ASEAN và vấn đề đảm bảo an ninh nguồn nước ở sông Mekong
- Vì an ninh nguồn nước sạch
- Thách thức an ninh nguồn nước sông Mekong và câu chuyện ở ĐBSCL – Việt Nam
Tuy nhiên, các dự án phát triển trên sông Mekong gần đây, đặc biệt là việc xây dựng các đập thủy điện đang có những ảnh hưởng và tác động tiêu cực đến cuộc sống của các dân cư sống ở lưu vực sông Mekong.
Mặc dù ASEAN đã có một vài nỗ lực nhằm thúc đẩy các biện pháp đảm bảo an ninh nguồn nước ở Tiểu vùng sông Mekong (GMS) nhưng dường như vẫn chưa đáp ứng được với yêu cầu thực tế.
Sông Mekong và vấn đề an ninh nguồn nước
Sông Mekong bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng, Trung Quốc chảy qua Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam trước khi ra Biển Đông.
Với chiều dài khoảng 4,350km, sông Mekong có chiều dài lớn thứ 12 trên thế giới và khu vực hạ lưu sông Mê-kông có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với các nước có dòng sông này chảy qua. Theo ước tính, hàng năm ngư trường ở khu vực hạ lưu sông Mekong đem lại giá trị kinh tế khoảng 17 tỷ USD.
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo khu vực Tiểu vùng sông Mekong sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ gây mất an ninh nguồn nước trong những năm tới. Bất cứ thay đổi nào liên quan đến dòng chảy, lưu lượng, nhiệt độ nguồn nước ở sông Mekongđều đe dọa đến hệ sinh thái ở khu vực này.
Tiến sỹ Felix Heiduk của Viện Nghiên cứu quốc tế và an ninh, Cộng hòa Liên bang Đức nhận định những ảnh hưởng của đợt hạn hán lịch sử từ năm 2019, kéo dài sang năm 2020 đang ngày một trầm trọng khi mực nước liên tục đạt kỷ lục giảm.
Một điều đáng lo ngại nữa là các nước ở dọc khu vực sông Mekong đang thực thi chính sách tăng cường xây dựng các đập thủy điện trên dòng chính để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của khu vực.
Nguyên nhân được cho là sự gia tăng dân số sẽ làm gia tăng nhu cầu sử dụng nguồn nước và năng lượng. Hiện có 11 đập thủy điện trên thượng nguồn và 30 đập ở phụ lưu của sông Mekong đang được đề xuất xây dựng trong vòng 20 năm tới.
Theo một nghiên cứu mới đây của Viện Hợp tác và Hòa bình Campuchia, nhiều dự án thủy điện được đề xuất xây dựng trên dòng chính của sông Mekong không đáp ứng được những tiêu chí tối thiểu về môi trường hay phát triển kinh tế - xã hội, có thể sẽ gây ra hậu quả to lớn đối với cộng đồng dân cư đang sinh sống ở khu vực đó.
Các chuyên gia về môi trường cho rằng những đập thủy điện hiện tại đe dọa làm sụt giảm lượng cá, thay đổi dòng nước, làm giảm lượng phù sa phục vụ cho việc chăm bón cây trồng và sản xuất lúa gạo...
Ngoài ra, việc thay đổi dòng nước bởi các đập thủy điện sẽ gây ra tác động tiêu cực đến năng suất trồng lúa, ảnh hưởng đến an ninh lương thực ở khu vực. Bên cạnh đó, các dự án đập thủy điện trên dòng chính của sông Mekong được cho là đã và đang gây thiệt hại khoảng 231 triệu USD cho ngành nông nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long.
Sông Mekong có nguy cơ cạn kiệt vì quá nhiều thuỷ điện được xây dựng trên thượng nguồn. |
Nỗ lực của ASEAN trong việc đảm bảo an ninh nguồn nước
Ủy hội sông Mekong quốc tế (MRC), được thành lập năm 1995. Mục đích của MRC là thúc đẩy, hỗ trợ, hợp tác và điều phối phối hợp trong việc phát triển mọi tiềm năng vì lợi ích bền vững của tất cả các quốc gia ven sông và ngăn ngừa sử dụng lãng phí nước trong lưu vực sông Mekong; giảm thiểu tối đa các ảnh hưởng tiêu cực đến người dân và môi trường ở khu vực hạ lưu sông Mê-kông.
Năm 2005, Kế hoạch hành động chiến lược của ASEAN về Quản lý nguồn nước đã được thông qua, trong đó nhấn mạnh đến biến nhận thức thành hành động đối với việc quản lý nguồn nước và phát triển bền vững sông Mê-kông.
Bởi vậy, sông Mekong đã trở thành vấn đề an ninh kinh tế và lương thực quan trọng với tất cả các nước hạ nguồn.
Bên cạnh đó, Tiểu vùng Mekong thể hiện mình là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, mạng lưới giao thông khu vực và được đánh giá là một trong những tiểu vùng năng động nhất trong ASEAN, là cầu nối đất liền giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Theo đó, các chuyên gia đã đưa ra một số kiến nghị đối với ASEAN để giúp các nước thành viên quản lý tốt hơn và bền vững hơn nguồn nước sông Mekong.
Thứ nhất, ASEAN cần tập trung nhiều nguồn lực hơn trong công tác đảm bảo an ninh nguồn nước và phải coi đây là vấn đề cần đặc biệt quan tâm. Bởi lẽ, hiện có khoảng 65 triệu công dân của các nước thành viên ASEAN đang sinh sống dựa trên nguồn nước của sông Mekong.
Thứ hai, ASEAN cần thể hiện vai trò điều phối hiệu quả hơn giữa các nước thành viên trong việc thực thi đầy đủ Hiệp định Mekong (năm 1995). Qua đó, ASEAN có thể giúp tạo ra sự cân bằng bằng việc đưa vấn đề an ninh nguồn nước là mối quan tâm chung của tất cả các nước thành viên hơn là của một tiểu vùng như hiện nay.
Thứ ba, ASEAN cần thiết lập một cơ quan khu vực đảm nhiệm về công tác đảm bảo an ninh nguồn nước nhằm cung cấp các nghiên cứu có tính tổng thể, toàn diện và khách quan.
Bởi lẽ, hiện nay các dự án xây đập thủy điện được cho là chưa đánh giá đúng thực trạng và tác động có thể gây ra đối với các quốc gia ven sông, dẫn đến một số quốc gia dễ dàng thông qua các chính sách, mà chưa có sự phối hợp đồng bộ của các bên liên quan.