Bắn người vì không được uống trà “chùa”
Theo cáo trạng, sự việc xảy ra ở một khu ngoại ô phía đông thủ đô Cairo hồi tháng 4-2016, xung quanh vụ cãi nhau về chuyện viên hạ sĩ quan cảnh sát Zaynham Abd al-Razaq thường đến quán trà của anh Abdel Qader để “uống chùa”.
Hai bên cãi nhau khi nạn nhân đòi viên cảnh sát trả tiền. Abd al-Razaq liền rút khẩu súng tiểu liên - do chính phủ cấp - bắn thẳng vào ngực Qader khiến anh bán trà chết tại chỗ, và ông ta còn bắn 2 người dân thường khác bị thương, do họ cố gắng cản ông ta không bắn anh bán trà. Sau đó, ông ta bỏ trốn khỏi hiện trường, bỏ lại khẩu súng tiểu liên.
Hành động của viên cảnh sát khiến dân địa phương phẫn nộ với cái chết oan của anh bán trà. Họ biểu tình phản đối, đập nát xe công vụ của ông ta, tấn công một đồng đội của ông ta.
Tòa án hình sự Đông Cairo tuyên Abd al-Razaq phạm một tội giết người, hai tội toan giết người và tuyên án 25 năm tù, vốn là án chung thân ở xứ sở vua Pharaon. Ông ta còn bị tòa nhận xét là “khủng bố nhân dân”.
Bản án nhiều năm tù đối với viên cảnh sát Abd al-Razaq được ghi nhận là một sự bất thường ở Ai Cập, nơi mà các nhà hoạt động nhân quyền cáo buộc cảnh sát gây bạo lực mà không bị xử lý.
Chuyện cảnh sát được hưởng “nét văn hóa miễn trừ” này là lý do chính dẫn đến cuộc nổi dậy ngày 25-1-2011 vào đúng lễ hội “Ngày cảnh sát” và tiếp đó dẫn đến vụ lật đổ Tổng thống Hosni Mubarak, người từng cầm quyến suốt 30 năm ở Ai Cập. Ngày ấy, người tố cáo cảnh sát lạm quyền là công dân Khaled Said bị nhiều cảnh sát chìm đánh chết.
Từ sau cuộc nổi dậy-lật đổ, cảnh sát được khôi phục nhiều quyền, và các nhóm nhân quyền nói cảnh sát lại quay trở về cách làm việc cũ là hống hách, dọa nạt, sẵn sàng gây bạo lực.
Theo báo Al Jazeera, hồi tháng 2-2016 cũng xảy ra vụ hạ sĩ quan cảnh sát Mustafa Mahmood Abd al-Hassan nổi nóng rút súng bắn vào đầu một tài xế taxi 24 tuổi (chết tại chỗ) vì cãi nhau về số tiền ông ta phải trả. Người cảnh sát này cũng bị án tù chung thân. Vụ này cũng khiến hàng trăm người dân phản đối, bao vây trụ sở cảnh sát Cairo.
Trong một vụ khác, một nhóm cảnh sát bị thu hình quả tang đang đánh một bác sĩ trong bệnh viện nọ, chỉ vì bác sĩ không chịu gạt các bệnh nhân sang nhóm “chờ khám”, không chịu “khám ưu tiên” cho một đồng đội của họ chỉ bị thương nhẹ.
Đến tháng 8, lại một hạ sĩ quan cảnh sát “vô tình để súng cướp cò” vào cổ một tài xế xe buýt khiến nạn nhân chết tại chỗ. Nạn cảnh sát gây bạo lực cũng lấy mạng nhiều người trong chính lực lượng: đầu năm 2016, một cảnh sát bắn chết một đồng đội, rồi bào chữa vì người này thường đăng những bình luận chọc tức vào trang facebook của anh ta.
Năm 2015 cũng xảy ra nhiều vụ cảnh sát hành động bạo lực đối với dân thường, nhiều vụ chuyển thành những cuộc ẩu đả và biểu tình phản đối. Đã xảy ra nhiều vụ nổi loạn ở phía Bắc Ai Cập về chuyện chính quyền xử lý ít nhất 3 người bị chết trong xà lim đồn cảnh sát, chỉ trong một tuần lễ của tháng 11-2015.
Lực luợng an ninh Ai Cập cũng bị “soi”, từ chuyện nhà nghiên cứu Giulio Regeni chết ở Cairo hồi năm 2016. Các tổ chức nhân quyền nói nhà nghiên cứu này bị an ninh Ai Cập tra tấn đến chết, nhưng cơ quan này bác bỏ.
Các vụ việc buộc Tổng thống Abdel Fattah el-Sisi phải ban hành các luật mới, nhằm bảo đảm cảnh sát phải chịu trách nhiệm, bị truy tố tội tấn công dân thường. Tổng thống Sisi nói vụ việc “cho thấy lực lượng cảnh sát hiện ngoài tầm kiểm soát, cảnh sát dễ dàng dùng vũ khí trong nhiều tình huống không cần thiết”.
Thủ tướng Ai Cập Sherif Ismail hứa “chỉnh đốn” lực lượng cảnh sát toàn quốc, bằng những luật mới nhằm hạn chế quyền của họ, giám sát chuyện cảnh sát hàng ngày giao tiếp với công dân, sau nhiều vụ cảnh sát gây bạo lực khiến dư luận quần chúng bức xúc.
Vẫn theo báo Al Jazeera, chưa rõ luật mới có giúp kéo giảm tình trạng cảnh sát gây bạo lực ở Ai Cập, nhưng vụ truy tố viên cảnh sát Abd al-Razaq đã cho thấy cảnh sát phải chịu trách nhiệm về những hành động của mình. Bộ Nội vụ Ai Cập nói những vụ cảnh sát lạm quyền là “lẻ tẻ” và các vụ việc đều được điều tra “rốt ráo”.