Brazil:

Bắt cựu Tổng Bí thư Công đảng cầm quyền

15:03 07/04/2016
Ngày 1-4, cảnh sát đã bắt cựu Tổng Bí thư Công đảng cầm quyền Silvio Pereira vì bị cáo buộc có liên quan tới vụ tham nhũng ở Tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras. 


Ngoài ra, cảnh sát còn thực hiện 12 lệnh bắt tại Sao Paulo, bắt đầu giai đoạn mới của quá trình điều tra trong vụ tham nhũng tại Petrobras. Cùng ngày 1-4, với 8 phiếu thuận và 2 phiếu chống, Tòa án Tối cao liên bang (STF) Brazil đã quyết định thụ lý điều tra những cáo buộc có liên quan tới cựu Tổng thống Lula da Silva trong vụ tham nhũng tại Tập đoàn Dầu khí quốc gia Petrobras.

Và điều này đồng nghĩa với việc, Thẩm phán Sergio Moro, người đang thụ lý vụ Petrobras phải "ngồi chơi xơi nước". Ông Sergio Moro từng thừa nhận sai lầm khi cho giới truyền thông đăng tải cuộc nói chuyện (nghe lén bất hợp pháp) giữa ông Lula da Silva và Tổng thống Dilma Rousseff. Vì ảnh hưởng của việc này quá lớn nên bà Dilma Rousseff coi hành động của Thẩm phán Sergio Moro mang động cơ chính trị và vi phạm Hiến pháp.

Cựu Tổng Bí thư Công đảng Silvio Pereira.

Trước đó (28-3), Thẩm phán Sergio Moro cho biết, đã nộp lên STF tất cả các tài liệu thu được tại trụ sở chính của Tập đoàn Cơ khí và xây dựng lớn nhất Mỹ Latinh Odebrecht SA, trong đó bao gồm một danh sách hơn 200 chính trị gia bị nghi liên quan đến tham nhũng. 

Theo tờ Folha de San Pablo, cảnh sát đang nghi ngờ Tổng thống Dilma Rousseff đã nhận tiền bất hợp pháp trong chiến dịch tranh cử năm 2014 từ Odbrecht SA. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon bày tỏ lo ngại về tình hình chính trị bất ổn hiện nay và kêu gọi chính giới Brazil tìm biện pháp "hài hòa và hòa bình" để giải quyết các bất đồng.

Cũng trong ngày 1-4, đoàn luật sư của cựu Tổng thống đã yêu cầu STF thông qua việc bổ nhiệm ông Lula da Silva làm Chánh Văn phòng Nội các. Thượng nghị sỹ Jose Serra (từng là bộ trưởng, thống đốc bang, thị trưởng và 2 lần ra tranh cử tổng thống) cảnh báo, việc phế truất Tổng thống Dilma Rousseff sẽ không thể giải quyết được cuộc khủng hoảng chính trị trầm trọng hiện nay và kêu gọi tiến hành cải cách triệt để hệ thống chính trị quốc gia.

Chủ tịch Thượng viện Renan Calheiros thuộc đảng Phong trào Dân chủ Brazil (PMDB), chính đảng lớn nhất vừa tuyên bố rời khỏi liên minh với chính phủ của bà Dilma Rousseff, coi việc PMDB không tham gia trong nội các không phải là một việc làm thông minh. Theo giới truyền thông, sau quyết định của PMDB, Tổng thống Dilma Rousseff đã xem xét khả năng bổ nhiệm các bộ trưởng mới thay thế vị trí của thành viên PMDB trong liên minh cầm quyền, cùng 600 vị trí khác của đảng này trong thành phần chính phủ.

Giới truyền thông đưa tin, bà Dilma Rousseff đang xem xét khả năng tiến hành tổng tuyển cử sớm sau khi PMDB rút khỏi liên minh cầm quyền hôm 29-3. Bởi trong trường hợp này, bà Dilma Rousseff sẽ tránh được việc bị đưa ra xét xử trong một tòa án chính trị tại Quốc hội. PMDB từ bỏ liên minh khiến Tổng thống Dilma Rousseff mất đi 68 phiếu ủng hộ, và bà phải dựa chủ yếu vào các đối tác nhỏ hơn trong liên minh.

Dư luận cho rằng, quyết định rời bỏ liên minh cầm quyền của PMDB tiếp tục làm trầm trọng thêm các bế tắc chính trị tại Brazil, và mở đường cho khả năng luận tội Tổng thống Dilma Rousseff. "Cố vấn trưởng" của bà Dilma Rousseff là ông Jaques Wagner cho biết, Tổng thống sẽ tìm kiếm đồng minh mới cho liên minh và thành lập tân chính phủ sau khi hủy chuyến công du tới Washington để tham dự Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân hôm 1-4. Bà Dilma Rousseff đang tìm kiếm sự ủng hộ của 171 thành viên hạ viện để ngăn quá trình luận tội diễn ra.

Theo giới bình luận, việc mất dần các đảng trong liên minh cầm quyền đang đẩy bà Dilma Rousseff vào thế cô lập, trong khi theo quy định quá trình bỏ phiếu xem xét bãi nhiệm Tổng thống sẽ được tiến hành tại Hạ viện vào trung tuần tháng 4. Theo hãng BBC, Quốc hội có thể tạm đình chỉ chức vụ của Tổng thống Dilma Rousseff vào đầu tháng 5.

Theo luật pháp Brazil, bà Dilma Rousseff vẫn ở lại văn phòng, nhưng chỉ để chờ xem liệu quốc hội có tiến hành bỏ phiếu cho quá trình luận tội, qua đó có thể đưa Phó Tổng thống Michel Temer vào ghế Tổng thống hay không. Thượng nghị sĩ Romero Juca, Phó Chủ tịch thứ nhất của PMDB tuyên bố, Phó Tổng thống Michel Temer đã sẵn sàng dẫn dắt Brazil với các chính sách nhằm khôi phục niềm tin trong kinh doanh, kể cả cắt giảm mạnh chi tiêu công nhằm giải quyết thâm hụt ngân sách của Brazil.

Phó Tổng thống Michel Temer sẽ thay thế bà Dilma Rousseff tiếp tục điều hành đất nước tới hết nhiệm kỳ vào cuối năm 2018 nếu tổng thống bị cách chức. Phe đối lập cần tập hợp đủ 2/3 số phiếu, tức 342 phiếu ở Hạ viện, mới có thể phế truất bà Dilma Rousseff, trong khi ở Thượng viện chỉ cần 41 phiếu. Trong khi đó, Hiệp hội Luật sư Brazil (OAB) cũng đã đệ đơn kiến nghị phế truất Tổng thống Dilma Rousseff.

Nhiệm Bình

* Báo CAND đoạt 2 giải A, 2 giải B Giải Búa Liềm Vàng trong CAND

Chiều 25/12, tại Hội nghị tổng kết công tác đảng năm 2024, phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2025 trong Đảng bộ Công an Trung ương, Bộ Công an đã trao Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa Liềm Vàng) trong CAND và Cuộc thi chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong CAND năm 2024.

Ngày 25/12, TAND TP Hà Nội tiếp tục phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 17 bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu (giai đoạn 2). Sang ngày xét xử thứ hai, Hội đồng xét xử dành thời gian cho các bị cáo và luật sư bào chữa cho các bị cáo tranh luận với đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố tại phiên tòa.

Sáng mai (26/12), TAND cấp cao tại Hà Nội sẽ mở phiên tòa hình sự phúc thẩm xem xét đơn kháng cáo của bị cáo Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC) về việc xin giảm nhẹ hình phạt tù và xin giảm trách nhiệm bồi thường dân sự trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC và các đơn vị liên quan.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文