Bí ẩn những phụ nữ Philippines mất tích tại các quốc gia vùng Vịnh
Hai năm trước, Marilyn Restor, một phụ nữ Philippines rời ngôi nhà nằm trong khu phố bụi bặm ở General Santos đến giúp việc cho gia đình giàu có ở Saudi Arabia. Chồng cô, Arnulfo cũng đến Saudi Arabia làm lái xe. Con của Marilyn cũng giống như hàng trăm ngàn đứa trẻ khác trên khắp lãnh thổ Philippines lớn lên mà không có sự chăm sóc của cha mẹ. Marilyn Restor đã rời Philippines đi giúp việc nhiều lần, tuy nhiên, cuộc chia tay này là lần cuối cùng vì cô không bao giờ trở lại.
Gia đình Marilyn Restor đau xót khi nghe tin về cái chết bí ẩn của cô. |
Một hoặc hai lần một tuần, con của Restor sẽ ngồi quanh máy tính xách tay và nói chuyện với mẹ qua Skype. Những người con sẽ nói với mẹ rất nhiều chuyện như bài tập về nhà, kết quả kiểm tra, các mối quan hệ trong lớp học… Đến một ngày, các con của Restor không thể liên lạc được với mẹ của mình. Sau hơn một năm tìm kiếm trong tuyệt vọng, gia đình đã tìm thấy Marilyn trong một nhà xác ở thủ đô Riyadh của Saudi Arabia. Arnulfo, chồng của Restor kể lại rằng, anh nhận được một cuộc gọi điện thoại yêu cầu đến nhà xác thành phố để nhận dạng tử thi. "Marilyn là người phụ nữ mạnh mẽ và khỏe mạnh. Tuy nhiên, khi kéo tấm khăn trắng che mặt, tôi không nhận ra vợ mình, cô ấy rất gầy, dường như chỉ còn da và xương", Arnulfo nói.
Theo Arnulfo thì trong hơn một thập kỷ, Marilyn đã có công việc tốt trong gia đình hoàng gia giàu có ở Riyadh. Số tiền cô kiếm được đủ để trang trải học phí cho các con và trả viện phí cho mẹ ở quê nhà. "Marilyn mất tích vào tháng 6/2014. Cô ấy bị bắt cóc và buộc phải làm việc cho một gia đình khác. Tôi đã tìm được địa chỉ ngôi nhà và tìm cách giải cứu vợ, nhưng bị lực lượng bảo vệ tấn công. Không ai ở Đại sứ quán Philippines hay cảnh sát Saudi Arabia giúp chúng tôi", Arnulfo kể.
Gia đình Marilyn đã yêu cầu sự giúp đỡ từ các cơ quan chính phủ trong nước, nhưng không nhận được sự hỗ trợ. "Chúng tôi tin rằng, Chính phủ có thể cứu Marilyn bất cứ lúc nào, nhưng chúng tôi phải chờ đợi trong vô vọng", Lani, chị gái của Marilyn nói. Lani cho biết thêm, gia đình không nghe bất cứ thông tin gì về Marilyn trong gần 12 tháng, trừ một cuộc điện thoại ngắn ngủi cô gọi cho con trai vào tháng 10-2014. "Marilyn nói rằng, cô ấy ổn và mọi người không cần lo lắng", Lani nói. Tại Saudi Arabia, Arnulfo đã được hỗ trợ vận chuyển thi thể vợ về nước. Tuy nhiên, Arnulfo và các con muốn biết chính xác nguyên nhân về cái chết của Restor. Arnulfo cho rằng, có thể vợ anh đã bị đẩy ngã từ mái nhà xuống.
Ước tính, hiện có 53 triệu người lao động từ các nước nghèo làm giúp việc cho những gia đình giàu có trên thế giới. Tại Philippines, nơi mà 25% dân số sống dưới mức nghèo khổ, nhiều gia đình phải vất vả kiếm tiền cho con cái có thể đến trường thì sức hút từ cơ hội làm việc ở nước ngoài là rất lớn. Hơn 10 triệu người dân nước này hiện đang làm việc tại các quốc gia trên thế giới, nhiều người làm việc ở các quốc gia vùng Vịnh.
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng Philippines, số lượng những vụ việc tương tự như trường hợp của Marilyn có xu hướng gia tăng. Một số phụ nữ biến mất một cách bí ẩn; có trường hợp chết không rõ nguyên nhân, thi thể của họ có dấu hiệu bị ngộ độc hoặc tấn công bằng vũ khí, nhưng được ghi nhận là tự sát hoặc đau tim. "Nhiều nguyên nhân cho rằng, phụ nữ tự tử bằng cách treo cổ hoặc rơi từ tầng cao chung cư. Khi phụ nữ bị chết hoặc mất tích, rất hiếm khi có một cuộc điều tra", Laorence Castillo, một nhân viên của Migrante International - tổ chức phi chính phủ giúp người lao động và gia đình ở Philippines nói.
Nhiều gia đình tìm đến văn phòng chật chội của Migrante ở ngoại ô Manila để tìm kiếm sự giúp đỡ cuối cùng. "Chúng tôi là hy vọng cuối cùng của họ. Họ mong muốn phép màu sẽ xuất hiện, nhưng chúng tôi không thể", ông Castillo vừa nói, vừa chỉ về tập tài liệu khá dày lưu trữ hồ sơ của mình. Ông Castillo cho biết thêm, mỗi ngày, Migrante nhận khoảng 12 cuộc gọi đề nghị giúp đỡ của phụ nữ Philippines trên khắp lãnh thổ Trung Đông. Migrante đã xử lý 14 trường hợp chết bí ẩn trong ba năm qua.
Rothna Begum của Tổ chức Human Rights Watch nói rằng, nhiều phụ nữ Philippines đến những quốc gia giàu dầu mỏ vùng Vịnh làm việc. Để có được thị thực, những phụ nữ này được các gia đình bảo trợ và sau đó không được phép rời bỏ công việc nếu chưa được sự cho phép của người sử dụng lao động. Nếu bỏ việc, người lao động có thể bị phạt hoặc vào tù. Ngoài ra, người lao động cũng khó bảo vệ quyền lợi cho chính mình nếu người sử dụng lao động không trả tiền cho họ.