Bê bối tại ngân hàng lớn thứ hai của Pháp
Số tiền kể trên lớn hơn nhiều so với thông báo trước đó của các công tố viên Pháp - Ngân hàng Societe Generale đồng ý chi 583 triệu USD để chấm dứt các cuộc điều tra do Mỹ và Pháp thực hiện nhắm vào các giao dịch của họ với giới chức Libya dưới chế độ của cố Tổng thống Moamer Kadhafi.
Jerome Kerviel rời tòa án trong phiên xử diễn ra hôm 5-10-2010. |
Bê bối của Societe Generale diễn ra sau khi Quỹ Đầu tư quốc gia của Libya (LIA) cáo buộc, ngân hàng lớn thứ hai của Pháp hối lộ ít nhất 58 triệu USD cho một số quan chức nước này để LIA đầu tư mạnh mẽ vào Societe Generale cùng các công ty con trong giai đoạn 2007-2009.
Sau cáo buộc kể trên, Ngân hàng Societe Generale đã phải trả hơn 1 tỷ USD cho LIA hồi năm ngoái để dàn xếp vụ kiện trước khi vụ việc được đưa ra Tòa án Tối cao ở London (Anh). Tuy nhiên, vụ kiện của LIA vẫn bị điều tra ở Mỹ và Pháp trước khi Ngân hàng Societe Generale đạt được thỏa thuận với chính quyền 2 quốc gia này.
Theo thông báo của Ngân hàng Societe Generale, họ đã đạt được thỏa thuận với Bộ Tư pháp Mỹ xung quanh cáo buộc tham gia thao túng lãi suất LIBOR. Đồng thời cho rằng, đã đạt được thỏa thuận để giải quyết ổn thỏa các cuộc điều tra và khoản tiền phạt sẽ không ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của Ngân hàng Societe Generale.
Gần 10 tháng trước (24-8-2017), trong cáo trạng đưa ra, Bộ Tư pháp Mỹ đã quyết định truy tố 2 cựu quan chức quản lý Ngân hàng Societe Generale vì tội thao túng lãi suất LIBOR. Theo đó, đối tượng Danielle Sindzingre, 54 tuổi và Muriel Bescond, 49 tuổi, đều mang quốc tịch Pháp, bị cáo buộc với 4 tội danh về việc đưa thông tin giả về thị trường gây ảnh hưởng hàng hóa và 1 tội danh âm mưu đưa báo cáo sai lệch.
Và việc này gây thiệt hại khoảng 170 triệu USD cho thị trường tài chính thế giới. Đây là vụ bê bối mới nhất có liên quan tới lãi suất LIBOR trong bối cảnh Mỹ mở rộng điều tra các vụ thao túng LIBOR trong mấy năm gần đây.
Thông báo hôm 4-6 của Bộ Tư pháp Mỹ khiến dư luận nhớ lại vụ lừa đảo lịch sử tại Ngân hàng Societe Generale. Và siêu lừa Jerome Kerviel đã bị tòa tuyên phải bồi thường số tiền lên tới 4,9 tỉ euro. Gần 8 năm trước (5-10-2010), Tòa án hình sự Paris đã tuyên phạt Jerome Kerviel, cựu nhân viên Societe Generale phải bồi thường 4,9 tỉ euro (cùng 3 năm tù giam) vì đã khiến ngân hàng này thiệt hại gần 5 tỉ euro, trong vụ lừa đảo tài chính lớn nhất trong lịch sử nước Pháp.
Giám đốc điều hành của Ngân hàng Societe Generale khi đó là Daniel Bouton đã gọi Jerome Kerviel là "tên khủng bố tài chính". Trong khi đó, luật sư Olivier Metzner, người bào chữa cho Jerome Kerviel lại tuyên bố, thân chủ của ông đã bị xử oan.
Giới truyền thông từng dẫn tuyên bố của Jerome Kerviel - Tôi không muốn trở thành con dê tế thần. Và đó là tuyên bố đầu tiên của Jerome Kerviel kể từ khi Ngân hàng Societe Generale bị mất 4,9 tỷ euro. Được biết, "kẻ lừa đảo thế kỷ" Jerome Kerviel đã đầu thú tại trụ sở cảnh sát tài chính ở thủ đô Paris chiều 26-1-2008 và hợp tác khá tích cực với cơ quan chức năng để làm rõ vai trò của mình trong vụ lừa đảo Ngân hàng Societe Generale. Jerome Kerviel bị Societe Generale kiện với tội danh giả mạo giấy tờ và xâm nhập trái phép hệ thống máy tính của ngân hàng này.
Sau khi bị bắt, thẩm vấn, Jerome Kerviel cho biết, hắn từng lừa đảo trên thị trường chứng khoán với số tiền lớn hơn nhiều so với số tiền được công bố 4,9 tỷ euro. Và khẳng định, chỉ muốn sáng tạo ra một loại hình mới về mua bán cổ phiếu trong tương lai.
Ngân hàng Societe Generale. |
Cố vấn của Tổng thống Pháp khi đó là ông Raymond Soubie cho biết, Jerome Kerviel từng thực hiện các giao dịch ảo với tổng trị giá lên tới hơn 73 tỉ USD, nhiều hơn giá trị vốn của Ngân hàng Societe Generale đăng ký trên thị trường (52,6 tỉ USD).
Nhiều người đặt câu hỏi, tại sao một nhân viên quèn như Jerome Kerviel lại có thể thực hiện vụ lừa đảo trị giá 4,9 tỷ euro ngay tại Societe Generale, ngân hàng có hệ thống kiểm tra ngặt nghèo nhất mà không bị phát hiện. Thực ra thủ thuật của Jerome Kerviel rất đơn giản - giấu lệnh mua bằng cách tạo ra một lệnh bán ra không có thật (lệnh ảo).
Sau khi biết chuyện, Tổng thống khi đó là ông Nicolas Sarkozy đã gọi đây là vụ lừa đảo nội bộ quy mô lớn nhất, còn Thủ tướng tại thời điểm này là ông Francois Fillon cũng phải thốt lên: thật khó tin là một người có thể gây ra những thiệt hại lớn như vậy trong một thời gian ngắn.