AK-47 - Súng trường của mọi thời đại

15:11 28/11/2011

"Khi nhìn thấy Bin Laden với khẩu AK-47, tôi thực sự căng thẳng. Nhưng tôi có thể làm gì, khủng bố không phải là những kẻ khờ, chúng luôn chọn những khẩu súng tốt nhất. Tôi tự hào về những sáng chế của mình, nhưng buồn vì chúng được sử dụng bởi những kẻ khủng bố". Đó là lời phát biểu của Mikhail Timofeevich Kalashnikov, cha đẻ của khẩu súng nổi tiếng AK-47 khi ông tới thăm nước Đức.

Nguyên mẫu AK-47

Dù đã ra đời từ cách đây hơn 60 năm, nhưng khẩu súng AK-47 của Kalashnikov vẫn được sử dụng và giữ một vai trò đặc biệt quan trọng trong các đơn vị bộ binh và các tổ chức du kích của hơn 50 quốc gia trên thế giới. Và ở Việt Nam cũng vậy, AK-47 đã góp phần không nhỏ giúp bộ đội ta giành chiến thắng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Một số nước còn đưa khẩu súng AK-47 lên quốc huy, cờ. Bộ trưởng quốc phòng Mozambique còn nói với Kalashnikov trong một lần ông đến thăm: "Ông có biết không, sau khi chúng tôi giành độc lập với khẩu súng của ông, nhiều người lính đã đặt tên con mình là Kalash. Đến vùng quê của chúng tôi ông sẽ gặp hàng chục đứa bé da đen có tên Kalash".

Trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, các quốc gia Liên Xô, CHND Trung Hoa, Hoa Kỳ đã cung cấp và viện trợ hàng loạt vũ khí cũng như các công nghệ quân sự cho các tổ chức và quốc gia đồng minh với mình. Lúc đó, các loại súng sử dụng trong quân đội Hoa Kỳ như M14, M16 rất đắt tiền, vì vậy Hoa Kỳ chủ yếu viện trợ các vũ khí dư thừa thuộc thế hệ cũ hơn cho các đồng minh. Trong khi đó, chi phí sản xuất thấp của súng AK khiến cho Liên Xô có thể chế tạo vũ khí này với số lượng rất lớn và cung cấp cho các đồng minh của họ thay cho các vũ khí thừa thế hệ cũ. Kết quả là trong thời kỳ chiến tranh lạnh, khẩu AK được Liên Xô và CHND Trung Hoa xuất khẩu với số lượng lớn (thậm chí là cho không) đến các quốc gia và tổ chức đồng minh của họ. Các khẩu súng AK đã có mặt trong quân đội của hơn 55 quốc gia và hàng tá tổ chức bán quân sự khác.

Mikhail Timofeevich Kalashnikov cha đẻ của súng AK-47.

Sau nhiều lần hoàn thiện, AK-47 được sử dụng rộng rãi trong các cuộc chiến tranh. Trong toàn bộ thời kỳ chiến tranh lạnh và trong các cuộc xung đột lớn nhỏ trên toàn cầu hiện nay, AK-47 vẫn là loại súng phổ biến nhất thế giới, được rất nhiều lực lượng quân đội, các lực lượng vũ trang trên thế giới cho đến các tổ chức tội phạm, tổ chức khủng bố sử dụng vì tính năng độ tin cậy rất cao trong điều kiện chiến đấu không tiêu chuẩn.

Thậm chí, khi vớt khỏi bùn (thời gian ngâm bùn không quá lâu), chỉ cần tháo ra, dùng nước rửa sạch các bộ phận, lắp ráp lại là có thể bắn được. Các nguyên vật liệu để chế tạo súng tương đối phổ cập, chủ yếu là thép và gỗ. Trong điều kiện công nghệ phát triển không cao nhưng nhiều nước đang phát triển và cả một số nước kém phát triển cũng đã chế tạo được khẩu súng này với giá thành khá rẻ.

Do cấu tạo không quá phức tạp, dễ tháo lắp, chỉ cần một số dụng cụ cơ khí đơn giản (búa, kìm, đột, tống chốt, giũa, chổi con sâu), xạ thủ có thể bảo dưỡng và sửa chữa nhỏ dễ dàng. Các bộ phận phụ: ốp che tay, báng, tay nắm bóp cò đều làm bằng gỗ nên rất dễ tự chế tạo theo mẫu. Súng có thể chịu được bùn, nước, cát bụi; rất phù hợp với những chiến trường có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt.

Cha đẻ và nghi án "đạo súng"

Mikhail Timofeyevich Kalashnikov sinh ra ở làng Kurya, vùng Altai, trong một gia đình nông dân đông người. Kalashnikov gia nhập Hồng Quân năm 1938 và đã thể hiện khả năng của mình khi sáng tạo ra máy đếm đạn cho xe tăng. Vào những năm đầu của cuộc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại ông đã là một viên chỉ huy xe tăng nhưng vào năm 1941 ông bị thương nặng trong chiến dịch Bryansk. Khi đang dưỡng thương trong bệnh viện, ông tham gia vào cuộc thi chế tạo vũ khí mới.

Sau một thời gian tự mày mò và nghiên cứu Kalashnikov đã tạo nên mẫu súng tự động đầu tiên của mình. Mẫu của ông đã được chế tạo và giới thiệu với một chuyên gia nổi tiếng về lĩnh vực vũ khí thời đó là Giáo sư Blagonravov. Sau khi thử nghiệm và phân tích Giáo sư Blagonravov cho đây là một thành phẩm hoàn toàn kém nhưng ông cũng nhấn mạnh sự độc đáo và nhiệt thành trong sáng tạo ở sản phẩm của Kalashnikov. Sau cuộc thi đó Giáo sư Blagonravov đã đề nghị cử Kalashinikov đi học một khoá học đào tạo về chế tạo vũ khí.

Sau khi hoàn thành khoá học, năm 1943 Kalashnikov bắt đầu làm việc tại Trung tâm nghiên cứu khoa học súng trường trung ương thuộc Bộ Tư lệnh pháo binh. Tại đây vào năm 1944 ông đã chế tạo ra mẫu súng cacbin nạp được nhiều đạn. Mẫu súng này tuy không nằm trong bộ súng nhưng phần nào đã giúp cho việc sáng tạo súng tự động của ông sau này . Từ năm 1945, Kalashnikov bắt đầu việc chế tạo súng tự động sử dụng đạn 7,62×39. Khẩu súng này chịu nhiều ảnh hưởng của súng Stg-44 của Đức.

Thế nhưng khẩu súng trường Sturmgewehr 44 (Stg-44) vẫn chưa phải là loại súng đầu tiên có những tính năng này, khẩu Cei-Rigotti của Ý cũng như khẩu Hoàng đế Nga và khẩu súng trường tự động Fedorov ra đời trước nó đã có dạng thiết kế của súng trường tấn công. Tuy nhiên, người Đức mới là người chế tạo hoàn chỉnh loại súng trường tấn công này và được đánh giá là khá chính xác và tiện ích trong tác chiến. Vào khoảng cuối chiến tranh, mặc dù đối đầu với Liên Xô nhưng những kinh nghiệm dày dặn của họ cũng ảnh hưởng đến lý thuyết quân sự của Liên Xô trong những năm hậu chiến. Theo một số nguồn tin thì trong nhóm chế tạo có những chuyên gia Đức bị bắt làm tù binh, trong đó có Hugo Shmeisher.

Lúc đó, quân đội Xô Viết đang mở một cuộc thi thiết kế một loại súng mới với yêu cầu là đáng tin cậy trong môi trường lầy lội, ẩm ướt và giá lạnh của Liên Xô, Kalashnikov tham gia. Ông thiết kế một mẫu súng carbine dựa trên phần lớn thiết kế khẩu súng M1 Garand của Hoa Kỳ, và mẫu này thua mẫu của Sergei Gavrilovich Simonov (mẫu súng của Simonov sau này trở thành khẩu CKC). Cùng thời gian đó, quân đội Xô Viết cũng bắt đầu quan tâm với việc phát triển một loại súng trường tấn công thực thụ, sử dụng đạn M1943 có kích thước ngắn hơn.

Mẫu thiết kế đầu tiên của kiểu súng này được Aleksei Sudaev giới thiệu năm 1944. Tuy nhiên trong các cuộc thử nghiệm nó bị đánh giá là quá nặng nề. Một cuộc thi thiết kế khác được tổ chức vào hai năm sau đó, và lần này đội thiết kế của Kalashinkov lại tiếp tục đăng ký tham gia. Đó là một khẩu súng trường hoạt động dựa trên nguyên tắc trích khí ngang, mở khóa nòng để nạp đạn giống như mẫu carbine năm 1944 của ông, cùng với một hộp đạn cong chứa 30 viên.

Mặc dù Kalashnikov đã phủ nhận rằng AK-47 dựa trên khẩu MP 44 của người Đức, nhưng người ta vẫn khăng khăng cho rằng AK-47 đã chịu nhiều ảnh hưởng từ thiết kế của Stg-44.

Nhưng rồi người ta vẫn phải công nhận một điều rằng AK-47 đúng là đã tích hợp được những đổi mới công nghệ súng trường so với trước đó: quá trình điểm hỏa được thực hiện bằng bệ khóa nòng lùi có lò xo đẩy về, sử dụng cụm khóa nòng kiểu then xoay như khẩu M1 Garand/M1 carbine, hệ thống trích khí được bố trí như khẩu MP44. Nhóm thiết kế của Kalashnikov có điều kiện tiếp cận tất cả các loại vũ khí này và không việc gì phải "sáng chế lại cái bánh xe", mặc dù họ không bao giờ thừa nhận rằng thiết kế của họ áp dụng nguyên bản khẩu súng trường tiến công Sturmgewehr 44 của Đức.

Đem hai loại ra so sánh thì nhận thấy, AK-47 có trích khí động lực xung ngắn tương tự như súng máy DP-27. Trong khi MP44 trích khí tiết lưu áp lực hành trình dài. AK-47 có máy khóa nòng xoay hai tai. MP44 là máy khóa nòng chèn nghiêng giống SVT và PTRS. AK-47 có kiểu băng đạn gài trong khi MP44 là băng đạn cắm. Hướng thiết kế của hai loại súng cũng không có sự tương đồng. Cùng là súng xung phong, thì AK-47 và đạn 7,62x39mm phát triển bằng cách "cắt ngắn súng trường" để thỏa mãn hai chức năng bắn khi xung phong và bắn đối kháng.

Súng có ốp lót tay cầm trước để cầm như súng trường, khoảng cách từ cuối báng tới vị trí nắm phía trước thích hợp để bắn ngắm đối kháng tầm xa. Trong khi đó MP44 được thiết kế theo hướng "kéo dài súng ngắn" để thỏa mãn riêng một chức năng xung phong. Súng không có ốp lót tay phía trước, người bắn phải cầm vào cổ băng như MP40, rất thích hợp để bắn khi xung phong nhưng không hề thích hợp cho bắn đối kháng như súng trường.

Về phiên chế, AK-47 được thiết kế để thay thế cả tiểu liên và súng trường, trong khi MP44 chỉ thay thế cho các loại tiểu liên đang được quân Đức trang bị lúc đó. Hướng thay thế vũ khí bộ binh tiêu chuẩn của Đức là MP 44, Gewehr 43 và MG 42 thay thế cho MP 40, K98k và MG 34, đầy đủ tiểu liên, súng trường và súng máy, trong đó MP 44 và MP 40 đều là súng xung phong chủ lực.

Một điểm thú vị trong thiết kế của AK-47 là tổ hợp thân súng (bao gồm hộp khóa nòng, nắp hộp khóa nòng, bệ khóa nòng, khóa nòng, bộ phận cò - búa, lò xo và thoi đẩy về) và hộp tiếp đạn rất lỏng lẻo, kêu "lọc xọc" khi rung lắc mạnh. Tuy nhiên khác với những gì mà người ta tưởng tượng, các bộ phận này gắn kết với nhau rất chắc chắn, độ rơ đặc biệt giữa các bộ phận và cấu tạo khối thô, to, nặng của chúng tạo ra khả năng hoạt động hoàn hảo trong mọi môi trường, loại bỏ khả năng bị hóc đạn hay kẹt hệ thống cò - búa, khóa nòng do bụi bẩn hay bùn đất, cặn dầu mỡ. Đây cũng là đặc điểm ưu việt khi chế tạo vì AK-47 có thể được sản xuất tại các xưởng có hệ thống máy móc tồi tàn nhất mà vẫn bảo đảm các thông số kỹ chiến thuật cao nhất. Thực tế chiến tranh Việt Nam cho thấy AK-47/AKS-47 vẫn bắn được trong tình trạng các bộ phận bên trong dính đầy bùn đất, thậm chí ngay sau khi được lôi ra khỏi nước.

Buôn súng AK, đắt khách!

Khẩu AK và các biến thể của nó là một trong những vũ khí cầm tay thịnh hành nhất trong thị trường chợ đen trên toàn thế giới, nó đã được bán trái phép cho các chính quyền, các phiến quân, các tổ chức tội phạm và các cá nhân với sự giám sát rất lỏng lẻo. Ở một số quốc gia, giá của khẩu AK rất rẻ; tại Pakistan, Somalia, Rwanda, Mozambique, CHDC Congo  và Ethiopia, giá cả dao động từ 30 đến 125 USD mỗi khẩu và càng ngày càng thấp trong những thập niên gần đây do vô số các sản phẩm nhái của khẩu AK gốc đã được sản xuất.

Khi Moisés Naím khảo sát một thị trấn nhỏ của Kenya năm 1986, một khẩu AK-47 có giá bằng 15 con bò nhưng vào năm 2005 giá giảm xuống chỉ còn 4 con bò, việc này có nghĩa là nguồn cung cấp súng AK rất phong phú.http://vi.wikipedia.org/wiki/AK-47 - cite_note-33#cite_note-33 AK-47 đã xuất hiện trong các cuộc xung đột vũ trang tại bán đảo Balkan, tại Iraq, Afghanistan và Somalia.

Sau khi quân đội Liên Xô rút khỏi Afghanistan, họ để lại quốc gia này rất nhiều vũ khí trong đó có những khẩu súng AK, thứ vũ khí đã được dùng trong cuộc chiến giữa chính quyền Taliban với Liên minh miền Bắc và được xuất khẩu sang Pakistan. Khẩu súng hiện đang được chế tạo trên các vùng lãnh thổ bán tự trị. Nó còn được sử dụng rộng rãi bởi các bộ lạc châu Phi ví dụ như các bộ tộc Hamer.

Sự phổ biến của AK-47 không chỉ được thể hiện ở mặt doanh số sản xuất và doanh số bán ra của nó. Danh tiếng của AK-47 trong các cuộc chiến tranh, xung đột quân sự và các hoạt động bạo lực đã làm cho hình ảnh của nó in sâu vào tiềm thức con người và trở thành một biểu tượng cho tinh thần chiến đấu. Trong chiến tranh Việt Nam và cho đến tận cuối những năm 1989, hình bóng khẩu AK-47 có mặt ở hầu hết các tranh cổ động, các bích trương từ thành thị đến nông thôn. Trong số các súng đạo cụ sử dụng tại các đoàn nghệ thuật, các xưởng phim, khẩu AK-47 chiếm một số lượng lớn so với các loại khác.

Thậm chí, biểu tượng của một số quốc gia và một số tổ chức cũng sử dụng hình dạng của khẩu AK-47 như một yếu tố hình tượng bên cạnh các yếu tố hình tượng khác. Hình ảnh của khẩu AK đã xuất hiện trong cờ và Quốc huy Mozambique, một sự thừa nhận rằng các nhà lãnh đạo của các quốc gia này giành được quyền lực phần nào nhờ vào việc sử dụng hiệu quả các khẩu AK-47http://vi.wikipedia.org/wiki/AK-47 - cite_note-37#cite_note-37. Nó cũng xuất hiện trên Quốc huy Zimbabwe và Đông Timor, Quốc huy của Burkina Faso những năm 1984-1997, cờ của Tổ chức Hezbollah, và biểu trưng của lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran.

Ở các nước phương Tây, nhất là Mỹ, khẩu AK-47 thường được xem là nằm trong tay các quốc gia mà Mỹ liệt vào "trục ác": ban đầu là Liên Xô, sau đó là các đồng minh theo khối Xã hội chủ nghĩa trong cuộc chiến tranh Triều Tiên và chiến tranh Việt Nam. Trong thập niên 1980, Liên Xô trở thành quốc gia cung cấp vũ khí duy nhất cho các nước chịu lệnh cấm vận của Mỹ - trong đó bao gồm nhiều nước Trung Đông như Syria, Libya và Iran - những nước này sẵn sàng liên minh với Liên Xô để chống lại các nước theo phe Mỹ như Israel.

Sau khi Liên Xô sụp đổ, AK-47 được bán công khai lẫn bán lén lút trên chợ đen cho bất cứ tổ chức nào, kể cả cho các băng đảng tội phạm, băng đảng ma túy, các chính quyền độc tài và gần đây nhất AK xuất hiện trong tay các tổ chức có đường lối cực đoan, các tổ chức khủng bố như Taliban, Al-Qaeda ở Afghanistan, Iraq và các du kích FARC ở Colombia. Trong các bộ phim Mỹ, các băng đảng tội phạm và khủng bố thường được trang bị các khẩu AK.

Ở Mexico, khẩu súng này mang tên là Cuerno de Chivo và hình ảnh của nó thường gắn liền với các băng đảng mafia cũng như các hoạt động buôn bán ma túy. Trong một số bài hát dân ca cũng có nhắc đến khẩu súng AK.

Vào năm 2006, nhạc sĩ kiêm nhà hoạt động hòa bình người Colombia César López đã chế tạo một nhạc cụ mang tên escopetarra, thực chất đây là một chiếc đàn ghi-ta được làm từ một khẩu súng AK. Cây đàn này đã được bán với giá 17.000 USD tại một buổi gây quỹ từ thiện nhằm giúp đỡ những nạn nhân của mình. Một cây đàn khác đã được trưng bày tại Hội nghị giải trừ quân bị của Liên Hiệp Quốc.http://vi.wikipedia.org/wiki/AK-47 - cite_note-BBC-38#cite_note-BBC-38

AK hiện đại

Năm 2010, báo chí Nga cho biết quân đội nước này đang cho thử nghiệm một loại súng trường tấn công Kalashnikov mới. Thuộc họ súng AK danh tiếng, mẫu AK-200 sẽ góp phần tăng cường sức mạnh cho người lính Nga bởi nó được đánh giá là hiệu quả hơn nhiều so với thế hệ súng trước.

Hiện có rất ít thông tin liên quan tới mẫu súng mới. Chỉ biết nó được xây dựng dựa trên nguyên mẫu AK47, loại súng tiêu chuẩn của quân đội Nga. Tuy nhiên AK- 200 sẽ có những khác biệt về trọng lượng. Ông Grodetsky cũng cho biết súng trường tấn công bộ binh là loại vũ khí ít thay đổi và chỉ sau mấy chục năm mới xuất hiện một thế hệ súng mới. Việc thử nghiệm AK- 200 diễn ra theo quy trình này. Căn cứ vào kết quả, Nga sẽ đưa ra quyết định có trang bị súng này cho quân đội hay không. Dù chưa rõ tương lai các cuộc thử nghiệm ra sao, dòng súng AK-200 hiện đã được đánh giá là có hiệu quả cao hơn từ 40 - 50% so với súng thế hệ trước. Do thông tin về AK-200 khá hạn chế, giới phân tích dự đoán các khẩu súng tương lai này sẽ chứa nhiều đặc điểm giống với nguyên mẫu.

Có người nói Izhevsk là thánh địa Mecca của các nhà thiết kế súng Nga. Không thể phủ nhận tuyên bố này bởi gần như toàn bộ các hệ thống súng nhỏ hiện đại của quân đội Nga đều đã được thiết kế và chế tạo tại Izhevsk, từ súng trường AK-47, AKM, AK-74, AK-74M tới súng lục Makarov, súng bắn tỉa SVD Dragunov.

Tháng 11 năm ngoái, Kalashnikov được trao giải thưởng "Anh hùng Liên bang Nga", phần thưởng cao quý nhất nước, trong sinh nhật thứ 90 của ông. Khi nhận giải, Kalashnikov đã bày tỏ sự nuối tiếc rằng đứa con của ông, dù nổi tiếng, lại thường xuyên bị lạm dụng hoặc sử dụng cho mục đích xấu. Tuy nhiên có mặt trong buổi lễ, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã cho rằng súng AK là "hình mẫu hoàn hảo của vũ khí Nga và là thương hiệu quốc gia khiến mỗi người dân đều cảm thấy tự hào"

Trần Tú (tổng hợp)

Hỏi: Cháu tôi bị bạn bè lôi kéo, tụ tập tham gia đua xe máy và bị Công an quận tạm giữ cả xe và người để xử lý theo quy định pháp luật. Xin hỏi hành vi của cháu tôi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? (Trần Văn Hải, TP Hồ Chí Minh)

Trong bối cảnh Mỹ ngày càng thờ ơ với khu vực Mỹ Latinh, Trung Quốc đã nhanh chóng tận dụng khoảng trống này để mở rộng ảnh hưởng. Với chiến lược đầu tư mạnh mẽ và cam kết lâu dài, Bắc Kinh đang tạo ra một sự thay đổi đáng kể tại Mỹ Latinh, khiến Washington phải đối mặt với thách thức lớn về địa chính trị ngay tại “sân sau” của mình.

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

Sau một thời gian theo dõi, Công an huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh đã phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm Công nghệ cao Công an Hà Tĩnh, Công Thành phố Hà Nội, Quãng Ngãi, Gia Lai phá thành công chuyên án buôn bán, vận chuyển hàng cấm (pháo) với quy mô lớn, bắt giữ 6 đối tượng, thu giữ trên 2,2 tấn pháo các loại cùng nhiều tang vật liên quan đến vụ án.

Ý thức được việc làm của mình là sai trái, qua sự động viên giải thích của Công an, vợ chồng người con trai chiếm nhà của bà cụ Phạm Thị Trơn (phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ) đã viết giấy trả nhà. Việc giao trả diễn ra trên tinh thần tự nguyện, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng chính quyền địa phương.

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文