Xe đạp điện giả, nhái tràn lan thị trường

08:30 06/06/2024

Gần đây trên thị trường xuất hiện nhiều xe đạp điện giá siêu rẻ không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhái các thương hiệu lớn được bày bán tràn lan. Mặc dù cơ quan chức năng đã xử lý, bắt giữ rất nhiều nhưng dường như tình trạng này không hề giảm. Những sản phẩm chưa được kiểm định đó sẽ tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ đối với người tiêu dùng.

Hàng rẻ, hàng nhái lấn át hàng thật

Xe đạp điện hiện là phương tiện đi lại đang được rất nhiều người lựa chọn, bởi đặc thù của loại hình này là nhỏ gọn, tiện lợi và thân thiện với môi trường. Nắm bắt được nhu cầu đó, thị trường xuất hiện rất nhiều mẫu mã từ xe đạp điện nhập khẩu cho đến sản xuất trong nước. Tuy nhiên ngoài những thương hiệu uy tín có tên tuổi, có không ít những mẫu xe trôi nổi, là hàng giả, hàng nhái không rõ nguồn gốc xuất xứ và chưa được kiểm định chất lượng.

Một khách hàng đã mua chiếc xe đạp điện này chỉ với giá 4 triệu đồng tại cửa hàng T.H.

Để tìm hiểu về thị trường xe đạp điện, phóng viên có mặt tại một cửa hàng bán xe đạp điện T.H trên phố Quang Trung (Hà Đông, Hà Nội). Theo tiết lộ của của chủ cửa hàng, thì hiện nay xe đạp điện đắt tiền hay rẻ tiền đều có xuất xứ từ các quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực. Chỉ khác nhau là xe có giấy tờ kiểm định, nguồn gốc xuất xứ hay không. “Nếu ai đó nói với bạn loại xe này, xe kia là của Nhật là đều không đúng, làm gì có xe Nhật! “Nhật Tân” thì có! Ở đây xe đạp điện hơn chục triệu cũng có mà dưới chục triệu cũng có”.

Dứt lời, chủ cửa hàng đưa chúng tôi đi tham khảo các loại xe, và không quên giới thiệu: “Con xe này có giá hơn 7 triệu, sạc 1 lần đi được tầm ba, bốn chục km. Còn loại trong kia hơn 10 triệu thì mỗi lần sạc đi được tầm năm, sáu chục cây”. Khi phóng viên hỏi những loại xe này có giấy đăng kiểm không thì chủ cửa hàng trả lời dứt khoát: “Không có đâu. Chỉ có bảo hành của cửa hàng, dán tem bảo hành  cho em 3 năm luôn. Cửa hàng anh có đội ngũ cứu hộ xe toàn thành phố Hà Nội”.

Tương tự tại một cửa hàng khá lớn có tên T.L (Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội), tại đây có bày bán rất nhiều loại xe máy điện và xe đạp điện. Chủ cửa hàng khẳng định ở đây đều bán các loại xe có đăng kiểm và hóa đơn đàng hoàng. Tuy nhiên, khi phóng viên ngỏ ý muốn mua một chiếc xe đạp điện giá rẻ để cho con đi học mấy năm cấp 3 thì chủ cửa hàng đã dẫn phóng viên đi sâu vào phía trong nhà rồi bảo: “Nếu muốn xe rẻ thì có mấy cái này, tầm hơn 6 triệu đến hơn 8 triệu. Tuy nhiên, cũng phải nói thẳng là “tiền nào của ấy”. Không bao giờ xe rẻ mà chất lượng. Tôi bán hàng là cứ khuyên khách thật lòng, còn lựa chọn loại xe nào là tuỳ vào khách thôi”. Và khi phóng viên hỏi về những chiếc xe đạp điện giá rẻ, dưới 10 triệu, chủ cửa hàng cũng khẳng định luôn loại xe như thế này không có kiểm định.

Một chủ cửa hàng bán xe đạp điện thẳng thắn cho biết, tất cả các xe bày bán tại hầu hết các cửa hàng đều là xe không chính hãng.

Tại một cửa hàng có tên “N. H” trên phố Tây Sơn, khá tấp nập khách ra vào xem xe đạp điện. Thấy chúng tôi quan tâm đến các dòng xe này, nhân viên bán hàng cho hay: “Cửa hàng bên em có nhiều loại xe máy điện, xe đạp điện giá rẻ từ vài triệu đến vài chục triệu đồng. Đây là những dòng xe phù hợp với học sinh, sinh viên, mua rẻ và chi phí sử dụng lại cực thấp”. Hỏi về độ an toàn của những chiếc xe giá rẻ, nhân viên này tư vấn: “Thực ra nhiều người mua cũng không mấy ai quan tâm đến an toàn cả. Nếu chị hạn chế sạc qua đêm sẽ an toàn hơn còn về giấy kiểm định thì không quan trọng nếu có vấn đề gì bên em sẽ trực tiếp hỗ trợ”.

Trên thị trường không chỉ xuất hiện những loại xe giá rẻ không có kiểm định, không rõ nguồn gốc xuất xứ mà hàng “nhái” thương hiệu cũng được bán rất công khai. Anh N.V.T chủ một cửa hàng bán xe đạp điện trên phố Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội) tiết lộ, trên thị trường hiện nay có tới 70% các sản phẩm được bày bán không phải là hàng chính hãng. Những mẫu xe đạp điện nhái, giả này có phần vỏ giống xe chính hãng đến 90%, đến những người trong nghề mới nhìn cũng khó phân biệt được thật giả.

“Các mẫu xe nhái, xe giả tuy bề ngoài giống với xe chính hãng nhưng chất lượng những bộ phận quan trọng như bình điện (ắc quy hoặc pin), động cơ, bộ điều khiển lại kém xa. Khi những bộ phận này bị trục trặc như hỏng động cơ, lỗi bộ điều khiển điện tử, ắc qui hoặc pin kém chất lượng chỉ  đi được quãng đường ngắn đã hết điện… Sẽ gây ra rất nhiều sự phiền toái và tốn kém cho người sử dụng”, anh T cho biết.

Để tránh sự kiểm tra của cơ quan chức năng, người bán xe nhái thương hiệu chủ yếu bán hàng trên các trang mạng xã hội và trang web. Có một fanpage có tên “Hội mua bán thanh lý xe đạp điện thông minh”. Nhóm này có tới 51,3 nghìn thành viên, các bài đăng chủ yếu là bán xe đạp điện cũ, linh kiện xe đạp điện, đặc biệt là sản phẩm của các thương hiệu lớn như: Vespa; Minion; Qjang; Asama,…

Khi phóng viên nhắn tin cho một tài khoản có tên “Phương Mit” để mua một chiếc xe đạp điện hãng Vespa thì được người này tư vấn: “Chị muốn mua xe cũ hay xe mới? Nếu muốn mua xe cũ thì giá dao động từ 7-10 triệu đồng, còn xe mới từ 13-18 triệu đồng. Đảm bảo xe ngon, chất lượng và có ship tận nhà”. Khi chúng tôi hỏi về nguồn gốc của xe thì người này nói: “Xe chính hãng thì sao có giá đó? Quan trọng hàng vẫn không khác gì xe chính hãng và được phía bên em bảo hành 3 năm. Có bất cứ vấn đề gì đều được tư vấn và sửa chữa miễn phí”.

Chủ cửa hàng T.L dẫn phóng viên vào sâu bên trong để tham khảo những chiếc xe có giá chỉ 6-8 triệu đồng.

Tiếp tục khảo sát trên một trang web có tên “xedapdienxin.vn”, tại đây chào bán rất nhiều loại xe đạp điện của nhiều hãng khác nhau. Tuy nhiên giá lại rất chênh lệch so với giá xe được bày bán tại các đại lý lớn. Đơn cử như xe đạp có thương hiệu “lyva” tại đây được chào bán khoảng 4 triệu đồng, trong khi giá xe Lyva chính hãng có giá từ 10 -13 triệu đồng. Gọi điện cho nhân viên bán hàng để hỏi về giá cả và nguồn gốc xuất xứ, nhân viên này cho hay: “Đây là xe bên em nhập khẩu theo đường tiểu ngạch nên không phải chịu thuế. Chị cứ an tâm về chất lượng, nếu chị ưng màu nào thì chỉ cần chọn bên em sẽ ship tận nhà mà không cần đặt cọc”.

Trên mạng xã hội xuất hiện rất nhiều xe đạp điện nhái có giá cực rẻ, chỉ khoảng 4 triệu đồng.

Trước sự chênh lệch quá lớn về giá, anh N.V.T cho rằng, rõ ràng đó là những chiếc xe nhái thương hiệu, kể cả xe nhập lậu cũng không thể có giá thấp như vậy được. “Để nhận biết một chiếc xe nhái thương hiệu ban đầu bạn cần nhận biết qua bộ khung, khung của xe giả rất khác biệt so với xe chính hãng. Bộ khung xe giả, xe nhái đều là hàng gia công hoặc hàng trôi nổi, không được trải qua việc kiểm định về chất lượng nên những mối hàn trên bộ khung rất qua loa, cẩu thả, chưa kể đến việc sử dụng những chất liệu tạp nham để giảm giá thành. Hơn nữa những mã vạch trên các bộ khung của xe giả, xe nhái không được in chìm như khung của xe chính hãng, mà được dập bằng tay, các chữ số không đồng đều…

Một đặc điểm nữa về ngoại hình mà có thể phân biệt được hàng giả hàng nhái là màu sắc của logo, bộ vỏ của xe thường nhợt nhạt do làm bằng những loại nhựa rẻ tiền, sau khi sử dụng một thời gian dẫn đến hiện tượng cong vênh, rạn nứt. Hầu hết các mẫu xe nhái, giả đều thêm có giảm xóc sau, nhưng hầu như không có tác dụng. Những ốc, vít của xe giả, xe nhái cũng chỉ là loại kém chất lượng không thể so sánh với hàng chính hãng”.

Nguy cơ cháy nổ rất cao

Qua tìm hiểu, các mẫu xe điện phổ biến hiện này sẽ sử dụng 2 loại động cơ chạy bằng ắc quy và bằng pin 100%. Đối với những xe điện có thương hiệu trên thị trường đều được sản xuất và kiểm định an toàn, trong đó có phòng chống cháy nổ. Do đó, khi khách hàng lựa chọn những xe điện của thương hiệu nổi tiếng, bán chính hãng sẽ phần nào yên tâm về việc an toàn về cháy nổ.

Một chiếc xe máy điện có thương hiệu Vespa nhưng trên mạng xã hội chỉ bán với giá chưa đến 7 triệu đồng.

Còn độ an toàn của những loại xe đạp điện không rõ nguồn gốc, thương hiệu được bán nhỏ lẻ và trên mạng xã hội còn là câu hỏi rất lớn đối với người sử dụng. Một chuyên gia điện máy cho biết, những chiếc xe đạp điện giá rẻ, nhái được bán trôi nổi không rõ nguồn gốc trên thị trường rõ ràng tiềm ẩn nhiều nguy cơ. “Có nhiều nguyên nhân dẫn đến cháy nổ các loại xe đạp điện, xe máy điện. Một trong số đó là bình ắc quy xe có các mối nối, những vị trí này không được cách điện tốt có thể gây ra hiện tượng phóng điện, dẫn đến cháy nổ hệ thống. Khi một chiếc xe bị cháy, nổ bình điện, ắc quy gây lan ra các xe khác thì tình trạng nổ lớn cũng có thể xảy ra.

Những chiếc xe đạp điện với giá dưới 10 triệu đồng tại cửa hàng T.H đều được chủ nhân khẳng định không có giấy tờ kiểm định.

Gần đây, vụ cháy tại nghiêm trọng tại Trung Kính, nhiều nhân chứng cho biết nghe thấy nhiều tiếng nổ lớn trước khi ngọn lửa bùng cháy dữ dội. Có thể thấy, việc cháy xe điện theo hệ thống là có thể xảy ra khi một chiếc xe bị phát nổ, cháy lan ra các xe khác”, chuyên gia này cho biết thêm.

Phong Anh

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) Nguyễn Văn Hồi cho biết, vụ việc ở Mái ấm Hoa hồng có vấn đề liên quan đến công tác quản lý chưa chắc. Ngay việc hoạt động vượt công suất trên 100% nhưng thanh tra, kiểm tra chưa xử lý được. Đây có vấn đề liên quan đến buông lỏng quản lý.

Trước khi bão số 3 tiến vào Hà Nội, đã có rất nhiều nghĩa cử từ những người dân dành cho nhau trong lúc khó khăn. Đoàn xe ô tô chắn gió cho xe máy trên cầu hay những thông tin chia sẻ nhà ở tránh trú bão là những tình cảm ấp áp đang gây xúc động trên mạng xã hội.

Hàng chục hộ dân đang sống trong các ngôi nhà có nguy cơ sụp đổ trước bão đã được các quận ở Hà Nội di dời đến nơi an toàn, trong đó có 14 hộ dân tại chung cư P16A (phường Thuỵ Khuê) và 3 hộ với 11 nhân khẩu ra khỏi nhà G6A Thành Công (chung cư nguy hiểm cấp độ D). 

Nhằm chủ động ứng phó với bão số 3 (Yagi), thực hiện Điện số 03 của Ban Chỉ huy Ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự Công an tỉnh Hà Nam, Công an các đơn vị, địa phương đã chủ động rà soát số lượng nhà không an toàn, đồng thời huy động lực lượng vận động, hỗ trợ nhân dân di rời đến nơi tránh, trú bão an toàn.

Hiện nay, trên mạng xã hội đã xuất hiện những thông tin thất thiệt, không có cơ sở về hướng di chuyển của bão số 3 trên một diễn đàn với 35.400 thành viên. Rất nhiều người đã chia sẻ, coppy, đăng tải lại thông tin không đúng này.

Ngày 7/9, Công an Hà Nội cho biết, để chủ động, kịp thời ứng phó với bão số 3 Yagi, Phòng CSGT yêu cầu các đơn vị sẵn sàng các phương án phòng, chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”. CSGT sẽ tạm cấm người tham gia giao thông di chuyển vào khu vực nguy hiểm, ngập sâu, cây xanh đổ, huy động lực lượng phân luồng giao thông khi bão số 3 đổ bộ.

Để chủ động sẵn sàng ứng phó với các tình huống xảy ra úng ngập cục bộ, cây đổ cành gẫy do bão số 3 gây ra, Sở Xây dựng yêu cầu các Công ty TNHH MTV: Thoát nước Hà Nội, Công viên cây xanh Hà Nội, Nước sạch Hà Nội, Chiếu sáng và Thiết bị đô thị tập trung ứng trực 100% nhân lực, thiết bị phục vụ phòng chống bão.

Ngày 7/9, Thanh tra tỉnh Bạc Liêu cho biết vừa ban hành kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật trong thực hiện dự án tổng thể xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai; công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, giai đoạn 2016 - 2020.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文