Belarus - Sau cánh cửa là bức tường

16:38 23/08/2020
Đã không chỉ còn là những cuộc xung đột trên đường phố Minsk, giữa những người biểu tình đối lập và chính quyền của đương kim Tổng thống Alexander Lukashenko. Belarus đã bị đẩy đến trước một ngưỡng cửa vô định mà tại đó, mỗi bước đi tiếp nối đều có thể dẫn đến những hệ lụy vô cùng khó lường.


Đục nước béo cò

Cho đến lúc này, giới quan sát quốc tế không còn bận tâm nhiều đến việc có bao nhiêu người biểu tình bị bắt hay phải nhận thương tích, hay lực lượng cảnh sát Belarus đã gia tăng sự cứng rắn lên đến cấp độ nào nữa. Thậm chí, cả việc đương kim Tổng thống Belarus Lukashenko đăng đàn phát biểu những gì cũng không còn quá quan trọng. Điều quan trọng, thực ra, lại là phản ứng của các thế lực quốc tế.

Ngày 19-8, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Charles Michel tuyên bố: Liên minh châu Âu (EU) không công nhận những kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống Belarus (mới diễn ra ngày 9-8) – cuộc bầu cử mà theo đó ngài Lukashenko đã giành thắng lợi với kết quả chính thức là 80,1%  số phiếu ủng hộ, để lần thứ… năm tái đắc cử. Đối thủ chính của ông, bà Svetlana Tikhanovskaya, nhận được 10,12 % số phiếu.

Tổng thống Putin và Tổng thống Lukashenko (trái).

Những người biểu tình đã xuống đường gần như ngay lập tức sau khi kết quả ấy được công bố. Nhưng, hơn một tuần sau, EU mới chính thức lên tiếng phủ nhận kết quả bầu cử, khi tình hình đã trở nên thuận lợi cho việc bày tỏ hướng tiếp cận vấn đề theo cách ấy. Không thể khác, điều đó gợi lên những liên tưởng về các tính toán kiểu “đục nước béo cò”.

Thậm chí, cùng trong ngày 19-8, một hội nghị trực tuyến khẩn cấp đã được triển khai bởi các nhà lãnh đạo EU, để thảo luận về tình hình Belarus. Theo một số nguồn tin, các biện pháp trừng phạt đã được Brussels sẵn sàng áp đặt.

Bên cạnh EU, Tổng thống Mỹ Donald Trump, dù bận tối tăm mặt mũi khi chính cuộc bầu cử tổng thống của nước Mỹ cũng đã chuẩn bị bước vào chặng nước rút, cũng lên tiếng thể hiện quan điểm, rằng Washington sẽ thảo luận với nước Nga vào thời điểm thích hợp, về hiện trạng Belarus.

Những cuộc tập trận của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) xuất hiện ở Ba Lan và Litva và dĩ nhiên, chúng bị Alexander Lukashenko coi là các hành động tăng cường vũ trang. Cũng dĩ nhiên, bất cứ nhà phân tích nào cũng hiểu, phản ứng của Tổng thống Belarus chính là tấm gương phản chiếu tâm trạng của Moskva.

Cuộc xung đột về chính trị trong nội bộ của một quốc gia, đến lúc ấy, đã sẵn sàng trở thành một tâm điểm xung đột bị quốc tế hóa, như thế giới đã từng chứng kiến những gì diễn ra trong “Mùa xuân Arab” quét qua cả dải Bắc Phi – Trung Đông, hay cách người họ hàng - anh em thân thiết một thời của Belarus là Ukraine bị cuốn vào bão tố sau khi sự kiện Maidan nổ ra năm 2013-2014, với những đường nét tương tự.

Yếu tố Kremlin

Tuy nhiên, khi nước Nga vẫn còn sẵn lòng đóng vai trò hậu thuẫn cho sự ổn định chính trị tại Belarus, sẽ có rất ít cơ hội để tình hình vuột khỏi sự kiểm soát của chính quyền Minsk.

Ngày 15-8, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cam kết với người đồng cấp Alexander Lukashenko rằng Moskva sẽ hỗ trợ toàn diện nhằm đảm bảo an ninh cho Minsk trong trường hợp cần thiết. Đó là một “lằn ranh đỏ” được vạch ra rõ ràng, đập thẳng vào mắt, chói chang, nhằm cảnh báo và đẩy lùi mọi mưu đồ ủng hộ và tiếp sức cho những nỗ lực lật đổ tại Belarus, bất kể là mưu đồ của ai.

Trong những ngày sau đó, ông Putin liên tục thực hiện những cuộc điện đàm cần thiết, với Thủ tướng Đức Angela Merkel hay với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, nhằm làm rõ quan điểm: “Những cố gắng can thiệp vào công việc nội bộ của Belarus từ bên ngoài chỉ làm leo thang căng thẳng, và là không thể chấp nhận được!”.

Người biểu tình trên đường phố Minsk.

Đồng thời, ngành ngoại giao Nga cũng hoạt động “hết công suất”. Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov ngày 19-8 cáo buộc các thế lực nước ngoài lợi dụng cuộc khủng hoảng hiện nay để can thiệp vào tình hình nội bộ của Belarus, đồng thời cho rằng không cần bất cứ sự trung gian bên ngoài nào để giải quyết tình hình bất ổn ở quốc gia Đông Âu này. Ông nhận định: “Những tuyên bố của các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) bị chi phối bởi yếu tố địa chính trị” và ông hy vọng rằng “phe đối lập ở Belarus sẵn sàng tham gia đàm phán với chính quyền hiện nay”.

Không có gì bất ngờ khi Moskva phản ứng tích cực và nhanh chóng đến như vậy.

Belarus – Bạch Nga và Ukraine – Tiểu Nga từng là những phần vô cùng quan trọng và không thể tách rời trong lãnh thổ lịch sử của đế quốc Nga Sa hoàng. Đến thời hiện đại, sau khi Liên Xô tan vỡ, Belarus và Ukraine vẫn là những quốc gia anh em “phên dậu” của nước Nga trong không gian hậu Xô-viết, khi NATO và EU “thừa thắng xông lên”, liên tục bành trướng tầm ảnh hưởng về phía đông, đến sát những vùng trọng địa kề cận nước Nga.

Ukraine – người anh em Slave gắn bó mật thiết, đất tổ của người Nga – đã sớm bị phương Tây lung lạc, để rồi những sự kiện như Maidan hay sự sáp nhập Crimea xảy đến, cùng sự hiện hữu dai dẳng và bền bỉ của các nước cộng hòa độc lập hướng về nước Nga tại Donbass cùng những lãnh thổ miền Đông Ukraine. Tuy nhiên, điều tương tự chưa từng xảy ra tại Belarus.

Cảnh sát phải dùng hơi cay giải tán biểu tình.

Quốc gia này vẫn là đồng minh thân thiết nhất và quan trọng nhất của nước Nga, “quan ải” che chắn một vùng rộng lớn cho biên giới Nga. Minsk vẫn luôn sát cánh với Moskva trong mọi vấn đề, từ khi cùng tham dự Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) đến lúc Liên minh kinh tế Á- Âu (EAEU) do nước Nga lĩnh xướng ra đời.

Và đương nhiên, Moskva sẽ không chấp nhận để bất cứ ai biến Belarus thành Ukraine, không chấp nhận một lần nữa nhìn lửa cháy đến sát vách nhà mình. Trong khi đó, các đơn vị quân đội Belarus được điều động đến biên giới phía Tây ngày 18-8 (có lẽ nhằm răn đe những hoạt động tập trận của NATO tại biển Baltic), cũng như khi mọi lực lượng vũ trang Belarus được lệnh sẵn sàng chiến đấu.

Đừng bao giờ lặp lại Maidan

Hơn 6.700 người bị bắt. Hàng trăm người bị thương bao gồm cả những người biểu tình lẫn các nhân viên công quyền thực thi pháp luật. Nhưng đáng lo ngại hơn, tổng thống Belarus Alexander Lukashenko cáo buộc: Phe đối lập ủng hộ bà Svetlana Tikhanovsya thậm chí đã thành lập một Hội đồng điều phối, như một âm mưu điều khiển các cuộc biểu tình để tiếm quyền và đòi hỏi hủy bỏ kết quả cuộc bầu cử.

Ở cương vị của ông, đương nhiên động thái đó là một sự thách thức không thể chấp nhận được. Và lời tuyên bố của ông ngày 17-8 rằng ông sẵn sàng tổ chức bầu cử lại, nhưng điều đó nhất thiết phải được diễn ra sau khi Hiến pháp mới đã được thông qua, chứ không phải dưới những sức ép từ đường phố - cũng là hoàn toàn dễ hiểu. Trong trường hợp này, tính tôn nghiêm của chính thể đã và đang bị thách thức, kể cả khi người bị thách thức đã tại vị từ năm 1994.

Và nhìn từ một góc rộng hơn, liệu chuyện Minsk “đầu hàng” trước những người biểu tình, để đáp ứng mọi yêu cầu của họ, tổ chức bầu cử lại và tiếp theo là ép Tổng thống Lukashenko ra đi có phải là một tiền lệ hay ho, một điều tốt đẹp cho sự yên bình của cả Belarus lẫn khu vực?

Đương nhiên là không. Những mâu thuẫn nội tại trong xã hội Belarus, đi kèm những toan tính của các thế lực chính trị quốc tế sẽ không thể giải quyết một cách vội vã và khinh suất theo cách đó – cách sẽ mở ra những cánh cửa không lối thoát, khi quyền lực nhà nước bị xem nhẹ và tình trạng hỗn loạn dễ dàng bùng phát trên mọi nẻo đường, khi những phe nhóm chính trị có điều kiện lợi dụng tình hình để thực hiện các tham vọng quyền lực, khi mọi hiềm khích đều có thể dễ dàng biến thành manh động.

Thiên Thư

Đến 16h chiều nay (8/11), Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng vẫn đang khám xét trụ sở Công ty TNHH MTV Tư vấn Đầu tư GFDI (92 đường 29/3, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) để thu thập hồ sơ, tài liệu liên quan đến các hoạt động có dấu hiệu vi phạm pháp luật của công ty này. Hiện có rất nhiều người dân đã tập trung xung bên ngoài tòa nhà văn phòng công ty theo dõi. Nhiều người kêu khóc, đòi Tổng giám đốc Nguyễn Quang Hoàng... “hiện hồn” trả lại tiền. Công an quận Cẩm Lệ đã huy động hàng chục CBCS để đảm bảo ANTT.

Chiều 8/11, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, đã khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam 2 đối tượng: Nguyễn Thị Kim Trang (SN 1970; cư trú quận 3) và Lê Văn Hòa (SN 1977; cư trú quận Tân Bình) là nhân viên tiệm vàng Đức Long (phường 5, quận Tân Bình) về hành vi “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”.

Trước ý kiến cho rằng vì chưa có quy định cụ thể về ngưỡng nợ thuế để áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh, điều này khiến cho nhiều doanh nghiệp và cá nhân không thể dự đoán được liệu mình có nằm trong diện bị tạm hoãn hay không, Bộ Tài chính cho biết sẽ cân nhắc để áp dụng.

Trưa ngày 8/11, Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng đồng loạt tiến hành khám xét khẩn cấp trụ sở chính của Công ty TNHH MTV Tư vấn Đầu tư GFDI và Sở giao dịch của Công ty này tại Đà Nẵng để thu thập tài liệu, chứng cứ liên quan đến việc huy động hàng ngàn tỷ đồng và các hoạt động có dấu hiệu vi phạm pháp luật của doanh nghiệp này.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文