Argentina điều tra vụ mất hơn nửa tấn cần sa

09:07 27/04/2018
Phiên tòa xét xử cựu Giám đốc cảnh sát Pilar, ông Javier Specia và 8 cảnh sát khác diễn ra vào ngày 4-5-2018 đang được dư luận và giới chuyên môn quan tâm. Bởi tới khi đó tòa mới đưa ra phán quyết về sự thất thoát của 540kg cần sa - do tắc trách hay do âm mưu có hệ thống. 

Tuy nhiên, theo người phát ngôn của Thẩm phán Adrian Gonzalez Charvay, người đang phụ trách điều tra vụ án này thì có rất nhiều mâu thuẫn trong lời khai của những người kể trên. Các chuyên gia đến từ Trường Đại học Buenos Aires cho rằng, nếu chuột đã ăn số cần sa bị thất thoát thì người ta phải tìm thấy nhiều xác chuột trong nhà kho. 

Còn theo các chuyên gia pháp y, chuột không coi ma túy là thức ăn và cho dù chúng là thủ phạm thì những con chuột đã dùng số cần sa này đều mất mạng, nhưng người ta lại không thấy xác của chúng trong kho lưu giữ tang vật. 

Số cần sa bị thu giữ trong chiến dịch truy quét tội phạm ma túy.

Những nghi vấn kể trên được đặt ra sau khi cơ quan chức năng hỏi cựu Giám đốc Javier Specia và các cựu thuộc cấp có trách nhiệm quản lý kho về sự thất thoát của 540kg cần sa, họ đều nói chuột là thủ phạm - những con chuột nghiện ma túy đã ăn số cần sa này!

Câu chuyện hy hữu này được ông Emilio Porter, người kế nhiệm ông Javier Specia phát hiện và báo cáo lên cấp trên. Bởi sau khi nhậm chức Giám đốc cảnh sát Pilar hồi tháng 4-2017, ông Emilio Porter phát hiện một sự thật quan trọng, nhưng việc này không được ghi trong báo cáo bàn giao - kho chứa tang vật bị mất hơn nửa tấn cần sa. Sau khi nhận được báo cáo của ông Emilio Porter, cấp trên đã mở cuộc điều tra nội bộ và sau khi kiểm tra, lực lượng này xác nhận, trong kho chứa tang vật chỉ còn 5.460kg, thiếu 560kg so với con số ban đầu. 

Tới lúc này, mọi nghi vấn đều tập trung vào ông Javier Specia, bởi người này không ký vào biên bản kiểm kê tang vật trong kho chứa ma túy bị thu giữ, trước khi rời nhiệm sở. Theo quy định, trong trường hợp luân chuyển công tác hoặc nghỉ hưu, tất cả hàng tồn kho do người tiền nhiệm quản lý đều được chuyển giao cho đơn vị khác. 

Và số hàng tồn kho dưới thời ông Javier Specia làm Giám đốc khi chuyển giao không có chữ ký xác nhận của "chủ sở hữu". Sở cảnh sát Pilar chỉ cách thủ đô Buenos Aires khoảng 60km, nên vụ án này thu hút được sự quan tâm đặc biệt của cơ quan chức năng và dư luận.

Vụ thất thoát 540kg cần sa diễn ra sau khi Andrei Kovalchuk, nghi can chủ mưu vụ buôn lậu 389kg cocaine bị bắt hôm 2-3 khi hắn đang lẩn trốn ở Đức. Theo tờ Clarin, Andrei Kovalchuk bị cảnh sát quốc tế Interpol truy nã, nhưng hắn vẫn sống ở Đức nhiều năm qua, thậm chí mở cửa hàng kinh doanh rượu để vận chuyển ma túy từ Uruguay đến Nga. Vụ bắt Andrei Kovalchuk, kẻ được gọi với bí danh "Ngài K" hôm 2-3 ở Đức càng khiến giới chuyên môn và dư luận quan tâm tới vụ thu giữ 389kg cocaine ở Đại sứ quán Nga tại Buenos Aires, thủ đô Argentina. 

Bởi theo tờ Moskva Times, Andrei Kovalchuk là nghi can chủ mưu vụ buôn lậu 389kg cocaine từ một trường thuộc Đại sứ quán Nga ở Buenos Aires về Moskva bằng máy bay của chính phủ Nga. Giới truyền thông đưa tin, 389kg cocaine có trị giá 50 triệu euro đựng trong 12 va li được tìm thấy ở nhà kho của một trường thuộc Đại sứ quán Nga ở Buenos Aires. 

Chuột ăn hơn nửa tấn cần sa trong sở cảnh sát.

Và theo thông tin chính thức của chính quyền Argentina và Đại sứ Nga Victor Koronelli, ngay từ đầu, chính quyền Nga đã tham gia phá vụ án này. Bởi ngày 13-12-2016, Đại sứ Victor Koronelli đã thông báo với cơ quan chức năng Argentina về số va li đáng ngờ kể trên. Ngay sau khi cảnh sát Argentina đến Đại sứ quán để tịch thu số cocaine, nhân viên của Cơ quan An ninh liên bang Nga (FSB) và cảnh sát nước này đã quyết định đổi số ma túy này bằng bột mì và dùng thiết bị định vị toàn cầu GPS để phát hiện người nhận hàng. 

Khi đó, Bộ trưởng An ninh Argentina Patricia Bullrich trực tiếp có mặt, và chỉ đạo cấp dưới thực hiện theo kế hoạch. Số va li kể trên nằm yên ở Đại sứ quán Nga suốt 1 năm, cho tới khi cựu nhân viên Ali Abyanov đồng ý chuyển tư trang cá nhân về Moskva bằng chuyến bay chuyển công văn ngoại giao của Đại sứ quán vào ngày 9-12-2017. 

Và 4 ngày sau, 2 nghi can Vladimir Kalmykov và Ishtimir Khudzhamov trong đường dây buôn lậu ma túy này bị bắt ở Moskva, cùng với cựu nhân viên Ali Abyanov. Theo bà Patricia Bullrich, đây là vụ án ma túy lớn nhất và phức tạp nhất ở Argentina, và là đường dây ma túy quốc tế với sự tham gia của người Argentina, Nga và Đức. 

Theo giới truyền thông, chuyên án ma túy kể trên chưa từng có tiền lệ và chi tiết của vụ này không được tiết lộ để bảo đảm hiệu quả của các hoạt động chung giữa Nga và Argentina. Được biết, cảnh sát Argentina và Nga đang mở rộng điều tra vụ 389kg cocaine bị phát hiện trong Đại sứ quán Nga, sau khi bắt 6 nghi phạm.

Trịnh Huyền My

Đến 16h chiều nay (8/11), Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng vẫn đang khám xét trụ sở Công ty TNHH MTV Tư vấn Đầu tư GFDI (92 đường 29/3, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) để thu thập hồ sơ, tài liệu liên quan đến các hoạt động có dấu hiệu vi phạm pháp luật của công ty này. Hiện có rất nhiều người dân đã tập trung xung bên ngoài tòa nhà văn phòng công ty theo dõi. Nhiều người kêu khóc, đòi Tổng giám đốc Nguyễn Quang Hoàng... “hiện hồn” trả lại tiền. Công an quận Cẩm Lệ đã huy động hàng chục CBCS để đảm bảo ANTT.

Chiều 8/11, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, đã khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam 2 đối tượng: Nguyễn Thị Kim Trang (SN 1970; cư trú quận 3) và Lê Văn Hòa (SN 1977; cư trú quận Tân Bình) là nhân viên tiệm vàng Đức Long (phường 5, quận Tân Bình) về hành vi “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文