7 Thượng tướng quân đội Trung Quốc "ngã ngựa"
Bởi ông Phòng Phong Huy là Tư lệnh quân khu trẻ nhất (quân khu Bắc Kinh), được coi là kiến trúc sư trưởng của cuộc tái tổ chức quân đội Trung Quốc do ông Tập Cận Bình khởi xướng năm 2015. Và là "hổ quân đội" đầu tiên bị điểm danh của năm 2018, là Thượng tướng thứ hai (sau Thượng tướng Trương Dương tự sát hôm 23-11-2017) bị "ngã ngựa" kể từ Đại hội 19.
Theo tờ South China Morning Post, ông Phòng Phong Huy (sinh năm 1951, từng tháp tùng ông Tập Cận Bình trong cuộc gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 4-2017), bị coi là "kẻ cơ hội" và là "đệ tử" của cựu Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu (cả 2 người này đều bị sờ gáy với cáo buộc tham nhũng).
"Bản thân là cán bộ cấp cao của đảng và quân đội, Phòng Phong Huy nên làm gương thực hiện các tôn chỉ của đảng, nhưng ông lại dao động lý tưởng, niềm tin, quay lưng lại với tôn chỉ của đảng, biến chất về chính trị, tham ô về kinh tế, hoàn toàn đi ngược lại nguyên tắc và phụ sự tin tưởng của Trung ương, Quân ủy Trung ương và sự mong đợi của nhân dân, làm hoen ố nghiêm trọng hình tượng của đảng, hoen ố hình tượng của quân đội, hoen ố hình tượng của cán bộ lãnh đạo", trích bài viết trên tờ Giải phóng quân Trung Quốc.
Cựu Tổng Tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc Phòng Phong Huy. |
"Tham nhũng trong quân đội là chuyện không thể dung thứ. Quân đội phải là trường thành của quốc gia, tự tham nhũng chính là hủy hoại bản thân, không thể bảo vệ nhân dân. Bản thân tham nhũng thì còn gì sức đề kháng. Tướng lĩnh cấp cao như thế còn biến chất thì sao huấn luyện được đội quân tinh nhuệ?", ông La Tiễn, nguyên Phó Chính ủy Tổng cục Hậu cần quân đội, con trai một trong 10 Đại tướng khai quốc công thần La Thụy Khanh "than thở" tối 9-1 sau khi biết chuyện của Thượng tướng Phòng Phong Huy.
Đồng thời khẳng định, hiện tượng tham nhũng trong quân đội đã xảy ra từ lâu và một số người đã bị viên đạn bọc đường ăn mòn và đó là điều quá đáng sợ trong quân đội Trung Quốc. Theo thống kê, kể từ Đại hội 18 đến nay đã có 7 Thượng tướng quân đội "ngã ngựa", trong đó có 2 cựu Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương (Quách Bá Hùng, Từ Tài Hậu) và các ông Điền Tu Tư, Vương Kiến Bình, Vương Hỷ Bân, Trương Dương và Phòng Phong Huy.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và ông Phòng Phong Huy. |
"Hễ một con hổ ngóc đầu lên, chúng ta sẽ đánh ngay lập tức, hễ một con ruồi bay lung tung, chúng ta sẽ đập nát nó", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình nhấn mạnh khi phát biểu về vấn đề kỷ luật và tham nhũng được phát sóng trên toàn quốc hôm 11-1.
Và từ 11 đến 13-1, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương đã họp để củng cố nỗ lực chống tham nhũng và đẩy mạnh cải tổ hệ thống giám sát quốc gia. Theo thống kê, trong 5 năm mở cuộc chiến chống tham nhũng, đã có ít nhất 13.000 sĩ quan quân đội liên quan tới tham nhũng bị trừng phạt.
Ngày 10-9-2017, Quân ủy Trung ương thông báo, đã hoàn tất công tác giám sát kéo dài 8 tháng đối với quá trình cải tổ quân đội của nước này. Theo đó, Quân ủy Trung ương đã thăm gần 1.000 đơn vị từ cấp trung đoàn trở lên, điều tra hơn 50.000 sỹ quan và xử lý hơn 1.400 đơn kiến nghị và báo cáo vi phạm.
Theo giới truyền thông, kể từ khi lên nắm quyền, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quân ủy Trung ương Tập Cận Bình đã tìm cách xây dựng học thuyết quân sự mang dấu ấn cá nhân, trong đó nhấn mạnh tới việc "quân đội phải biết nghe đảng chỉ huy".
Và từ tháng 9-2015, Trung Quốc tiến hành cải cách quân đội liên quan đến cấu trúc lực lượng, tổ chức bộ máy và hệ thống chỉ huy của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) - giảm quy mô, số lượng, nâng cao chất lượng, khả năng tác chiến và tính chuyên nghiệp của PLA. Nghiêm túc tuân thủ nguyên tắc "Đảng chỉ huy quân đội".
Từ Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ 18 đến nay, Trung Quốc đã phong hàm Thượng tướng cho 23 người, riêng năm 2016, phong 2 Thượng tướng, 16 Trung tướng và 60 Thiếu tướng. Ngày 28-7-2017, ông Tập Cận Bình trao quyết định thăng quân hàm Thượng tướng cho Tư lệnh Chiến khu miền Trung (bổ nhiệm tháng 2-2016) Hàn Vệ Quốc, Chính ủy Lục quân Lưu Lôi, Chính ủy Không quân Vu Trung Phúc, Chính ủy Quân chủng Tên lửa Vương Gia Thắng và Tư lệnh Bộ đội Chi viện Chiến lược Cao Tân. Được biết, cơ cấu của PLA hầu như thay đổi hoàn toàn - thay 4 Tổng cục (Tổng cục Tham mưu, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần và Tổng cục Trang thiết bị) bằng 15 cơ quan giúp việc thuộc Quân ủy Trung ương. 7 quân khu được thay bằng 5 chiến khu. |