Ai sẽ cứu Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu?

16:14 09/11/2019
Với việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, các quốc gia có nguồn phát thải carbon lớn khác trên thế giới có thể phải đẩy mạnh hơn nữa các cam kết giảm khí thải của mình. Nếu không, một viễn cảnh tồi tệ về môi trường sẽ đến…


Dễ đến và dễ đi?

Hôm 4-11, Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức thông báo cho Liên Hợp Quốc (LHQ) rằng Mỹ đang rút khỏi thỏa thuận khí hậu Paris. Việc rút khỏi hiệp định sẽ hoàn tất trong một năm. Hãng tin CNN cho hay, động thái này đã được ông Donald Trump tuyên bố từ lâu, coi là một phần trong chiến lược rộng lớn hơn nhằm bãi bỏ quy định của ngành công nghiệp Mỹ. Nhưng nó lại đe dọa làm suy yếu nỗ lực toàn cầu về chống khủng hoảng khí hậu.

Biến đổi khí hậu đang là nỗi ám ảnh và nỗi lo lớn nhất toàn cầu. ảnh: Getty

"Việc rút khỏi Hiệp định Paris cũng khiến Mỹ trở thành nhà phát thải carbon lớn nhất thế giới duy nhất nằm ngoài thỏa thuận về chống biến đổi khí hậu. Các nhà ngoại giao toàn cầu hiện phải đối mặt với thách thức làm thế nào để tiến lên mà không có sự tham gia của Mỹ. Các nguồn phát lớn khác, như Trung Quốc và Ấn Độ, có thể phải bước lên", hãng CNN viết.

Trong khi đó, tờ New York Times bình luận: "Ngoại giao có thể cứu thỏa thuận? Thỏa thuận Paris khuyến khích, nhưng không yêu cầu các quốc gia tăng cường cam kết khi họ có thể thực hiện điều đó một cách gắn bó hơn. Bây giờ, các nguồn phát thải carbon lớn có thể phải đối mặt với áp lực để thực hiện các cam kết lớn hơn.

Phát biểu tại Bắc Kinh trước cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã kêu gọi cả hai nước phải thường xuyên cập nhật các cam kết về khí thải, với sự hợp tác quyết định giữa Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU).

Nhưng đến năm 2020 thì sao? Vì thoát khỏi hiệp ước khí hậu mất một năm, Mỹ sẽ không rút hoàn toàn cho đến một ngày sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020. Sau đó, Mỹ sẽ tham dự các cuộc họp với tư cách quan sát viên. Ngay cả khi đảng Dân chủ giành chiến thắng vào năm 2020 và tham gia lại hiệp định thì cũng có thể không được tin tưởng là một đối tác ổn định".

Trước những lo ngại này, trong một tuyên bố đưa ra hôm 5-11, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo vội vàng nói: "Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các đối tác toàn cầu của mình để tăng cường khả năng phục hồi trước các tác động của biến đổi khí hậu và chuẩn bị ứng phó với thảm họa thiên nhiên".

Trong khi đó, trợ lý Bộ trưởng Năng lượng hoá thạch, ông Steven Winberg phát biểu tại một hội nghị về dầu khí ở Nam Phi như sau: "Mỹ có thể giải quyết các mối đe dọa đối với khí hậu thông qua những tiến bộ công nghệ vì nhiên liệu hóa thạch sẽ vẫn là ưu tiên của chính phủ và doanh nghiệp Mỹ. Thế giới nên trông chờ vào khả năng của Mỹ để giảm lượng khí thải.

Chúng tôi có thể giải quyết bất kỳ vấn đề khí hậu nào với sự phát triển công nghệ, một điều bạn thấy trong lịch sử Mỹ là chúng tôi đã liên tục giải quyết những thách thức đặt ra trước mắt. Hãy xem những gì chúng tôi làm ở Mỹ về việc giảm khí thải và phát triển công nghệ thế kỷ XXI. Lượng khí thải carbon dioxide của Mỹ đã giảm 14% trong giai đoạn 2005-2017 và khí tự nhiên lỏng nó sẽ được chuyển đổi thành hydro sạch hơn, thu giữ và cô lập carbon dioxide một cách tiến bộ trong lò hơi đốt than''.

Hãng CNN thông tin, từ tháng 8, Tổng thống Donald Trump đã thực hiện lời hứa hủy bỏ cam kết của Mỹ đối với thỏa thuận Paris (cắt giảm hơn một phần tư lượng khí thải nhà kính của Mỹ vào năm 2025) mà ông đưa ra từ khi nhậm chức với lý do những hạn chế sẽ gây hại cho nền kinh tế và công nhân Mỹ.

Tuy nhiên, cuối cùng, việc rời bỏ thỏa thuận sẽ là quyết định của người chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020. Andrew Light, cựu quan chức về biến đổi khí hậu thuộc Bộ Ngoại giao, người đã giúp phát triển Hiệp định Paris nói: "Thỏa thuận được thiết kế để dễ tham gia hơn là rời đi. Mỹ thậm chí còn dẫn đầu các quốc gia chịu trách nhiệm về những lời hứa mà họ đưa ra, một phần để giúp bảo vệ chống lại sự thay đổi chế độ và những bất ổn chính trị toàn cầu khác".

Rachel Cleetus thuộc Liên minh các nhà khoa học thì cho rằng, đây không phải là lần đầu tiên Mỹ từ bỏ thỏa thuận khí hậu quốc tế. Mỹ từng thất bại trong việc phê chuẩn Nghị định thư Kyoto 1997 mặc dù là công cụ tạo ra nó. Trong trường hợp này, Mỹ đã trở thành một bên ký kết thỏa thuận nhưng gần như ngay lập tức báo hiệu rằng họ không có ý định theo đuổi trách nhiệm của mình.

"Trong cả hai trường hợp, Mỹ đều là công cụ phát triển chiến lược quốc tế. Đó là một trong những điều trớ trêu của tất cả những điều này. Khi Thỏa thuận Paris đang được đàm phán, phái đoàn Mỹ đã thúc đẩy sự minh bạch và trách nhiệm hơn để đảm bảo các quốc gia đã ký kết sẽ thực sự làm những gì họ đã hứa. Mặc dù chúng tôi là những người đã chỉ ra những kịch bản tiềm năng này cho các vấn đề với các quốc gia khác, chúng tôi dường như lại là vấn đề lớn nhất", Rachel Cleetus nói: "Nếu là một quốc gia nhỏ bé với lượng khí thải nhỏ, điều đó sẽ không quan trọng lắm. Nhưng Mỹ lại là một đất nước rộng lớn với nhiều quyền lực và nhiều ảnh hưởng trên toàn thế giới. Việc Mỹ là một ngoại lệ trong vấn đề này đang kìm hãm thế giới. Tuy nhiên, việc rút khỏi thoả thuận có thể đảo ngược, nếu một chính quyền tương lai chọn tham gia lại và chọn nơi Mỹ rời đi với những lời hứa giảm phát thải".

Tín hiệu vui

Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu được đại diện 195 quốc gia, trong đó có những nước phát thải nhiều khí thải như Mỹ và Trung Quốc, ký kết tháng 4-2016 tại trụ sở LHQ ở New York, Mỹ. Trước đó, các bên tham gia công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP 21) đạt được hiệp định này tại Hội nghị lần thứ 21 ở Paris, Pháp tháng 12-2015.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử một văn bản quốc tế nhận được tham gia mạnh mẽ và đông đảo như vậy, minh chứng cho sự ủng hộ đặc biệt của cộng đồng quốc tế đối với các vấn đề khí hậu. Hiệp định Paris quy định tất cả các nước thành viên phải đề ra một mục tiêu rõ ràng nhằm cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Theo đó, khi Hiệp định chính thức có hiệu lực từ tháng 11-2016, các nước phải bắt đầu triển khai kế hoạch cắt giảm lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính để kiềm chế mức tăng nhiệt độ trên toàn cầu không quá 2 độ C so với nhiệt độ của thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp (vào khoảng thập niên 50 của thế kỷ XIX). Mỗi quốc gia cũng đặt ra các mục tiêu riêng và nhiều quốc gia giàu có, bao gồm Mỹ có trách nhiệm giúp các nước nghèo trả chi phí liên quan đến biến đổi khí hậu...

Do đó, khi Mỹ tuyên bố rút khỏi Hiệp định Paris, nhiều quốc gia trên thế giới đã tỏ thái độ thất vọng trước hành động của Mỹ và khẳng định thêm các cam kết với việc thực thi thoả thuận này. Tổng thống Pháp còn chỉ rõ, thoả thuận Paris là không thể đảo ngược. LHQ cũng nhanh chóng có phát ngôn khẳng định vai trò của Hiệp định Paris trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu.

Người phát ngôn của LHQ Stephane Dujarric hôm 5-11 nhấn mạnh "quyết tâm của chúng ta tiến về phía trước" và cho biết tổ chức này "tiếp tục khuyến khích các nước thành viên tích cực tham gia trước khi diễn ra COP25 tại Madrid (Tây Ban Nha) vào tháng 12 tới nhằm nâng cao tham vọng ngăn chặn và đẩy lùi biến đổi khí hậu.

Trên thực tế, khi Tổng thống Mỹ tuyên bố ý định từ bỏ thỏa thuận Paris hai năm trước, ông đã vô tình xúc tác một loạt các hành động về chống khí hậu giữa các thành phố, tiểu bang, doanh nghiệp và các tổ chức khác vẫn cam kết giảm lượng khí thải carbon để giúp thế giới tránh các tác động tồi tệ nhất của sự nóng lên toàn cầu.

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 4-11 tuyên bố Mỹ chính thức rời bỏ Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. ảnh: Getty

David Victor, một nhà nghiên cứu chính sách khí hậu tại UC San Diego cho biết: "Hơn 400 nhà lãnh đạo thành phố đã tham gia hiệp hội Thị trưởng Khí hậu và 25 tiểu bang và vùng lãnh thổ gia nhập Liên minh khí hậu Mỹ. Cả hai tổ chức đã tuyên bố sẽ duy trì cam kết với thoả thuận Paris. Nhiều chính quyền thành phố, hạt, tiểu bang và bộ lạc cũng đã ký tuyên bố "We Were Still In", trong đó nhắc lại sự ủng hộ cho thỏa thuận này.

Vì vậy, có 2.200 doanh nghiệp và nhà đầu tư, 350 trường đại học và 200 nhóm tín ngưỡng đang nỗ lực giảm phát thải khí carbon. Những tổ chức, doanh nghiệp này chiếm gần 60% nền kinh tế Mỹ, một nửa dân số của đất nước và 37% lượng khí thải nhà kính, theo đánh giá của America's Pledge, một sáng kiến tập trung vào các hành động khí hậu địa phương do cựu Thống đốc California Jerry Brown và cựu Thị trưởng thành phố New York Michael Bloomberg dẫn đầu.

Câu hỏi được đặt ra lúc này là những doanh nghiệp, tổ chức và chính quyền địa phương nói trên có thể làm được bao nhiêu để chống biến đổi khí hậu khi không có sự lãnh đạo của liên bang? Trong một phân tích năm 2018, Carla Frisch - một nhà nghiên cứu tại Học viện Rocky Mountain và các đồng nghiệp của mình đã phát hiện ra rằng các cam kết hiện có của các chủ thể địa phương ở Mỹ có thể đạt được 2/3 mức giảm phát thải được yêu cầu trong cam kết của Mỹ.

Sự tham gia rộng rãi hơn và các biện pháp bổ sung, như sự chấm dứt nhanh chóng của các nhà máy nhiệt điện than, có thể mang lại con số gần 90%. "Mọi con mắt giờ đều đổ dồn vào các thành phố, tiểu bang và doanh nghiệp ở Mỹ", Carla Frisch nói: "Các thành phố thường được quảng cáo là những nhà lãnh đạo chống biến đổi khí hậu và nhiều chính quyền đã đặt ra các mục tiêu tích cực trong những năm gần đây. Một số chính quyền tiểu bang đã cam kết lấy tất cả năng lượng từ các nguồn tái tạo như mục tiêu mà Los Angeles đặt ra vào năm 2050.

Nhiều cộng đồng cũng đang thông qua các quy định để cải thiện hiệu quả năng lượng của các tòa nhà và đáp ứng nhu cầu sưởi ấm, làm mát và nấu nướng bằng điện sạch thay vì nhiên liệu hóa thạch. Tháng 7 vừa qua, Berkeley trở thành phố đầu tiên của Mỹ cấm khí đốt tự nhiên trong xây dựng mới.

Theo một phân tích của Nhóm lãnh đạo khí hậu C40, cùng với nhau, hành động khí hậu được phối hợp trên tất cả các thành phố của Mỹ có thể đạt được 36% mức giảm phát thải cần thiết để thực hiện cam kết theo thoả thuận Paris. Đến nay, 37 tiểu bang và bốn vùng lãnh thổ ở Mỹ đã áp dụng một số loại mục tiêu năng lượng tái tạo, một chiến lược hiệu quả trong việc giảm phát thải. Những chính sách đó đã được chuyển đổi thực sự.

California cam kết cung cấp 100% năng lượng tái tạo vào năm 2045 là một trong những tham vọng nhất. New York gần đây đã tăng cường thực hiện yêu cầu chỉ cung cấp năng lượng sạch vào năm 2040. Các tiểu bang có thể cung cấp các ưu đãi để mua xe điện và mở rộng mạng lưới sạc…".

Rõ ràng, đây là những tín hiệu vui, đáng mừng trong nỗi lo về sự ra đi của Mỹ khỏi Hiệp định Paris. Tuy nhiên, vẫn không thể thiếu cương quyết trong hành động chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu. Bởi lẽ, theo cảnh báo của Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres, có vẻ thế giới có nguy cơ thua cuộc trong trận chiến ngăn chặn thảm họa thiên tai phát sinh do biến đổi khí hậu, trong khi các mục tiêu về giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính - nguyên nhân khiến Trái Đất ấm lên đang nằm ngoài tầm với.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn Liên minh truyền thông chuyên đưa tin về khí hậu, người đứng đầu LHQ bày tỏ mong muốn toàn xã hội cần gia tăng sức ép lên chính phủ các nước, buộc các nhà lãnh đạo hiểu rằng họ cần tăng tốc trong cuộc đua chống biến đổi khí hậu hiện nay.

Ông Antonio Guterres cũng nhấn mạnh đến tính cấp bách của vấn đề và khẳng định, đây là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó có chính quyền các thành phố, khu vực và lãnh đạo các doanh nghiệp. Một báo cáo mới nhất của các nhà khoa học Pháp công bố hồi tháng 9 cho thấy, nhiệt độ Trái đất có thể tăng thêm khoảng 6-7 độ C vào năm 2100 nếu chính phủ các nước không cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Huyền Chi

Các nguồn thạo tin ngày 24/12 cho hay, thời gian gần đây, Nga đã tiến hành nhiều đợt phản công lớn tại Kursk. Cường độ các cuộc tấn công cho thấy quyết tâm của Tổng thống Vladimỉr Putin nhằm loại bỏ con bài mặc cả của Ukraine trong bối cảnh sức ép đàm phán gia tăng trước lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump vào tháng 1/2025.

Những ngày này, phường Hàng Trống, Hoàn Kiếm, Hà Nội nơi có Nhà thờ Lớn đón rất đông du khách trong và ngoài nước đến tham quan, vui chơi và đón lễ Giáng sinh. Nhằm đảm bảo cho nhân dân được đón lễ Giáng sinh, tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí an ninh, an toàn, Công an phường Hàng Trống đã lập kế hoạch, tham mưu cho Công an quận Hoàn Kiếm, Hà Nội chính quyền địa phương tổ chức các phương án phân luồng giao thông và giữ gìn an ninh trật tự (ANTT).

Năm 2025 là năm đầu tiên Kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ được tổ chức theo chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) mới ban hành năm 2018. Học sinh sẽ thi 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và 2 môn tự chọn trong số 9 môn tính điểm còn lại của chương trình lớp 12.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán xung đột giữa Nga và Ukraine sẽ kết thúc vào cuối năm 2025 hoặc giữa năm 2026, với một kịch bản tiêu cực cho Ukraine, trong bối cảnh Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump bất ngờ đề cập đến việc sẽ sớm trao đổi với Tổng thống Nga Vladimir Putin về cuộc xung đột này.

Tối 23/12, Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 3 (Phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, đường sắt, Cục CSGT) cho biết, Tổ công tác của đơn vị làm nhiệm vụ tại Km188 (Khu vực Trạm thu phí cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ) vừa kịp thời dùng ô tô đặc chủng đưa 1 cháu bé đi cấp cứu.

Tối 23/12 (giờ địa phương), tân Thủ tướng Pháp François Bayrou đã chính thức công bố thành phần nội các mới sau hơn 2 tuần kể từ khi được Tổng thống Emmanuel Macron bổ nhiệm. Ông François Bayrou bày tỏ tự hào và tin tưởng vào một chính phủ được xây dựng hướng tới sự cân bằng với kinh nghiệm trong việc hòa giải và khôi phục niềm tin với tất cả người dân Pháp.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文