Bị can Trần Phương Bình và đồng phạm gây thiệt hại cho DAB 9.642 tỉ đồng như thế nào?
Cơ quan CSĐT đề nghị VKS truy tố bị can Trần Phương Bình (nguyên Chủ tịch Hội đồng tín dụng, Tổng Giám đốc DAB) 2 tội "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến ngân hàng", "Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản". 11 đồng phạm từng là cấp dưới, đối tác bị đề nghị truy tố tội danh "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng".
Theo kết luận điều tra, Trần Phương Bình là chủ mưu đã chỉ đạo các hoạt động tín dụng, ngân quỹ đầu tư... gây thiệt hại cho DAB tổng số tiền hơn 9.642 tỉ đồng. Ngoài ra Trần Phương Bình còn chỉ đạo cấp dưới xuất quỹ chi sai nguyên tắc 75,6 tỷ đồng.
Không những thế, Trần Phương Bình còn chỉ đạo thuộc cấp cho 2 tổ chức, 5 cá nhân thuộc nhóm Công ty TNHH Hiệp Gia Phú vay 11 khoản với tổng số tiền là 1.820 tỷ đồng; xuất quỹ chi 78 tỷ đồng, để bị can Bình sử dụng 1.735 tỷ mua 5 tài sản của nhóm TTC và 163 tỷ sử dụng cho mục đích khác, sau đó chỉ đạo cấp dưới lập chứng từ thu khống 1.349 tỷ đồng trả nợ cho 30 khoản vay liên quan đến vụ mua tài sản của nhóm TTC, đầu tư dự án Richland Hill gây thiệt hại 886 tỷ đồng. Trần Phương Bình phải chịu trách nhiệm chính về toàn bộ số tiền hơn 9.642 tỷ đồng do hành vi phạm tội của mình và các bị can khác gây ra.
Hành vi phạm tội của 11 bị can còn lại được xác định:
Nguyễn Thị Ngọc Vân, nguyên Phó Tổng giám đốc đã duyệt, ký tờ trình đề nghị Trần Phương Bình phê duyệt nhóm khách hàng Hiệp Gia Phú vay gần 1.179 tỷ đồng sai quy định gây thiệt hại cho DAB là 2.482 tỷ đồng... và một số nhóm khách hàng khác gây thiệt hại cho DAB với tổng số tiền 3.704 tỷ đồng.
Các bị cáo trong phiên tòa (Trần Phương Bình thứ 3 từ trái sang). |
Nguyễn Hữu Tài, nguyên Giám đốc DAB sở giao dịch đã duyệt, ký tờ trình đề nghị hội sở DAB phê duyệt cho nhóm khách hàng Đồng Tiến vay 265 tỷ đồng sai quy định, gây thiệt hại cho ngân hàng này hơn 393 tỷ đồng.
Tăng Ngọc Linh, nguyên Phó Giám đốc DAB quận 10, đã lập tờ trình đề nghị Ban Tổng Giám đốc cấp tín dụng cho TTC Đà Lạt vay 210 tỷ đồng sai quy định, gây thiệt hại hơn 527 tỷ đồng.
Nguyễn Chí Thiện, nguyên cán bộ tín dụng DAB chi nhánh quận 10 TP Hồ Chí Minh, đã lập tờ trình đề nghị Ban Giám đốc cấp tín dụng cho Công ty Cổ phần Minh MC vay 422 tỷ đồng sai quy định gây thiệt hại 915 tỷ đồng.
Nguyễn Chí Công, nguyên Phó phòng Khách hàng doanh nghiệp, ngân hàng DAB sở giao dịch đã lập và ký tờ trình đề nghị tín dụng cho Công ty cổ phần M&C vay 270 tỷ đồng sai quy định gây thiệt hại 551 tỷ đồng gồm cả tiền gốc và tiền lãi.
Phạm Huy Luận, nguyên Giám đốc DAB chi nhánh quận 4 TP Hồ Chí Minh; Vũ Đức Dũng, nguyên Phó Giám đốc DAB chi nhánh quận 4 và Nguyễn Văn Bảo, nguyên Phó phòng Khách hàng doanh nghiệp đã ký tờ trình đề nghị cấp tín dụng cho Công ty TNHH An Bình An và Công ty cổ phần đầu tư Khải Minh vay với tổng số tiền là 1.000 tỷ đồng sai quy định gây thiệt hại hơn 2.362 tỷ đồng gồm cả gốc và lãi.
Nguyễn Quang Thọ, nguyên Phó Giám đốc DAB chi nhánh quận 4 TP Hồ Chí Minh đã ký tờ trình đề nghị cấp tín dụng cho Công ty cổ phần SuperDeck M&C vay 430 tỷ đồng sai quy định, gây thiệt hại hơn 1.000 tỷ đồng.
Phạm Chiến Quốc, nguyên Phó phòng Khách hàng doanh nghiệp DAB chi nhánh quận 9 TP Hồ Chí Minh đã lập, ký tờ trình đề nghị cấp tín dụng cho Công ty cổ phần SuperDeck M&C cho vay 430 tỷ đồng sai quy định, gây thiệt hại số tiền hơn 1.000 tỷ đồng.
Phùng Ngọc Khánh, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần M&C đã bàn bạc, thống nhất với Trần Phương Bình về việc cho nhóm khách hàng M&C vay đáo nợ, đại diện cho Công ty này ký hồ sơ vay 270 tỷ đồng sai quy định; ký hợp đồng hợp tác đầu tư khống và nhờ 3 người khác sử dụng pháp nhân Công ty TNHH An Bình An, Công ty cổ phần đầu tư Khải Minh và Công ty cổ phần SuperDeck M&C thuộc nhóm khách hàng M&C lập hồ sơ vay 1.405 tỷ đồng đã gây thiệt hại cho DAB tổng số hơn 3.949 tỷ đồng.
Điều đáng nói là cuối năm 2018, Trần Phương Bình đã bị Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh tuyên án chung thân về tội "Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản". Bản án này đã được Tòa án nhân dân tối cao giữ nguyên sau phiên tòa phúc thẩm tháng 5-2019 vừa qua. Đồng thời về dân sự, Hội đồng xét xử buộc Trần Phương Bình bồi thường cho Ngân hàng DAB hơn 27.000 lượng vàng SJC, gần 1.500 tỉ đồng.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước phát hiện DAB có nhiều sai phạm. Trong tổng dư nợ 20.233 tỷ đồng có 7.960 tỷ đồng là nợ khó thu hồi; hơn 5.600 tỷ đồng là nợ không có khả năng thu hồi. Đến tháng 8-2015, DAB bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, buộc kiểm tra kho quỹ. Kết quả xác định kho quỹ hội sở DAB thiếu hụt 2.089 tỷ đồng, 62.154 lượng vàng, kho quỹ Sở giao dịch thiếu hụt 416 tỷ đồng.
Cơ quan tố tụng xác định Trần Phương Bình đã lạm dụng chức vụ, chỉ đạo cấp dưới gây ra hàng loạt sai phạm khiến ngân hàng này thiệt hại 3.608 tỷ đồng. Đây là nguyên nhân chính khiến DAB lỗ lũy kế hơn 31.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm hơn 25.000 tỷ đồng và tổng tài sản thực chỉ còn hơn 47.000 tỷ đồng.