Khủng bố tấn công du khách nước ngoài, ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành công nghiệp du lịch
- BNG thông tin thêm về nạn nhân vụ tấn công tại Ai Cập
- 9 du khách Việt gặp nạn trong vụ đánh bom tại Ai Cập về nước
Vụ tấn công xảy ra chiều tối ngày 28-12 (giờ địa phương), tức tối cùng ngày giờ Việt Nam khi chỉ còn hơn 3 ngày nữa là kết thúc năm 2018.
Theo hãng tin Reuters, đây là vụ tấn công khủng bố đầu tiên nhắm vào du khách nước ngoài ở Ai Cập trong hơn một năm qua và nó lại xảy ra vào lúc ngành du lịch của Ai Cập vừa phục hồi sau những bất ổn trong nước từ sự kiện nổi dậy "Mùa xuân Ả rập" năm 2011. Du lịch là nguồn thu ngân sách chính của Ai Cập.
Hãng tin AFP điểm lại những vụ tấn công khủng bố xảy ra thời gian gần đây tại Ai Cập. Tháng 7-2017, hai du khách Đức bị một kẻ tấn công nghi là lực lượng thánh chiến đâm chết ở khu nghỉ dưỡng Hurgada bên bờ biển Đỏ của Ai Cập.
Tháng 10-2015, một tổ chức liên kết và đã tuyên thệ trung thành với nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tại địa phương đã tuyên bố nhận trách nhiệm vụ gài bom máy bay chở du khách Nga, sát hại toàn bộ 224 người trên đó ở bán đảo Sinai.
Hiện trường vụ đánh bom xe chở du khách Việt. |
Vụ đánh bom năm 2015 đã giáng một đòn chí tử vào ngành công nghiệp du lịch của Ai Cập vẫn đang chao đảo sau bất ổn chính trị năm 2011 liên quan tới phong trào nổi dậy lật đổ nhà lãnh đạo Hosni Mubarak.
Kể từ sau thảm kịch năm 2015, Ai Cập đã cố gắng tìm nhiều cách để thu hút du khách trở lại như công bố các khám phá khảo cổ mới, tăng cường an ninh tại các địa danh tham quan khảo cổ và tại các sân bay.
Theo đó ngành du lịch Ai Cập đã từ từ có những bước khôi phục. Cơ quan thống kê nước này cho biết lượng du khách tới Ai Cập năm 2017 đạt 8,2 triệu người, cao hơn 5,3 triệu người năm trước đó.
Tuy nhiên con số ấy vẫn còn ở rất xa so với cột mốc kỷ lục là hơn 14 triệu lượt khách du lịch tới nước này năm 2010.
Trong nhiều năm qua chính quyền Ai Cập đã liên tục phải chống lại lực lượng nổi dậy Hồi giáo tại khu vực Bắc Sinai. Kể từ tháng 2 năm nay, lực lượng an ninh Ai Cập đã tiến hành chiến dịch lớn tập trung vào bán đảo Sinai nhằm mục tiêu quét sạch chi nhánh IS tại địa phương ở đó.
Theo số liệu thống kê của quân đội Ai Cập trong tháng 10 năm nay, kể từ khi chiến dịch này diễn ra, hơn 450 đối tượng được cho là các chiến binh thánh chiến và khoảng 30 binh sĩ Ai Cập đã chết.
Các kim tự tháp Giaza là công trình kiến trúc còn lại duy nhất cho tới ngày nay trong số 7 kỳ quan thế giới của thời cổ đại, đây cũng là một trong những điểm thu hút đông đảo du khách quốc tế nhất của Ai Cập.
Mặc dù sau thảm kịch xảy ra với các du khách Việt, Thủ tướng Ai Cập, ông Mostafa Madbouli, kêu gọi truyền thông không "thổi phồng" sự việc vì theo ông "không quốc gia nào trên thế giới có thể đảm bảo an toàn 100%", nhưng có thể thấy, sau sự việc này, cơ quan chức năng nhiều nước sẽ sớm có những cảnh báo an toàn với công dân của họ khi tới Ai Cập du lịch.
Nhà nghiên cứu chính trị Mohammed Abu El Fadl nhận định thời điểm của vụ đánh bom xe chở du khách Việt Nam tại Ai Cập cho thấy những kẻ tấn công muốn triệt hạ ngành du lịch và hình ảnh Ai Cập.
"Thời điểm tấn công - vài ngày trước năm mới, cho thấy những kẻ tấn công muốn tạo ra một cú sốc kinh tế và chính trị sau khi các chiến dịch trấn áp khủng bố tại bán đảo Sinai của chính quyền Cairo đã đạt được những thành công đáng kể" - ông Mohammed Abu El Fadl nói với đài Sky News Ả rập.
"Nó không chỉ nhằm mục đích là gây bối rối cho chính quyền Ai Cập mà còn chủ tâm đánh gục ngành du lịch vừa hồi phục và bắt đầu có dấu hiệu khởi sắc trong năm 2018 của Ai Cập" - chuyên gia El Fadl nhận định.
Phát hiện cổ vật mới khiến nhiều du khách tới Ai Cập. |
Vụ tấn công xảy ra khi xe buýt chở các du khách Việt Nam đến xem một buổi trình diễn ánh sáng và âm thanh ở Đại kim tự tháp Giza. Chiếc xe gặp nạn khi đang di chuyển trên đường Mariyutiya Street thuộc quận Al-Haram (Cairo, Ai Cập).
Trong cuộc họp báo ngay sau vụ việc, Thủ tướng Ai Cập Mustapha Medbouli cho biết đã liên hệ với Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập song khẳng định chiếc xe buýt chở khách Việt đã tự ý đổi lộ trình mà không báo cáo và di chuyển ngoài khu vực được an ninh Ai Cập bảo vệ.
Tài xế xe buýt người Ai Cập đã phủ nhận thông tin trên và nhấn mạnh rằng đã lái xe theo đúng lộ trình an toàn quy định. Tuy nhiên, theo chuyên gia El Fadl, vụ tấn công "đã cho thấy sự yếu kém của nhà chức trách Ai Cập trong cuộc đối đầu với khủng bố".