Bán đảo Triều Tiên lại nóng
- Triều Tiên tuyên bố thử nghiệm thành công hệ thống tên lửa mới
- Triều Tiên lại phóng tên lửa đạn đạo ra biển Nhật Bản
- Triều Tiên cảnh báo hậu quả từ động thái quân sự "nguy hiểm" của Mỹ
Ngày 17-8, Bình Nhưỡng cứng rắn tuyên bố sẽ tiếp tục phát triển các loại vũ khí, đồng thời tiếp tục chỉ trích cuộc diễn tập quân sự chung của Hàn Quốc và Mỹ. Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) khẳng định "phát triển vũ khí là giải pháp đúng đắn" để loại bỏ những mối đe dọa tiềm tàng và trực tiếp đối với an ninh của đất nước.
Theo Hãng thông tấn của Bình Nhưỡng, Mỹ và Hàn Quốc đã cải thiện sự nhuần nhuyễn trong các kỹ năng phục vụ hoạt động giao chiến, từng bước sửa đổi và bổ sung các kế hoạch vận hành trong mọi kịch bản giả định về một cuộc tấn công chủ động bất ngờ nhằm vào Triều Tiên.
KCNA cũng chỉ trích Mỹ vì việc vi phạm thỏa thuận phi hạt nhân hóa mà hai nước đã đạt được tại Hội nghị thượng đỉnh lịch sử ở Singapore tháng 6-2018. KCNA cho rằng cuộc tập trận là một sự bác bỏ công khai và là thách thức rõ ràng với thỏa thuận trong đó nêu rõ các cam kết thiết lập quan hệ Mỹ - Triều Tiên và xây dựng nền hòa bình lâu dài và bền vững trên Bán đảo Triều Tiên.
Trước đó chỉ một ngày, 16-8, Triều Tiên đã tiến hành vụ phóng thử tên lửa tầm ngắn. Đây là vụ thử tên lửa thứ 6 trong vòng 3 tuần, kể từ ngày 25-7. Nó liên quan đến 2 tên lửa được bắn từ một địa điểm khác, lần này là ở tỉnh Kangwon trên bờ biển phía đông, gần thành phố Tongchon. Cả hai đã đạt được độ cao gần 19 dặm và bay 143 dặm trước khi rơi xuống vùng biển giữa Hàn Quốc và Nhật Bản.
Hãng thông tấn KCNA cho biết nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã trực tiếp hướng dẫn vụ thử tên lửa mới vào sáng 16-8; đồng thời dẫn lời các nhà khoa học quốc phòng nói rằng đây là một vụ thử tên lửa hoàn hảo, giúp củng cố niềm tin lớn hơn vào hệ thống vũ khí này.
"Mục tiêu của chúng ta là xây dựng quốc phòng để sở hữu khả năng quân sự bất khả chiến bại và sẽ tiếp tục củng cố chúng. Mọi người nên nhớ rằng đó là kế hoạch cốt lõi để xây dựng một lực lượng quốc phòng mạnh mẽ đủ để ngăn cản bất kỳ lực lượng nào dám khiêu khích chúng ta", ông Kim nói.
Gáo nước lạnh cho Seoul
Đáng chú ý, vụ phóng tên lửa diễn ra chỉ một ngày sau khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cam kết cố gắng thống nhất Bán đảo Triều Tiên vào năm 2045 - kỷ niệm 100 năm độc lập của Hàn Quốc - trong bài diễn văn ngày giải phóng hàng năm của ông.
Trong bài phát biểu đó, ông Moon cũng nói "Hàn Quốc có khả năng phòng thủ mạnh hơn Triều Tiên và đất nước của ông đang theo dõi tình hình với Bình Nhưỡng và đang cố gắng ngăn chặn sự leo thang căng thẳng", CNN viết.
Tuy nhiên, đáp lại ông Moon, Bình Nhưỡng khẳng định: "Chúng tôi không có gì để nói chuyện với chính quyền Hàn Quốc cũng như không có ý định ngồi lại với họ nữa". Triều Tiên vừa thăng chức cho 103 nhà khoa học làm việc với quân đội.
Những tên lửa được thử gần đây bao gồm KN-23, "có vẻ giống với tên lửa Iskander của Nga, nhưng có quỹ đạo thấp hơn, dành phần lớn chuyến bay của nó ở độ cao 25 tới 30 dặm - có khả năng quá cao so với hệ thống phòng không Patriot, nhưng quá thấp cho các hệ thống phòng không THAAD và Aegis dễ dàng đánh chặn.
Tuy nhiên, Washington Post cho rằng các tên lửa KN-23 giống như một quả bóng knuckleball - nhanh, thấp, không thể đoán trước và gần như không thể bắt được. Ngoài ra, các tên lửa mới nhất được cung cấp nhiên liệu rắn giúp dễ dàng triển khai và khai hỏa trong thời gian ngắn.
Nhiên liệu lỏng ăn mòn và kém ổn định hơn và phải được thêm vào tên lửa ngay trước khi phóng, một quá trình có thể đưa ra một cảnh báo quan trọng đối nghịch. Trong khi đó, tên lửa nhiên liệu rắn được gắn trên những chiếc xe cơ động, có thể được ẩn giấu, di chuyển xung quanh theo ý muốn và phóng nhanh, khiến chúng gần như không thể bị phát hiện trước khi chúng bị bắn.
Toan tính của Bình Nhưỡng?
Các vụ phóng liên tiếp của Triều Tiên là thông điệp về sự đòi hỏi công bằng trong các cam kết với Mỹ và giới quan sát cho rằng, Mỹ cũng cần đưa ra cách tiếp cận “có đi có lại” với Triều Tiên để đảm bảo tiến trình ngoại giao hiện nay đi đúng hướng.
Trong khi Tổng thống Mỹ vẫn mong muốn đảm bảo chiến thắng ngoại giao lớn về Triều Tiên để tạo cú hích trong chiến dịch tranh cử Tổng thống 2020, thì Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cũng đang phải đối mặt với sức ép trong nước. Đã có một số ý kiến thận trọng về quyết định theo đuổi chính sách ngoại giao hạt nhân của nhà lãnh đạo Triều Tiên đưa ra vào năm ngoái, đặc biệt sau khi Hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội vào tháng 2 vừa qua không đạt được bất kỳ sự nhượng bộ nào từ phía Mỹ trong việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt kinh tế.
Vì vậy, những cảnh báo của Triều Tiên cùng với các vụ thử tên lửa liên tiếp gần đây cho thấy nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un không chỉ muốn tìm kiếm các đảm bảo an ninh từ Mỹ, mà còn muốn được đối xử bình đẳng trong các cam kết đã đưa ra.
Triều Tiên đã nhiều lần nhấn mạnh rằng không sẵn sàng đưa ra tất cả các nhượng bộ, nếu Mỹ không có biện pháp đáp lại. Ví dụ Triều Tiên không thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) hay hạt nhân, thì đổi lại Mỹ cũng phải dừng tập trận quân sự lớn với Hàn Quốc.
Phát biểu tại Hội nghị quốc tế về giải trừ vũ khí hạt nhân tại Geneva, Thụy Sĩ hôm 6-8, nhà ngoại giao Triều Tiên Ju Yong-chol nhấn mạnh: “Triều Tiên đã cảnh báo nhiều lần rằng các cuộc tập trận quân sự chung sẽ chặn những bước tiến trong mối quan hệ với Mỹ và Hàn Quốc. Điều này cũng có thể buộc Triều Tiên sẽ cân nhắc đưa ra các bước đi xa hơn. Không có luật nào qui định một nước tuân thủ cam kết trong khi các bên khác lại không thực hiện. Mỹ và Hàn Quốc thường khẳng định tập trận quân sự là phòng vệ và chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu. Vậy chúng tôi cũng phải phát triển và thử tên lửa để bảo vệ quốc phòng cần thiết cho chúng tôi”.
Mỹ quá mềm mỏng?
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump được đánh giá có phản ứng khá mềm mỏng với các vụ phóng thử tên lửa liên tiếp của Triều Tiên gần đây. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper hôm 6-8 tuyên bố, Mỹ vẫn để ngỏ cánh cửa đối thoại với Triều Tiên.
“Tôi nghĩ điều quan trọng hiện nay đó là tiếp tục mở cánh cửa ngoại giao. Hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều Tiên đã có cuộc gặp hữu ích và chúng tôi sẽ không phản ứng thái quá với các vụ phóng tên lửa này. Tuy nhiên Mỹ sẽ giám sát và theo dõi chặt chẽ những diến biến đang xảy ra”, ông Mark Esper nói.
Cách tiếp cận của Tổng thống Mỹ Trump với Triều Tiên đã giúp cải thiện nhiều mối quan hệ song phương thời gian qua, nhưng vẫn chưa đủ để mang lại hòa bình. Giới chuyên gia cho rằng, Mỹ nên quan tâm hơn đến những lo ngại của Triều Tiên và một cách tiếp cận “có đi có lại” sẽ mang lại kết quả có ý nghĩa hơn trong tiến trình phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên.
Phản ứng mềm mỏng của Mỹ về các vụ thử tên lửa gần đây cũng được giới quan sát nhận định không phải là cách hiệu quả. Nếu Triều Tiên liên tiếp thử tên lửa có thể không làm nguy hại đến an ninh nước Mỹ, nhưng có thể là mối đe dọa với các đồng minh của Mỹ trong khu vực.
Đầu tháng 8, Triều Tiên tuyên bố có thể tiếp tục nối lại các vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa, trong khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cũng đặt ra hạn chót rõ ràng cuối năm nay để nối lại đàm phán. Giới quan sát nhận định, nếu Mỹ tiếp tục không phản ứng và hạn chót cuối năm 2019 đi qua mà không có sự thay đổi lập trường trong đàm phán của Mỹ, nhà lãnh đạo Triều Tiên có thể chào đón năm mới với một vụ “nổ lớn”.