1.001 chiêu trò lừa đảo lợi dụng mùa dịch

16:39 13/03/2020
Trước tình hình dịch bệnh COVID - 19 diễn biến phức tạp như hiện nay, người dân tìm đủ mọi cách để bảo vệ bản thân và gia đình của mình. Họ tìm kiếm khẩu trang, nước rửa tay, nước súc miệng... nhưng đã vô tình rơi vào mưu kế của bọn lừa đảo.

Mua nước rửa tay, nhận nước rửa chén

Lo ngại dịch bệnh, đã gần một tháng nay, gia đình bà Nguyễn Thị Phấn (55 tuổi, Q. Tân Bình, TP HCM), hạn chế ra ngoài đường. Mỗi tuần, bà Phấn đi siêu thị một lần, mua đầy đủ nhu yếu phẩm. Nói chung, thức ăn và đồ dùng sinh hoạt hằng ngày không phải lo lắng, chỉ đau đầu chuyện khẩu trang và nước rửa tay diệt khuẩn. 

Bà Phấn đi lùng tìm khắp các hiệu thuốc, siêu thị, tạp hóa, khu chợ nhưng không thể mua được khẩu trang và nước rửa tay. Bà nhờ con gái lên mạng tìm. "Chợ" mạng thì có rất nhiều "cửa hàng" với những lời quảng cáo, giới thiệu, mời chào hấp dẫn, cuốn hút người xem. 

Sau một hồi kiểm tra thông tin về chủ nhân kênh bán khẩu trang online, mẹ con bà Phấn cảm thấy tin tưởng bởi người bán dùng tên thật, người thật, số lượng người theo dõi kênh lên tới vài ngàn. Bà Phấn quyết định đặt một lốc (10 hộp) nước rửa tay diệt khuẩn loại 100ml với giá 75 ngàn/hộp.

Bà Phấn cung cấp địa chỉ, số điện thoại, chuyển khoản 50% tổng số tiền. Ba ngày sau, người giao hàng gọi điện cho bà Phấn nhận hàng. Kiện hàng được gói cẩn thận, chắc chắn, chằng chéo qua nhiều lớp giấy báo và băng keo dính. Bà Phấn trả hết tiền, hào hứng ôm lấy gói hàng. Bà thở phào nhẹ nhõm vì từ nay gia đình có nước rửa tay, yên tâm phòng dịch. 

Bà loay hoay mất 15 phút mới xé được kiện hàng nhưng vừa nhìn thấy sản phẩm, bà nóng hết mặt, tức đến sôi máu. Hóa ra, nước rửa tay diệt khuẩn là nước rửa chén loại 300ml, số lượng 5 chai. Loại này, nếu mua ngoài chợ hoặc bất cứ tiệm tạp hóa nào cũng chỉ 15 đến 18 ngàn đồng. 

Bà Phấn gọi cho người giao hàng thì anh ta trả lời, chỉ đi làm thuê không biết gì cả. Bà nói con gái kiểm tra lại thông tin người bán, truy tìm cho ra địa chỉ hoặc số điện thoại. Nhưng facebook của con gái bà đã bị bên kia chặn, lấy nickname khác nhắn tin cũng không nhận được hồi âm.

Khẩu trang rao bán trên "chợ mạng".

Quá uất ức nhưng bà Phấn không thể làm gì được quân lừa đảo núp trong bóng tối. Không có nước rửa tay, gia đình bà Phấn đành rửa bằng xà bông nhưng vấn đề đau đầu khác là khẩu trang. Bà Phấn cảnh giác cao độ phường lừa đảo trên "chợ" online, nhủ lòng sẽ không dính bẫy nữa. 

Lần này bà đặt mua khẩu trang 3M, được nghiên cứu và sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại nhất, đủ đáp ứng các tiêu chuẩn cao cấp nhất nhằm bảo vệ tuyệt đối trong các môi trường độc hại. 3M thiết kế với hơn 40 kiểu dáng, phù hợp cho từng loại ngành nghề, môi trường sống và làm việc khác nhau. 

Lời quảng cáo quá tuyệt vời làm cho bà Phấn nhen nhóm khôi phục niềm tin đã mất. Lần này, bà đặt mua trên một trang web, có số điện thoại và địa chỉ rõ ràng. Với loại khẩu trang 3M mà giá chỉ 15 ngàn trong thời dịch bệnh này thì quá là "hạt dẻ". Bà Phấn đặt thử 10 chiếc nhưng bên bán nói phải mua ít nhất một hộp (50 cái) mới xuất hàng. Nhẩm tính giá tiền cũng chưa tới 1 triệu, bà Phấn quyết mua ngay.

Hôm sau, shipper tới tận nhà trao hàng cho bà Phấn. Cầm trong tay hộp khẩu trang chất lượng cao, bà Phấn khấp khởi trong lòng. Bà mở ra xem, đúng là khẩu trang có chữ 3M nhưng trông rất mỏng manh. Bà Phấn mang hộp khẩu trang ra tiệm thuốc tây gần nhà hỏi, mới biết khẩu trang bình thường loại 3 ngàn/chiếc.

Qua hai cú lừa cay đắng, bà Phấn chỉ biết "ngậm bồ hòn" mà không thể chia sẻ cùng ai, không thể trút giận vào ai. Bà sợ nói ra, thiên hạ sẽ cười vào mặt.

Chị Duyên là tiểu thương ở chợ Thủ Đức nhưng vẫn rơi vào "bẫy" lừa.

Khóc cười với hàng hóa "chợ mạng"

Câu chuyện của bà Phấn còn chưa gì so với một số trường hợp mua khẩu trang nhưng nhận được giấy vụn và lá cây. Đó là hoàn cảnh của chị Tâm Lan (Q.12, TP HCM). Chị Lan mua 2 hộp khẩu trang với giá 200 ngàn đồng/hộp rao bán trên mạng xã hội. 

Đến ngày nhận, chị Lan đi làm vắng nên nhờ hàng xóm nhận giùm. Tối về nhà mở ra xem thì toàn giấy báo, chị Lan chỉ biết mếu máo kêu trời. Tương tự, chị Trần Thị Duyên (28 tuổi, Q. Thủ Đức) sau nhiều ngày không thể mua được khẩu trang ở các tiệm thuốc tây, chị đành lên mạng tìm kiếm. 

Chọn lọc qua hàng chục kênh bán hàng, cuối cùng, chị Duyên dừng chân tại một "cửa hàng" bán khẩu trang với lời quảng cáo rất "ngọt": "Khẩu trang y tế 5 lớp, kháng khuẩn tuyệt đối, giao hàng trả tiền". Nghe vừa có lý, mức độ rủi ro lại thấp nên chị Duyên đặt mua 10 hộp với giá 175 ngàn/hộp. Người bán hẹn giao hàng sau 3 ngày. Buổi tối ngày thứ 3, người giao hàng tới nhà nhưng chị Duyên đi vắng, hẹn sáng ngày mai. Hôm sau, bên bán không giao buổi sáng mà nhằm lúc 9 giờ đêm mới giao.

Mở thùng khẩu trang ra kiểm tra, chị Duyên thấy đúng nên vui vẻ trao tiền. Sáng hôm sau, chị Duyên mang khẩu trang để đi phát cho vài người bạn thì thấy bất thường. Khẩu trang mềm nhũn như bị ngâm nước, lòi những sợi tơ bên trong. 

Chị Duyên lấy tay vò mạnh từng lớp khẩu trang thì bị nát nhừ, xơ xác, bụi bông bay khắp nhà. Không hiểu nổi đây là loại khẩu trang gì, chị Duyên nghi ngờ có thể là khẩu trang đã qua sử dụng hoặc kém chất lượng. Bởi vậy chúng mới lợi dụng trời tối để giao hàng. "Bọn lừa đảo thật ma mãnh, chúng biết là trời tối ánh điện mập mờ mình sẽ khó phát hiện sự khác lạ của khẩu trang nên mới bị qua mặt. Tiền mất, khẩu trang thì không dám dùng", chị Duyên than trách.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến khó lường như hiện nay thì người dân tìm đủ mọi cách để bảo vệ bản thân và gia đình của mình. Họ tìm kiếm khẩu trang, nước rửa tay, nước súc miệng và đã rơi vào "miệng hà bá". Đối tượng lừa đảo tinh vi, lắm chiêu trò, chúng nhằm vào các bà nội trợ, tầng lớp lao động bình thường, lừa với số tiền vừa túi của họ nên dễ dàng thành công. Mỗi người vài trăm ngàn, nhưng nhiều người thì số tiền là rất lớn. 

Mua hàng qua tin nhắn trên mạng.

Anh Lê Hoài Nam (35 tuổi, Bình Dương) mới đây đã phải nhận một cú lừa "cười ra nước mắt" khi đặt mua nước súc miệng, súc họng. Thông qua một người bạn, anh Nam đã kết nối được với người phụ nữ tên Thảo, tự nhận là người làm việc trong nhà máy của công ty dược. 

Anh Nam hoàn toàn tin tưởng và đặt hy vọng rất lớn vào Thảo bởi vì cô này làm trong nhà máy chứ chẳng phải dân buôn bán chợ trời. Trước mắt, Nam đặt 500 lọ loại 300ml với giá 90 ngàn/lọ. Thảo đáp ứng ngay và yêu cầu anh Nam đặt cọc 2 triệu. Một tuần sau, hàng đã về tay, anh Nam rất hài lòng. 

Anh Nam đi khoe với bạn bè về mối quan hệ đầy tiềm năng với Thảo và có dự định sẽ kinh doanh mặt hàng này. Thảo "thả mồi" thêm cho Nam bên cô có khả năng cung cấp cả nước rửa tay nữa. Nếu Nam làm đại lý tiêu thụ, Thảo sẽ lấy giá sỉ tại nhà máy cho. Nhưng trước mắt, Nam phải đặt cọc 50% cho một đợt xuất hàng. Lần đầu tiên, Nam lấy 50 triệu, tức là phải đóng trước 25 triệu.

Chốt đơn hàng, Thảo hẹn anh Nam 10 ngày sau có hàng. Anh Nam hào hứng, phấn khởi đi quảng cáo, rao bán cho tất cả người quen, anh em họ hàng từ dưới quê lên tới thành phố. Họ tin tưởng Nam, giao tiền cho anh trước vì ai cũng muốn có những "bảo bối" trong mùa dịch bệnh này.

Chờ 10 ngày không thấy Thảo hồi âm, Nam gọi điện không được, nhắn tin cũng không thấy trả lời. Nam hoang mang, lo lắng liền gọi cho người bạn giới thiệu Thảo nhờ liên lạc giúp. Tuy nhiên, người bạn này nói chỉ quen Thảo trên mạng vì đã mua hàng vài lần trót lọt. Biết mình bị lừa, Nam đã trình báo công an.

Không biết số tiền của mình có lấy lại được không nhưng mất mát đầu tiên chính là niềm tin, uy tín, lòng tự trọng của anh đã bị tổn thương. Nam phải hoàn lại tiền cho người mua và chịu nỗi cay đắng, nhục nhã với gia đình, bạn bè. 

Trước các thủ đoạn lừa đảo trên mạng xã hội ngày càng hoành hành gây ra nhiều bất an cho người dân, cơ quan chức năng đã vào cuộc. Mới đây, Công an quận Thủ Đức (TP HCM) nhận được tin báo của chị L.T.T.Th. (35 tuổi, ngụ phường Hiệp Bình Phước) về việc bị lừa đảo chiếm đoạt  hàng trăm triệu đồng. 

Theo đó, chị Th. đặt mua 200 thùng khẩu trang y tế và 30 máy đo nhiệt độ thông qua một tài khoản trên Facebook với tổng số tiền là 440 triệu đồng. Theo thỏa thuận, chị Th. đã chuyển toàn bộ số tiền trên thông qua dịch vụ Internet banking qua số tài khoản ngân hàng có chi nhánh ở tỉnh Gia Lai. 

Đến hẹn, chị Th. không nhận được số lượng khẩu trang y tế và máy đo nhiệt độ và không liên lạc được "đối tác" trên mạng xã hội. Hiện vụ việc đang được Công an quận Thủ Đức điều tra làm rõ.

Cũng với hành vi lừa đảo bán khẩu trang y tế, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Lê Thị Liên (28 tuổi) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Liên đã lập tài khoản Facebook mang tên "Vy Lê" đưa nội dung thông tin có một số lượng lớn khẩu trang y tế cần bán. 

Khi thống nhất giá cả và số lượng, Liên yêu cầu chuyển tiền trước để mua khẩu trang y tế. Sau đó, Liên biến mất và chiếm đoạt hơn 600 triệu đồng của những người đặt mua khẩu trang.

Ngọc Thiện

Lực lượng phòng vệ dân sự Lebanon ngày 23/11 cho biết một cuộc không kích dữ dội ở trung tâm Beirut đã khiến ít nhất 11 người thiệt mạng, làm rung chuyển thủ đô khi Israel tấn công nhóm vũ trang Hezbollah.

Thời gian gần đây, một số người tham gia giao thông ở TP Hồ Chí Minh có hành vi sử dụng vũ lực, côn đồ hung hãn sau khi xảy ra va chạm giao thông, thậm chí gây án mạng. Từ những ứng xử thiếu văn hóa như trên đã dẫn đến những hậu quả đáng tiếc, hệ lụy lâu dài cho bản thân họ, gia đình và xã hội.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, sáng nay (23/11), lực lượng cứu nạn cứu hộ (CNCH) đã tìm thấy được 2 thi thể trên sông.

Thanh tra Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 2414/TB-TTCP thông báo kết luận thanh tra việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở giai đoạn 2011-2021 tại Bộ Giao thông vận tải (GTVT).

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa công bố Dự thảo quy chế tuyển sinh đại học năm 2025, trong đó có nhiều điểm mới về xét tuyển sớm như quy định các trường đại học không được dành quá 20% chỉ tiêu để xét tuyển sớm, riêng xét học bạ phải dùng điểm cả năm lớp 12 thay vì dùng điểm 3-5 kỳ như hiện nay.

Ngày 23/11, Công an thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hoá thông tin, đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối tượng Vũ Minh Dương (SN 2006), trú tại xã Hoạt Giang, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá để điều tra tội “Chống người thi hành công vụ”.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文