa hẹn sẽ làm thủ tục vay tiền cho chị Hồng.

Khác với anh Hùng bị yêu cầu đưa một lúc 5 triệu, người môi giới vay tiền ngân hàng cho chị Hồng lại yêu cầu chị đưa mỗi lần một loại phí. Hôm đầu là phí mở hồ sơ 500 nghìn đồng, mấy hôm sau là phí thẩm định 1 triệu đồng rồi sau đó là phí giải ngân 1,5 triệu đồng. Sau khi đóng các loại phí, những ngày sau chị Hồng gọi điện hỏi khi nào được giải ngân thì người này hứa hẹn chỉ vài ba hôm nữa là được. Tuy nhiên, sau đó vài hôm khi chị Hồng gọi lại hỏi thì người này đã chặn số của chị.

Nhiều người chỉ vì ngại thủ tục rườm rà mà sẵn sàng tìm đến các dịch vụ không đáng tin cậy để rồi mất tiền oan. Để tránh trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo cho vay online, người dân nên kiểm tra lại thông tin từ ngân hàng chính thống. Khi nhận được các cuộc gọi mời vay vốn, hãy liên hệ trực tiếp với chi nhánh ngân hàng qua số tổng đài hoặc trang web chính thức để xác minh thông tin.

Ngoài ra cũng nên cảnh giác với các khoản phí không hợp lý. Các ngân hàng uy tín thường không yêu cầu nộp phí mở hồ sơ trước khi khoản vay được phê duyệt. Nếu đối tượng yêu cầu chuyển khoản trước, thì khả năng rất cao đó là lừa đảo.

Người dân cũng không nên cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ như: số căn cước công dân, số tài khoản ngân hàng hay mật khẩu. Nếu phát hiện hành vi đáng ngờ, người dân có thể báo cáo cho ngân hàng hoặc cơ quan công an để có biện pháp xử lý.

Hiện tượng giả danh cán bộ ngân hàng để lừa đảo cho vay tiền online đã gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhiều người có nhu cầu tài chính cấp bách. Để ngăn chặn tình trạng này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngân hàng, cơ quan chức năng và ý thức cảnh giác từ người dân.

Phong Anh

Chiều 2/12, Đoàn kiểm tra số 6 của Bộ Công an do Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Lâm, Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an làm Trưởng đoàn đã đến kiểm tra kết quả công tác Công an tại Công an tỉnh Bạc Liêu. Tham gia đoàn công tác có lãnh đạo các Cục nghiệp vụ Bộ Công an.

Sau khi giảm hơn 5 triệu đồng/lượng trong tháng 11, giá vàng mở phiên giao dịch tháng mới tiếp tục “đánh rơi” từ 500.000- 800.000 đồng mỗi lượng.

Tài xế xe taxi công nghệ vừa khởi động xe để lưu thông thì bất ngờ chiếc xe lao nhanh vào một căn nhà cấp 4 ven đường gây đổ sập nhiều mảng tường...

Sở GTVT  Hà Nội vừa có văn bản gửi Bộ GTVT và Sở GTVT các tỉnh thành, phố về đề xuất của một số doanh nghiệp xin điều chỉnh bổ sung hành trình các tuyến xe khách đi xuyên tâm Hà Nội.

Ngày 25/11 vừa qua Ban Cán sự Đảng UBND TP Hồ Chí Minh đã có thông báo về việc thống nhất chủ trương sử dụng vốn ngân sách để triển khai tiếp dự án xây dựng tuyến Metro số 2. Với chủ trương này, thành phố dự kiến sẽ không sử dụng vốn vay ODA từ các ngân hàng ADB, KFW và EIB nước ngoài để đầu tư cho dự án…

Công an huyện Lang Chánh, Thanh Hóa đã thu giữ chiếc ĐTDĐ trong đó có lưu 2 đoạn clip quay ngày 8/11 phản ánh việc Vi Thị Quỳnh dùng thủ đoạn ép buộc cặp vợ chồng ở Lang Chánh cởi bỏ hết quần áo, quay video để gây sức ép đòi nợ số tiền hơn 1,4 tỷ đồng.

Sau khi được lực lượng Công an và người thân tuyên truyền, vận động, giải thích, khoảng 13h, ngày 1/12/2024, đối tượng Lê Hà Đông (SN 1992), trú tại thôn Tân Chính, xã Đông Nam, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa, là nhân viên thuộc Công ty vệ sĩ Security 24 đã đến cơ quan Công an đầu thú.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文